Những nguyên tắc đạo đức cơ bản trong lẽ sống người quân tử

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng về lẽ sống của người quân tử trong Tứ thư (Trang 47 - 57)

2.2. Những yếu tố cơ bản của lẽ sống người quân tử

2.2.2. Những nguyên tắc đạo đức cơ bản trong lẽ sống người quân tử

Từ việc xác định quân tử là ai, Khổng Tử cũng đã đưa ra yêu cầu về những phẩm chất đạo đức cơ bản của người quân tử. Quân tử là mẫu người người hoàn thiện hoàn mỹ, để trở thành người quân tử đòi hỏi người ta phải phấn đấu để đạt được những phẩm chất đạo đức cơ bản sau.

Quân tử phải là người có đức nhân, đó là lòng thương người, yêu người, một trong những yếu tố cơ bản nhất trong lẽ sống của người quân tử.

Cốt lõi của đạo đức quân tử là nhân, cho nên người quân tử phải giữ lấy đức nhân. Điều quan trọng bậc nhất và quyết định để đạt được đạo và giữ được đạo quân tử là người ta phải có đủ lòng nhân vì “chẳng có đủ lòng nhân để giữ gìn, dẫu mình có được đạo ấy, rồi cũng mất đi” [11, tr.251]. Đối với người thực lòng yêu điều nhân thì không cho điều gì là hơn điều nhân được. Người thật ghét điều nhân, trong khi làm nhân, chẳng để cho điều bất nhân vướng vào mình. Khổng Tử nói: “Đạo nhân đối với người dân còn cần thiết hơn là nước và lửa. Với nước và lửa, ta từng thấy có người giẫm lên mà chết, chứ chưa hề thấy ai giẫm đạp lên đạo nhân mà chết” [18, tr.586]. Nên đã là người quân tử bất kể làm việc gì, vào buổi nào, chốn nào cũng luôn luôn giữ chặt lấy đức nhân và không hề trái đức nhân. Đức nhân là một phẩm chất cao cả, bao gồm nhiều yếu tố, là tổng hợp của nhiều đức tính tốt đẹp. Khi một con người chỉ có một đức tính tốt hay một năng lực cao, thì người đó chưa được gọi là nhân. Khổng Tử đã nói về điều đó khi chuyện trò với đệ tử của mình thế này: người có lòng trung thành với nước, chưa được gọi là nhân; người có đức thanh khiết chưa được gọi là nhân; người có lòng dũng cảm chưa chắc đã có nhân; tài cao chí lớn chưa được gọi là nhân;… Những đức tính tốt đó là những mặt riêng lẻ của nhân. Đức nhân là yếu tố tổng hợp của nhiều đức tính riêng lẻ, nhưng nhân lại biểu hiện ra ở những đức tính riêng lẻ đó. Vì vậy, nhân là tiêu chuẩn rất cao.

Trong Luận ngữ, khái niệm nhân được Khổng Tử nhắc tới nhiều lần và

tùy từng đối tượng, từng hoàn cảnh mà nhân được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Theo nghĩa sâu rộng nhất, nhân là một nguyên tắc đạo đức trong đạo đức triết học Khổng Tử. Nhân được ông coi là cái quy định bản tính con người thông qua lễ, nghĩa; quy định quan hệ giữa người và người từ trong gia

tộc đến ngoài xã hội. Nhân là cái bản chất trong bản tính con người. Tuy

nhiên, trong Luận ngữ sự giải thích trong thiên “Nhan Uyên” có tính chất bao

quát hơn cả. Ở đây, nhân trong quan niệm của Khổng Tử là “ái nhân” (yêu người) [18, tr.493]. Nhân là yêu người, nhưng người nhân cũng còn phải biết ghét người. Với Khổng Tử thì chỉ có người có đức nhân mới biết yêu người và ghét người. Khổng Tử nói: “Chỉ có người nhân mới biết yêu người, biết ghét người (một cách chính đáng)” [18, tr.267].

Coi nhân là yêu người, trong Luận ngữ, Khổng Tử đã dành không ít lời

để nói về đạo làm người. Khi Nhan Uyên hỏi Khổng Tử về nhân, Khổng Tử đã nói: “Dẹp bỏ tư dục, trở về với lễ là phát huy điều nhân. Một ngày dẹp bỏ tư dục, trở về với lễ, cả thiên hạ (chịu cảm hóa) quay về với điều nhân vậy. Điều nhân ở nơi mình, há ở người khác hay sao?” [18, tr.471]. Để giải thích rõ hơn về bản chất của đức nhân, đồng thời chỉ ra chỗ cương yếu của đức nhân và phương pháp làm điều nhân là phải “khắc kỷ phục lễ”. Kỷ là những cái vật chất ở giữa mình, như con mắt, cái miệng, lỗ tai, thân thể người; muốn khắc kỷ trước phải nghiêm khắc với chúng. Hễ cái gì không đúng với đạo lý tức là phi lễ, đã phi lễ tức là tư dục của mình, thì không thể khắc được kỷ, phục được lễ. Cho nên phải hỏi lương tri của mình thường xuyên; nếu “những điều trái lễ chớ nên để mắt nhìn tới, điều trái lễ chớ để vào tai, điều trái lễ chớ nói tới, điều trái lễ chớ động tới” [18, tr.472]. Những cái phi lễ đó đã đoạn tuyệt được rồi thời tức khắc phục lễ. Công phu phục lễ không ở ngoài khắc kỷ, nếu đã loại bỏ hết những điều phi lễ là khắc được kỷ, tức là phục hồi được đạo lý, thế là nhân rồi.

Với Khổng Tử, chỉ có người nhân mới có thể có được cuộc sống an vui, lâu dài với lòng nhân của mình và dẫu có ở vào hoàn cảnh nào, cũng có thể yên ổn, thanh thản. Do vậy, theo ông, “Quân tử từ bỏ đạo nhân, ôi, sao mà nên danh được? Quân tử không bao giờ trái với đạo nhân, dù chỉ trong

khoảng một bữa ăn. Lúc vội vàng cũng vậy, lúc khốn đốn cũng vậy” [18, tr.269]. Như vậy, có thể nói trong quan niệm của Khổng Tử, nhân không chỉ là yêu người, thương người, mà còn là đức hoàn thiện của con người, và do vậy, nhân chính là đạo làm người để sống với mình và sống với người. Với ông, luân lý của con người là nhân, người có đạo nhân là bậc quân tử, nước có đạo nhân thì bền vững như núi sông.

Phát triển tư tưởng về nhân của Khổng Tử hơn nữa, Mạnh Tử đã đưa ra nhiều định nghĩa về nhân: “Nhân là lòng thương người, lẽ thường của sự yêu mến” [19, tr.8]. “Nhân tâm là lòng yêu người” và “nhân văn là có tiếng yêu người mà ai cũng biết” [19, tr.365]. “Nhân là suy từ mình đến người” [20, tr.398],… Theo ông, “người nhân được vinh hiển,kẻ bất nhân chịu ô nhục. Nay người ta ai cũng ghét điều ô nhục, nhưng lại cứ ăn ở bất nhân, thế có khác gì ghét sự ướt át mà cứ ở chỗ thấp” [18, tr.854]; còn nếu “người tự bảo mình ta không thể giữ theo điều nhân nghĩa, gọi là kẻ tự bỏ mình” [19, tr.396]. Mạnh Tử khẳng định “nhân là căn nhà yên ổn cho người cư ngụ vậy” [18, tr.864].

Xem xét một cách sâu sắc hơn về căn nguyên của nhân, Mạnh Tử nói:“Lòng trắc ẩn là đầu mối của điều nhân” [18, tr.861]. Ông còn nói, điều nhân chủ yếu ở yêu người, mà yêu thì không gì thiết thực hơn là yêu cha mẹ. Nên “việc thiết thực của điều nhân là thờ cha mẹ” [19, tr.426]. Vây, nhân là cái lòng biết hổ thẹn của người ta. Người làm điều nhân chỉ trách mình, không oán ghét người hơn mình. Điều nhân xuất phát từ chỗ xem xét lại mình và ở sự gắng sức. Nếu xét lại mình mà thành thực, thì là nhân rồi, còn nếu có điều chưa thành thực, thì làm việc gì cũng phải gắng sức; suy lòng ta ra lòng người, lấy trung thứ mà thi hành không dung túng ý tứ riêng, chỉ điều nhân có thể đạt được. Vì thế, chủ tâm làm điều nhân, không làm điều ác, thì gọi là

thiện, cho nên đức của người quân tử, không gì lớn lao hơn giúp người làm điều thiện.

Quân tử phải là người có nghĩa để đạt đến mục đích cao nhất trong lẽ

sống của người quân tử là làm cho thiên hạ thái bình thịnh trị. Nghĩa là một

phẩm chất đạo đức của người quân tử. Nghĩa có quan hệ chặt chẽ với nhân, nhân biểu hiện thông qua nghĩa, nghĩa là hình ảnh của nhân. Nghĩa và nhân không tách rời nhau, do đó người ta hay nói là nhân nghĩa, chúng giữ vị trí

trung tâm trong phẩm chất đạo đức con người.Nghĩa là gốc của hành vi người

quân tử, vì vậy mà Khổng Tử nói: “Người quân tử lấy đạo nghĩa làm căn bản…” [18, tr.576] và “người quân tử coi điều nghĩa là trên hết” [18, tr.635]. Bậc quân tử làm việc cho đời, do vậy mà không bao giờ làm theo sở thích: thích thì làm, không thích thì bỏ. Người quân tử nương theo lẽ phải, tức là hợp nghĩa thì làm, chứ không việc gì mà người cố ý làm, không có việc gì mà

người cố ý bỏ.Quân tử là người chuyên làm việc nghĩa và noi theo việc nghĩa

mà làm. Để nêu bật vấn đề này, Khổng Tử đã đem đối lập nghĩa với lợi, để tôn thêm phẩm chất cao đẹp của người quân tử. Đạo lý trong thiên hạ và trong mỗi con người chỉ có hai đường: nghĩa và lợi. Trong mỗi sự việc nếu chẳng suy nghĩ và làm theo đường nghĩa thì theo đường lợi, nếu chẳng theo lợi thì ắt theo nghĩa. Nhưng ở vấn đề này, ông không đi sâu mà chỉ nêu qua cho chúng ta thấy và ông ít giảng về việc lợi, vì nếu kể đến điều lợi thì hại điều nghĩa.

Gắn điều nghĩa với điều nhân, với tài lợi và đạo lý nói chung, Khổng Tử nói về bậc thành nhân là người lấy điều nghĩa để chiến thắng điều lợi, cho nên “kẻ sĩ gặp nguy, liều thân, được lợi nghĩ tới điều nghĩa” [18, tr.657]; làm theo điều nghĩa, đó là cách tôn sùng đức tính, nên “người quân tử rành về điều nghĩa, kẻ tiểu nhân rành về điều lợi” [18, tr.278]; bậc quân tử nên dung hòa giữa nhân nghĩa và tài lợi là tốt nhất. Vì vậy, Khổng Tử nói: “Giàu với sang, ai cũng muốn cả; nhưng nếu không vì đạo lý mà được giàu sang, chẳng nên

đặt mình vào cảnh đó. Nghèo với hèn, ai cũng chán ghét cả, nhưng nếu vì đạo lý mà chịu nghèo hèn, chẳng nên từ chối” [18, tr.269].

Ở Mạnh Tử, nghĩa được phát triển cao hơn, sâu sắc hơn. Mạnh Tử đã đưa ra nhiều sự giải thích về nghĩa, có thể coi đó là những “định nghĩa” về nghĩa. “Nghĩa là con đường cái của người ta” [18, tr.1224], “Nghĩa là con đường mọi người phải noi theo” [18, tr.1224],… Mạnh Tử nêu bật tư tưởng về cái gốc hay cái “đầu mối” của nghĩa, đó chính là “lòng tu ố” (thẹn ghét). Bởi vì lòng thương xót, thẹn ghét, người ta ai cũng có, cho nên không ai không có lòng “không nỡ”, lòng không chịu làm, đó là đầu mối của lòng nhân nghĩa. Người mà không có lòng thẹn ghét thì không noi theo điều nghĩa và có thể làm với bất cứ giá nào.

Trong tư tưởng của Mạnh Tử, phẩm chất nghĩa được hiểu là “đường đi”, là con đường chân chính dẫn dắt người ta đi, con đường ngắn nhất để đến đạo quân tử, được gọi là “nhân lộ”. Trong lúc hành đạo, người quân tử phải ra vào, đi lại tất phải noi theo con đường ấy, chỉ có người quân tử là biết đi theo đường ấy, nếu đi chệch ra ngoài thì không còn là người quân tử nữa. Bởi vậy, lòng nghĩa lý không thể gián đoạn, không thể đi chệch. Cũng giống như con đường mòn trên núi, đi nhiều thì đường to dần, nếu bỏ không đi thì cỏ mọc che lấp hết, tức là không còn nhân nghĩa nữa. “Nghĩa là có lòng thẹn ghét”, bởi thế không vì nghèo hèn mà đổi lòng, không vì giàu sang mà dâm dật, đó là tôn việc đức, vui việc nghĩa. Cho nên cùng khốn mà không mất nghĩa là giữ được phẩm giá của mình, do lòng thẹn với nghĩa và ghét điều phi nghĩa mà làm cho người ngay thẳng theo điều nhân nghĩa. “Nghĩa là việc phải làm”, bởi nghĩa là sự tiết chế trong lòng, việc nên làm của mọi sự. Nghĩa là đáng, là nên, là việc nên làm của lẽ trời mà không có những nỗi cong vẹo của lòng ham muốn, cho nên gọi là “đường chính”. Khi người có nghĩa thì chưa lúc nào trễ nải công việc. Hàng ngày ai cũng có việc không chịu làm, biết suy cái

lòng không chịu làm ấy ra đến việc dám làm, thì tức là điều nghĩa. “Nghĩa là những điều mình giữ gìn ngay thẳng”, con người vui với điều nghĩa của mình, thì có thể tự nhiên được, thì tự mình được yên ổn, mà không bị lôi cuốn theo sự cám dỗ của vật ở bên ngoài, do vậy mà giữ được mình ngay thẳng.

Nói về mối quan hệ giữa nhân, nghĩa, lợi, Mạnh Tử cho rằng, người quân tử không phải không muốn có lợi, nhưng muốn có lợi là lợi ở trong nghĩa, làm điều nghĩa để sinh ra lợi thời mới làm, bởi vì mục đích của quân tử chỉ cốt làm điều nghĩa. Đồng thời, tiểu nhân cũng không phải không làm điều nghĩa, nhưng nếu điều nghĩa mà hạn chế bớt lợi thì tiểu nhân sẵn sang bỏ nghĩa, vì mục đích của tiểu nhân chỉ cốt ở lợi. Ông lý giải, nhân nghĩa sẵn có ở trong lòng người, là sự công bằng của lẽ trời, lòng ham lợi sinh ra bởi sự phân biệt mình với kẻ khác là sự tư túi của lòng dục. Theo lẽ trời thì không cầu lợi, mà tự nhiên không việc gì là không có lợi; theo lòng dục thì cầu lợi chưa được mà hại đã theo sau. Để làm gương cho thiên hạ, Mạnh Tử đã khuyên vua Huệ Vương: “Nhà vua hà tất nói tới lợi, chỉ nên nói tới nhân nghĩa mà thôi” [18, tr.712]. Thời bấy giờ, người đời chỉ ham cầu lợi, không muốn làm điều nhân nghĩa, cho nên Mạnh Tử chỉ nói nhân nghĩa mà không nói đến lợi để trừ bỏ tính xấu của kẻ tiểu nhân, để khuyến khích người theo đạo quân tử. Tóm lại, người quân tử là người có phẩm giá cao thượng, thì không vì phú quý, vì danh lợi mà làm điều phi nghĩa. Hễ phải nghĩa thì làm gì cũng không nề hà, mà không phải nghĩa thì dẫu được gì cũng không thiết. Đã là người quân tử thì không bao giờ thấy điều lợi mà bỏ việc nghĩa, nếu làm việc phi nghĩa mà được phú quý, thì đành chịu bần tiện còn hơn.

Quân tử phải là người trọng lễ để có lễ, “phục lễ”, để giữ gìn những

phẩm hạnh của mình và ứng xử, giao tiếp với mọi người. Sở dĩ đòi hỏi người

quân tử phải là người trọng lễ, bởi người không làm đúng lễ thì làm sao mà giao tiếp, hành đạo đúng theo đạo được. Nhân và lễ là hai nội dung hỗ trợ cho

nhau, bổ sung cho nhau trong tư tưởng Khổng Tử. Nhân là tư tưởng chỉ đạo của lễ, lễ là biểu hiện cụ thể của nhân, muốn có nhân thì phải trọng lễ. Có thể nói, nếu như nhân là nội dung thì hình thức của nó là lễ, điều đó không mâu thuẫn với “khắc kỷ, phục lễ vi nhân”. Điều đó cũng phù hợp với đạo quân tử, đã làm thì phải nương theo lễ, coi trọng lễ mới đúng.

Theo Khổng Tử, gốc của lễ là tùy theo mỗi trường hợp cụ thể, chẳng hạn trong cuộc vui chơi thì gốc của lễ là nơi vừa phải, đừng xa hoa thái quá,

còn trong việc tang khó, gốc lễ là ở lòng đau thương. Lễ trong Luận ngữ

những quy định rõ ràng, bao gồm cho nhiều lĩnh vực, từ chỗ ngồi, chỗ đứng, dáng ngồi, dáng đứng cho đến phong cách, cử chỉ, nét mặt, lời nói, cư xử,

giao tiếp,… đều có những quy định. Lễ là quy củ, chuẩn, thẳng của con

người, không nên khiếm khuyết, cũng chẳng nên thái quá. Nếu các tính tốt như cung, thân, dung, trực mà chẳng trúng lễ tiết, đều thành ra những tật xấu. Bởi vậy Khổng Tử lưu ý rằng: “Cung kính mà thiếu lễ thì khó nhọc, cẩn thận mà thiếu lễ thì nhút nhát, cương dũng mà thiếu lễ thì loạn, thẳng thắn mà

thiếu lễ thì nóng gắt” [18, tr.375]. Theo Khổng Tử, lễ không phải là yếu tố

đầu tiên. Trước hết phải trung, tín, nghĩa đã sau mới đến lễ. Điều này được làm rõ khi ông trả lời câu hỏi của ông Tử Hạ, ông Tử Hạ hỏi: “(Ý thầy muốn nói phải có đạo đức) sau mới tới lễ phải không?”. Khổng Tử đáp lại rằng: “Phát khởi được ý ta, chính là trò Thương! (tên ông Tử Hạ)” [18, tr.245]. Vì vậy, đem lễ tiết mà trang sức cho những đức trung, tín, cũng như người thợ đem màu sắc mà tô điểm trên nền trắng vậy.

Một nội dung quan trọng của lễ là ngôi thứ rõ ràng, trên ra trên, dưới ra dưới. Nó đòi hỏi mọi người, nhất là người quân tử phải làm đúng danh phận của mình, đó là tư tưởng “chính danh”. Khổng Tử nói: “Người quân tử suy tính cũng không ra ngoài chức vị của mình” [18, tr.546]. Khổng Tử muốn giúp vua cai trị xã hội theo tư tưởng “chính danh”, do vậy ông đòi hỏi người quân tử phải thực hiện nó một cách nghiêm chỉnh, nhất là quân tử cầm quyền

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng về lẽ sống của người quân tử trong Tứ thư (Trang 47 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(70 trang)