Hạnh phúc lớn nhất của người quân tử

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng về lẽ sống của người quân tử trong Tứ thư (Trang 44 - 47)

2.2. Những yếu tố cơ bản của lẽ sống người quân tử

2.2.1. Hạnh phúc lớn nhất của người quân tử

Người quân tử tu dưỡng, sửa mình, thực hành đạo cai trị nhằm đạt đến hạnh phúc tối cao là “dựng nên vương nghiệp”, được dân, hưởng dân, là làm cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thiên hạ thái bình. Đó là hạnh phúc lớn lao nhất, là ý nghĩa cuộc sống của người quân tử. Nhưng để dựng nên vương nghiệp, có được “đất rộng”, “dân đông” thì người quân tử (nhà vua) cần phải “thi hành nhân chính”, phải biết chung vui với dân, phải coi dân như máu thịt của mình. Chúng ta có thể thấy rõ được điều này khi Mạnh Tử trả lời vua Lương Huệ Vương khi nhà vua đứng trên bờ hồ ngắm cảnh lạc thú và hỏi “người hiền cũng vui hưởng lạc thú này chứ?”.

Mạnh Tử nói: “Phải là người hiền trước đã, sau mới vui hưởng cảnh này. Nếu không phải người hiền, dẫu có cảnh này, cũng không vui hưởng được đâu. Kinh Thi có chép rằng: “Mới cất linh đài, ra công xây dựng. Dân chúng giúp công, mấy lúc mà xong? Mới xây chớ vội! Dân vẫn kéo tới” và “vua Văn vương nhờ sức dân mà xây đài, đào hồ, vậy mà dân lại lấy làm sung sướng, gọi đài của vua là Linh đài, gọi hồ của vua là Linh chiểu, mừng vì vua có hươu, nai, cá, ba ba. Người đời xưa chung vui với dân, nên mới có thể hưởng cảnh lạc thú vậy” [18, tr.716 - 717]. Những đoạn trên đã cho thấy rằng nhà vua muốn hưởng cảnh lạc thú, muốn được lòng dân thì trước hết phải biết thương dân và vui với nỗi vui của dân, buồn với nỗi buồn của dân.

Người quân tử cầm quyền (tức là nhà cai trị) cần phải được lòng dân. Muốn được lòng dân, nhà cầm quyền phải biết cai trị dân theo ‘‘Vương đạo’’ – tức là cai trị dân bằng đạo ngay thẳng, làm theo lẽ phải, không thiên tư, không vụ lợi, lấy nhân nghĩa làm gốc. Chính sách vương đạo trước hết làm cho nước nhà yên ổn, có đạo, dân đươc giàu có, có thế dân mới tín phục đi theo. Vì vậy, nhà cai trị cần phải biết đem cái đức của mình mà bổ hóa ra, tức là dùng đức hạnh, lễ tiết để dẫn dắt dân. Để làm được điều đó, trước hết người quân tử cầm quyền phải là tâm gương sáng về đạo đức. Khổng Tử nói : ‘‘ở trên, nhà cầm quyền giữ đức thanh liêm thì ở dưới, dân chúng sẽ cảm hóa trở nên trong sạch’’[11, tr.191].

Người làm vua phải thi hành nhân chính bởi theo Mạnh Tử “đạo của vua Nghiêu vua Thuấn mà không dựa vào nhân chính thì cũng không thể bình trị thiên hạ” [18, tr.1014]. Và “Kiệt, Trụ, để mất thiên hạ là vì để mất dân, để mất dân là vì để mất lòng người. Muốn được thiên hạ, có đường lối hẳn hoi: hễ được dân là được thiên hạ vậy. Muốn được dân, có đường lối hẳn hoi: hễ được lòng người, là được dân vậy. Muốn được lòng người, có

đường lối hẳn hoi: dân muốn gì cũng đem lại cho thật nhiều, dân ghét gì, chớ đem thi thố, thế thôi” [18, tr.1033]. Vì vậy, người làm vua phải theo lòng dân “điều gì người dân ưa thích, ta cũng ưa thích, điều gì người dân ghét bỏ, ta cũng ghét bỏ. Thế gọi là làm cha mẹ dân” [18, tr.53]. Lòng tự nhiên của dân là muốn điều lành, ghét điều ác, theo cái lòng ấy mà trị dân thì tất là dân yêu mến như cha mẹ. Nếu ông vua nào trị dân mà yêu cái của dân ghét và ghét cái của dân yêu, là làm những điều trái lòng dân, tức là trái mệnh trời, thì người khác được quyền “điếu dân phạt tội”, nghĩa là cứu dân mà đánh người có tội, như vua Thang đánh vua Kiệt, vua Vũ vương đánh vua Trụ vậy. Như vậy, cái quyền của vua đối với dân không khác gì cái quyền người cha đối với các con. Người làm vua trong nước phải có nhân có đức, lo cho dân được an cư lạc nghiệp, được cường thịnh vẻ vang như cha lo cho con vậy. Vua tuy làm chủ tể cả nước, nhưng không được chuyên chế, việc gì cũng phải theo lẽ công bình mà làm. Người trong nước không cứ sang hèn, hễ ai có tài trí là được cất nhắc lên giúp vua mà trị dân. Vua với quan đều lấy sự lợi dân làm chủ đích.

Để dựng nên vương nghiệp thì người quân tử cầm quyền phải bảo bọc dân, phải thi hành nhân chính. Mạnh Tử nói: “Bảo bọc dân để dựng vương nghiệp, thì không ai ngăn cản nổi vậy!” [18, tr.739]. Điều này có nghĩa là người làm vua phải chăm lo cho dân, yêu thương dân cũng như cha mẹ giữ gìn con trẻ. Có như vậy thì mới có được sức mạnh đoàn kết của nhân dân, sẽ là vô địch. Nhưng muốn bảo bọc cho dân thì nhà vua phải “thi hành nhân chính” bằng việc quy định điền sản cho dân để nhân dân có đất đai canh tác, có cuộc sống ấm no sung túc, thiên hạ thái bình “người đầu đốm bạc không phải đội nặng, gánh gồng trên đường sá. Người già được mặc lụa là, được ăn thịt, trai trẻ không đói, không rét, thế mà nước không hưng vượng, là chuyện chưa hề xẩy ra vậy” [18, tr.759].

Người trị dân trị nước là phải chăm lo việc dân, khiến cho dân được sung túc, rồi phải dạy dỗ dân, để cho dân đừng làm điều bậy. Mạnh Tử nói: “Thói thường người dân, hễ có hằng sản mới có hằng tâm, không có hằng sản thì không có hằng tâm, sẽ trở nên buông lung, càn dỡ, việc gì cũng dám làm. Chừng người ta mắc phải tội, cứ vin vào đó để gia hình, thế là giăng lưới bẫy dân vậy. Lẽ nào có chuyện người nhân ở ngôi báu, mà việc bẫy dân cũng dám làm?” [18, tr.932]. Bởi vậy cho nên: “Đấng minh quân qui định điền sản cho dân, ắt phải lo sao cho dân trông lên đủ thờ cha mẹ, nhìn xuống đủ nuôi vợ con, luôn năm được mùa thì suốt đời no bụng, phải năm mất mùa cũng tránh khỏi chết đói, sau đó mới có thể thúc đẩy dân làm việc thiện, do đó dân tuân theo cũng dễ dàng” [18, tr.758].

Tuy nhiên, dựng nên vương nghiệp, có được thiên hạ đất rộng, dân đông,.. chưa phải là niềm vui lớn nhất, chưa phải là hạnh phúc tột cùng của người quân tử. Đối với người quân tử (nhà vua) thì hạnh phúc lớn lao nhất là được hưởng dân, được chung vui với dân. Vì vậy, theo Mạnh Tử người làm vua lúc nào cũng lo đến cái hạnh phúc của dân, cùng với dân mà hưởng sự phú quý, cùng với dân mà chịu sự lo sợ, thì không bao giờ dân bỏ mình được. Điều này được thể hiện rõ khi Mạnh Tử trả lời Tề Tuyên Vương: “Làm người trên của dân mà không chung vui với dân, thì cũng trái lẽ. Vui với niềm vui của dân, sẽ được dân vui với niềm vui của mình; lo nỗi lo của dân sẽ được dân lo nỗi lo của mình. Vui vì thiên hạ, lo vì thiên hạ mà rồi không dựng nên vương nghiệp, là chuyện chưa từng có vậy” [18, tr.778].

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng về lẽ sống của người quân tử trong Tứ thư (Trang 44 - 47)