CHƢƠNG 1 : KẾT CẤU TÁC PHẨM ĐA TUYẾN
1.5. Tình yêu và sự cứu vớt qua tuyến truyện Cachia Aliôsa
Bên cạnh những tuyến truyện chính là các mối tình như trên, trong tác phẩm
Mối tình này tuy không được khắc họa chi tiết, nhưng thông qua đó ta cũng thấy phần nào quan niệm, triết lí của nhà văn về một kiểu tình yêu vừa có nét tương đồng, vừa có nét khác biệt so với những mối tình ở trên.
Cachia là một cô gái xinh đẹp, đáng yêu, được thừa kế một khối tài sản khổng lồ nên đã nhanh chóng lọt vào “tầm ngắm” của lão công tước Vancôpxki. Lão công tước muốn tác thành cho con trai là Aliôsa và Cachia với lòng tham muốn chiếm đoạt tài sản của Cachia. Giữa Cachia và Aliôsa ban đầu là sự sắp đặt nhưng sau đó cũng nảy sinh tình yêu.
Trong mối tình trên, người phụ nữ cũng đóng vai trò chủ động trong tình yêu. Tuy không được miêu tả trực tiếp, nhưng thông qua lời kể lại của Aliôsa, chúng ta cũng biết được chính Cachia là người chủ động biểu lộ tình yêu đối với
anh chàng này: “Cô ấy thú thật là đã bắt đầu yêu anh, rằng cô ấy không hề để ý đến
mọi người và từ lâu đã thích anh, cô ấy có biệt nhãn đối với anh đặc biệt vì tất cả mọi người xung quanh đều giảo quyệt và dối trá, chỉ có anh đã tỏ ra với cô ấy là một con người trung thực và chân thành. Cô ấy đứng lên và nói: “Thôi, cầu chúa phù hộ cho anh, Alêcxây Petrôvits, còn tôi thì nghĩ rằng…”. Cô ấy không nói hết
lời, òa lên khóc và bỏ đi” [7, tr. 198]. Ở đây, ta còn có cảm giác lời thổ lộ của
Cachia rất chân thành và tự nhiên. Chắc hẳn, đằng sau đó phải là một người có tâm hồn trong sáng, thánh thiện. Và càng đi vào sâu trong tác phẩm, ta càng thấy nhận định này hoàn toàn chính xác. Natasa (tình địch của Cachia) nhận định: “Ôi, giá như em được biết Cachia! Giá như em biết rằng cô ta là một tâm hồn dịu dàng,
trong trắng và đôn hậu biết mấy!”[7, tr. 194]. Trong mắt Aliôsa, Cachia là cô gái:
“Cô ấy nghe anh kể với thái độ tò mò và thiện cảm. Đôi mắt cô lúc ấy mới thật kỳ
lạ. Dường như tất cả tâm hồn cô ấy tụ vào đôi mắt. Cô ấy có một đôi mắt xanh
biếc” [7, tr. 197]. Chính Vanhia cũng có ấn tượng tốt đẹp về Cachia: “Ra mở cửa
cho tôi là một cô gái trạc mười chín tuổi, rất xinh đẹp, ăn vận giản dị nhưng hết sức
duyên dáng, trông rất trong trắng, với cặp mắt nhỏ tươi tắn và đầy nhân hậu”[7, tr.
268]. Có thể nói, ở nhân vật này, ta nhận thấy những nét đẹp đôn hậu, trong sáng đến thánh thiện của một phụ nữ Nga.
Mang vẻ đẹp của Đức mẹ, những người phụ nữ ở đây trong tình yêu đóng vai trò giống như “ban phát” yêu thương, trao đi tình cảm, hi sinh cho người mình yêu mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Người phụ nữ xuất hiện với vai trò cứu vớt cho một tâm hồn đang giằng xé mâu thuẫn.
Tình yêu “ban phát” và sự cứu vớt ở nhân vật Cachia được biểu hiện khá phong phú. Trước hết, cô là người vị tha, bao dung khi biết tình cảm của Aliôsa và Natasa mà vẫn dành tình yêu thuần khiết cho Aliôsa. Ở nhân vật này, ta có cảm giác cô xuất hiện giống như một vị Chúa cứu giúp cho mối tình đang đi vào bế tắc kia. Cô vun đắp cho mối tình ấy khi thấy nó có sự rạn nứt, bắt Aliôsa quay về với
Natasa trước khi Natasa quá đau buồn: “… cô ấy cứ hỏi về em, cô ấy nói rằng rất
muốn được làm quen với em, cô ấy còn yêu cầu chuyển lời đến em rằng cô ấy yêu em như người chị em ruột và cũng mong em yêu cô ấy như vậy, và khi biết rằng đã
năm ngày nay anh không gặp em thì lập tức cô ấy bắt anh phải đến ngay với em…”
[7, tr. 197]. Khi được Aliôsa nhờ giúp đỡ, cô cũng sẵn lòng, thậm chí là mặc dù phải hi sinh tình cảm của mình. Điều này thể hiện qua việc Cachia đã tuyên bố trước Vancôpxki sẽ không kết hôn với Aliôsa vì biết tình yêu của cậu dành cho
Natasa. Lão công tước đã kể lại: “Catêrina Phêđôrôpna đã đột ngột bước vào, hết
sức xúc động như người mất hồn. Cô ấy nói thẳng với chúng tôi rằng không thể làm vợ con được. Cô ấy bảo sẽ xin vào tu viện, rằng con đã yêu cầu cô ấy giúp đỡ và
thú thật với cô ấy là con yêu Natalia Nhicôlápna” [7, tr. 203]. Và tấm lòng hi sinh,
sự lo lắng vĩ đại dành cho người mình yêu của Cachia thể hiện rõ ràng, trực tiếp
nhất khi cô hỏi Vanhia: “Trước hết (và quan trọng nhất), xin ông cho biết, theo ý
ông: Aliôsa và Natasa có thể hạnh phúc với nhau không? Tôi cần biết điều đó trước
tiên, để kết luận cuối cùng của tôi phải là do chính tôi xác minh và quyết định” [7,
tr. 457]; trong cuộc trò chuyện với Natasa:
“- Mà nên như vậy… Nếu tiểu thư rất yêu Aliôsa… Thì… tiểu thư yêu cả
hạnh phúc của anh ấy… - Cô ta rụt rè và thầm thì tiếp lời. - Phải, tôi mong cho anh ấy hạnh phúc…
- Chính thế… nhưng vấn đề là ở đấy… Liệu tôi có mang lại hạnh phúc cho anh ấy không? Tôi có quyền nói thế chăng, bởi vì tôi dành anh ấy từ tay tiểu thư.
Nếu như tiểu thư cảm thấy và chúng ta có thể quyết định ngay bây giờ, rằng với tiểu thư anh ấy có thể hạnh phúc hơn thì… thì…
- Điều này đã được quyết định rồi, Cachia thân yêu, bởi chính tiểu thư cũng thấy
đấy, tất cả đã được quyết định rồi. - Natasa khẽ đáp và cúi đầu xuống”[7, tr. 574 - 575].
Và quyết định cuối cùng của Cachia là: “Đừng nguyền rủa tôi. - Cachia thì thầm rất nhanh. - Còn tôi… luôn luôn… hãy tin rằng… anh ấy sẽ hạnh phúc… chúng mình đi
thôi, anh Aliôsa, dẫn em nào! - Cô thốt lên vội vã và cầm lấy tay cậu ta”[7, tr. 577].
Ở đây, khi chắc chắn Aliôsa và Natasa không thể đến được với nhau và không có hạnh phúc, Cachia mới quyết định đến với Aliôsa. Xét ở một khía cạnh nào đó, quyết định này giống như một sự cứu giúp đối với tình yêu đang tan nát kia cũng như trái tim đầy mâu thuẫn của Aliôsa. Kết thúc mối tình này là hai người cũng được ở bên nhau, nhưng hạnh phúc thật không rõ ràng. Cachia trong mối tình này giống như một phụ nữ ban phát tình yêu, cứu giúp Aliôsa khỏi những đau khổ, giằng xé, được giải thoát và nhận được sự thanh thản trong tâm hồn.
Tiểu kết
Ở chương 1, luận văn đã tìm hiểu những thông điệp về tình yêu trong Những
kẻ tủi nhục của Dostoevsky trên bình diện kết cấu tác phẩm. Qua mỗi tuyến truyện,
có thể bước đầu thấy được bức tranh khá đa dạng, phong phú các biểu hiện của tình yêu. Đó có thể là sự khoan thứ của Natasa với Aliôsa, là quá trình tình yêu được thử thách của Natasa và Vanhia, là sự táo bạo, chân thành của Nenli đối với Vanhia… Đương nhiên, sự phân chia này không hoàn toàn rạch ròi. Cách định danh cho mỗi biểu hiện trên chỉ gọi tên được phẩm chất nổi bật nhất. Trong mỗi mối tình còn có sự đan xen nhiều cung bậc, nhiều suy ngẫm khác nhau.
Trong Những kẻ tủi nhục, Dostoevsky thể hiện lòng thương cảm đối với những thân phận bị hạ nhục và bị lăng mạ. Song trong thế giới của chính những con người ấy, ta luôn thấy tình yêu hiện hữu với các biểu hiện khác nhau. Đó không đơn thuần là tình yêu nam nữ, mà hơn thế, là tình yêu của con người với con người – những tâm hồn luôn ngập tràn tình yêu thương và sự bao dung.