CHƢƠNG 2 : NHÂN VẬT DƢỚI GÓC NHÌN THIỆN ÁC
2.5. Aliôsa mâu thuẫn giữa sự ích kỉ cá nhân và tình yêu
Trong tác phẩm Những kẻ tủi nhục, nằm giữa ranh giới cái thiện và cái ác không có nhân vật nào rõ nét bằng Aliôsa. Ở nhân vật này, ta nhận thấy rõ mâu thuẫn giữa sự ích kỉ cá nhân và tình yêu.
Trước hết, Aliôsa hiện lên là một người ích kỉ. Trong hầu hết các mối quan hệ, Aliôsa là kẻ chỉ quan tâm đến tình cảm, cảm xúc của bản thân. Với nhân vật này, bản thân anh ta, cảm xúc của anh ta mới là điều quan trọng nhất. Chính Natasa
đã nói lên điều này: “Em cứ tưởng anh sẽ kể về công việc của chúng mình, té ra anh
chỉ toàn mải kể chuyện anh đã nổi bật ở nhà bá tước Nainxki như thế nào. Ông bá
tước của anh thì can hệ gì đến em?”[7, tr. 186]. Trong trường hợp này, Aliôsa đang
kể lại câu chuyện diễn ra ở nhà Cachia mà anh chàng nói là đã giải quyết xong vấn đề của mình. Nhưng Aliôsa lại chỉ mải kể những chuyện anh ta đã được tiếp đón đặc biệt và tỏa sáng như thế nào khiến Natasa cũng phát bực lên. Có thể nhận thấy, nhân vật này hoàn toàn chỉ biết nghĩ đến bản thân, không để ý gì đến những người xung quanh. Thậm chí, ngay trong sự thú nhận về những lần phản bội Natasa, ta có cảm giác Aliôsa chỉ muốn được giải phóng chính mình, muốn tâm hồn được thanh thản thay vì hối lỗi và sửa đổi. Bằng chứng là anh chàng này vẫn chứng nào tật nấy sau tất cả những thú nhận đầy chân thành. Việc phản bội người mình yêu thương đã thật khó chấp nhận. Ở đây, Aliôsa không chỉ phản bội một lần mà là phản bội nhiều lần. Sau mỗi lần phản bội, anh chàng lại cầu xin Natasa tha thứ, để rồi sau đó lại tiếp tục phản bội cô thêm lần nữa. Nó cho thấy Aliôsa chỉ biết nghĩ đến bản thân, không hề quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc của người khác.
Tương tự, trong quan hệ với Cachia, Aliôsa cũng là một người chỉ biết nghĩ đến bản thân. Ngay từ đầu, anh chàng này đã tâm sự với Cachia về mối tình với Natasa và mong được cô giúp đỡ, muốn cô từ bỏ chính tình cảm của mình. Đây là một yêu cầu xuất phát từ sự ích kỉ của cá nhân. Hơn nữa, sau đó chính Aliôsa cũng không rõ ràng trong tình cảm, làm cho cả hai người anh ta yêu thương là Natasa và Cachia đều bị tổn thương.
Ngoài ra, thói ích kỉ ở Aliôsa còn thể hiện qua việc nhân vật này chỉ biết hưởng thụ, thích hưởng thụ, yếu đuối. Cậu ta được miêu tả là người không có khả năng về kinh tế, hoàn toàn phụ thuộc vào người khác, cụ thể là công tước Vancôpxki - cha của cậu. Đây chính là lí do cậu cũng bị phụ thuộc vào quyền uy của lão công tước, bắt buộc phải nghe theo lời lão. Là người chủ động đề nghị
Natasa bỏ theo mình, nhưng Aliôsa hoàn toàn không có khả năng lo cho cô một cuộc sống bình thường. Anh chàng rơi vào ăn chơi, ưa lối sống chỉ biết hưởng thụ, tiêu xài hoang phí dẫn đến phải bán dần đồ đạc trong nhà, dồn nỗi lo lắng về kinh tế lên cho Natasa. Trong toàn bộ tác phẩm, ta không thấy nhân vật này tự mình kiếm tiền mà chỉ có những cuộc vui chơi, hưởng thụ liên tiếp. Đây là những đặc điểm của chủ nghĩa cá nhân vị kỉ xuất hiện trong xã hội tư bản lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, cũng chính ở nhân vật Aliôsa, ta nhận thấy rõ một kiểu tình yêu vô cùng đặc biệt. Tình yêu ấy tự nhiên, chân thành, không lí do, bồng bột và không chắc chắn. Tình yêu gần giống như sự tin tưởng, tình yêu tuyệt đối của những con chiên dành cho Chúa, nhưng rồi lại chẳng đủ sức để theo tình yêu, sự tin tưởng ấy đến cuối cùng. Với Natasa hay Cachia, Aliôsa đều giống như một đứa trẻ được dẫn dắt vào tình yêu. Anh ta cũng có những cảm xúc yêu thương chân thành và khá mãnh liệt.
Aliôsa khẳng định tình yêu mãi mãi với Natasa: “Anh đã nói là anh không
thích bất cứ một cô vợ nào khác, và anh đã có người của anh rồi, - đó là em. Nghĩa là anh nói toạc cái điều trước nay anh chưa hề nói, nhưng anh mới chuẩn bị để nói điều ấy với ông cụ thôi, còn ngày mai anh sẽ nói chính thức, anh đã quyết định như
vậy”[7, tr. 183]. Anh chàng cũng nhớ thương và quan tâm đến Natasa: “Cô ấy kia
rồi! Cô ấy kia! Lại gặp em, Natasa, con bồ câu bé bỏng, xin chào em, thiên thần của anh! - Cậu ta nói, ngồi xuống bên cô và khao khát hôn tay cô. - Suốt mấy ngày hôm nay anh buồn nhớ em quá! Nhưng dù muốn thì cũng không thể! Không thể tới
được. Em thân yêu của anh! Em hình như gầy đi đấy. Em xanh quá!”[7, tr. 349].
Song có lẽ, điểm nổi bật nhất ở nhân vật Aliôsa này vẫn là sự mâu thuẫn. Aliôsa yêu, nhưng ích kỉ, cho nên đã làm tổn thương những cô gái anh ta yêu. Ngay từ đầu khi đến với Natasa, trong Aliôsa đã xuất hiện mâu thuẫn giữa tình yêu với cô
và thói ích kỉ, ham vui của mình: “Ngoài ra Aliôsa cũng tiêu pha nhiều món khác
lén lút Natasa, cậu vào hùa với bạn bè, phản bội cô và chạy theo hết cô Gioodephin này đến cô Mina khác, song lại vẫn cứ yêu Natasa tha thiết. Cậu yêu cô ta với một sự day dứt trong lòng, lắm lúc cậu ta mặt mũi âu sầu, phiền muộn, tìm đến tâm sự
với tôi rằng cậu tự thấy không bằng cái móng tay của Natasa, rằng cậu thô kệch và
nóng nảy, không thể hiểu cô và không xứng đáng với cô” [7, tr. 151 -152]. Sự mâu
thuẫn trong Aliôsa thật khó lí giải. Người đọc không còn biết đâu mới là bản chất
thực sự của nhân vật này. Ta không thể phủ nhận Aliôsa yêu Natasa chân thành và
tha thiết. Nhưng chính cậu ta lại là người làm cho cô đau khổ bởi sự ích kỉ của mình. Sau này, khi lão công tước buộc Aliôsa kết hôn với Cachia, đầu tiên Aliôsa vẫn là người đầy quyết tâm cùng Natasa bảo vệ tình yêu. Chính anh ta là người
hùng hồn tuyên bố: “Natasa! Đừng bao giờ chúng mình cãi nhau nữa em nhé! Điều
ấy đối với anh luôn luôn hết sức đau lòng! Và lạy trời, làm sao lại có thể nghĩ rằng
anh có thể bỏ được em!”[7, tr. 390]. Nhưng sau đó, Aliôsa đã mâu thuẫn khi không
thể phân biệt được tình yêu của mình đã dành cho ai: “Tôi yêu Natasa đến nỗi có
thể nhảy vào lửa, nhưng chắc anh cũng thấy là tôi không thể hoàn toàn vứt bỏ nơi
ấy…” [7, tr. 403]hay: “Tôi nói thẳng ra rằng tôi rất yêu Cachia, nhưng dù thế nào
và dù cô ấy là ai đi nữa, thì tôi cũng yêu cô ấy, và tôi không thể sống thiếu cô ấy,
thiếu Natasa được, và tôi sẽ chết”[7, tr. 556]. Chính Natasa cũng nhận ra được điều
này: “Anh ấy vẫn yêu em và không bao giờ hết yêu. Nhưng anh ấy cũng yêu Cachia
và sau một thời gian nữa, anh ấy cũng yêu cô ta hơn em”[7, tr. 390]. Sự dễ thay đổi
và không chắc chắn này ở Aliôsa hoàn toàn xuất phát từ sự ích kỉ cá nhân. Anh ta là kẻ tham lam nhưng hèn nhát, chỉ muốn tất cả đều thuộc về mình. Sự ích kỉ ấy có lẽ
thể hiện rõ nhất qua đối thoại với Natasa: “… Thế anh có tiếc cô ấy không? Vì cô ta
yêu anh, chính anh nói rằng anh cũng nhận thấy thế kia mà? - Tiếc, Natasa ạ.
Nhưng cả ba chúng mình sẽ yêu nhau và khi đó… - Và khi đó thì vĩnh biệt!” [7, tr.
199 - 200]. Mong muốn cả ba người sẽ bên nhau của Aliôsa thật hoang đường và nó cho thấy rõ nét nhất sự ích kỉ của nhân vật này.
Trong quan hệ với Natasa, cuối cùng chính Aliôsa là kẻ hèn nhát bỏ cuộc, bỏ người yêu và bỏ chính tình yêu của mình. Trước khi đi cùng Cachia, Aliôsa đã hứa hẹn trở về làm đám cưới. Nhưng kết thúc chỉ có những bức thư gửi về chất chứa đầy mâu thuẫn, mộng mị của một kẻ yếu đuối, ích kỉ, không dám làm điều gì cứu
tình này, cho tất cả những gì mà cậu ta xúc phạm đến cô trong suốt thời gian ấy,
cho những sự phản bội của mình, cho tình yêu với Cachia, cho chuyến ra đi…”[7,
tr. 583] hay: “… Thú thật thẳng ra rằng cậu có tội với Natasa, rằng cậu là một kẻ
đã chết, bất lực không chống nổi ý kiến của ông bố bấy giờ cũng đã về nông thôn. Cậu viết rằng cậu không đủ sức mô tả nỗi đau của mình, cậu cũng thú nhận rằng cậu cũng có thể mang lại hạnh phúc cho Natasa, và bắt đầu chứng minh rằng cả hai rất vừa đôi phải lứa. Cậu kiên quyết và bực bội phản bác lại các lý do của bố. Trong cơn tuyệt vọng, cậu vẽ ra cảnh hoan lạc của một cuộc sống chung của hai người, cậu và Natasa, nếu như lễ cưới được tổ chức, cậu nguyền rủa mình vì tính
nhu nhược và - vĩnh biệt!”[7, tr. 641].
Kết thúc, Aliôsa ở bên Cachia, nhận được tình yêu thương bao dung của cô nhưng dường như mâu thuẫn ở nhân vật này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Những mộng mị, đau khổ về mối tình với Natasa vẫn còn đó. Aliôsa sẽ mãi sống trong đau khổ vì chính sự nhu nhược, hèn nhát đầy ích kỉ của mình. Mâu thuẫn của Aliôsa là mẫu thuẫn giữa ích kỉ cá nhân hay tính chủ nghĩa tư bản và tình yêu. Đây là hai thứ sẽ mãi mãi không bao giờ có sự dung hòa. Bởi vậy, con người chỉ có thể nhận đau khổ khi đứng giữa ranh giới của sự mâu thuẫn ấy. Ở đây, nhà văn muốn gửi gắm một triết lí tình yêu: Đó là tình yêu không dung hòa bất kì sự ích kỉ cá nhân nào, nếu có thì cái ích kỉ ấy sẽ phải vật lộn và đau khổ, mãi mãi không đạt đến tình yêu đích thực. Nói cách khác, Aliôsa không phải nhân vật phản diện, bên trong con người này vẫn còn tồn tại một chút tình yêu thương và cái thiện, cho nên nó vẫn được tình yêu bao chứa mặc dù không được viên mãn hoàn toàn và còn nhiều sự giằng xé. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy một cái nhìn nhân văn của tác giả Dostoevsky khi ông vẫn để cho cái ranh giới thiện - ác một chỗ đứng nhất định trong tình yêu. Có thể thấy, tình yêu ở đây thật bao la và bao dung, tình yêu cũng là chỗ cho những tâm hồn tìm về để đấu tranh với những cái ác, cái ích kỉ còn tồn tại.
Ngoài ra, sự mâu thuẫn trong nhân vật Aliôsa thể hiện rõ cái nhìn “lưỡng trị” về con người của nhà văn. Đó là cái nhìn con người không hoàn toàn ác, cũng không hoàn toàn thiện. Con người ở đây đầy mâu thuẫn và đang đấu tranh giữa cái
ranh giới mỏng manh ấy. Có lẽ, đây là cuộc đấu tranh bền bỉ và suốt đời mà bất kì ai cũng phải trải qua. Bởi có mấy ai là toàn thiện toàn mĩ. Cái nhìn của Dostoevsky ở đây thật chân thực mà sâu sắc.