Tính logic, hệ thống và sự phù hợp của phương pháp nghiên cứu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học ngành khoa học xã hội tại trường đại học khoa học, đại học thái nguyên (Trang 74 - 77)

1.2.2 .Tiêu chí đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học

3.1. Căn cứ xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá KQNC khoa học xã hội ở

3.1.3. Tính logic, hệ thống và sự phù hợp của phương pháp nghiên cứu

Một công trình nghiên cứu khoa học được đánh giá cao khi nó vừa có tính mới, có giá trị lại vừa có tính hệ thống, logic và được tiến hành nghiên cứu bằng những phương pháp phù hợp. Theo Vũ Cao Đàm, kết quả nghiên cứu khoa học như một hệ thống có thể được phân tích ra thành từng bộ phận có mối quan hệ logic cụ thể. Tính logic của KQNC được thể hiện qua sự logic của 5 bộ phận cấu thành đó là: Sự kiện khoa học; vấn đề khoa học; luận điểm khoa học; luận cứ khoa học và phương pháp nghiên cứu.

- Sự kiện khoa học ở đây là những vấn đề xảy ra trong đời sống xã hội và thực tế hoạt động khoa học của trường ĐHKH (trong giảng dạy, quản lý,..) thể hiện qua các mâu thuẫn giữa lý thuyết và thực tế; giữa dạy và học; giữa phương pháp giảng dạy, quản lý hiện tại với kết quả thu được; với mong muốn của người quản lý và khả năng đáp ứng của người lao động; giữa nhu cầu đào tạo với nhu cầu xã hội; giữa nhu cầu về phương tiện, thiết bị giảng dạy với khả năng nguồn vốn tài chính; nhu cầu về giải quyết những vấn đề về năng lực khoa học của người dạy và người học,… Sự kiện khoa học khách quan tất yếu nảy sinh tính cấp thiết của vấn đề khoa học.

- Vấn đề khoa học: là những câu hỏi được đưa ra dựa trên những sự kiện khoa học khách. Vấn đề khoa học khách quan là căn cứ để đưa ra những nhận định sơ bộ có ý nghĩa cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn.

- Luận điểm khoa học: là câu trả lời của tác giả vào vấn đề khoa học. Câu Luận điểm khoa học mang tính khách quan sẽ là căn cứ định hướng toàn bộ nội dung nghiên cứu cho người nghiên cứu.

- Luận cứ khoa học: là những bằng chứng của nhà khoa học có được thông qua lập luận logic hoặc kết quả quan sát/thực nghiệm dùng để chứng minh luận điểm khoa học, gồm có luận cứ lý thuyết và luận cứ thực tiễn. Luận cứ lý thuyết cung cấp cơ sở lý luận cho nghiên cứu còn luận cứ thực tiễn là những chứng cứ quan trọng trong thực tế giúp bảo vệ hoặc bác bỏ luận điểm nghiên cứu. Độ tin cậy của luận cứ phụ thuộc rất lớn vào phương pháp thu thập, xử lý thông tin có phù hợp và được thực hiện một cách nghiêm túc hay không. Tính trung thực trong việc trích dẫn các luận cứ lý thuyết và cũng như trong việc công bố các kết quả quan sát và thực nghiệm để chứng minh luận điểm là biểu hiện cho sự nghiêm túc trong công việc của nhà khoa học.

- Phương pháp nghiên cứu: là cách thức tiến hành để có được luận cứ lý thuyết cũng như luận cứ thực tiễn. Cơ sở cho tính tin cậy và trung thực của KQNC là thông qua mức độ phù hợp và thống nhất giữa các luận cứ và phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu. Bởi thông qua hai chỉ tiêu luận cứ và phương pháp nghiên cứu, cho phép chúng ta xác định được độ tin cậy của KQNC.

+ Luận cứ đã được chứng minh là đủ tin cậy hay không. Các luận cứ lý thuyết và luận cứ thực tiễn được chứng minh (là đủ tính đại diện, tin cậy, xác thực, cập nhật của các số liệu qua kết quả điều tra, khảo sát và các nguồn tư liệu khác được sử dụng và các báo cáo khoa học của đề tài) là tiền đề để đưa lại một KQNC có giá trị cả về mặt thực tiễn và mặt lý thuyết.

+ Phương pháp có đảm bảo rằng những luận cứ đưa ra là đúng đắn về mặt khoa học hay không. Phương pháp thu thập, xử lý thông tin phù hợp và được sử dụng một cách nghiêm túc sẽ là cơ sở cho các luận cứ chân thực của nghiên cứu.

Đây không chỉ là hai chỉ tiêu đo lường giá trị khoa học, tính logic của một nghiên cứu mà thông qua đó còn phản ánh được chuẩn mực đạo đức của người làm

nghiên cứu. Sự xuyên tạc, giả tạo số liệu hay sao chép ý tưởng đều là biểu hiện của sự lệch chuẩn của nhận thức trong khoa học. Kết quả điều tra cho thấy, các giảng viên được hỏi đều cho rằng đây là cơ sở quan trọng cho việc áp dụng những tiêu chí này vào quy trình đánh giá trong thực tế nhằm đem lại một kết quả khách quan và chân thực hơn về chất lượng các KQNC khoa học xã hội tại trường ĐHKH.

Với 100% ý kiến (tương ứng 45/45 người) đồng ý với tiêu chí “luận cứ phải thật sự khách quan và đủ chứng minh giả thuyết, không sao chép, bịa đặt, nhào nặ số liệu để làm luận cứ” và 100% ý kiến cho rằng “các phương pháp được sử dụng phải đủ đảm bảo cho luận cứ đáng tin cậy”. Như vậy, với kết quả điều tra về tầm quan trọng của các tiêu chí đánh giá tính logic của KQNC đã cho thấy có sự tiến bộ tích cực trong nhận thức của các giảng viên (những người đã và đang tham giá công tác đánh giá KQNC).

Các chuẩn mực quan trọng để xem xét chất lượng của KQNC thông qua 5 yếu tố cấu thành cấu trúc logic của KQNC là:

+ Sự kiện khoa học: là phải tồn tại khách quan, không bịa đặt chủ quan. + Vấn đề khoa học: là phải có tính cấp thiết và thực sự là vấn đề khoa học. + Luận điểm khoa học: là phải mới về khoa học, không “ăn cắp”

+ Luận cứ khoa học: là khách quan, không ăn cắp, không gian lận. + Phương pháp nghiên cứu: là phải đảm bảo đưa ra những luận cứ tin cậy. - Các chỉ báo để đánh giá các bộ phận cấu thành KQNC

+ Sự kiện khoa học: Có dựa trên quan sát khách quan hay không? + Vấn đề: Có thật sự cấp thiết không?

+ Giả thuyết: Có dẫn đến một luận điểm mới hay không?

+ Luận cứ: Có thật sự khách quan và đủ minh chứng giải quyết hay không? + Phương pháp: Các phương pháp được sử dụng có đủ đảm bảo cho luận cứ đáng tin cậy hay không?

Năm yếu tố trên tạo thành cấu trúc logic của một KQNC. Các bộ phận này phải đảm bảo tính logic về toàn bộ những vấn đề trong phương hướng nghiên cứu. Một KQNC thật sự có chất lượng khi nhà khoa học triển khai các yếu tố

này một cách hệ thống và logic với nhau trong toàn bộ quá trình nghiên cứu. Một trong 5 yếu tố trên không đảm bảo tính logic với các yếu tố còn lại sẽ làm cho KQNC thiếu đi độ tin cậy. Do vậy, khi đánh giá KQNC chúng ta cần đi xem xét tính logic của 5 yếu tố trên, tính logic của 5 yếu tố này cũng phải được coi là một tiêu chí quan trọng cần đưa vào trong hệ thống tiêu chí đánh giá.

Chất lượng của một công trình nghiên cứu không chỉ thể hiện ở tính hệ thống, sự logic giữa các yếu tố cấu thành cấu trúc của KQNC mà nó còn thể hiện ở việc người nghiên cứu sử dụng các phương pháp nghiên cứu có phù hợp với đối tượng và nội dung nghiên cứu hay không? Do đó, đánh giá chất lượng của KQNC cần phải đánh giá cả sự phù hợp của các phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu đối với đối tượng và nội dung nghiên cứu. Việc đánh giá sự phù hợp của các phương pháp nghiên cứu đối với đối tượng và nội dung nghiên cứu được cụ thể qua các chỉ tiêu sau: mức độ mô tả cụ thể, rõ ràng của các phương pháp nghiên cứu đã được sử dụng để đạt được kết quả nghiên cứu; sự phù hợp của cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu trong quá trình triển khai thực hiện nội dung nghiên cứu để đạt được mục tiêu của đề tài.

Ngoài những căn cứ cơ bản trên, khi đánh giá kết quả nghiên cứu, chúng ta cũng cần phải lưu ý đến đặc thù của các kết quả nghiên cứu hiện nay ở Việt Nam chủ yếu được thực hiện thông qua hình thức hợp đồng nghiên cứu. Do đó, việc xây dựng các tiêu chí đánh giá cũng cần căn cứ vào những cam kết trong hợp đồng như số lượng, khối lượng và chủng loại các sản phẩm của đề tài nghiên cứu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học ngành khoa học xã hội tại trường đại học khoa học, đại học thái nguyên (Trang 74 - 77)