Những giải pháp trong lĩnh vực quản lý nhà nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng đồng thuận xã hội của hồ chí minh đối với việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay (Trang 114 - 120)

2.3.1 .Những giải pháp phát huy vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam

2.3.2. Những giải pháp trong lĩnh vực quản lý nhà nước

Ở Việt Nam hiện nay, Đảng chủ trương xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là phù hợp với lợi ích, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, phù hợp với xu thế của thời đại và tiến bộ xã hội. Điều đó cũng phù hợp với mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa làm cho xã hội ngày càng phát triển đa dạng. Là một nước đa dân tộc, đa tôn giáo nên việc xây dựng sự đồng thuận xã hội trên cơ sở mục tiêu chung giữ vững độc lập thống nhất, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là một yêu cầu khách quan của sự phát triển xã hội và quản lý xã hội.

Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc thể chế hóa những đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng thành chính sách, pháp luật đồng thời tổ chức thực hiện cho có hiệu quả. Nhà nước cần không ngừng hoàn thiện các cơ chế dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, nhất là các quy định về sinh hoạt dân chủ ở cơ sở. Khắc phục mọi biểu hiện vi phạm dân chủ, coi nhẹ dân chủ hoặc coi nhẹ hình thức.Việc tập hợp

các tầng lơp nhân dân, xây dựng sự đồng thuận xã hội không chỉ được hiểu là tập hợp những con người trong nhân dân, mà rộng hơn là tập hợp những ý kiến, kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của nhân dân trong việc xây dựng và thực thi các chủ trương chính sách, do vậy mà thực hiện dân chủ có vai trò rất quan trọng. Trong xã hội hiện đại, dân chủ không chỉ thừa nhận quyền của đa số mà còn thừa nhận quyền của thiểu số; nó chấp nhận sự khác biệt để là nền tảng cho sự phát triển, tiếp thu tất cả những ý kiến khác nhau để dung hợp và tìm ra tiếng nói chung. Xã hội càng dân chủ, quyền con người càng được phát huy, nhận thức về chính trị, xã hội càng cao, do đó xã hội càng dễ đạt đến sự nhất trí mang tính đồng thuận hơn.

Để xây dựng sự đồng thuận xã hội, cần xác định những giá trị chung, cơ bản nhất làm cơ sở xây dựng đồng thuận xã hội. Nêu cao truyền thống yêu nước, trách nhiệm công dân, đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp; giáo dục ý thức, tinh thần xây dựng khối đại đoàn kết, loại trừ những bất đồng, xung đột trong xã hội đóng vai trò quan trọng.

Trong những giá trị truyền thống của dân tộc, “chủ nghĩa yêu nước là sản phẩm tinh thần cao quý nhất của dân tộc Việt Nam, là tư tưởng và tình cảm thiêng liêng, giữ vị trí chuẩn mực cao nhất cúa đạo lý và đứng đầu bậc thang giá trị dân tộc”. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải biết tiếp tục phát huy chủ nghĩa yêu nước trên tinh thần tự lực tự cường, lòng tự hào dân tộc; chuyển tinh thần dũng cảm, thông minh, sáng tạo trong chống ngoại xâm sang xây dựng đất nước, khắc phục nghèo nàn lạc hậu, từng bước vươn lên theo kịp các nước trong khu vực và thế giới. Muốn vậy, Đảng và Nhà nước và các đoàn thể nhân dân cần phải có nội dung, kế hoạch giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho mọi người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Cần tôn vinh nhưng gương tiêu biểu về lòng tự cường dân tộc, quyết tâm chiến thắng nghèo nàn lạc hậu trong công cuộc đổi mới đất nước.

Trong điều kiện đất nước hiện nay, Nhà nước cần quan tâm phát huy tư tưởng, truyền thống gắn bó với cộng đồng: trong họ, ngoài làng và cả xã hội của con người Việt Nam để tạo nên sự đồng tâm, nhất trí đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước.

Thêm vào đó, Nhà nước cần có các chính sách khơi dậy và phát huy tư tưởng nhân ái trong nhân dân để người giàu giúp người nghèo, người lành lặn giúp đỡ người tàn tật, người hạnh phúc giúp đỡ người cô đơn... Nhà nước cần có các chính sách trợ giúp người nghèo, khuyến khích các tổ chức từ thiện ở trong và ngoài nước đóng góp giúp đỡ những cá nhân và gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Sự đồng thuận là tiền đề dẫn đến các phong trào hành động chung trong nhân dân. Mục tiêu đến năm 2020 của Việt Nam là, cơ bản đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại là nguyện vọng chung của đông đảo nhân dân. Phong trào yêu nước hành động vì mục tiêu chung đó là động lực thúc đẩy và tăng cường sự đồng thuận xã hội. Để xây dựng sự đồng thuận xã hội hiện nay cũng cần phải lưu ý, nói đồng thuận không có nghĩa là là không còn khác biệt và mâu thuẫn xã hội. Vì vậy, cần thừa nhận và tôn trọng những ý kiến khác nhau, miễn là không trái với lợi ích chung. Đó là nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, đồng thời cũng là một giải pháp hữu hiệu để tạo nên và duy trì sự ổn định xã hội.

Trong suốt tiến trình cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đánh giá cao tầm quan trọng của liên minh giữa giai cấp công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức. Trong thực tiễn đổi mới đất nước, khối liên minh công - nông - trí thức thực sự đã là nền tảng cho việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và đồng thuận xã hội. Do vậy, củng cố khối liên minh này sẽ tạo ra nền móng vững chắc cho việc xây dựng sự đồng thuận xã hội. Muốn đạt được điều đó, chính sách đóng vai trò quan trọng. Dù là chính

sách quốc gia hay chính sách địa phương cũng phải đáp ứng được lợi ích, nguyện vọng của đa số trong xã hội. Một chính phủ có thể bị thay thế cũng bởi vì không đưa ra được chính sách hợp lòng dân, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội. Nếu đường lối bao gồm những nguyên tắc và định hướng phát triển chung nhất thì chính sách là sự cụ thể hoá và thể chế hoá của đường lối. Việc hoạch định và thực thi có hiệu quả các chính sách, xét cho cùng là tiêu chí căn bản để đánh giá cả hệ thống chính trị. Một hệ thống chính trị vững mạnh thì phải thực hiện được điều đó. Chính sách đúng là một trong những điều kiện để việc thực thi có hiệu qủa. Mà muốn có chính sách đúng thì trước hết phải đề ra đường lối đúng. Một đường lối đúng trước hết là phải phù hợp với quy luật khách quan, hợp lòng dân, phù hợp với hoàn cảnh của đất nước, xu thế phát triển của thời đại. Nhưng điều đó đâu có dễ dàng. Bởi vì nhân dân gồm nhiều giai tầng khác nhau. Một chính sách có thể có lợi cho nhóm người này nhưng lại gây thiệt hại cho nhóm người khác. Để có một chính sách đáp ứng được yêu cầu đồng thuận xã hội, quá trình hoạch định phải dân chủ, tham khảo ý kiến các nhà khoa học, ý kiến nhân dân, chú trọng đặc điểm văn hoá, tâm lý dân tộc, v.v..

Trong quá trình lãnh đạo, Nhà nước cần có những chính sách được nhân dân đồng tình hưởng ứng như phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng sự đồng thuận xã hội, v.v.. Chủ trương, chính sách đúng, thực thi có hiệu quả góp phần quan trọng tạo nên sự đồng thuận xã hội. Khi nhân dân đồng thuận thì chính nhân dân sẽ trở thành cơ sở chính trị - xã hội vững chắc cho sự tồn tại, phát triển của Đảng, Nhà nước. Mỗi chính sách đều hướng tới giải quyết một vấn đề cụ thể của đất nước. Để xây dựng sự đồng thuận xã hội, trong những năm trước mắt, Nhà nước cần chú trọng vào các chính sách: giải quyết việc làm; chống tham nhũng; cải

cách tiền lương; an toàn giao thông; nông thôn (đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo). Đó là những vấn đề nổi cộm, cấp bách, nếu không giải quyết kịp thời sẽ gây khó khăn, cản trở cho việc xây dựng sự đồng thuận xã hội. Hơn nữa, trong giai đoạn mới của đất nước, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các chính sách đối với các giai cấp, tầng lớp, các dân tộc và tôn giáo theo hướng:

Đối với giai cấp công nhân, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh về mọi mặt, phát triển về số lượng, nâng cao ý thức giác ngộ giai cấp, trình độ học vấn, tay nghề, năng xuất lao động, nâng cao năng lực ứng dụng và sáng tạo công nghệ mới, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đối với giai cấp nông dân, thực hiện tốt các chính sách về đất đai, đất rừng, phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, tiêu thụ nông sản hàng hóa, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống, nâng cao dân trí; khắc phục tình trạng bất công giữa nông thôn với thành thị.

Đối với tầng lớp trí thức, cần tạo điều kiện thuận lợi để trí thức tiếp nhận các thành tựu khoa học công nghệ của thế giới, nâng cao trình độ về chính trị. Tôn vinh và đãi ngộ xứng đáng các tài năng khoa học, phát huy trí tuệ của trí thức trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với các tầng lớp, lực lượng xã hội khác, cụ thể như: Đối với thế hệ trẻ, giáo dục, bồi dưỡng toàn diện về chính trị, đạo đức, lối sống, văn hóa, sức khỏe, nghề nghiệp. Giải quyết việc làm, phát huy vai trò xung kích của thanh niên. Đối với phụ nữ, thực hiện tốt pháp luật và chính sách bình đẳng giới, bồi dưỡng và đào tạo nghề nghiệp, nâng cao học vấn, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các cơ quan lãnh đạo, quản lý; chăm sóc và bảo vệ bà mẹ, trẻ em; phát huy vai trò của phụ nữ trong gia đình. Đối với cựu chiến binh, phát huy truyền thống “bộ đội cụ Hồ”, tích cực tham gia bảo vệ Đảng, chính quyền và chế độ xã hội chủ nghĩa; giúp nhau phát triển sản xuất, cải thiện đời

sống, góp phần vào giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Đối với các lão thành cách mạng, những người có công với nước, cán bộ nghỉ hưu, những người cao tuổi, thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm lo sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần, đáp ứng nhu cầu thông tin, phát huy khả năng tham gia đời sống chính trị, các hoạt động xã hội, tham gia giáo dục thế hệ trẻ. Đối với các nhà doanh nghiệp, đề cao vai trò và trách nhiệm trong nền kinh tế quốc dân; khuyến khích kinh doanh và cạnh tranh theo pháp luật, tôn vinh những người sản xuất, kinh doanh giỏi...

Đối với vấn đề dân tộc, cần thực hiện tốt chính sách dân tộc, bình đẳng, đoàn kết, tương trợ cùng phát triển, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, đặc biệt là ở vùng dân tộc ít người; chống phân biệt đối xử, kỳ thị dân tộc.

Đối với vấn đề tôn giáo, thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, quyền theo hoặc không theo tôn giáo nào của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình đẳng theo đúng pháp luật, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào, nghiêm cấm lợi dụng tôn giáo để chống lại an ninh quốc gia.

Đối với đồng bào định cư ở nước ngoài, chăm lo, cung cấp thông tin về quê hương, bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng đồng bào, nâng cao lòng yêu nước, ý thức cộng đồng, tinh thần tự hào và tự tôn dân tộc, giữ vững bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc; khuyến khích kiều bào đóng góp công sức, trí tuệ, tiền của để xây dựng và bảo vệ đất nước.

Đẩy mạnh hơn nữa vấn đề cải cách hành chính. Hoạt động của các cơ quan nhà nước cần đặt nhiệm vụ phục vụ nhân dân lên trên hết, giải quyết đúng đắn và nhanh chóng các yêu cầu của nhân dân. Muốn vậy, hoạt động của nhà nước trong giai đoạn hiện nay cần tập trung vào công tác cải cách hành chính nhằm giảm bớt phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân. Đồng thời, Nhà nước cần có cơ chế phối hợp và đảm bảo các điều kiện cần thiết để Mặt trận và

các đoàn thể nhân dân hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của mình, đặc biệt là việc giám sát xã hội và phản biện xã hội đối với sự lãnh đạo và quản lý đất nước. Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ chính quyền các cấp. Xây dựng phong cách và phương thức công tác của cán bộ cho phù hợp với đạo đức cách mạng đáp ứng yêu cầu xây dựng sự đồng thuận và đoàn kết xã hội.

Cần chú trọng đáp ứng những nhu cầu rất thiết thực của nhân dân. Nếu những nhu cầu thiết thực của nhân dân không được đáp ứng thì điều đó gây cản trở cho sự đồng tâm nhất trí của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Nhân dân rất sáng suốt nên sẽ nhận thức được những thành quả do Đảng, Nhà nước mang lại cho họ và sẽ trở thành chỗ dựa vững chắc cho sự tồn tại của các tổ chức này. Sự đồng thuận xã hội càng đạt được ở mức độ cao thì càng tạo cơ sở chính trị - xã hội vững chắc cho Đảng, Nhà nước. Những giải pháp trên đây nhằm nâng cao vai trò của các giai cấp, tầng lớp, lực lượng xã hội, các dân tộc và tôn giáo, góp phần xây dựng, củng cố sự đồng thuận, đoàn kết không chỉ trong nội bộ từng giai cấp, dân tộc, tôn giáo mà còn trên phạm vi toàn xã hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng đồng thuận xã hội của hồ chí minh đối với việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay (Trang 114 - 120)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(142 trang)