Giấc mơ của nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm nghệ thuật tiểu thuyết báu vật của đời (mạc ngôn) (Trang 41 - 44)

2..2 Thủ pháp kì ảo

2.2.2 Giấc mơ của nhân vật

Giấc mơ là một hoạt động tâm thần, không phụ thuộc vào ý chí, là một trong những miền sâu kín bị khuất lấp khiến chúng ta khó nắm bắt một cách rõ ràng, thường diễn ra trong lúc ngủ.

Văn học Trung Quốc có một bộ phận tác phẩm viết về giấc mộng như Mộng du thiên lão ngâm lưu biệt (Lý Bạch), Mộng Lý Bạch (Đỗ Phủ), Nam Kha mộng (Thang Hiển Tổ), Liêu Trai chí dị (Bồ Tùng Linh), Hồng Lâu Mộng (Tào Tuyết Cần và Cao Ngạc)… tất cả đều để lại những ấn tượng mạnh mẽ trong lòng độc giả.

Trong “Báu vật của đời”, chúng ta cũng bắt gặp rất nhiều giấc mơ, ẩn giấu những điều phi thực kỳ lạ, những khao khát, ham muốn của nhân vật. Qua giấc mộng, Mạc Ngôn cũng tạo nên một xã hội Trung Quốc thu nhỏ vô cùng sống động.

Mộng trong “Báu vật của đời” là những giấc mộng lạ lùng, quái gở. Thượng Quan Lỗ Thị khi mang thai Kim Đồng và Ngọc Nữ thường mơ thấy trong bụng mình là sắt thép, cóc nhái... Những giấc mơ đó gây cảm giác hoang mang, lo sợ, gắn với những dự cảm không lành trong tâm linh. Kim Đồng cũng từng mơ thấy ma hiện hình. Giấc mơ của cậu trước hết là sự ám ảnh những câu chuyện hoang đường mà cậu được nghe kể. Trong những câu chuyện ấy, ma thường xuất hiện ở những ngôi nhà hoang tàn để hại khách qua đường dừng chân nghỉ tại đây. Khách thường là học trò vào kinh ứng thí, đảm lược khí khái hay khách thương thông minh nhanh nhẹn. Nếu khách chính nghĩa ngời ngời, con ma sẽ bị thu phục ngược lại sẽ bị con ma hại chết. Ma trong giấc mơ của Kim Đồng còn ẩn giấu nỗi hoang mang, lo sợ trước hiện thực cuộc sống mà cậu đang trải qua. Chiến tranh đã gây nên tâm lý bất an gieo rắc vào tâm hồn Kim Đồng nỗi ám ảnh về sự ghê rợn.

Giấc mơ đã hữu hình hóa ước muốn của con người. Trong hiện thực, khi ham muốn của con người không được đáp ứng gây nên những ức chế thần kinh và thường được chuyển hóa qua giấc mơ. Với Thượng Quan Lỗ Thị là ước nguyện có một đứa con trai. Xã hội đó nếu không có con trai thì người phụ nữ suốt đời chỉ là nô lệ, sinh được con trai lập tức sẽ thành bà chủ. Cuộc đời Lỗ Thị đã kiểm chứng điều đó. Sau mấy lần sinh đều là con gái, nỗi thất vọng của gia đình Thượng Quan đã chuyển hóa thành không khí nặng nề, u ám. Thượng Quan Lỗ Thị mang nỗi đau đớn, tủi nhục và niềm khao khát có con trai. Chị đã mơ thấy bà Mụ cưỡi kỳ lân, bế hài đồng bụ bẫm ném hài đồng cho chị. “Hài đồng trắng như cục bột, cái chim xinh xinh, kêu lên một tiếng “mẹ” và chui luôn vào bụng mẹ” [34;751] Đó chính là niềm khát khao có một đứa con trai để thay đổi không khí gia đình, giúp chị thoát khỏi tội danh “không biết sinh con trai” đang đè nặng thân phận người phụ nữ này.

Kim Đồng là một người suốt đời treo tư tưởng trên bầu vú. Vì vậy, giấc mơ đầu tiên của Kim Đồng là giấc mơ về bầu vú. Giấc mơ thể hiện khát khao chiếm hữu hai bầu vú. Trong luồng ánh sáng kỳ lạ, Kim Đồng thấy một người phụ nữ tóc dài tha thướt, khuôn mặt lúc giống Lai Đệ, lúc giống Tiên Chim Lãnh Đệ, lúc lại là Kim Một Vú rồi bất ngờ biến thành người đàn bà Mỹ. Trong giấc mơ, người phụ nữ

nói với Kim Đồng rằng, Thượng Đế của anh ta chính là hai bầu vú, cùng Kim Đồng chơi trò rượt đuổi. Anh cố sức đuổi nhưng không theo kịp đôi bầu vú kia. Anh nguyện làm tất cả thậm chí cả ăn phân chó, biến thành chim chỉ để chạm vào hai bầu bú. Có thể nhận thấy, trong giấc mơ của Kim Đồng, những phụ nữ đều là những người quen thuộc để lại ấn tượng sâu đậm đối với anh nhất là ấn tượng về bầu vú. Kim Đồng từng mê mẩn những bầu vú ấy, khao khát được chạm vào chúng, muốn chiếm hữu chúng. Do đó, trong giấc mơ, Kim Đồng đã cố sức vươn tới để chạm vào bầu vú “như đúc bằng khối nạm hai viên ngọc” nhưng rốt cuộc vẫn không được thỏa mãn. Trong giấc mơ của Kim Đồng không có khuôn mặt mẹ. Bởi vì Kim Đồng đã độc quyền sở hữu bầu vú mẹ.

Trong tác phẩm, giấc mơ là nơi để nhân vật trốn tránh hiện thực. Những giấc mơ này thường là những giấc mơ trong khi thức. Kim Đồng bị bọn lưu manh Vu Vân Vũ chặn đánh trên đường đi học về. Yếu đuối, bất lực trước sự cường bạo của bọn chúng, Kim Đồng chìm vào cảm giác sắp lìa bỏ thế giới. Đây chính là cách anh thoát khỏi hiện thực, giải thoát cho mình khỏi sự đau đớn về thể xác, khiếp hãi về tinh thần. Mẹ anh bị Quách Bình Ân đá cho ngã xuống, xách tai cho bà đứng lên rồi lại đá xuống, dậm gót chân lên lưng. Trong nỗi đau khổ vì bất lực, Kim Đồng đã chìm vào thế giới ảo mộng do anh tự vẽ ra. Kim Đồng trở thành người anh hùng trượng nghĩa tiêu diệt kẻ xấu, trừng trị kẻ ác. Vu Vân Vũ, Ngụy Sừng Dê, Trương Rỗ đều run sợ quy phục trước uy nghiêm của người hùng Kim Đồng. Đồng thời giấc mơ này cũng thực hiện ước muốn muốn thay đổi cuộc sống, cách sống hiện tại, sống theo đúng bản lĩnh một trang tu mi nam tử bảo vệ được mình và những người thân xung quanh của một Kim Đồng yếu đuối, bạc nhược. Bức bối vì bị giam lỏng trong nhà, linh hồn Kim Đồng hóa thành chim bồ câu tự do bay lượn trên quảng trường. Kim Đồng không ngờ gặp Cao Đại Đởm đang diễn thuyết về những tệ nạn xã hội, sự tham ô nhiễu loạn của quan chức nhà nước. Những người Cao Đại Đởm lên án có Kim Đồng, Lỗ Thắng Lợi, Cảnh Liên Liên, Hàn Vẹt… đều là những người nhà Thượng Quan. Nếu như trước đây, Kim Đồng bất lực trước hiện tại thì thế giới tâm tưởng là một nơi an toàn để anh ẩn náu nhưng giờ ngay cả không gian

ấy cũng không còn chỗ dung nạp cho anh. Con người hiện đại rơi vào hoàn cảnh cô đơn đến cùng cực.

Giấc mơ có tác dụng tỉnh thức con người. Trong tình cảnh Kim Đồng bị Kim Một Vú đuổi việc, lang thang trên đường phố thì Cảnh Liên Liên đã “rộng rãi” mời Kim Đồng về làm việc tại “Trung tâm nuôi chim phương Đông”. Cô ta đã cung cấp một cuộc sống đầy đủ cho Kim Đồng. Cảnh Liên Liên dẫn Kim Đồng đi tắm hơi, xoa bóp, mua những bộ quần áo đắt tiền, điều riêng một cô gái đến lo liệu cho anh về mặt ăn ở. Cuộc sống như trong mộng khiến Kim Đồng từ ngỡ ngàng đến hoài nghi. Trong giấc mộng chập chờn, anh mơ mình biến thành công bị Cảnh Liên Liên vặt từng cái lông công để tặng người bạn quý. Giấc mơ đã phản ánh sự thực dụng trong quan hệ giữa người với người ở xã hội hiện đại. Quan hệ giữa người đều được tính toán, đong đếm. Việc Cảnh Liên Liên mang lại một cuộc sống xa hoa như trong mộng tất yếu sẽ dẫn đến việc Kim Đồng phải trả món nợ này bằng việc trở thành công cụ để lợi dụng quan hệ thầy trò giữa Kim Đồng và Kỷ Quỳnh Chi- thị trường thành phố nhằm mục đích tạo điều kiện thận lợi cho “Trung tâm nuôi chim phương Đông” vay vốn.

Tất cả giấc mơ ấy đều là sự tái hiện suy nghĩ của con người dưới dạng không tự giác, là những ám ảnh của những điều đã xảy ra và linh cảm về những điều sẽ xảy ra. Trong tác phẩm, Mạc Ngôn thường đưa nhân vật của mình vào những giấc mơ chập chờn, những khoảnh khắc hư trong thực, mê trong tỉnh. Giấc mơ trong tác phẩm là sự sao chép những ham muốn, những tội lỗi và cả những ám ảnh của con người, trong đó có hiện tượng hoán đổi ngôi vị, hóa thân. Tác giả mượn giấc mơ để cho nhân vật tự giác hơn. Tỉnh lại sau giấc mơ, các nhân vật như bừng ngộ và biết ghê sợ cái ác. Nhiều khi chính hư ảo chập chờn, những ám ảnh lại là con đường ngắn nhất để tìm lại nhân tính và khả năng phục thiện của con người.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm nghệ thuật tiểu thuyết báu vật của đời (mạc ngôn) (Trang 41 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)