2..2 Thủ pháp kì ảo
2.3. Nghệ thuật phóng đại
2.3.1 Phóng đại cái chết
Theo cách thông thường, để diễn đạt cái chết, văn học có truyền thống làm giảm nhẹ nó nhằm vơi đi nỗi đau nhưng Mạc Ngôn thì tô đậm nó, không phải để cực tả mà là đóng đanh cái bạo ngược lên, mổ xẻ, phanh phui tận nguồn cái ác. Đến với tiểu thuyết Mạc Ngôn, người đọc được nâng cao cảm xúc hơn là nỗi đau trước cái chết. “Báu vật của đời” miêu tả nhiều cái chết, cái chết nào cũng dữ dội. Từ cái chết của oan ức của Tư Mã Phượng và Tư Mã Hoàng trong buổi đấu tố: “Tư Mã Phượng và Tư Mã Hoàng mỗi đứa bị một phát đạn vào đầu, viên đạn từ trán chui ra gáy, lỗ đạn không sai nhau mảy may [34;308]; của Câm Anh, Câm Em trong bom đạn chiến tranh: “...một nửa đầu thằng Câm Anh không còn nữa. Một lỗ thủng bằng nắm tay trên bụng thằng Câm Em. Chúng chưa chết, giương mắt trắng dã nhìn tôi... ruột thằng Câm Em đùn ra nửa sọt...” [34;347]; đến cái chết của mục sư Maloa: “mục sư Maloa nhào ra khỏi gác chuông, như một con chim khổng lồ gãy cánh, rơi cắm đầu xuống đường phố, óc tung tóe mặt đất như bãi cứt chim mới ỉa” [34;90]; đến cái chết vì một bữa no của hoa khôi Kiều Kỳ Sa: “bụng trương phình như cái chĩnh”; của con người vì danh vọng có thể sẵn sàng đạp lên tất cả thậm chỉ cả thay tên đổi họ, đoạn tuyệt tình thân: “mắt Phán Đệ lòi ra ngoài, lưỡi thè ra quá nửa” [34;545]; của người con chí hiếu bán thân để nuôi gia đình Tưởng Đệ: “Từng đàn giòi vội vã rời khỏi thân thể chị. Chúng cảm thấy máu chị đã đông lại, không thể
hút được nữa” [34;544]; của nữ anh hùng Long Thanh Bình bị ngâm nước lũ: “cái xác nổ tung như một quả bom nổ chậm, thịt da chỉ còn là một đám bầy nhầy, tung tóe trên một diện tích gần nửa mẫu, chỉ còn bộ xương là vướng dây thép gai, nham nhở như bị xẻo bằng dao cùn” [34;524]; của người binh sĩ tự sát giữa chiến trận: “Viên đạn phá vỡ xương chẩm ở sau gáy. Chuột gặm hết tai của anh ta, gặm cả mũi, xương cánh tay trắng hếu như cành liễu bị bóc vỏ” [34;330]. Cái chết nào cũng để lại cho người đọc nỗi ám ảnh ghê rợn. Đặc biệt là cái chết của bà nội Kim Đồng, người đã hành hạ mẹ Kim Đồng trong suốt cuộc đời đắng cay cơ cực và bây giờ đang muốn “ăn sống nuốt tươi” đứa con gái tật nguyền của mẹ, được miêu tả bằng một giọng văn lạnh lùng đến tàn nhẫn: “Vậy là mẹ vác cái chày lên giáng một nhát giữa đỉnh đầu trọc lốc của bà nội... Chỉ một nhát ấy thôi, bà nội co rúm lại, cái đầu nặng nề chững lại trong một thoáng rồi ngoáy đảo lia lịa. Ngọc Nữ bị thân hình đồ sộ của bà nội đè lên, gần như nghẹt thở. Mẹ vẫn vung chày đập lia lịa xuống cái đầu đã nát bét... cái chày cùng với nỗi oán hận chất chứa suốt mấy chục năm, trút xuống đống thịt thối hoắc, từng đàn giòi và chấy tranh nhau rời khỏi cơ thể bà ta. Đầu nứt toác, óc văng tung tóe, mùi tanh tưởi xông lên nồng nặc” [34;783].
Hành động liên tiếp lấy chày đập vào đầu bà nội của mẹ Kim Đồng diễn ra như một quán tính. Lồng vào trong và sau mỗi nhát chày là nỗi khổ đau đắng cay tủi nhục bị dồn nén trong suốt cuộc đời làm dâu. Thêm vào đó là bản năng của người mẹ bảo vệ con trước nguy hiểm có thể tước đi sự sống của đứa con gái bé nhỏ. Ngọn lửa hận thù xưa- nay chồng chồng lớp lớp trỗi dậy giáng xuống đầu bà nội mang sức mạnh hủy diệt ghê ghớm. Mẹ vừa hoảng hốt kéo lại sợi tơ sự sống mong manh của sinh mệnh đứa con bé bỏng vừa quay cuồng trong cơn bão báo thù. Sự sống và cái chết, yêu thương và hận thù cứu sống và giết chết, con gái và mẹ chồng... hai mặt trong từng cặp phạm trù đối lập ấy, mẹ chỉ được chọn một. Thời gian chậm lại như ngưng đọng, mỗi tiếng chày nện xuống là một hành động độc ác và mỗi câu nguyền rủa lại là một lời lí giải cho sự độc ác đó. Bằng cách đưa Kim Đồng – con trai Lỗ Thị vào vị trí người kể chuyện kết hợp với điểm nhìn xoáy vào
tâm lý của bà, hành động đáng lên án của bà mẹ lúc này đã nhận được sự cảm thông của độc giả.
Chính sự cực tả trong khi diễn tả cái chết mà Mạc Ngôn từng bị giới phê bình ở Đại lục phê phán không có ý thức tôn nghiêm với sinh mệnh con người. Thế nhưng nhìn ở một góc độ khác, đây là một lối khám phá hiện thực theo lối khác thường cái chết của nhà văn. Miêu tả phóng đại cái chết là cách thức tiếp cận nguồn cái chết. Phóng đại cái chết cũng là một cách nhìn cuộc đời, nhìn thân phận con người của tác giả. Cái chết càng dữ dội thì nỗi đau về thân phận con người càng lớn. Cuộc sống trong “Báu vật của đời” đầy rẫy những đau thương mất mát khốn khó “sống là kiếp chó, chết là kiếp người” thì cái chết của các nhân vật là một cách giải thoát. Vì vậy những cái chết ghê rợn đó chỉ là những hình ảnh cuối cùng của kiếp sống nhọc nhằn, đau khổ mà thôi. Điều đáng tiếc nuối, xót thương đớn đau lúc này là sự sống chứ không phải cái chết. Kim Đồng vốn là người đa cảm, mẫn cảm nhất trong “Báu vật của đời” vậy mà ngay cả anh cũng lạnh lùng vô cảm trước cái chết thì thật đáng thương. Bởi vì khi bị đẩy đến tận cùng của một cảm xúc nào đó, khi phải quen sống ở một tình cảnh nào đó, người ta thường rơi vào trạng thái chai lì, xơ cứng cảm xúc Chỉ có những trải nghiệm đau xót như hai câu tục ngữ đậm chất Trung Quốc: “mạng người như cỏ rác” và “con người thời loạn không bằng con chó thời bình” đúc kết từ dân gian mới khiến anh mất hết cảm xúc như thế. Đằng sau thái độ của người kể chuyện là sự hiện hữu của bóng dáng thời đại. Đây cũng chính là cái tâm của người cầm bút, là điều nhà văn nhức nhối, trăn trở. Nó như hồi chuông thức tỉnh nhân tính và phục thiện ở con người. Trong tác phẩm, không chỉ có cái chết của con người mà còn có cái chết lớn hơn, đó là cái chết của lý tưởng, của niềm tin nối tiếp nhau làm nên cái kết không có hậu trong tác phẩm. Mỗi một nhân vật đều mang lại cho người đọc một niềm hy vọng, nhưng cuối cùng không một ai có thể vươn vai lên, có khả năng làm đổi thay vận mệnh của cá nhân, của gia đình và dân tộc. Các nhân vật của Mạc Ngôn đều chịu chung kết cục hủy diệt. Mỗi khi có một tia hi vọng lóe lên trong cuộc sống tăm tối của họ thì cũng ngay lập tức bị dập tắt không thương tiếc đến mức như là vô duyên vô cớ. Kim Đồng – đứa con
trai duy nhất mà bà Lỗ phải rất mạo hiểm với số phận cuối cùng mới có được, người đàn ông trụ cột duy nhất của nhà Thượng Quan lại là một kẻ vô dụng và bạc nhược, suốt đời bám vào vú mẹ. Tư Mã Khố đáng mặt anh hùng thì bị hành quyết. Niệm Đệ và Bácbít tưởng đã trốn thoát ra được trời Tây nhưng lại phải chết vì người đàn bà xa lạ. Phán Đệ, Lỗ Lập Nhân, Sa Nguyệt Lượng, là thủ lĩnh của các phe đối kháng, đại diện cho các trường phái chính trị của thời đại, đã bắt gia đình Thượng Quan nghèo khó phải chịu tang. Kiều Kỳ Sa – chị bảy của Kim Đồng được bán cho một người Nga cuối cùng lại lưu lạc về nông trường Lao Cải. Tưởng Đệ tích cóp một đời bán phấn buôn hương mang về cho mẹ bao nhiêu của cải châu báu liền bị cán bộ ủy ban tịch thu tất cả. Tư Mã Lương là một doanh nhân Hoa kiều thành đạt cuối cùng cũng bị phá sản. Lỗ Thắng Lợi lên đến chức Phó Thị trưởng cũng bị tử hình vì tội tham ô. Tất cả họ dù trôi dạt tận phương xa rồi cuối cùng cũng trôi dạt về Cao Mật, chết trên mảnh đất Cao Mật đầy cay đắng, hay phải tiếp tục sống một cách nhọc nhằn trong bế tắc. Đó là những cái dở dang, chưa hoàn thành trong cảm nhận thế giới của chủ nghĩa hậu hiện đại.