Chương 3 : KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT VÀ THỜI GIAN NGHỆ THUẬT
3.2. Thời gian nghệ thuật
3.2.1 Khái niệm thời gian nghệ thuật
Văn học là nghệ thuật của thời gian. Thời gian nghệ thuật là phạm trù đặc trưng của văn học. Theo Trần Đình Sử : “ Thời gian nghệ thuật là một trong những phạm trù quan trọng nhất của thi pháp học bởi vì nó thể hiện thực chất trong sáng tạo của người nghệ sĩ. Nghệ sĩ có thể chọn điểm bắt đầu và kết thúc, có thể kể nhanh hay chậm, có thể kể xuôi hay đảo ngược, có thể chọn độ dài một khoảnh khắc hay nhiều thế hệ, nhiều cuộc đời. Thời gian thể hiện ý thức sáng tạo chủ động, tự do, chủ quan của nghệ thuật” [44; 84].
Các nhà tự sự học đều thống nhất, nhận định mỗi tác phẩm tự sự đều có hai loại thời gian, đó là thời gian của chuyện và thời gian của truyện. Thời gian của chuyện là trạng thái thời gian tự nhiên của sự phát sinh câu chuyện, thời gian của truyện là thời gian tự sự, là trạng thái thời gian thể hiện trong văn bản tự sự. “ Thời gian của chuyện và thời gian tự sự thường có sự sai biệt, cho nên từ xưa đến nay thời gian tự sự đã trở thành một loại diễn ngôn tự sự và sách lược tự sự quan trọng của các nhân vật”[54;132]
Trong phân tích thời gian tự sự, các nhà phân tích thường chú ý đến sự sai lệch giữa thời gian câu chuyện và thời gian kể chuyện biểu hiện ở nhiều cấp độ: trật tự (đảo thuật, dự thuật) khoảng cách ( tóm lược, tỉnh lược, gia tốc, giảm tốc); tần suất ( số lần và số sự kiện được kể).
Câu chuyện trong “Báu vật của đời” đã diễn ra ở thời quá khứ, chúng được tái hiện qua hồi ức nhiều chồng lớp của người kể chuyện với những điểm nhìn bên trong day dứt về một thời đã qua. Tính chất hồi cố và đa điểm nhìn đã làm gãy đổ thời gian vật lý, tác động đến nghệ thuật tổ chức thời gian tự sự khiến cho các hình thức sai trật niên biểu, lối báo trước, ngoái lại, quãng ngưng trở thành đặc điểm của nghệ thuật thời gian “Báu vật của đời”.