Chương 1 : CƠ SỞ LÍ LUẬN
1.4. Quan điểm của Walton về luận cứ trong truyền thông
Thông thường, ngôn ngữ và logic không có mối quan hệ tương 1-1. Có những luận cứ là ngụy biện, không mang tính hiệu lực, các phần của luận cứ không có mối nối kết về mặt logic với nhau, nhưng các phần đó vẫn mạch lạc với nhau, ví dụ như:
(V3) “1+1 =46 là đúng. Các anh công nhận đi, đằng nào tôi cũng sắp chết rồi”
Với logic học, (V3) không hiệu lực vì “1+1=46” và “tôi sắp chết” không quan thiết (irrelevant) với nhau, và (V3) là ngụy biện viện dẫn lòng thương cảm. Nhưng (V3) lại mạch lạc vì người đọc có thể dễ dàng điền thêm giả định bắc cầu rằng “”Tôi” sắp chết vì thế anh ta đang cầu xin mọi người công nhận điều anh ta muốn”. Đây cũng là điều thường gặp trong việc lập luận hàng ngày. Vì thế, sẽ rất khó để xác định mối quan hệ giữa ngụy biện và mạch lạc trong lập luận hàng ngày (everyday argumetation).
Tuy nhiên, trong công trình này, chúng tôi chỉ khảo sát đến việc lập luận trên truyền thông. Walton nhấn mạnh rằng, truyền thông, ở mức độ lí tưởng của nó phải luôn đảm bảo tính khách quan tuyệt đối. Để đạt được mục tiêu đó, các phát ngôn trên truyền thông phải tồn tại dưới dạng các luận cứ logic. Trong đó, người viết/nói thực hiện cuộc đối thoại mang tính lập luận
với công chúng/độc giả/phe đối lập của anh ta nhằm thuyết phục mọi người theo quan điểm của mình. Chính tính chất đối thoại đặc biệt đó, Walton cho
rằng luận cứ trên truyền thông là khu vực nghiên cứu phù hợp với ngụy biện theo lí thuyết dụng hành.
Và vì các đối thoại này là đối thoại mang tính lập luận, nên các giả định được điền thêm ở các đối thoại này cũng phải là một phần của một luận cứ, nó cũng phải mang tính logic – tức là tuân thủ theo các quy tắc hiệu lực của logic. Dựa trên cơ sởđó, khi tập trung vào khảo sát luận cứ trên truyền thông, chúng tôi có thể quyết định được việc luận suy trong các luận cứ này được thực hiện thế nào, giả định bắc cầu nào được chấp nhận và giả định bắc cầu nào khó được chấp nhận. Từ đó là cơ sở quyết định tính mạch lạc hay không của luận cứ trên truyền thông đó. Như vậy, chúng tôi vừa tránh được nhược điểm của hướng tiếp cận “mạch lạc như là luận suy” đã nói ở phần 1.1.1.2 , vừa tận dụng được các phân tích về mặt ngụy biện để xác định tính mạch lạc của luận cứ.
Tựu chung lại, các luận cứ trên truyền thông là phù hợp với việc nghiên cứu quan hệ giữa mạch lạc và ngụy biện trong một luận cứ.
Trong chương hai và chương ba, chúng tôi sẽ dùng khái niệm “không mạch lạc” theo nghĩa người nghe/đọc khó có thể thêm các giả định bắc cầu như một phần của một luận cứ mang tính lập luận (hoặc sử dụng trong hội thoại thảo luận phê phán), vì chúng tôi chỉ xét tới các luận cứ trên truyền thông, mà không xét tới các lập luận hàng ngày (everyday argumetation).