Truyền thống chính trị Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam - cái phổ biến và cái đặc thù 002 (Trang 57 - 61)

1 .Lý do chọn đề tài

7. Kết cấu của luận văn

2.1 Những nhân tố quy định tính đặc thù của nhà nƣớc pháp quyền xã

2.1.1.2 Truyền thống chính trị Việt Nam

Truyền thống yêu nước và cố kết cộng đồng: Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã hình thành và phát triển truyền thống yêu nước và cố kết cộng đồng. Hai truyền thống đó ăn sâu vào huyết quản của từng người con đất Việt và trở thành tiềm thức của dân tộc. Trong báo cáo chính trị của đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai (1951), Bác Hồ viết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khỉ Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi. nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Truyền thống yêu nước và cố kết cộng đồng là một giá trị, một trong những truyền thống quý báu nhất của dân tộc Việt Nam. Nó hình thành và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam. Giá trị, truyền thống này có cội rễ sâu xa từ trong phương thức sinh tồn (phương thức tổ chức xây dựng và quản lý điều hành các công trình thủy lợi - yếu tố sống còn của nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước nói riêng, yếu cầu cố kết chống thiên tai nói chung; yêu cầu đoàn kết chống giặc ngoại xâm...) và từ trong phương thức tổ chức xã hội truyền thống (căn bản dựa trên các cộng đồng gia đình, dòng tộc, làng, liên làng). Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, tinh thần yêu nước và truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái đã được hun đúc, trở thành một giá trị văn hoá chủ đạo và một truyền thống quý báu là nền tảng quan trọng nhất của chủ nghĩa yêu nước - cơ sở và cội nguồn của sức sống và nội lực phát triển của dân tộc Việt Nam.

Hiện nay tư tưởng yêu nước và đoàn kết dân tộc tiếp tục được phát huy trong điều kiện mới. Nếu như trước đây, tinh thần yêu nước truyền thống lấy độc lập dân tộc làm mục tiêu cao nhất với phương châm "tất cả cho tiền tuyến" thì ngày nay, yêu nước phải là gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc là nấc thang để tiến tới mục tiêu cao hơn là mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Để bảo vệ nền độc lập dân tộc, chúng ta cần đẩy mạnh phát triển kinh tế, củng cố tiềm lực quốc phòng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Có xây dựng được một nền kinh tế vững mạnh mới tạo ra cơ sở vật chất - kỹ thuật ngang tầm với trình độ văn minh thế giới. Trong xây dựng kinh tế, yêu nước chính là cố gắng phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện, lao động để làm ra ngày càng nhiều của cải vật chất cho xã hội. Mỗi cá nhân dù ở cương vị nào, cũng phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Lợi ích không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm, biết hưởng các quyền lợi nhưng phải cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Yêu nước trong bối cảnh hiện nay phải gắn liền với độc lập, tự chủ về kinh tế, tạo ra cơ sở cho hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả; mặt khác, hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả sẽ tạo điều kiện cần thiết để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tránh được sự lệ thuộc vào đối tác trong quá trình hội nhập. Yêu nước ngày nay phải kết hợp chặt chẽ với việc chống tham nhũng, bởi vì nó chính là kẻ thù vô cùng nguy hiểm.

Như vậy, yêu nước ngày nay là đem hết tinh thần và nghị lực, sức mạnh và tài năng của từng người, từng tập thể và cả cộng đồng dân tộc để bảo vệ độc lập dân tộc, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong sự phát triển đất nước; vươn lên mạnh mẽ trong sản xuất, kinh doanh theo phương châm "ích nước lợi nhà"; tăng cường đoàn kết dân tộc cùng nhau xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, văn minh.

Hình thành từ sớm, lại được thử thách, khẳng định qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, được bổ sung, phát triển qua từng thời kỳ, theo yêu cầu phát triển của dân tộc và thời đại, tinh thần yêu nước đó trở thành chủ nghĩa yêu nước, cố kết cộng đồng trở thành đoàn kết dân tộc, là giá trị truyền thống cao quý nhất, bền vững nhất của dân tộc ta. Yêu nước đã thực sự trở thành một thứ vũ khí tinh thần có sức mạnh to lớn.

Hiện nay truyền thống yêu nước và đoàn kết dân tộc tiếp tục phát huy những giá trị trong quá trình xây dựng đất nước nói chung và quá trình tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại nói riêng. Với việc tiếp biến tư tưởng nhà nước pháp quyền, truyền thống yêu nước và đoàn kết dân tộc một mặt có những nhân tố phù hợp và thúc đẩy nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam phát triển, mặt khác còn tồn tại những nhân tố chưa phù hợp, chưa thích ứng làm giảm hiệu quả của nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trên thực tế. Truyền thống yêu nước và đoàn kết dân tộc đòi hỏi nhà nước phải giữ gìn và xây dựng đất nước độc lập, tự chủ, mỗi người dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc trong hòa bình, tự do. Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam với bản chất dân chủ nhân dân là hình thức nhà nước phù hợp nhất để phát huy sức mạnh toàn dân trên cơ sở đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Truyền thống thân dân của chế độ phong kiến Việt Nam: Trong suốt quá trình hình thành quốc gia dân tộc Việt Nam, vai trò của nhân dân thể hiện rõ ở mọi mặt của đời sống xã hội, từ những công việc đời thường đến việc lớn như đắp đê, trị thuỷ, ngăn lũ và chống giặc ngoại xâm, nhân dân có một sức mạnh không thể phủ nhận, và sức mạnh ấy bao giờ cũng là sức mạnh của tập thể. Nhiều triều đại phong kiến Việt Nam rất quan tâm tới việc kết hợp lòng dân với ý trời.

Ngược dòng lịch sử, trong các triều đại phong kiến Việt nam, giai đoạn được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là giai đoạn phát triển cao nhất

trong việc xây dựng một mô hình chính quyền thân dân đó là mô hình chính quyền thời Lý - Trần. Sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi, năm 1010 Lý Công Uẩn rời đô về Thăng Long. Tư tưởng trọng dân được khẳng định rõ trong Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn khi đưa ra nhận định “ý dân” cũng được đặt trong mối liên hệ với “mệnh trời”: “Muốn mưu việc lớn, tính kế muôn đời cho con cháu thì trên phải vâng mệnh trời, dưới theo ý dân”.

Tiếp đó, thời kỳ từ 1225 - 1400 là giai đoạn cai trị của nhà Trần. Nhà Trần vẫn dựa vào mô hình chính quyền thân dân, thậm chí đạt đến mức độ hoàn thiện. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến Nhà Trần ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông hung hãn là ở việc nhà Trần biết dựa vào sức mạnh của nhân dân. Có thể nói, tư tưởng dựa vào dân của Trần Hưng Đạo là một minh chứng - một tư tưởng đặc sắc về dân chủ trong lịch sử. Trần Hưng Đạo đưa ra quan niệm “chúng chỉ thành thành” (ý chí của dân chúng là bức thành giữ nước) và tổng kết nguyên nhân thắng lợi như một triết lý dân chủ “vua tôi đồng lòng, anh em hoà thuận, nước nhà chung sức”, đặc biệt khi Trần Hưng Đạo sắp qua đời được Vua Trần hỏi về kế giữ nước ông đã nói rằng: “Thần nghĩ ta thắng giặc giữ là do trên dưới đồng lòng...vì vậy, khoan thứ sức dân làm kế gốc rễ bền, ấy là thượng sách giữ nước”.

Tiếp nối tư tưởng trọng dân trong quan điểm của Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi đã tiếp tục đưa ra những tư tưởng sâu sắc về vai trò cũng như sức mạnh của dân, nâng tư tưởng này lên tầm triết lý. Nguyễn Trãi ví dân như nước, các triều đại phong kiến như con thuyền; thuyền nổi được là nhờ nước, nước có tác dụng chở thuyền nhưng cũng có sức mạnh lật thuyền: “phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ” (thuyền bị lật mới biết sức dân như nước); “Chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân”; khẳng định trách nhiệm của người cầm quyền: “Phàm người có chức vụ coi quan trị dân đều phải theo phép công bằng...đổi bỏ thói tham ô, sửa trừ tệ lười biếng, coi công

việc của quốc gia là công việc của mình; lấy điều lo của sinh dân làm điều lo thiết kỷ”.

Truyền thống thân dân của chế độ phong kiến Việt Nam thể hiện sức mạnh to lớn của nhân dân, đồng thời cho thấy nhà nước phong kiến Việt Nam đã biết phát huy sức mạnh ấy trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đó là bài học kinh nghiệm quý báu đối với việc xây dựng hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt nam hiện nay.

Truyền thống văn hóa Việt Nam là mảnh đất màu mỡ để gieo hạt giống XHCN. Đó là nền tảng để xây dựng một nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đáp ứng nguyện vọng của dân tộc và yêu cầu của thời đại. Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là kết quả của sự tiếp thu sáng tạo tinh hoa văn hóa nhân loại, cải biến nó và tự cải biến mình để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam - cái phổ biến và cái đặc thù 002 (Trang 57 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)