Thế giới đồ vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ viết cho thiếu nhi của phạm hổ (Trang 63 - 73)

5. Cấu trúc luận văn

2.2. Hình tượng trong thơ Phạm Hổ

2.2.3 Thế giới đồ vật

Thế giới đồ vật trong thơ Phạm Hổ thật phong phú và đa dạng, chúng gắn liền với cuộc sống hằng ngày của trẻ em, đó là cái nồi, cái rế, cái chảo, cài cầu chì, đinh, dao, kéo,…Đúng là với Phạm Hổ, thế giới được cấu trúc theo quan hệ tình bạn, mọi vật đều có quan hệ mật thiết với nhau, chúng giúp đỡ nhau và xem nhau như bạn. Cái rế là bạn của cái chảo, cái nồi.

“Nồi nước to đang sôi Chảo mỡ to đang nóng Đặt lên rế bưng đi Hết phải lo sợ bỏng

Ôm lấy nồi lấy chảo Rế như cái đài hoa

Rế ngồi bên đợi chờ”

(Rế)

Rế, nồi và chảo thực sự đã trở thành người bạn thân thiết, chúng biết ôm lấy nhau để không lo bị bỏng và quan trọng hơn là chúng biết đợi chờ nhau để

làm việc có ích cho con người. Bằng biện pháp nhân hóa những động từ “ôm”, “bận nấu”, hay “đợi chờ” như hiện lên mắt người đọc một đôi bạn thân thiết

luôn có nhau trong các cuộc vui chơi, sự gắn bó keo sơn bạn bè như anh em ruột thịt.

Chân thực hơn, gần gũi hơn với các em là một cái thước đo. Phạm Hổ đã khéo léo miêu tả một cách cụ thể rõ ràng thân hình, chất liệu của thước và chức năng của chúng: “Bằng gỗ: Xếp lại! Bằng vải: Cuộn tròn! Thước tôi Đo hết…” (Thước)

Từ định nghĩa về cái thước, tác giả đã cho chúng ta những bài học quý giá trên đời từ công năng của chiếc thước:

“Đo cao Đo thấp ……. Đo dở Đo hay Đo đêm

Đo ngày Thước tôi Đo hết”

Hình dáng và công năng của chiếc thước thì ai cũng biết, song nếu chỉ dừng lại ở đó thì bài thơ khó lòng chinh phục được sự yêu mến của độc giả. Từ chuyện cái thước tác giả nói tới chuyện của người. Thước chính là vật dụng để đo mọi chuẩn mực, đo sự dở hay, vuông tròn, dài ngắn, đúng sai ở đời. Nhà thơ muốn mỗi chúng ta hãy làm một chiếc thước cho chính mình, để hàng ngày có thể đo những việc làm cũng như hành động của chính mình, để từ đó có thể sống đẹp hơn và sống tốt hơn.

Đồng hồ là một vật dụng vô cùng hữu ích đối với con người, nó giúp chúng ta biết làm việc một cách khoa học hiệu quả. Khi nhìn thấy chiếc đồng hồ, trong bé có một sự thắc mắc hoàn toàn có lí và rồi bé lại tự giải thích sự thắc mắc của mình vô cùng thú vị:

“ - Sao hai kim đồng hồ Cái chạy nhanh chạy chậm? - Vì cái này chân dài

- Còn cái kia chân ngắn…!”

Đây là sự lí giải tự nhiên, ngây thơ của trẻ nhỏ, đôi khi những thắc mắc của trẻ con không cần là những điều phức tạp, đó có thể là những điều giản đơn hàng ngày, chỉ cần các em biết đặt câu hỏi, chính là sự thể hiện việc ham học hỏi của các em.

Nội dung về các sự vật xung quanh cuộc sống của con người rất dễ làm

cho thơ khô khan, Phạm Hổ biết rõ điều đó. Nhưng với ý thức “người viết cho thiếu nhi là một nhà văn nhưng đồng thời cũng là một nhà giáo”[22, tr 54 ], Phạm Hổ chấp nhận và tìm cách “thơ hoá”. Hướng giải quyết của ông là khai

đáo và vui tươi. Một chiếc đinh nhỏ vốn quen thuộc trong gia đình được Phạm Hổ khéo léo miêu tả vừa để nêu được hình dáng, đặc điểm, vừa thể hiện nó giống như một cậu bé vui nhộn, nhanh nhẹn, tinh nghịch, hiếu động, tốt bụng, tự hào khi làm được một việc tốt:

“Chân nhọn đầu tà Thân hình thẳng tuột Chôn mình vào cột Chôn mình vào tường Cho chị treo gương Cho em treo ảnh Xong rồi hóm hỉnh Đinh ta tươi tỉnh Nhô đầu nhìn quanh”

(Đinh).

Trong sáu câu thơ đầu của bài thơ, Phạm Hổ đã miêu tả thật chân thực đặc điểm của cái đinh” Chân đinh nhọn, đầu tà, thân hình thẳng tuột luôn được con người đóng vào tường để treo đồ vật. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì cái đinh này không khác gì một cái đinh ngoài hiện thực, cái tài của Phạm Hổ nằm ở ba câu cuối. Phạm Hổ đã thực sự nhìn thấy một chiếc đinh mang theo trong nó

những cảm xúc con người. Khi nó biết là nó hữu ích, nó biết cười “hóm hỉnh”, với vẻ mặt “tươi tỉnh” nó nhìn quanh một lượt về những gì nó giúp ích được cho

mọi người.

Một chiếc Bàn là cũng được đi vào thơ. Chiếc bàn là hàng ngày làm nhiệm

vụ là quần áo cho con người đã dược Phạm Hổ miêu tả rất thực. Nó có hình dáng chậm chạm giống một chiếc xe lu nhưng lại có tình cảm và trách nhiệm cao:

Là quần áo thật phẳng Vải được là đẹp ra …..

Vải dày, lụa lại mỏng Ấy là điều phải lo…”

(Bàn là)

Không chỉ khoe được công việc, cấu tạo, công năng mà còn là một chiếc bàn là có trách nhiệm trong công việc khi nó nhắc nhở người sử dụng về cách là sao cho không bị cháy quần áo. Từ những vật dụng nhỏ bé thôi, Phạm Hổ miêu tả dần dần, nhẹ nhàng đưa vào trong đó những bài học vô cùng quý giá cho các em nhỏ. Bài học về cách làm người có ích cho xã hội, bài học về tính trách nhiệm trong công việc. Không đưa ra thành một câu mệnh lệnh yêu cầu các em phải làm như thế này, thế kia, Phạm Hổ đưa ra những sự việc, sự vật để các em tự biết học tập và làm theo, tự thôi thúc trong trẻ niềm đam mê công việc và tinh thần trách nhiệm.

Một đôi que đan vô tri vô giác được hiện lên như một người chị cả chuyên quan tâm chăm sóc, lo lắng cho mọi người trong gia đình. Tận tình tỉ mỉ chăm lo việc giữ ấm cho từng thành viên, biết được từng người trong gia đình cần gì :

“Mũ đỏ cho bé

Khăn đen cho bà Áo đẹp cho mẹ Áo ấm cho cha Từ đôi que nhỏ Từ tay chị nữa Dần dần hiện ra... ”

Vừa ngộ nghĩnh, vừa trách nhiệm, hình ảnh đôi que đan nhỏ đã mang đến cho trẻ em một bài học về tình yêu thương của các thành viên trong gia đình, cũng như tình cảm, trách nhiệm của những vật dụng đối với con người. Bé sẽ học tập đôi que đan, sẽ biết để ý, sẽ biết quan tâm đến người tân của mình nhiều hơn, giáo dục cho trẻ tình yêu gia đình.

Hình ảnh cái kính cũng dí dỏm, ngộ nghĩnh không kém. Nó như một người cháu ngoan, biết nghe lời và giúp đỡ những người lớn tuổi:

“Tuổi già bịt kín lỗ kim Cái kính giúp bà thấy lại Tuổi già xoá nhòa dòng chữ Cái kính giúp ông đọc ra.. ”.

(Kính)

Một cái kính nhỏ có một công năng lớn, nó làm cho bà thấy lại để làm việc, giúp ông nhìn chữ rõ hơn, ông biết thêm nhiều tin tức mới hơn. Niềm vui như trở lại khi cái kính bên ông bà.

Một chiếc cầu tưởng chừng chỉ biết im lặng bắc đôi bờ để các phương tiện đi qua, nhưng qua cái nhìn dí dỏm của Phạm Hổ, cây cầu như cũng có nỗi niềm riêng, cũng mang trong nó những cảm xúc con người:

“Ai vừa đi qua Tiếng cười rất trẻ ! Xe gì nặng thế ? ”

(Cầu)

Không phải dùng những lời giáo huấn khô khan, sáo rỗng, Phạm Hổ đã thủ thỉ, tâm tình với các em bao điều đáng quý. Đó là những điều rất đỗi quen thuộc, những lời đùa vui nhưng ẩn đằng sau là tình nghĩa sâu nặng, là ý nghĩa nhân sinh.

Hình ảnh cái chổi khác nào một cô nàng nhí nhảnh đáng yêu, thích làm duyên, đam mê nhảy múa và vô cùng chăm chỉ, chịu khó giữ nhà luôn sạch đẹp:

“Thích buộc nhiều thắt lưng Cả đời không đi dép

Chổi múa dạo một vòng Rác trong nhà biến sạch”

(Chổi).

Cùng viết về cái chổi, Võ Quảng cũng có một bài thơ rất hay :

“Rồi chị chổi Quét roặc ! roặc ! Quét xó bếp

Quét gầm giường”

(Chị chổi tre)

Cái chổi của Phạm Hổ có phần đẹp hơn, xinh hơn, điệu đà hơn nữ tính hơn, nhẹ nhàng hơn, bởi cái chổi của Võ Quảng là cái chổi tre nên có phần hơi thô và cứng hơn, nhưng chúng đều có chung một đặc điểm đó là rất chăm chỉ dọn dẹp nhà cửa.

Gương giúp cho người, cho thiên nhiên soi mình trong đó , có gương lớn là gương của thiên nhiên, đất trời , gương nhỏ do con người tạo ra:

“Gương nhỏ trong tay người Gương lớn ở ngoài trời: Cái ao soi sen nở

Cái hồ soi mây trôi…” (Gương)

Nhờ soi được mình mà con người có thể nhận diện được đẹp xấu, dở hay.

Không phải ngẫu nhiên Phạm Hổ lại đặt tên cho tập thơ của mình là “Những chiếc gương nhỏ” và bài “Gương” là bài đầu tiên trong tập thơ đó.

Phạm Hổ dạy trẻ con về giao thông và an toàn giao thông, những loại xe thuộc dòng xe được ưu tiên như xe cứu thương, xe chữa cháy, phương tiện giao thông đường hàng không, đường sắt, biển chỉ đường giúp trẻ nhận biết qua tiếng kêu và màu sắc:

“Nơi này tàu thường qua!” Trước mặt có trường học!” Suốt đời nói mỗi điều Mỗi điều thật có ích!”

(Bảng xin đường)

Hình ảnh chiếc máy bay một phương tiện giao thông hiện đại nhất hiện nay được các em hình dung:

“Có cánh không vỗ cánh Muốn bay, cần kêu to Máy bay : chim sắt lớn…”

(Máy bay)

Vâng thật bất ngờ và dí dỏm, ngây thơ pha thêm chút ngộ nghĩnh của trẻ thơ, mọi thứ xung quanh em hồn nhiên quá. Hình ảnh của một phương tiện tối

tân được các em gọi là “chim sắt lớn” “Cánh quay trên lưng Máy kêu phành phạch Bay lên như nhấc Dừng lại như treo Đỗ xuống như thả

Bay thì hối hả Như sợ ai theo…”

(Trực thăng)

Xe cấp cứu được hiên lên thật rõ nét với màu sắc, đường nét rõ ràng và nó

luôn vang lên tiếng kêu cứu khi khẩn thiết để mọi người ưu tiên đi trước: “Một chữ thập đỏ rực

Tôi đeo giữa trán mình Một ngọn đèn biếc xanh Trên lưng tôi quay

Vừa quay vừa khẩn thiết: Xin nhường đường, tôi qua! Xin nhường đường, tôi qua!”

Không chỉ cung cấp cho các em nhỏ về hình dáng, cách nhận biết, tính chất công việc của xe cứu thương, tác giả còn đưa ra một thông điệp đối với người tham gia giao thông phải biết nhường đường cho xe cứu thương đi trước. Cứu người như cứu lửa, xe cứu thương đã có trong thơ, xe cứu hỏa cũng xuất hiện trong thơ Phạm Hổ với tác phong khẩn trương, nhanh nhẹn, không hề chậm trễ.:

“Mình đỏ như lửa Bụng chứa nước đầy Tôi chạy như bay Hét vang đường phố Nhà nào bốc lửa Tôi dập liền tay Ai gọi chữa cháy

(Xe cứu hỏa)

Hình ảnh chiếc xe cứu hỏa như một anh thanh niên dí dỏm, hài hước, đầy trách nhiệm tuy có hơi ầm ĩ một chút. Cũng giống như bài xe cứu thương, tác giả đã cung cấp cho các em về diện mạo, hình dáng cũng như công năng của chiếc xe cứu hỏa. Và tất nhiên nhiệm vụ của người tham gia giao thông sẽ là nhường đường cho các xe ưu tiên.

Hàng loạt những vật dụng thân thuộc hàng ngày được đưa vào thơ, Phạm Hổ đã cung cấp cho người đọc những công năng, những tính chất, cách nhận biết… và hơn thế là giúp người đọc hiểu được tâm tư cũng như tình cảm của những vật dụng ấy. Những đồ vật biết yêu, biết ghét, biết mệt mỏi…và tận tâm với công việc. Thông qua những vật dụng nhỏ bé hàng ngày tác giả như muốn nhắc nhở các em nhỏ hãy biết sử dụng những vật dụng quanh ta một cách có hữu ích khi biết được tính chất công việc của từng loại vật dụng một.

Tiểu kết

Khép lại hệ thống hình tượng thơ Phạm Hổ, các em đã nhận ra một thế giới được dựng lên bởi rất nhiều những hình tượng hấp dẫn, đặc sắc. Tựu trung lại tất cả đều được lấy cảm hứng từ những điều thân thuộc nhất đối với các em, tất cả đều được xây dựng trên mối quan hệ tình bạn, đó là tình bạn của con người với nhau, của con người với thiên nhiên hay đó là tình bạn của thiên nhiên với thiên nhiên. Tất cả đã thực sự trở thành những người bạn luôn gắn bó, hòa quyện vào nhau. Với bạn thiên nhiên, Phạm Hổ đã dựng lên một bức tranh nhiều màu sắc trong thế giới động vật, thực vật, đồ vật... Với những người bạn là con người, Phạm Hổ đã viết về những em nhỏ hồn nhiên ngây thơ, đáng yêu, tinh nghịch, thích khám phá...Tất cả những hình tượng đó đã được Phạm Hổ khắc họa ở nhiều góc độ khác nhau. Song tựu trung lại vẫn là sự gần gũi, chân thực, sinh động, ngộ nghĩnh, đáng yêu... Từ thế giới hình tượng thơ, Phạm Hổ đã giúp các em hiểu thêm vềcái hay, cái đẹp trong tự nhiên, trong cuộc sống. Từ đó các em càng thêm yêu,trân trọng những gì đang diễn ra xung quanh mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ viết cho thiếu nhi của phạm hổ (Trang 63 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)