Ngôn ngữ mang tính tạo hình cao

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ viết cho thiếu nhi của phạm hổ (Trang 77 - 80)

CHƯƠNG 3 ĐẶC SẮC NGHỆ THUẬT TRONG THƠ PHẠM HỔ

3.1. Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ

3.1.2. Ngôn ngữ mang tính tạo hình cao

Với Phạm Hổ, bên cạnh tình yêu dành cho thơ, ông còn có một niềm đam mê nữa, đó là hội hoạ. Song song với việc sáng tác thơ, Phạm Hổ còn có nhiều tác phẩm hội hoạ. Điều này đã khiến cho trong thơ có hoạ và trong hoạ có thơ. Lấy chất liệu hội hoạ để tạo nên màu sắc trong sáng tác là đặc trưng của thơ Phạm Hổ. Nhiều bài thơ của ông mang đậm tính chất tạo hình với những đường nét rõ ràng và màu sắc lung linh, rực rỡ. Đặc biệt nhà thơ thường viết về thiên nhiên với rất nhiều gam màu khác nhau, sự phối hợp này đã tạo nên nét đa dạng trong ngôn ngữ thơ Phạm Hổ:

“Có cô rong xanh Đẹp như tơ nhuộm Giữa hồ nước trong Nhẹ nhàng uốn lượn Một đàn cá nhỏ Đuôi đỏ lụa hồng Quanh cô rong đẹp Múa làm văn công”

Trong làn nước xanh mát rượi, một cô rong khoác lên mình chiếc áo

màu xanh “như tơ nhuộm” thật đẹp và lãng mạn. Trong sắc màu mát mắt ấy, xuất hiện một đàn cá nhỏ với những chiếc “đuôi đỏ lụa hồng” càng làm cho

không gian thêm hấp dẫn. Sắc màu và vẻ mềm mại của rong kết hợp với màu đỏ, hồng của cá đã tạo nên một nét đẹp hài hoà.Với xiêm y rực rỡ, cô rong và đàn cá đã tạo nên một điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng, cuốn hút. Phạm Hổ hay quan tâm đến các màu sắc có độ sáng mạnh để gây được sự chú ý của trẻ như màu xanh, hồng, đỏ, vàng, trắng, màu xanh của lá, màu vàng của quả thị khi vào độ chín:

“Lá xanh, quả xanh Lặng im trên cành Lá xanh quả vàng Chim chuyền rung rinh”

(Thị)

Màu xanh của lá sung màu đỏ của quả sung, đây là loại quả được biết đến với những nét vẽ rất đặc trưng:

“Lá như bỏng nổ Quả xanh, quả đỏ”

(Sung)

Những quả ổi đời thưởng có thể bé nào cũng được ăn, cũng đã nhìn thấy hàng ngày, nhưng sẽ thấy đúng và yêu hơn khi được “ăn” quả ổi trong thơ Phạm Hổ. Những quả ổi màu hồng, màu trắng thật ấn tượng:

“Đào: ruột hồng Mỡ: ruột trắng”

Gam màu xanh là màu làm “mát mắt” người nhìn, nó gợi nên sự tươi tốt,

phát triển đầy đủ của nhiều loài cây và ta thấy đẹp với hình ảnh của cây bắp cải trong thơ Phạm Hổ.

“Bắp cải xanh, Xanh mát mắt”

(Bắp cải xanh)

Được chơi là một niềm vui lớn đối với bất kì ai, sẽ thật là tuyệt nếu được chơi những món đồ chơi với đầy đủ sắc màu rực rỡ:

“Mèo con nhặt được Năm mảnh gỗ rơi… Trồng hoa, trồng quả Xanh đỏ quanh nhà”

(Năm mảnh gỗ)

Với năm mảnh gỗ thôi cũng đã kích thích được trí tưởng tượng, sự khéo léo của mèo con, thành quả sau một hồi chơi đó là một ngôi nhà mà chính mèo cũng thấy hài lòng, thấy đáng yêu và muốn vào đấy ở.

Những em bé thông minh và sáng tạo hơn, đã biết lấy ống tre để làm chiếc xe kéo, lấy lá mít làm thành cá quẫy:

“Cạnh giường chiếc xe Sơn vàng, sơn đỏ Bốn bánh cao su Chực lăn đây đó”

(Những món đồ chơi)

Chỉ bằng chút màu thôi những ống tre đã trở thành món đồ chơi bé yêu hơn, hứng thú hơn khi được chơi, muốn ôm lấy, muốn gần nó ngay cả khi ngủ. Chỉ đơn sơ vậy thôi cũng đủ làm cho bé thấy vui khi chơi cùng chị để cha mẹ yên tâm đi đánh Tây.

Màu sắc đã làm cho cái lạnh của mùa đông vơi đi nhiều, những tấm áo len mùa đông được dệt bằng một thứ len màu đỏ ấm áp, đẹp mắt:

“Mũ đỏ cho bé Mũ đen cho bà Áo đẹp cho mẹ Áo ấm cho cha Que tre đan mãi Bóng như ngọc ngà”

(Đôi que đan)

Bằng việc sử dụng ngôn ngữ trong sáng cùng với sự kết hợp màu sắc hài hoà, cân đối, thơ Phạm Hổ đã tác động đến tất cả các giác quan của người đọc. Đặc biệt đối với các em nhỏ, việc sử dụng ngôn ngữ đậm màu sắc trong thơ, một mặt giúp các em hình dung ra đối tượng, tư duy, kích thích nhu cầu quan sát của các em. Màu sắc trong thơ chính là điểm nhấn, là hộp màu để tô đậm hơn bài thơ vào trong tâm trí bạn đọc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ viết cho thiếu nhi của phạm hổ (Trang 77 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)