Ngôn ngữ mang đậm tính dân gian

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ viết cho thiếu nhi của phạm hổ (Trang 80 - 84)

CHƯƠNG 3 ĐẶC SẮC NGHỆ THUẬT TRONG THƠ PHẠM HỔ

3.1. Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ

3.1.3. Ngôn ngữ mang đậm tính dân gian

Như nhà thơ Thanh Tịnh từng quan niệm: “Thơ sáng tác cho lứa tuổi nhỏ phải trên cơ sở dân gian, phải hợp với ý thích, ý muốn mong chờ, mong đợi của các em, sau cùng phải có lý có tình, có nghệ thuật. Như thế mới truyền miệng, nhớ lâu và đi xa”[28, 57]. Phạm Hổ đã ý thức được sự tác động và hiệu quả đem

lại của những yếu tố dân gian trong sáng tác cho thiếu nhi. Hơn ai hết ông luôn tự ý thức làm giàu thêm các yếu tố đó trong sáng tác của mình, để không chỉ tạo nên sự gần gũi quen thuộc đối với các em mà còn đồng thời cung cấp thêm cho các em những kiến thức mới về văn học dân gian Việt Nam. Phạm Hổ không chỉ lấy nội dung từ truyện cổ tích, thần thoại, ngụ ngôn ông còn sử dụng đồng dao là chất liệu sáng tác khiến người đọc như bị lạc vào thế giới của văn học dân gian.

Nhà thơ Định Hải đã từng nhận xét về thơ Phạm Hổ như sau: “Thơ anh uyển chuyển, giàu nhạc điệu, gần gũi với đồng dao” [17,tr 624], có đi sâu vào thơ Phạm Hổ ta nhận thấy một đặc điểm không riêng mà lạ.

Nhà thơ Trần Thị Thắng có nhận xét như sau: “Thơ Phạm Hổ dễ thuộc, dễ nhớ bởi nó như những câu đồng dao dân dã, có những gắn bó thường ngày tưởng như rất đỗi bình thường cũng được đưa vào thơ như Mười quả trứng tròn bỗng chốc được đưa vào thơ – bài thơ đơn giản mà ý tứ sâu nặng: Tình mẹ con. Tôi cho đây là nét độc đáo của tác giả Phạm Hổ khi làm thơ cho các em. Tác giả đã vận dụng vốn dân tộc:lối cổ tích, đồng dao, với cả trò chơi và thơ. Tìm các trò “Chơi ú tim”, tìm cả những sinh hoạt hàng ngày của các em bỗng chốc thành thơ” [15,tr 55]

Như đã biết đồng dao “là những câu hát dân gian có nội dung và hình thức phù hợp với trẻ em, thường do trẻ hát lúc vui chơi. Đặc biệt, có thể do người lớn sáng tác, nhưng nhiều trường hợp do trẻ em sáng tác”.[1,tr 107]

Sử dụng đồng dao là nguyên liệu sáng tác, một hình thức khá phổ biến, Phạm Hổ không phải là người đầu tiên sử dụng nghệ thuật này. Trước ông các

bậc tiền bối cũng đã sử dụng và rất thành công như Tú Mỡ với Mùa Xuân, Định Hải với Chồng nụ chồng hoa, Lữ Huy Nguyên với Chi chi chành chành…. Nắm

được ưu điểm của lối nhại đồng dao, Phạm Hổ đã sử dụng chất liệu này trong thơ ông khá đậm đặc và độc đáo. Với nhịp điệu vui nhộn của đồng dao, bài thơ của ông như một bài hát khiến các em vừa có thể đọc thơ có thể vui chơi, nhảy múa và ca hát. Bài thơ lúc này đóng nguyên vai trò của một bài hát, dắt các em

vào với những mối quan hệ với thiên nhiên, vạn vật, con người.

Đến với thế giới thơ của Phạm Hổ, người đọc như được lạc vào thế giới của những câu chuyện cổ tích, đây lại là một trong những yếu tố làm giàu vốn văn hóa của các em và quan trọng hơn là kéo các em về gần với văn hóa dân tộc. Ở đó các em có thể bắt gặp nhiều thứ trở nên quen thuộc như: quả thị, cô Tấm, ăn khế trả vàng, sự tích về quả dưa hấu, quả sầu riêng và sự tích về cầu

vồng, hay hình ảnh đôi dép thần kì của Bác Hồ….. cùng với đó là sự định hướng tính cách, định hướng cho các em biết thêm được thế nào là thiện thế nào là ác, thế nào là điều hay thế nào là điều dở hay đơn giản dị là sự gợi mở thêm kiến thức cuộc sống thông qua các sự tích dân gian.

Nghệ thuật sử dụng chất liệu dân gian trong thơ Phạm Hổ còn thể hiện ở màu sắc cổ tích, huyền thoại trong các tứ thơ. Hình ảnh quả thị trong bài Thị lại gợi lên sự liên tưởng về câu chuyện Tấm Cám kì diệu năm xưa:

“Bà kể: “Thị này Ngày xưa cô Tấm Chui vào đây trốn Đợi ngày gặp vua…”

(Thị)

Hình ảnh khế với các yếu tố thần kỳ, kèm theo đó là một bài học quý giá về hậu quả của việc tham lam, có sức hút kỳ lạ trong câu chuyện Ăn khế trả vàng lại được bắt gặp trong thơ Phạm Hổ:

“ Ai nặn nên hình Khế chia năm cánh Khế chín đầy cây Vàng treo lóng lánh”

(Khế)

Hay hình ảnh cây dưa hấu mềm yếu vẫn tảo tần, dịu dàng như người

mẹ hiền sinh đàn con to nặng. Dưa hấu gợi cho các em nhớ về sự tích Mai

An Tiêm với quả dưa hấu trên đảo hoang sóng gió trong truyền thuyết năm xưa. Dạy cho các em biết vươn lên trong cuộc sống, biết ghi nhớ đến công ơn những người đã sinh thành và dưỡng dục mình.

Và hình ảnh đôi dép thần kì của Bác Hồ trong thơ Phạm Hổ đã gợi cho các em nhớ về những chuyện cổ dân gian với đôi giày mỗi bước đi bảy dặm:

“Thế kỷ hai mươi này… Có đôi dép thần kỳ Một cụ già thường đi… Đi vào trong lịch sử Chói ngời của dân ta…”

(Đôi dép thần kỳ)

Xuyên suốt bài thơ là hình ảnh đôi dép đơn sơ, giản dị của Bác Hồ. Bài thơ chính là sự thể hiện tình cảm sâu sắc của tác giả đối với Bác. Một Người luôn tận tâm, tận lực, chịu mọi khó khăn gian khổ để tìm đường cứu nước. Bài thơ như muốn nhắn nhủ các em nhỏ không chỉ biết ơn mà còn biết kính trọng vị cha già của dân tộc, như thúc giục thế hệ trẻ hôm nay hãy học tập và rèn luyện như lời Bác đã từng mong muốn.

Khi đọc bài Sầu riêng, các em dễ dàng liên tưởng tới Sự tích trái sầu

riêng mà các em đã được biết đến trong kho tàng truyện cổ tích:

“Vàng thơm sau lớp vỏ gai

Múi to mật ngọt cho ai thoả lòng”

Thật thú vị khi bắt gặp những hình ảnh đẹp lộng lẫy của chiếc cầu vồng

trong thơ Phạm Hổ, các bé sẽ đam mê mà nhớ đến câu chuyện về Sự tích cầu vồng ngày xưa bà vẫn hay kể:

“Cầu vồng như dải lụa Rực rỡ bảy sắc màu Cầu chờ mãi hồi lâu Không ai qua biến mất”

Trong kho tàng truyện cổ tích sẽ có nhiều, nhiều rất nhiều hình ảnh được xuất hiện trong thơ ca, việc tổ chức sắp xếp chúng sao cho hợp lí, gần gũi, thực nhất mới là cái tài của người cầm bút. Phạm Hổ đã thực sự thành công khi

chuyển tải khá nhiều câu chuyện cổ tích vào trong thơ ca nhằm tích hợp trong việc đọc thơ của thiếu nhi.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ viết cho thiếu nhi của phạm hổ (Trang 80 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)