.Trong lĩnh vực kinh tế, lao động

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đảng cộng sản việt nam lãnh đạo thực hiện quyền của phụ nữ từ năm 1986 đến năm 2012 (Trang 72 - 75)

Quyền phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, lao động là quyền căn bản của người phụ nữ. Việc thực hiện quyền này không chỉ khẳng định địa vị, vai trò của phụ nữ trong đời sống kinh tế mà còn là cơ sở quy định thực quyền của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

- Trên lĩnh vực kinh tế:

Nói đến quyền phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế không thể không nói đến quyền sở hữu đất đai của phụ nữ. Luật đất đai sửa đổi 2003 nêu rõ: “Trong trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ, chồng thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng”. Quy định đó là căn cứ pháp lý quan trọng để đảm bảo lợi ích kinh tế của phụ nữ trong các giao dịch dân sự, đặc biệt là việc tiếp cận với nguồn vốn, tín dụng. Nếu như năm 2000 việc tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng của phụ nữ rất khó khăn vì chỉ có khoảng 12% phụ nữ đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (chủ yếu là hộ đơn thân, góa chồng mới có thể tiếp cận được) thì từ sau khi thực hiện những quy định của Luật Đất đai sửa đổi năm 2003, đến năm 2012 đã có 90% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp mới vó tên cả vợ và chồng [48]. Điều này đã tạo thuận lợi cho phụ nữ bình đẳng với nam giới trong việc thế chấp vay vồn để đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Theo Báo cáo quốc gia về thực hiện Công ước CEDAW lần 7+8 của Chính phủ năm 2011, mục tiêu đề ra cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện là "đạt tỷ lệ 80% số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được vay vốn từ chương trình xóa đói giảm nghèo". Trong 5 năm qua, Ngân hàng chỉ đạo thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Kết quả số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được vay vồn từ chương trình xóa đói giảm nghèo đến tháng 5/2010 là 1.173.679 hộ vay vốn với dư nợ là 16.323 tỷ đồng. Đạt tỷ lệ 85,3% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được vay vốn từ chương trình xóa đói giảm nghèo [17, tr.81]. Các chủ hộ do phụ nữ làm chủ còn

73

được vay vốn từ các nguồn tín dụng ưu đãi khác như: Vay vốn giải quyết việc làm; chương trình xuất khẩu lao động; hỗ trợ làm nhà ở; tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; vay vốn từ chương trình tín dụng hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn; cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hộ gia đình nghèo; vay cho học sinh, sinh viên đi học...Có thể nói, thông qua hoạt động vay vốn, sử dụng vốn vay xóa đói giảm nghèo, phụ nữ nghèo ngày càng được bình đẳng với nam giới trong quyền quyết định các công việc quan trọng trong gia đình. Từ đó, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ không chỉ về mặt kinh tế, nhận thức mà cả vị thế chính trị, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nữ tham gia hoạt động kinh tế ở mức cao. Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ và nam giới trong độ tuổi 15 đến 60 có hoạt động kinh tế gần tương đương nhau (nam là 85% và nữ là 83%) [47]. Vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế quốc dân ngày càng tăng. Năm 2006, cả nước có 113.352 doanh nghiệp và 3 triệu hộ kinh doanh, có 28.338 doanh nghiệp nữ (chiếm 25%) với 1,2 triệu hộ do nữ làm chủ (chiếm 40%) [39]. Năm 2012, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và điều hành chiếm khoảng 30% trong tổng số hơn 500 nghìn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên toàn quốc và 60% kinh tế hộ gia đình do nữ làm chủ [47]. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghệp do phụ nữ làm chủ đã duy trì được tộc độ tăng trưởng cao, phát triển thương hiệu, giải quyết việc làm và đảm bảo đời sống, thu nhập cho cán bộ, nhân viên; đồng thời tham gia tích cực vào việc thực hiện trách nhiệm xã hội như bảo vệ môi trường, từ thiện, nhân đạo. Việc tăng tỷ lệ phụ nữ đứng tên làm chủ hộ trong gia đình sẽ tác động rất lớn đến vai trò, vị thế cũng như các cơ hội tiếp cận của phụ nữ đối với các dịch vụ: tín dụng, tiết kiệm, giáo dục, y tế... Bởi vậy, quan tâm tới khía cạnh giới của chủ hộ để tạo điều kiện cả phụ nữ và nam giới đều có thể tiếp cận bình đẳng về các nguồn lực sản xuất cũng như các dịch vụ xã hội là vấn đề mang ý nghĩa kinh tế - xã hội sâu sắc.

- Trong lĩnh vực lao động:

Trong những thập niên gần đây nhìn chung số lượng lao động nữ được giải quyết việc làm ở nước ta tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm. Tính từ năm 2006 đến năm

74

2011, Việt Nam đã tạo việc làm cho khoảng 8,065 triệu lao động, trong đó lao động nữ chiếm 48,2%. Tỷ lệ thất nghiệp của nữ ở khu vực thành thị năm 2009 là 4,9% (vượt chỉ tiêu đề ra là dưới 6% vào năm 2010) [17, tr.69].

Vị thế việc làm của lao động nữ cũng có sự thay đổi tích cực. Trong 10 năm từ 1997 đến 2007, nhóm lao động làm công ăn lương tăng rất mạnh trong cơ cấu phân bố lao động, từ 18,6% (1997) lên tới 30% (2007), trong đó lao động nam chiếm 59,8% và lao động nữ chiếm 40,2% (2007). Nếu so sánh với năm 2005 thì có sự thay đổi rõ rệt. Năm 2005, tỷ trọng lao động làm công ăn lương chiếm 25,6%, trong đó lao động nam chiếm 78,7% và lao động nữ chiếm 21,3%. Tỷ trọng lao động nữ trong số người làm công ăn lương tăng mạnh (19%), thể hiện sự thay đổi theo hướng giảm sự bất bình đẳng giới về việc làm có thu nhập ổn định giữa nam và nữ [57, tr.6]. Đây là một chỉ số quan trọng để đánh giá tình hình bình đẳng giới của Việt Nam có nhiều tiến bộ.

Báo cáo tháng 5/2009 của Chính phủ [13,tr.15] chỉ rõ: Trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực, thu nhập của nữ chỉ bằng 74,5% so với thu nhập của nam giới. Lao động nữ vẫn chiếm số đông trong các lĩnh vực không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao, thu nhập thấp, việc làm bấp bênh và có độ rủi ro cao. Ngay trong nhóm nghề có chuyên môn kỹ thuật bậc trung, phụ nữ có thu nhập chỉ bằng 81,5% so với thu nhập của nam giới cùng trình độ. Ở một số ngành, nghề, tỷ lệ tham gia của phụ nữ đã tăng lên, nhưng thu nhập vẫn thấp hơn nam giới. Cùng là trình độ cao đẳng, thu nhập của lao động nữ chỉ bằng 90,1% so với thu nhập của nam giới; cùng là từ đại học trở lên, thu nhập của lao động nữ cũng chỉ bằng 85,9% thu nhập của lao động nam. Ngay cả các khu vực kinh tế Nhà nước, tư nhân, kinh doanh cá thể, tập thể, vốn đầu tư nước ngoài thì thu nhập của lao động nam vẫn luôn cao hơn lao động nữ [58, tr.8].

Cùng với việc hoàn thiện pháp luật, chính sách về quyền phụ nữ nói chung và quyền bình đẳng của phụ nữ nói riêng trong lĩnh vực lao động và sự cố gắng nỗ lực của bản thân người phụ nữ tham gia ngày càng tích cực, hiệu quả vào tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho gia

75

đình và xã hội đã làm cho khoảng cách giới trong thu nhập giữa nam và nữ ngày càng thu hẹp. Theo Báo cáo mục tiêu phát triển thiên niên kỷ 2010 của Việt Nam, tình hình thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế và lao động đạt được như sau: Trong số lao động mới được giải quyết việc làm năm 2010, tỷ lệ phụ nữ đạt khoảng 49,4%; tổng số giờ làm việc bình quân cả năm của phụ nữ cũng xấp xỉ tổng số giờ làm việc của nam giới. Tổng số giờ làm việc bình quân của nam giới là 1.565 giờ, trong khi đó của nữ là 1.453 giờ. Tiền lương bình quân một giờ lao động của nam và nữ không có sự chênh lệch lớn, tương ứng là 13,6 và 12,8 nghìn đồng. Điều này cho thấy, đóng góp của lao động nam và lao động nữ trong việc tạo ra của cải vật chất ngày càng tiến tới sự bình đẳng [2, tr.17].

* Một số hạn chế, tồn tại của việc thực hiện quyền phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, lao động:

Phụ nữ còn chịu nhiều bất lợi trong việc học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp trong điều kiện cạnh tranh xã hội ngày càng cao. Lao động nữ tuy đông về số lượng, nhưng tỷ lệ chưa qua đào tạo thấp nên chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Số lao động nữ có bằng cấp chuyên môn chỉ đạt 11,1%. Tỷ lệ lao động nữ chưa qua đào tạo nghề còn cao (70,9% so với 59,9% lao động nam), đặc biệt là lao động nữ nông thôn, độ tuổi trung niên, phụ nữ dân tộc thiểu số. Tỷ lệ lao động nữ làm các công việc giản đơn chiếm tới 42,9% (so với 36,2% lao động nam) [40, tr.3]. Khoảng cách thu nhập và mức sống giữa các nhóm phụ nữ, các vùng miền còn lớn. Đời sống của một bộ phận phụ nữ, đặc biệt nữ công nhân lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất, nữ lao động di cư tự do thực sự khó khăn, vất vả, bấp bênh, việc làm không ổn định, thu nhập thấp, điều kiện sinh hoạt tối thiểu không đảm bảo. Nữ nông dân thiếu việc làm, khó chuyển đổi nghề khi đất canh tác bị thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng, ít có điều kiện nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân, kể cả khi sinh con. Phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và các nhóm yếu thế (nghèo, khuyết tật, đơn thân ) đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đảng cộng sản việt nam lãnh đạo thực hiện quyền của phụ nữ từ năm 1986 đến năm 2012 (Trang 72 - 75)