PHẦN 2 : NỘI DUNG
2.1 Tổ chức kết cấu trong Chân dung một nghệ sĩ thời trẻ
2.1.2 Thời gian nghệ thuật và không gian trong Chân dung một nghệ sĩ
thời trẻ
2.1.2.1 Cách tổ chức thời gian nghệ thuật
Thời gian là một phạm trù của hình thức nghệ thuật, nó thể hiện phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật. Thời gian nghệ thuật được đo bằng nhiều kích thước khác nhau và xuất hiện dưới những dạng khác nhau tạo nên nhịp điệu trong tác phẩm. Nó gắn liền với tổ chức bên trong của hình tượng nghệ thuật và như một hệ quy chiếu mang tính chất ẩn để phản ánh hiện thực, thể hiện tư duy của tác giả. Với tiểu thuyết truyền thống, thời gian trong tác phẩm được phát triển theo tiến triển quá khứ - hiện tại - tương lai. Đó là thời gian tuyến tính, thời gian sự kiện. Hành động truyện diễn ra trong một chuỗi nối tiếp các sự cố. Và bản thân các sự cố phát sinh, phát triển lên đến đỉnh cao rồi lại được giải quyết, trở lại với trạng thái cân bằng đã tạo cảm giác thời gian trôi đi theo tiến trình truyện gắn theo thay đổi rõ nét của nó. Thời gian dường như tạo ra tất cả: số phận, tính cách, hành động của nhân vâth. Tuy nhiên, trong Chân dung một nghệ sĩ thời trẻ, James Joyce đã xây dựng một hình tượng thời gian hoàn toàn mới mẻ: Thời gian đồng hiện: hiện tại
thâu tóm cả ba chiều thời gian: quá khứ, hiện tại, tương lai. Thời gian của tác phẩm dường như chẳng tạo ra cái gì cả. Nhân vật không có tiến triển, hoạt động rõ ràng. Quá khứ hiện lên trong dòng tâm tưởng không tuân theo một trật tự tuyến tính nào. Chỉ có một trật tự duy nhất là trật tự của trái tim.
James Joyce đã sử dụng mô thức thời gian đồng hiện như một công cụ nghệ thuật hữu hiệu nhằm đi đến tận cùng, đánh thức và làm sống dậy những kí ức, hoài niệm quá khứ của Stephen trong vai trò người kể chuyện. Ở đây, thời gian được thể hiện qua kĩ thuật dòng ý thức. Những hình ảnh quá khứ đồng thời hiện ra cùng những hình ảnh của hiện tại khiến ta khó phân biệt đâu là cái đã trôi qua, đâu là cái đang tồn tại và đâu là cái của tương lai. James Joyce coi quá khứ như một dòng chảy của hiện tại:
“Lần nào cũng vậy, khi cậu bé đưa cho cô Dante một mẩu giấy ăn, cô ấy đều đưa cho cậu một chiếc kẹo cao su. Gia đình nhà Vances sống ở trong căn nhà số bảy. Họ không có cùng cha mẹ. Họ là cha mẹ của Eileen. Sau này, khi lớn lên, cậu sẽ cưới Eileen làm vợ. Cậu trốn dưới gầm bàn. Mẹ cậu nói: “Ồ! Stephen sẽ xin lỗi” [tr.8].
“Một buổi sáng, hai chiếc xe tải lớn màu vàng dừng lại trước cửa nhà và những người đàn ông bước nặng nề vào nhà và bắt đầu tháo dỡ đồ đạc của ngôi nhà. Toàn bộ đồ nội thất ở trong nhà bị đẩy ra vườn trước và bị kéo bởi những sợi dây thừng trước khi bị xếp vào những chiếc xe tải lớn đang đỗ ở cổng... Cậu có thể tìm thấy sự hứng thú mới với một Marseille khác nhưng cậu lại nhớ đến bầu trời trong xanh và những hàng rào mắt cáo dưới ánh mặt trời của các tiệm rượu. Một sự bất mãn mơ hồ xuất hiện trong tâm hồn cậu khi cậu nhìn những bến cảng trên sông trong một buổi chiều tối âm u...” [tr.83].
Những hình ảnh của thực tại, của ảo giác tồn tại trong thời điểm hiện tại của ý thức Stephen và trôi chảy không ngừng. Nó không chỉ là những suy nghĩ đơn thuần của hồi ức mà còn là những cảm xúc của quá khứ bỗng hiện
lên và thoáng qua ở hiện tại. James Joyce đã cắt bỏ đi các chiều của thời gian như nó vốn có. Cả cuốn tiểu thuyết gần như không tồn tại một đơn vị thời gian xác định nào trừ vài trang nhật kí cuối của chương V. Đang từ một cậu bé, Stephen bỗng trở thành một chàng trai trưởng thành lúc nào không hay.
Thời gian tồn tại trong những cảm xúc hiện tại, trong dòng chảy miên man của ý nghĩ Stephen. James Joyce đã phá vỡ cấu trúc trật tự của thời gian lịch biểu. Những suy nghĩ không có sự bắt đầu, không có điểm kết thúc. Những sự kiện cứ bất chợt hiện ra trong tâm trí, Stephen chìm đắm trong những dòng suy nghĩ:
“Cậu băng qua đường và bắt đầu đi như lao xuống duói chân đồi. Stephen hầu như chẳng biết nơi cậu đang đi là đâu. Lòng tự trọng, hy vọng và khát vọng giống như những ngọn cỏ bị vò nát trong tim cậu gây nên một luồng khí tỏa hương trước mắt cậu. Cậu lao xuống quả đồi trong trạng thái bối rối về luồng khí đột ngột trào dâng của lòng tự trọng bị tổn thương, của hy vọng tan vỡ và của khát vọng bị bóp nghẹt. Chúng chảy thẳng vào đôi mắt đau khổ trong cơn xúc động điên cuồng và ngu ngốc và vụt qua con đường trước mặt cậu cho tới khi không gian trong trẻo và se lạnh trở lại. Một màn sương mỏng vẫn che mắt cậu nhưng đôi mắt không còn bỏng rát nữa. Một sức mạnh hơi giống với sức mạnh thường tạo thành sự giận dữ và oán giận thoát ra khỏi thân thể cậu làm cậu dừng bước chân... Bây giờ tim tôi hoàn toàn yên lặng. Tôi sẽ quay trở về” [tr.108].
“Stephen quay trở về phòng mình sau bữa ăn tối để được cô đơn cùng linh hồn cậu, và với mỗi bước đi, linh hồn cậu dường như thở dài vì mệt mỏi chán nản; mỗi bước đi linh hồn cậu cưỡi lên đôi bàn chân, thờ dài thườn thượt trên bậc cầu thang, xuyên qua một vùng u ám đặc quánh.... Điều đó có phải là sự thực không? Stephen Dedalus đã làm những điều xấu xa đó ư? Lương tâm cậu thở dài trong tiếng trả lời. Đúng vậy! Cậu đã làm những điều đó, bí mật,
bẩn thỉu, lần này đến lần khác, và ngày càng chai lì không chịu ăn năn hối lỗi... Một cánh đồng cỏ dại cao sắc nhọn và những bụi cây hoa dại xanh đỏ, những bụi tầm ma...” [tr.170]
Phép đồng hiện được James Joyce sử dụng triệt để. Với Stephen hầu như không có sự phân tách quá khứ, hiện tại hay tương lai. Các thời điểm khác nhau, các không gian khác nhau đặt cạnh nhau, hoàn toàn không lí do. Không còn thời gian khách quan thống nhất cho nhân vật hành động, và nằm ngoài ý thức nhân vật. Thời gian vỡ vụn ra, cảm nhận theo cách riêng của Stephen. Đối với cậu, không phải thời gian thay đổi, mà ý niệm về thời gian thay đổi, cái ý niệm tạo nên bởi tổng hòa các ý niệm thời gian do con người từng sáng tạo ra. Tổng thể hỗn độn tự do của những ý nghĩ trong dòng tâm tư nhân vật đã nói lên tiếng nói thời gian của nó. Đó là thời gian hiện hữu thực sự, thời gian tổng hòa của ý niệm thời gian, thời gian gắn chặt với chiều sâu tâm lí con người. Đồng thời, nó thể hiện một thế giới tâm hồn đầy bất an và biến động của nhân vật Stephen, anh ta không bao giờ hòa nhịp với thời gian của tự nhiên và vũ trụ mà có một thứ thời gian riêng của mình. Đó là thời gian chứa sức nặng trải nghiệm hiện sinh.
Ngoài sử dụng dòng ý thức để thể hiện vấn đề thời gian đồng hiện, trong Chân dung một nghệ sĩ thời trẻ, James Joyce còn sử dụng ba mùa để tượng trung cho ba giai đoạn phát triển của Stephen. Đó là mùa hè, mùa thu và mùa đông.
Mùa hè gắn với thời niên thiếu của Stephen. Đó là quãng thời gian êm ả bên gia đình, người thân: “Trong suốt thơi gian đầu hè ở Blackrock, bác Charles là một người bạn trung thành của Stephen.... Stephen rất vui khi được đi cùng bác và làm những công việc lặt vặt cho bác, giúp bác một cách vô tư và nhiệt tình trong mọi việc như bày hàng trong nhứng chiếc hộp mở cũng như đưa những chiếc thúng ra ngoài quầy hàng... Vào những ngày chủ nhật,
Stephen cùng cha mình và bác Charles thường đi bách bộ... [tr.77]. Qua những câu chuyện của cha mình và bác Charles, Stephen dần hình thành những ý nghĩ mơ hồ về thế giới thực tại xung quanh mình, thế giới dường như kéo gần lại và trong thâm tâm, cậu bắt đầu sẵn sàng cho một chặng đường dài đang chờ đợi cậu - cái thế giới bên ngoài mà cậu hiểu được rất mù mờ. Có thể thấy, mùa hè gắn với những ngày tháng nhẹ nhàng, êm dịu trong kí ức của Stephen. Và cũng là thời điểm, nhân vật bắt đầu hình thành những ý thức mơ hồ về thế giới.
Mùa thu trong Chân dung một nghệ sĩ thời trẻ ứng với cuộc sống của một chàng thanh niên cô độc với những buổi tối ảm đạm, với sự khao khát tìm hiểu cảm xúc của mình. “Tháng chín năm nay đã đến nhưng không làm cậu bận tâm bởi có lẽ cậu không còn phải quay trở lại trường Clongowes... Thỉnh thoảng, Stephen đi vòng quanh thị trấn bằng xe giao sữa cho buổi tối và sự lạnh giá của những chuyến đi như vậy làm cậu quên đi sự ghê tởm hôi thối của trang trại nuôi bò... Trong một cách hiểu mập mờ, cậu hiểu rằng tình hình tài chính của cha mình không ổn, và đó là lí do tại sao cậu không được quay trở lại trường... Hoài bão mà cậu thỉnh thoảng lờ mờ cảm nhận đang nằm trong bóng tối không lối thoát của tâm hồn...’ [tr.80].
Mùa đông là dấu mốc đánh dấu sự trưởng thành của Stephen khi anh đã nếm trải cuộc sống của một người đàn ông thực thụ. Nhưng nó cũng vẫn phảng phất không khí ảm đạm: “Bóng tối tháng mười hai nhá nhem tràn xuống nhanh chóng sau một ngày u ám xám xịt... Cậu đi theo những con đường quanh co, khúc khuỷu ngược xuôi quanh các khu phố, ngày càng tới gần khu nhà chứa trong sự rùng mình của sợ hãi và vui sướng, cho đến khi bàn chân cậu bất chợt đưa cậu đến xung quanh góc tối đen... Tuy nhiên, khi cậu lảng vảng tìm kiếm lời mời mọc, ý thức của cậu bị ham muốn lấn át sẽ hăng hái ghi nhận tất cả những tổn thương sau ngượng ngùng” [tr.127]. Mùa
đông năm ấy, đã đánh dấu sự trưởng thành và khiến Stephen luôn ám ảnh bởi tội lỗi của chính bản thân mình: “Trong lần phạm tội nghiêm trọng đầu tiên cậu đã cảm thấy một cơn sóng của sức sống thoát khỏi cậu và cậu đã sợ hãi đi tìm thân thể hay tâm hồn bị tổn thương do quá sức chịu đựng” [tr.129].
Trong thơ văn, mùa xuân thường được xem là mùa đẹp nhất, mùa của sự sống, mùa của tình yêu. Nhưng mùa xuân lại không được James Joyce nhắc đến trong sự trưởng thành của Stephen. Nó ngầm thông báo cho người đọc thấy rằng, tâm hồn tổn thương bị khuyết đi cái vui tươi, sức sống của mùa xuân trong Stephen. Ở cậu chỉ có cái mùa hè rực rỡ với thời niên thiếu êm ả, mùa thu ảm đảm với triền miên những đêm cô đơn và mùa đông với ám ảnh của tội lỗi. Hơn hai mươi năm của Stephen chỉ được xác định bằng ba lần của ba mùa trong năm. Những trang cuối của cuốn tiểu thuyết, nhà văn đã viết lại theo dạng nhật kí có sử dụng thời gian xác định. Nó thể hiện sự bừng sáng, thức tỉnh, sự lựa chọn của Stephen: sẽ sống và cống hiến hết mình cho nghệ thuật.
2.1.2.2 Không gian trong Chân dung một nghệ sĩ thời trẻ
Tác giả Nguyễn Xuân Kính trong Thi pháp ca dao có nhận xét: “thời gian và không gian là những mặt của hiện thực khách quan được phản ánh trong tác phẩm tạo thành thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật một mặt thuộc phương diện đề tài, mặt khác thể hiện nguyên tắc cơ bản của việc tổ chức tác phẩm của từng tác giả, từng thể loại, từng hệ thống nghệ thuật” [29, tr.287].
Theo Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, không gian được định nghĩa như sau: “Không gian là khoảng không bao la trùm lên tất cả sự vật hiện tượng xung quanh đời sống con người” [42, tr.663]. Còn Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học:
“Không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó”.
Như vậy, ngoài thời gian thì không gian cũng là yếu tố quan trọng trong việc hình thành nên cấu trúc tác phẩm văn học. Không gian nghệ thuật là phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật. Không gian nghệ thuật trở thành phương tiện chiếm lĩnh đời sống, “mang ý nghĩa biểu tượng nghệ thuật”. Nó không những cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng, mà còn cho thấy những quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay một giai đoạn văn học. Qua khảo sát, người đọc nhận thấy, Chân dung một nghệ sĩ thời trẻ của James Joyce bao gồm những không gian sau:
- Không gian ảm đạm
Không gian được thể hiện qua cái cảm nhận ẩm ướt và u ám luôn thường trực trong nhân vật:
“Họ cùng nhau đi xuống cầu thang dọc theo hành lang và đi qua nhà tắm. Khi cậu băng qua cửa phòng tắm làm cậu nhớ lại cảm giác sợ hãi mơ hồ về vững nước bùn lầy đầy cỏ mọc ấm áp, không khí ẩm ướt, tiếng động của những cú nhảy lao xuống nước, mùi của khăn tắm giống như mùi thuốc...”[tr.26]
“Chuông reo, học sinh trong lớp ào ra hành lang từ các lớp học lao vào nhà ăn. Cậu ngồi nhìn những mẩu bơ trong đĩa và không thể ăn được miếng bánh mì ẩm ướt. Chiếc khăn trải bàn cũng nhàu nát và ẩm ướt. Stephen uống hết cốc trà nóng nhạt mà cậu bé phụ bếp mặc chiếc tạp dề màu trắng vụng về đã rót cho cậu. Cậu băn khoăn không biết chiếc tạp dề đó có ẩm ướt nốt hay không, hay là mọi thứ màu trắng có lẽ đều lạnh lẽo và ẩm ướt” [tr.14].
“Các học sinh cười ầm lên. Nhưng Stephen cảm thấy họ hơi sợ hãi một chút. Trong sự im lặng của bầu trời u ám ẩm ướt, cậu nghe thấy tiếng gậy cricket đánh đâu đó” [tr.56].
“Đó sẽ là một đêm bí mật tăm tối. Sau hoàng hôn, những ánh đèn vàng sẽ bật lên đâu đó khu nhà chứa dơ dáy bẩn thỉu” [tr.127]
“Khi cơn đau đớn trôi đi, Stephen mệt mỏi tiến về phía cửa sổ, nâng khung kính trượt lên, ngồi trong góc của ô cửa sổ và tỳ khuỷu tay lên ngưỡng cửa. Mưa đã tạnh; trong mùa hơi nước ẩm ướt là vô vàn điểm sáng khác của thành phố đang quay tròn như chiếc kén màu vàng mềm mại” [ tr.171].
Cái cảm giác về một không gian ẩm ướt của Stephen được xuất phát từ những ngày đầu vào trường bị đám bạn đẩy xuống vũng nước lầy lội. Từ đó, sự lạnh lẽo, ẩm ướt luôn đeo bám, hiển diện trong tâm trí cậu, nhìn đâu cũng thấy ẩm ướt, u ám. Ban đầu sự ẩm ướt chỉ dừng lại ở những cảm nhận bên ngoài từ vũng nước, chiếc khăn tắm, tạp dề hay mẩu bánh mì. Sau đó nó được nâng lên thành biểu tượng gắn với màu trắng, đen hỗn độn. Stephen đã tạo dựng cho mình một thế giới với hỗn độn trắng đen. Với Stephen, thế giới được hình thành trên những mảng đối lập, đó là một thế giới phi lôgich đầy hoài nghi. Và cuối cùng là sự cảm nhận tối tăm, u ám trong tâm hồn khiến Stephen luôn cảm thấy bí bách, muốn bứt phá trong nỗi cơ đơn: “Khi bóng đêm của buổi tối đổ xuống, Stephen rời khỏi căn nhà, và cái chạm nhẹ đầu tiên vào không khí ẩm ướt tối tăm và tiếng động của cánh cửa khi đóng lại một lần nữa làm nhức nhối lương tâm cậu” [tr.172].
Ngoài ra, không gian ảm đạm ấy còn được thể hiện qua cảm nhận về màu sắc của Stephen. Nổi bật là sự kết hợp giữa màu trắng và đen. Trong tác phẩm cái nhìn thị giác về màu trắng hay đen cùng các dạng biến thể thường dịch sang một loại cảm giác khác. Trắng gợi lên một không gian lạnh lẽo, ẩm