Kết cấu theo mạch phát triển tâm lý

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn nguyễn quang thiều dưới góc nhìn trần thuật học (Trang 50 - 54)

5. Cấu trúc luận văn

2.2. Nghệ thuật tổ chức kết cấu trong truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều

2.2.2. Kết cấu theo mạch phát triển tâm lý

Kết cấu theo mạch phát triển tâm lý là kiểu kết cấu mới mẻ trong văn học Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX. Đó là kiểu kết cấu của những tác phẩm có cốt truyện tâm lí nhằm miêu tả những diễn biến tinh vi, phức tạp của đời sống nội tâm con người. Trong những truyện này, chỉ có một vài sự việc, còn lại là cảm giác, suy nghĩ của nhân vật với những hồi ức, liên tưởng và độc thọai nội tâm. Nếu có sự kiện thì sự kiện chỉ đóng vai trò khơi gợi cho dòng chảy tâm lý.

Kiểu kết cấu này được rất nhiều các nhà văn sử dụng trong các giai đoạn văn học trước như giai đoạn 30- 45. Nổi bật là những tác phẩm: Hai đứa trẻ, Dưới bóng hoàng lan, Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam hay Tôi đi học

của Thanh Tịnh hoặc Đời thừa, Giăng sáng của Nam Cao... Người đọc sau khi đọc xong câu chuyện khó có thể kể lại nội dung câu chuyện, nếu có thể cũng chỉ tóm tắt lại bằng vài ba câu ngắn gọn nhưng lại rất ấn tượng với những nỗi niềm, cảm xúc, tâm trạng của nhân vật trong đó. Có thể nói truyện chỉ được kể theo mạch suy nghĩ, tâm lý của các nhân vật. Không có những xung đột gay cấn giàu kịch tính.

Bước vào thời kỳ đổi mới truyện ngắn đã phản ánh muôn mặt đời thường của cuộc sống. Truyện mang tính thông tin cao. Mỗi truyện phản ánh một góc độ cuộc sống khác nhau. Có thể thấy một số truyện ngắn như:

Gà ấp bóng, I am đàn bà, Biển và người đàn bà, Bức thư gửi mẹ âu cơ của nhà văn Y Ban hay Xin hãy tin em, Hậu thiên đường của Nguyễn Thị Thu

Huệ, Thương nhớ đồng quê, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp... Ở những câu chuyện này tác giả để các nhân vật thường đối thoại trực tiếp với nhau với nhiều xung đột, nhiều kịch tính tạo tính đa sắc màu cho tác phẩm. Hoặc để thể hiện nhân vật trong độ riêng tư sâu kín, phô bày một cách tự nhiên và nội dung được thể hiện một cách dàn trải, biến hóa linh hoạt tạo ấn tượng đậm nét về một cái tôi nhân vật, nhà văn đã sử dụng hình thức bức thư để tạo nên kết cấu cho tác phẩm của mình. Nguyễn Quang Thiều vừa kế thừa truyền thống vừa có những cách tân hiện đại trong việc xây dựng kết cấu theo mạch phát triển tâm lý. Nhiều truyện ngắn của ông tiêu biểu cho kiểu kết cấu này như: Chạy trốn khỏi vầng trăng, Người nhìn thấy trăng thật, Tiếng gọi cuối mùa đông, Ngựa trắng.

Trong truyện ngắn Ngựa trắng có rất ít các sự kiện, tình tiết giàu kịch tính, còn lại chủ yếu là những dòng tâm trạng, cảm xúc của nhân vật Huy. Trong những đêm trăng lấp lánh huyền ảo, Huy cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên núi rừng cùng với màu bàng bạc của con ngựa trắng với những âm thanh làm anh run rẩy, xốn xang. Và trong những ngày tháng đó, anh đã đem lòng yêu người con gái thùy mị nơi miền sơn cước. Nhưng do phải chuyển quân đến đơn vị khác anh đành phải xa nơi này với tình yêu đầu đời vừa chớm nở. Chiến tranh kết thúc, anh chọn mùa trăng để trở lại tìm người yêu và mong được nghe tiếng hí lanh lảnh của chú ngựa trắng ngày nào. Tưởng chừng vô vọng, nhưng trong giây phút anh sắp cất lời tiễn biệt thì sự sống, tình yêu lại ùa về bên anh: “Và lần này là lần thứ ba, co lẽ là lần cuối cùng anh trở lại vùng đồi. Chuyến đi này không phải anh đi tìm Mỵ. Những hồng cầu ngấm chất da cam đang nhảy múa điên loạn trong cơ thể anh. Anh biết anh đang từng bước đi về phía cái chết. Anh chọn mùa trăng để đi về nơi đây. Anh muốn được ngồi trên đỉnh đồi này, nơi anh đã ngồi hai mươi năm trước, để được ngắm những quả đồi thiêm thiếp trong trăng, và mong được vô tình nghe thấy tiếng ngựa hí dù là do bệnh hoang tưởng.

Đêm đã khuya, Sương thấm lành lạnh. Anh đứng dậy nhìn xuống bãi cỏ ven chân những quả đồi. Khi anh cất tiếng thì thầm “vĩnh biệt, vĩnh biệt” thì ở phía chân đồi một tiếng ngựa hí vang lên. Người anh choáng đi. Anh đứng như chết. Đầu óc anh tê dại. Tiếng ngựa lại hí vang. Anh nín thở lặng nghe để tìm thấy một chút quen thuộc nào đó trong tiếng hí kia. Bỗng từ trong kí ức anh, tiếng hí xưa cứ từng đợt, từng đợt dâng ln da diết và lung linh.” [56, tr. 230]. Anh đã vội vàng chạy xuống chân núi để tìm âm thanh quen thuộc, tìm lại tình yêu của đời mình. Đến ngôi nhà thứ hai thì anh nhận ra ở đầu nhà có một con ngựa trắng quen thuộc đang đứng chờ mình. Lòng anh bối rối vô cùng. Anh đã vào trong ngôi nhà và thấy một người phụ nữa bước ra, thì ra đó chính là Mỵ- mối tình đầu của Huy. Và cuối cùng bằng tình yêu say mê mạnh liệt họ gặp lại nhau trong sự ngỡ ngàng, hạnh phúc: “ Nghe Mỵ nói tim Huy như thắt lại, ngực anh nóng ran. Anh ôm chặt Mỵ. Như hơn hai mươi năm về trước, hai người nép chặt vào nhau không nói gì. Cơ thể họ rung lên từng đợt… Mỵ ở trong vòng tay Huy. Cả hai cùng nín thở chờ đợi. Trên đầu họ trăng vẫn ròng ròng chảy xuống. Có những đám mây nhỏ óng ánh trôi khe khẽ trên đầu…” [56, tr. 234].

Một thầy giáo vùng cao trong truyện ngắn Chạy trốn khỏi vầng trăng đã thể hiện những dòng cảm xúc, tâm trạng với mong muốn được yêu thương, bù đắp cho một tâm hồn bất hạnh của người vợ liệt sỹ. Từ tâm trạng phấn chấn về một tình yêu chớm nở đến xót xa, đau khổ khi không được sống trong tình yêu ấy. Yêu con người, anh yêu miền quê và càng yêu anh càng khổ đau, dằn vặt. Thiên nhiên có thể làm dịu bớt nỗi đau trong lòng anh nhưng không ngăn cản nỗi nhớ thương da diết anh dành cho Duyên: “Thiên nhiên làm tôi dịu bớt nỗi đau nhưng làm tôi nhớ em khôn xiết. Rồi theo quy luật đã hàng triệu năm nay, vầng trăng lại đến. Tôi lại ngửa mặt nhìn ánh trăng như một hành động bản năng. Và, ánh trăng lại ròng ròng chảy giàn mặt tôi. Trong ánh trăng như xóa hết mọi bần thỉu, đớn hèn lại ngân lên dào dạt âm thanh quen thuộc nhưng lạ

lùng. Âm thanh ấy cứ thấm đẫm tôi, cuốn tôi đi như láng bạc. Tôi rùng mình hoảng hốt. Tôi chạy vào những bóng cây trong đêm. Ánh trăng lọt qua kẽ lá đan quấn lấy tôi. Tôi ôm chặt lấy thân cây mà thở” [56, tr. 378].

Còn nhân vật Sơn trong câu chuyện Người nhìn thấy trăng thật, như được sống trong một thế giới của sự tưởng tượng với những suy nghĩ miên man theo ánh trăng mờ ảo. Tiếng gọi của các cô gái dẫn anh ra khỏi nhà: “Anh lần ra đê và xuống bến sông. Gió hạ về đêm mát rượi thổi tung tóc anh. Anh ngước mắt lên. Trời trong mắt anh tối thẫm. Anh bước đi chếnh choáng, anh thấy mình đã ở rất gần sông bởi hơi nước mát rượi trong gió. Anh nghe thấy tiếng sông chảy. Tiếng chảy dịu dàng như làm tan đi những mệt mỏi, u buồn…Ý nghĩ và da thịt anh như mê man trong nước mát rười rượi và sự tĩnh lặng mênh mang của trời đất đầy trăng” [56, tr. 258]. Và nhiều ngày như thế, anh gặp một cô gái vừa như có thực vừa như ảo mộng trong thế giới lung linh huyền hoặc thấm đẫm ánh trăng. Cô gái có hoàn cảnh thiệt thòi và bất hạnh. Cô không nhìn thấy gì từ khi chào đời nhưng hơn hết ở cô là một tâm hồn thánh thiện, đầy thương yêu. Trong những lời kể của cô, Sơn như dần trôi đến bến bờ xứ sở của trăng và dần dần cô đã đưa Sơn đến một thế giới bất tận của ánh sáng. Và cứ thế, cứ thế, nhiều đêm hôm sau anh lại trôi vào thế giới miên man: “Sơn lại trôi miên man vào thế giới của ánh sáng. Và anh lại giật mình thoát ra khỏi cơn mê khi nghe tiếng cô giục anh về” [56, tr. 261]. Câu chuyện diễn biến theo mạch tâm trạng của Sơn đi từ hồi hộp, háo hức khi gặp cô gái cho đến khi bàng hoàng, thổn thức, mê mị trong thiên nhiên tràn ngập ánh trăng.

Với việc xây dựng cốt truyện thiên về những chi tiết đắt giá và lối kết thúc mở; Kết cấu dán ghép điện ảnh cùng với lối kết cấu theo mạch phát triển tâm lý, Nguyễn Quang Thiều đã đưa người đọc chiếm lĩnh thế giới truyện ngắn của ông trên hiện thực đa dạng, đa sắc màu. Người đọc vừa như

đang xem những bộ phim tình cảm quay chậm, vừa chiêm nghiệm về lẽ sống, cõi đời, những số phận khổ đau của kiếp người và không ngừng suy tư, cùng nhà văn đi tìm cho mình một câu trả lời chân thực về cuộc sống.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn nguyễn quang thiều dưới góc nhìn trần thuật học (Trang 50 - 54)