Giọng tâm tình, sẻ chia

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn nguyễn quang thiều dưới góc nhìn trần thuật học (Trang 79)

5. Cấu trúc luận văn

3.2. Giọng điệu

3.2.1. Giọng tâm tình, sẻ chia

Ở điểm nhìn từ bên trong, Nguyễn Quang Thiều kể chuyện như giãi bày, tâm tình tâm trạng, cảm xúc của mình với người bên cạnh. Nhân vật chính trong câu chuyện vì vậy không còn là nhân vật tự sự mà là nhân vật trữ tình với đời sống nội tâm được trình bày một cách tự nhiên. Kết cấu của tác phẩm là kiểu kết cấu tâm lí theo dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình mà hầu như chính là người kể chuyện.

Nguyễn Quang Thiều là con người tình cảm. Qua truyện ngắn, nhà văn khẳng định sở trường bộc lộ cái tôi trữ tình nồng nàn trong những suy tưởng, chiêm nghiệm, hồi tưởng của một người từng trải. Từ nhan đề đến lời đề tặng hay những lời giới thiệu, đều mở rộng cảm xúc. Có thể nói, nhà văn đã phát tín hiệu tình cảm ngay từ đầu tác phẩm, rồi từ đó, đưa dẫn người đọc theo những cảm xúc của mình.

Thể hiện giọng tâm tình, người kể chuyện thường đứng ở vị trí ngôi thứ nhất và thường là từ điểm nhìn nội tâm bộc lộ cảm giác, cảm xúc của nhân vật. Sự lựa chọn giọng kể này đã phơi bày trọn vẹn con người đa cảm, ưu tư và ưa hoài niệm của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Ông viết về thế giới tuổi thơ của chính ông hoặc viết cho thiếu nhi vừa dí dỏm, hồn nhiên vừa thủ thỉ, tâm tình. Mên và Mon là hai đứa trẻ mới lớn với tâm hồn trong sáng. Trong một đêm mưa to gió lớn, chúng sợ những con chim chìa vôi non bị chết đuối. Chúng lo lắng cho đàn chim con. Mon có những câu hỏi rất ngây thơ và đáng yêu: “Chúng nó có bơi được không? Bao giờ chúng nó bay được? Mẹ chúng đi kiếm ăn à? Chim chìa vôi có ăn được hến không? Anh có nhìn thấy chim chìa vôi nó bay từ bãi cát vào bờ bao giờ chưa? Tổ chim ngập mất, mình phải mang chúng vào bờ” [56, tr. 46].

Trước cảnh tượng bay lên của đàn chim con, những tâm hồn trẻ thơ cũng rung lên những nhịp đập của sự hân hoan, vui sướng. Một cảnh tượng mà chúng thấy như chỉ có trong huyền thoại, trong thế giới của truyện cổ tích. Tuổi thơ của chúng đầy ắp những kỷ niệm ngọt ngào với những điều bình bị và thân thương của những bờ đê, dòng sông, bầy chim chìa vôi. Những điều tưởng chừng như bé nhỏ ấy lại là hành trang để những đứa trẻ như Mên, Mon bước vào đời với tâm hồn luôn luôn biết hướng thiện.

Nhiều truyện của Nguyễn Quang Thiều giống như một lời tâm tình của một nhân vật trữ tình trước vẻ đẹp thanh khiết của thiên nhiên, vẻ đáng yêu

của ánh trăng, con đò, khói lam chiều xa xa bên bờ sông hoàng hôn mờ tím. Bởi thế sắc điệu trở nên nhẹ nhàng, êm ái như lời thủ thỉ, tâm tình. Giọng điệu ấy như bàn bạc, như bộc bạch với độc giả về lẽ sống, về cuộc đời. Người đọc không nhận ra đây là lời nhân vật hay chính lời sẻ chia, tâm sự của người kể chuyện hay chính của tác giả. Đôi khi ông còn dùng đại từ nhân xưng “bạn” kết hợp với giọng điệu như sôi nổi, hào hứng, ông đã cởi mở chia sẻ những suy nghĩ trong lòng mình về vẻ đẹp thiên nhiên diễm lệ, huyền ảo, dịu dàng trong đời sống.

3.2.2. Giọng cảm thương trước nỗi đau và thân phận con người

Cùng với nhiều nhà văn, Nguyễn Quang Thiều đã tạo nên tính đa thanh, phức điệu trong giọng điệu văn chương của thời kì đổi mới. Có rất nhiều cách phản ánh hiện thực thông qua giọng văn của mình. Để phơi bày những mặt trái, các trạng thái phản tiến bộ, các chân dung lố bịch, các nhà văn như Lê Minh Khuê, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Xuân Hà.... thường thể hiện bằng giọng giễu nhại với lối bông đùa, nhẹ nhàng mà chua cay. Nguyễn Quang Thiều thì lại khác, ông nhìn thẳng vào cái xấu, thâm nhập vào cái xấu để rồi xót xa, thương cảm. Điều này thể hiện một tâm hồn nhân hậu, nhân văn sâu sắc.

Khác với các nhà văn khác cùng thời Nguyễn Quang Thiều quan tâm đến nỗi đau, đến mất mát của từng nhân vật cụ thể. Khi miêu tả sự cô đơn của con người sau chiến tranh ông đã dung giọng trầm buồn, thương cảm. Ông đã thể hiện sự đau đớn, tiếc nuối cho những bất hạnh của con người phải gánh chịu. Nhưng dù truyện có nói đến nhiều mất mát, xót đau đến độ nào phần lớn không có sự sám hối, phủ định. Mà ngược lại nói về nỗi đau, tác giả lại hướng nhân vật đến sự hồi sinh của con người, của cuộc sống. Ở Nguyễn Quang Thiều, vẫn là sự nhân hậu, minh triết của người viết được thể hiện trên mỗi trang văn.

Nguyễn Quang Thiều như hòa mình vào nhân vật, đau nỗi đau mà nhân vật phải gánh chịu. Truyện Mùa hoa cải bên sông có hai mảng đối nghịch nhau: một mảng là tình yêu trong sáng, như một bông hoa nở giữa thiên nhiên làng quê xanh mát, dưới mênh mông trời mây sông nước, ngập tràn ánh trăng lung linh huyền ảo, khiến người đọc như được ngợp vào một khoảng gì đó thật mát lành, đầy rạo rực, đầy xúc cảm; còn mảng đối nghịch là lòng thù hận u tối, trơ lì, chai sạn; là sự trừng phạt tàn độc khiến lòng ta tiếc nuối, đau đớn, xót xa. Nguyễn Quang Thiều đã chỉ ra rằng cái ác nhiều khi không phải sinh ra từ cái ác mà lại sinh ra từ chính cái thiện. Ông Lư, vì thương vợ không được chôn cất trên mặt đất nên đã đặt ra lời nguyền, nhưng chính cái lời nguyền đó lại khiến ông trở thành một người cha độc ác đối với cô con gái; nó cũng trở thành cái nhà tù vô hình giam cầm gia đình ông sống trên một con thuyền chật hẹp, trong một không gian chật hẹp là giới hạn của lòng sông.

Nhà văn cũng nuối tiếc những giá trị truyền thống đã bị mai một đi trước cuộc sống hiện đại. Điều đó được thể hiện rất rõ trong Con chuột lông vàng. Cái làng Chùa - quê ông Lẫm Cùi vốn là làng Hoàng Dương nhưng người dân trong làng luôn gọi là làng Chùa bởi trước kia những ngôi chùa chiếm một phần ba làng. Đầu những năm sáu mươi, ở làng có chiến dịch phá chùa. Người ta tuyên truyền là phá đi tư tưởng mê tín để xây dựng nông thôn mới, tiếp cận với thời đại khoa học kỹ thuật: “Ngày phá chùa thực sự là ngày hội của làng. Lũ trẻ chúng tôi náo nức chờ đợi ngày ấy... Ông Lẫm Cùi, ngày phá chùa ông hào hứng lắm. Ông phăng phăng vác những pho tượng phật to lớn, uy nghi ném xuống ao chùa. Từ dưới ao tăm phật sùng nổi lên” [56, tr. 7]. Ngôi chùa cũng là một nơi linh thiêng, nơi con người có thể thư thái tâm hồn, nơi đức phật từ bi hướng con người tới điều tốt đẹp

Chỉ với một truyện ngắn vài ba trang - Đi chợ Tết, nhà văn đã làm người đọc xúc động và thương cảm cho số phận của người phụ nữ tên Thoa có chồng hy sinh nơi chiến trường. Giọng văn như lắng xuống khi nhà văn kể đến đoạn chị ôm đứa con trai vào lòng và hối hận vì sáng hôm đó không thịt gà cho chồng ăn và chị có ngờ đâu đêm đó là đêm cuối cùng chị được ở bên anh. Nước mắt chị trào ra khi thấy giọng con tía khò khò và cổ họng chị nghẹn đắng lại khi người bạn gái trêu chọc chị bán gà để mua áo mới lấy chồng. Rồi chị trở về lòng đầy nỗi buồn mênh mang trải dài khắp triền đê.

Nhà văn đã thấu hiểu được nỗi đau, sự mất mát không có gì cứu vãn nổi trong lòng người phụ nữ có chồng là thương binh. Người phụ nữ sinh con đến lần thứ năm, đứa con sống và chị đã chết - nhân vật tôi sau khi thi tốt nghiệp xong về quê khi nghe thấy tiếng giao hàng bún qua ngõ “Lòng tôi thắt lại. Một nỗi thoáng sợ và thương cảm xuyên vào lòng tôi. Mấy tháng sau, tôi có việc cần trở lại trường cũ. Tôi đi về phía lều chị bán bún mà tim đập như đi ăn trộm lần đầu... Lần này nhìn thấy chị với cái bụng vươn ngang miệng thúng. Tôi nấc lên... Tôi khóc. Tôi quáng quàng bỏ chạy khỏi khu chợ. Thế là lần sinh nở thứ ba của chị không thành, chị lại mang thai lần thứ tư... Chị Tâm ơi! Đời chị quá khổ đau. Nhưng em hiểu lòng chị. Chị hiểu rằng chị phải sinh ra sự sống chứ không phải cái chết. Nhưng đôi khi sự sống sinh ra từ cái chết. Chị ơi, cho em lạy chị ba lạy” [56, tr. 255].

Nguyễn Quang Thiều còn đau nỗi đau cho những con người đã lầm đường lạc lối trong cuộc sống đầy mưu sinh. Ba Thuận trong Nấc tràng hạt thứ hai mươi mốt, một con người với lòng tham lam mong muốn giàu có một cách nhanh chóng khiến hắn điên rồ tìm cách để kiếm tiền... Hắn thuê, mua hài cốt của Mỹ, nhưng hài cốt của Mỹ không có nhiều, hắn trà trộn lẫn

những bộ xương người lẫn lộn và không may cho hắn trong những bộ xương người đó có mẹ hắn: “Đến lúc Ba thuận lao đi như một con chó dại trong kho hàng… Trong cơn mơ hắn gặp má hắn. Bà nằm trên giường trong những ngày cuối cùng của đời mình. Bà gọi đứa con đến và nói: “Con hãy tháo dây tràng hạt và giữ lấy nó…. Lòng người không ác, không tham thì sẽ làm được mọi việc…” [56, tr. 331].

Nguyễn Quang Thiều đã quan tâm đến những nỗi đau, mất mát cụ thể của từng nhân vật. Giọng văn vì thế mà như lắng xuống, người đọc cũng cảm thấy buồn thương. Đó là tấm lòng nhân đạo bao la của nhà văn dành cho các nhân vật mà ông yêu quý.

Tiểu kết

Tự sự là một khía cạnh đã được nhiều người chú ý và nghiên cứu ở Việt Nam. Tìm hiểu các phương diện tự sự trong truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều trên các lĩnh vực: Ngôn ngữ, giọng điệu đã giúp cho người tiếp nhận khai thác sâu hơn những đặc trưng thẩm mỹ của văn bản văn học trong con đường sáng tạo nghệ thuật của mỗi nhà văn. Ngôn ngữ đa nghĩa, giàu hình ảnh và đặc biệt ngôn ngữ giàu chất thơ đã tạo cho các truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều có chiều sâu suy tưởng và đem lại sự bay bổng, lãng mạn trong tâm hồn bạn đọc. Giọng tâm tình, sẻ chia cùng với sự cảm thương trước số phận của con người đã biểu lộ quan niệm nhân sinh sâu sắc. Đó là lòng yêu thương và sự đồng cảm với những niềm vui, nỗi đau, sự mất mát của con người. Đặc biệt, Nguyễn Quang Thiều đã xây dựng nên những không gian đặc trưng như: Ánh trăng, dòng sông và cỏ. Và cùng với những không gian đó là thời gian luôn bị đảo lộn giữa hiện tại, quá khứ, tương lai, thời gian ám ảnh: đêm tối đã tạo nên hiện thực của tâm trạng, hiện thực số phận, hiện thực cuộc sống của con người.

PHẦN KẾT LUẬN

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều bắt đầu sáng tác văn chương từ những năm 1983. Tên tuổi của ông không chỉ được khẳng định trên phương diện thơ ca mà còn được khẳng định trên lĩnh vực văn xuôi hiện đại. Mỗi truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều đều để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả với lối kể chuyện chân thành, mộc mạc. Với một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm Á Đông, một lối tư duy sắc sảo, sự trải nghiệm, vốn sống phong phú, ông đã để lại cho nền văn học Việt Nam những truyện ngắn có phong vị riêng, mang đậm dấu ấn của chủ thể sáng tạo.

Nguyễn Quang Thiều là một người nghệ sĩ luôn có ý thức tìm tòi, sáng tạo bắt đầu bằng cái tôi đầy khát vọng kiếm tìm những điều mới mẻ trên những điều đã cũ, những điều phi thường trong những cái bình thường, những điều vô cùng ý nghĩa trong những gì bình dị. Ông đã làm sống lại những gì tưởng như đã kết thúc. Nếu như thơ Nguyễn Quang Thiều có nhiều dấu ấn sáng tạo về hình thức thì văn xuôi Nguyễn Quang Thiều lại rất giản dị. Giản dị nhưng không hề giản đơn, thô sơ. Giản dị là việc đạt được hiệu quả thẩm mỹ một cách tự nhiên mà không cần đến những xảo thuật, làm dáng.

Là một nhà văn của thời kì đổi mới một mặt Nguyễn Quang Thiều đã biết kế thừa, tiếp thu truyền thống văn học dân tộc, mặt khác lại có sự tìm tòi sáng tạo trong cách thể hiện nên truyện ngắn của ông có nhiều nét nghệ thuật đặc sắc. Điều này đã chi phối mạnh mẽ đến cách xây dựng cốt truyện, kết cấu, nhân vật, ngôn ngữ, giọng điệu.

Nguyễn Quang Thiều không thiên về xây dựng cốt truyện với nhiều kịch tính, lắt léo ôm chứa nhiều sự kiện. Truyện ngắn của ông lại thành công ở việc xây dựng những chi tiết đắt giá và đoạn kết với nhiều yếu tố bất ngờ, mở ra nhiều chiều suy ngẫm cho bạn đọc, đưa người đọc đồng sáng tạo cùng nhà văn.

Truyện ngắn của ông tiêu biểu với hai lối kết cấu: Kết cấu theo lối dán ghép điện ảnh và kết cấu theo mạch phát triển tâm lý. Với kết cấu theo lối dán ghép điện ảnh, nhà văn xáo trộn các biến cố và lắp ghép chúng không theo trình tự thời gian, các biến cố xa được đặt cạnh các biến cố gần, câu chuyện của những nhân vật khác nhau lại được đặt cạnh nhau và đồng thời với nó là sự di chuyển các điểm nhìn. Trong những truyện có kết cấu theo mạch phát triển tâm lý, chỉ có một vài sự việc, còn lại là cảm giác, suy nghĩ của nhân vật với những hồi ức, liên tưởng và độc thoại nội tâm. Kết cấu như vậy làm cho truyện thấm đẫm chất thơ, chất trữ tình.

Đặc biệt, Nguyễn Quang Thiều đã rất thành công trong việc xây dựng nhân vật. Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của ông phong phú, đa dạng. Với việc quan tâm khám phá đời sống tinh thần phức tạp và những ẩn ức trong con người, Nguyễn Quang Thiều đã xây dựng nên những nhân vật với khát vọng kiếm tìm tình yêu, hạnh phúc; nhân vật cô đơn, bất hạnh trong cuộc sống hiện đại; nhân vật với chiều sâu tâm linh; nhân vật lầm lỗi, lạc hậu.

Để phản ánh muôn mặt đời thường của cuộc sống hiện đại, Nguyễn Quang Thiều đã sử dụng hệ thống ngôn ngữ đa nghĩa, giàu hình ảnh. Trong nhiều truyện ngắn tâm tình, Nguyễn Quang Thiều đã sử dụng hệ thống ngôn ngữ thẫm đẫm chất thơ, có sự đan xen giữa hư và thực, quá khứ và hiện tại. Sự kết hợp hài hoà giữa chất tự sự và chất thơ như một cứu cánh, làm giàu thêm xúc cảm thẩm mĩ của người đọc, giúp người đọc cảm nhận và chiêm nghiệm về đời sống muôn màu, muôn vẻ.

Truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều nổi bật với hai giọng điệu: Giọng tâm tình, sẻ chia khi nhà văn thâm nhập vào thế giới của những tâm hồn vô tư, hồn nhiên, trong sáng đan xen, hoà quyện với giọng cảm thương trước nỗi đau, nỗi mất mát của con người sau chiến tranh, sự cô đơn, lạc

lõng của con người trong cuộc sống hiện đại và hơn cả là sự xót xa về sự mất đi những giá trị truyền thống tốt đẹp của đời sống từ trong sâu thẳm cội nguồn dân tộc.

Trong nhiều truyện ngắn nhà văn đã có sự đảo lộn trật tự thời gian: hiện tại - quá khứ - tương lai đã tạo nên tính nghệ thuật trong việc thể hiện tư tưởng của nhà văn. Đặc biệt Nguyễn Quang Thiều đã chủ ý khắc họa thời gian đêm tối đậm nét trong nhiều tác phẩm. Nhà văn chọn thời điểm này để nhân vật dễ dàng bộc bạch tâm tư tình cảm của mình. Đêm tối cũng là mốc thời gian để con người thức tỉnh, ý thức về lẽ sống của mình và đồng loại.

Bên cạnh những thành tựu, truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều cũng không tránh khỏi hạn chế như quá hướng nội, đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật, mang đậm chất trữ tình nên thiếu đi cái phần sống động, chất

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn nguyễn quang thiều dưới góc nhìn trần thuật học (Trang 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)