Nghệ thuật miêu tả ngoại hình, hành động nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn nguyễn quang thiều dưới góc nhìn trần thuật học (Trang 54 - 56)

5. Cấu trúc luận văn

2.3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Quang

2.3.1. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình, hành động nhân vật

Đây là thủ pháp xây dựng nhân vật truyền thống. Thông qua việc miêu tả ngoại hình và hành động, chân dung nhân vật được hiện lên. Theo sách luận văn học ngoại hình có thể được miêu tả trực tiếp qua ngôn ngữ người kể chuyện, có thể hiện lên qua nhân vật khác. Đây là diện mạo bề ngoài của nhân vật góp phần bộc lộ tính cách và tạo nên sự khác biệt. Còn hành động là những việc làm cụ thể của nhân vật trong quan hệ ứng xử với các nhân vật khác, và trong những tình huống khác nhau của cuộc sống. Điều này giúp bộc lộ tính cách và thúc đẩy diễn biến cốt truyện.

Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều được nhà văn tập trung khai thác ở chiều sâu nội tâm. Ông không đi sâu vào miêu tả ngoại hình nhân vật, nếu có chỉ là miêu tả ngoại hình để làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn, tính cách nhân vật. Ông luôn đề cao vẻ đẹp đức hạnh của nhân vật. Nói đến vẻ đẹp của người phụ nữ, Nguyễn Quang Thiều không miêu tả người phụ nữ có sắc đẹp nghiêng thành và mê hồn của thân thể như Nguyễn Du đã từng ca ngợi nàng Kiều đến mức: “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da” hay “hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh” hoặc “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà...” Có rất nhiều nhà văn hiện đại khi miêu tả cái đẹp của nhân

vật đều chú ý đến ánh mắt, bờ môi, đôi má hồng, mái tóc, làn da nhưng nhân vật của Nguyễn Quang Thiều vẻ đẹp không thể hiện qua những cái đó mà cái đẹp toát ra từ trong chính tâm hồn của họ. Một vẻ đẹp tiềm ẩn, vẻ đẹp khuất lấp bên trong. Vẻ đẹp bền vững và mãi mãi tồn tại với thời gian. Cái đẹp của nhân vật được hòa quyện với thiên nhiên. Cái đẹp của sự lãng mạn, lung linh. Cái đẹp được gợi lên từ thiên nhiên trong trẻo. Cái đẹp hữu xạ tự nhiên hương.

Trong Thị trấn những cây bàng cụt theo quan niệm của nhà văn chị là một người đàn bà đẹp. “Da chị rám nắng, nhưng mái tóc mượt dài” [56, tr. 254]. Nhưng điều ấn tượng hơn cả chính là hoàn cảnh đặc biệt của chị. Chị học xong phổ thông thì lấy chồng. Chị lấy một anh thương binh và chị yêu anh bằng một tình yêu chân thành. Chị sinh 5 đứa con, đứa con đầu chết lưu thai, đứa thứ hai đi ngay sau khi lọt lòng nhưng chị vẫn lạc quan, tin tưởng: “giời còn để sống, chị còn đẻ”. Còn là đàn bà thì còn đẻ được “Lần mang thai thứ ba chị quyết tâm và phải sinh được một đứa”. Hàng ngày chị vẫn đi bán bún và lấy phân bò về để đốt cho ấm... Đến tận lần thứ năm đứa con chị chào đời thì chị lại ra đi. Đến đây ta mới hiểu rằng vẻ đẹp của chị là vẻ đẹp của tình yêu chân thành chị dành cho người thương binh, vẻ đẹp của làn da rám nắng do dãi nắng dầm mưa, vất vả lo toan. Và điều ý nghĩa và đẹp đẽ hơn tất thảy là vẻ đẹp của niềm tin, sự lạc quan về con người, cuộc sống.

Vầng trăng luôn là hình tượng biểu hiện cho những gì thánh thiện, tinh khiết và thiêng liêng nhất. Nguyễn Quang Thiều miêu tả gương mặt đẹp của người con gái như một vầng trăng lung linh, huyền ảo: “Gương mặt cô đẹp như vầng trăng sau một lớp mây trắng mỏng. Anh thấy đôi mắt cô đẹp lạ lùng và thăm thẳm” [56, tr. 260]. Và trong khoảnh khắc của tình yêu, đôi mắt cũng trở thành vầng trăng khuyết bí ẩn và đầy mê hoặc của những con tim đang khát khao yêu thương đắm đuối. “Bỗng cánh tay tôi chạm vào cánh tay trần của em

mát như nước sông đêm. Tôi chững lại. Em cũng đứng lại và xoay người nhìn tôi. Đôi mắt em trong đêm như khoảng tối của vầng trăng khuyết (...) Em như một mảnh trăng mềm nằm trong vòng tay tôi” [56, tr. 375].

Vẻ đẹp của người con gái được ví như một nàng tiên cá trong truyện cổ tích. Chinh - một vẻ đẹp khởi nguyên của sự sống, của loài người: “Cô bơi mềm mại như một nàng tiên cá trong truyện cổ. Đâu đây có những đàn cá lạ lấp lánh ánh trăng xuyên qua mặt nước bơi theo cô. Thỉnh thoảng cô co người lại, hai tay ôm bó gối để cho cơ thể tuổi dậy thì lóng lánh như giọt thủy ngân lắng dần xuống đáy sông” [56, tr. 23].

Ông Cầm đem lòng yêu một người con gái có vẻ đẹp chân chất, mộc mạc, bình dị. Điều làm ông chú ý đến đầu tiên là màu vàng thẫm của gánh bưởi cô gái khi mang đến chợ bán. Nhưng ấn tượng hơn cả là khi ông nhìn thấy gương mặt và cái ngước mắt của cô gái: “Khi mũi đò chạm vào bờ cát, ông nhận rõ cô gái bán bưởi đẹp quá. Chỉ trong khoảnh khắc, gương mặt và cái ngước mắt của cô gái đã làm ông choáng váng” [56, tr. 284].

Có thể nói trong các truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều, nhiều người phụ nữ mà ở đây là những người phụ nữ ở ven miền sông Đáy quê ông mang trong mình vẻ đẹp của sự bình dị, dịu dàng và thánh thiện. Vẻ đẹp mang âm hưởng của dòng sông, bến nước, con đò, của sự hòa quyện với thiên nhiên, cỏ cây, chim chóc. Và vẻ đẹp ấy sẽ đọng lại mãi trong tim mỗi người, tồn tại mãi với thời gian bởi những gì bình dị nhất lại gợi nhiều nhất, để lại ấn tượng sâu đậm nhất. Miêu tả nhân vật như vậy, nhà văn phải là con người tinh tế và mẫn cảm, giàu yêu thương cuộc đời và con người.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn nguyễn quang thiều dưới góc nhìn trần thuật học (Trang 54 - 56)