Ngôn ngữ giàu chất thơ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn nguyễn quang thiều dưới góc nhìn trần thuật học (Trang 76 - 79)

5. Cấu trúc luận văn

3.1. Ngôn ngữ trong truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều

3.1.2. Ngôn ngữ giàu chất thơ

Chất thơ ở đây được hiểu là: những điều đẹp đẽ, cao cả, xúc động lòng người, là “Lý tưởng và khát vọng của đông đảo nhân dân, chủ nghĩa nhân đạo là chất thơ chân chính”. “Chất thơ bắt nguồn từ đời sống, được cảm nhận, nắm bắt một cách tinh tế và được thể hiện nhờ tài năng tác giả” [10, tr. 173].

Truyện cũng phải có chút bay bổng, lãng mạn, không nên miêu tả trần trụi quá. Thậm chí phải bay bay một tí mới hấp dẫn độc giả. Nhà văn Ma Văn Kháng đã nói rõ hơn “đấy là chất thơ của văn xuôi. Không phải nằm trong vang hưởng của ngôn ngữ… mà toát ra từ khung cảnh, chất liệu, từ không khí chung của toàn truyện, tức sự hòa hợp của các nhân tố chủ quan và khách quan” [35, tr. 134]. Ciceron chỉ ra rằng: “Văn xuôi nếu muốn có trau chuốt và có tính nghệ thuật thì phải có nhịp điệu tuy không nên gò bó quá mà phải tương đối tự do”. Văn xuôi có nhịp điệu rất hay gặp trong văn xuôi hiện đại, đặc biệt là “văn xuôi giàu chất thơ” [13, tr. 192].

Chất thơ trong văn xuôi chủ yếu được thể hiện ở giọng văn, nhịp điệu. Cũng có khi chất thơ còn được thể hiện ở từ ngữ và hình ảnh mang

ý nghĩa tượng trưng. Xuân Diệu gọi Phấn thông vàng là truyện ngắn, Huy Cận gọi Kinh cầu tự là văn xuôi, Nguyễn Xuân Sanh viết Đất thơm... đều là những tác phẩm say mê đi tìm cái đẹp, chất thơ của thiên nhiên, đất nước và tình người: từ ngôn từ đến cấu trúc, từ huyền thoại đến những bài thơ, từ tiêu đề đến những kết thúc. Cảm quan ấy trước hết thể hiện ở cái tôi đầy chất thơ. Cái tôi căng tràn cảm xúc, say sưa, mê đắm, quấn quýt, luôn dạt dào với tình yêu với đất nước, con người. Trong văn xuôi cuộc sống trần trụi nếu được miêu tả bằng chất thơ thì nó sẽ hiện lên muôn hình muôn vẻ. Văn xuôi không chứa đựng chất thơ sẽ khô khan, nhàm chán. Pautopsky đã từng nói: “Văn xuôi là sợi cốt, còn thơ là sợi ngang.” Phadeep có lần nói rằng: “văn xuôi phải có cánh. Mỗi người viết văn xuôi thực thụ phải hiểu biết thấu đáo thơ và họa” [33, tr. 175].

Những truyện ngắn hay mà ở đây là truyện ngắn tâm tình thường gần với thơ. Truyện thường giúp con người cảm nhận đời sống hơn là biết đời sống. “Truyện ngắn dường như là đứa con tất yếu của người mẹ - thơ và người cha - văn xuôi, nó là thơ viết bằng văn xuôi, bên ngoài mang tính cha và bên trong mang tính mẹ” [27, tr. 156]. Pautovsky đã viết về Prishvin: “Nếu như thiên nhiên biết mang ơn con người đã đi sâu vào trong đời sống của thiên nhiên, đã ca ngợi nó, thì người trước tiên xứng đáng được hưởng sự biết ơn đó là Mikhail Prishvin” ... “Prishvin cho mình là nhà thơ "bị đóng đanh trên cây thập tự của văn xuôi". Nhưng ông đã lầm. Văn xuôi của ông còn tràn đầy chất thơ hơn rất nhiều so với một số lớn những bài thơ và những bản thơ trường thiên”. Tương tự, chúng ta cũng có thể mượn lời của Pautopsky đánh giá về prishvin để nói về nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Nếu như thơ ông gần văn xuôi thì văn xuôi của ông lại gần với thơ. Bởi thơ ông khúc khuỷu, gai góc, trừu tượng, bí ẩn, và đầy trúc trắc. Còn văn xuôi của ông lại là những bản nhạc êm ả, du dương, dịu dàng thấm đẫm chất thơ.

Trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều, ngôn ngữ có sự kết hợp đan xen giữa hư và thực. Việc dồn nén chữ nghĩa cũng tạo ra vô số khoảng trống, nên đọc xong mà truyện vẫn như chưa dừng lại. Ở một số truyện ngắn, lời văn khá đẹp, công phu, có những câu chữ bột phát từ vô thức, từ trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Sự hoà quyện giữa nghệ thuật trần thuật và chất thơ trong mỗi truyện ngắn sẽ thăng hoa cảm xúc thẩm mĩ của độc giả. Ở truyện ngắn Hai người đàn bà xóm Trại, nhà văn đã miêu tả sự đứt quãng mạch cảm xúc, sự hồi tưởng và hiện tại của nhân vật, làm cho câu chuyện hiện lên hư hư, thực thực.

Chạy trốn khỏi vầng trăng giống như một bài thơ với những nhịp mạnh đan cài những nhịp nhẹ, những trùng điệp day dứt, những rung động mãnh liệt hay nhẹ nhàng như tiếng “mang, mang, mang” của ánh trăng vang vọng chất thơ không dứt. Âm thanh đó như vọng về từ cõi vô thức, nhập nhoạng trong tâm hồn người nửa tỉnh nửa mơ trong một tình yêu đầy tuyệt vọng. Niềm hạnh phúc ngập tràn khi con người phát hiện ra một điều kỳ diệu, nâng hồn lên chơi vơi: “Chinh mỉm cười gật đầu và đi xuống bến” [56, tr. 28]. Anh đã nhìn ngắm cô và cảm nhận được vẻ đẹp của cô, mái tóc tựa như thiên thần, mái tóc ấy đẹp mềm mại tựa như ánh trăng.

Trong Người đàn bà tóc trắng, không biết do tạo hóa công bằng hay do ngôn ngữ văn chương của Nguyễn Quang Thiều đã biến tình yêu của một chàng đánh xe bò với một cô người ở chẳng kém đắm say, chẳng kém thơ mộng so với tình yêu của một chàng hoàng tử và một nàng công chúa: “Gừng cảm thấy hai cánh tay Mô như hai cánh võng mềm mại đang dịu dàng đỡ lấy cơ thể cô” [56, tr. 59]. Cũng tả hai cánh tay, trong Chạy trốn khỏi vầng trăng, Nguyễn Quang Thiều viết: “Em cũng im lặng rất lâu rồi đưa tay đỡ mái tóc vừa gội ban chiều và dâng lên. Trăng đưa hương nấm bưởi đến với tôi. Hai cánh tay trần của em như tạc bằng hai mảnh trăng mười sáu” [56, tr. 377].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn nguyễn quang thiều dưới góc nhìn trần thuật học (Trang 76 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)