Công nhân, người lao động

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) di động xã hội của công nhân trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp thanh trì, hà nội (Trang 32 - 35)

8. Khung lý thuyết

1.1.2. Công nhân, người lao động

C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra hai thuộc tính cơ bản của công nhân: Thứ nhất, về phương thức lao động, phương thức sản xuất: đó là những người lao động trực tiếp hay gián tiếp vận hành các công cụ sản xuất có tính chất công nghiệp ngày càng hiện đại và xã hội hóa cao.

Thứ hai, về vị trí trong quan hệ sản xuất Tư bản chủ nghĩa: Đó là những người lao động không có tư liệu sản xuất, phải bán sức lao động cho nhà tư bản và bị nhà tư bản bóc lột về giá trị thặng dư.

Căn cứ vào hai thuộc tính trên có thể coi những người lao động trong các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ công nghiệp là công nhân. Còn những người làm công ăn lương phục vụ trong các ngành y tế, giáo dục, văn hóa, dịch vụ (không liên quan trực tiếp đến sản xuất công nghiệp…) là những người lao động nói chung được thu hút vào tổ chức công đoàn nghề nghiệp nhưng không phải là công nhân.

Tiếp tục sự nghiệp của Mác - Ăngghen, V.I.Lênin đã nghiên cứu làm phong phú, hoàn chỉnh thêm lý luận về công nhân bằng những luận điểm mới trong điều kiện lịch sử mới: Công nhân là những người lao động công nghiệp, làm việc trong nền đại công nghiệp.

Những quan điểm của C.Mác - Ph. Ăngghen, V.I.Lênin về những tiêu chí, đặc trưng cơ bản của công nhân cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, vẫn là cơ sở, phương pháp luận khoa học giúp chúng ta nghiên cứu về công nhân hiện đại. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của lịch sử xã hội, đội ngũ công nhân được bổ sung thêm nhiều đặc điểm mới. Cùng với sự phát triển của chủ nghĩa Tư bản, bộ mặt của công nhân hiện đại có nhiều thay đổi khác trước. Sự phát triển của lực lượng sản xuất đã vượt xa trình độ văn minh công nghiệp trước đây. Ở các nước tư bản phát triển hiện nay, cơ cấu ngành nghề của công nhân đã có những thay đổi to lớn: bên cạnh công nhân của nền công nghiệp cơ khí, đã xuất hiện công nhân của nền công nghiệp tự động hóa với việc áp dụng phổ biến công nghệ thông tin vào sản xuất; bên cạnh sản xuất công nghiệp đã phát triển ngày càng có nhiều các loại dịch vụ (có thể chiếm đến 50% - 70% lao động xã hội). Nhưng những điều đó không làm giảm vai trò của giai cấp công nhân trong nền kinh tế và ngay cả tỷ trọng của giai cấp công nhân trong dân cư. Bởi vì, một bộ phận lớn những người làm thuê trong các ngành dịch vụ gắn liền với công nghiệp và hoạt động theo lối công nghiệp vẫn là công nhân xét cả về hai thuộc tính cơ bản của công nhân. Cùng với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, giai cấp công nhân có xu hướng “trí thức hóa” ngày càng tăng, và cũng ngày càng tiếp thu thêm đông đảo những người thuộc

tầng lớp trí thức vào hàng ngũ của mình, nhưng “trình độ tri thức không làm thay đổi bản chất của giai cấp công nhân, với tính cách là giai cấp làm thuê cho giai cấp tư sản trong hoạt động công nghiệp”.

Bàn về khái niệm công nhân nói chung, khái niệm công nhân Việt Nam nói riêng hiện vẫn còn khá nhiều ý kiến khác nhau. Cho đến nay, ngay ở nước ta đã có hàng chục khái niệm về giai cấp công nhân được công bố:

Cụ thể, Hội đồng lý luận Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia bộ môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã đưa ra định nghĩa công nhân: công nhân là lực lượng lao động cơ bản tiên tiến trong các quy trình công nghệ, dịch vụ công nghiệp, trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, tái sản xuất ra của cải vật chất và cải tạo các quan hệ xã hội; đại biểu cho lực lượng sản xuất và phương thức sản xuất tiên tiến trong thời đại ngày nay.

Căn cứ lý luận Mác- Lênin và thực tiễn nước ta, nghị quyết Trung ương 6 khóa X Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra khái niệm về công nhân như sau: Công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và các dịch vụ có tính chất công nghiệp.

Như vậy, công nhân Việt Nam có những đặc trưng:

1. Gồm những người lao động làm công hưởng lương trong ngành công nghiệp và dịch vụ công nghiệp thuộc các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công ty cổ phần và những lao động trực tiếp làm việc trong các nông, lâm trường.

2. Công nhân Việt Nam gồm những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, tái sản xuất ra của cải vật chất trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ công nghiệp.

3. Công nhân sản xuất công nghiệp hiện đại là nòng cốt của giai cấp công nhân Việt Nam. Không phải tất cả trí thức đều thuộc giai cấp công nhân

mà chỉ những kỹ sư, cán bộ khoa học - kỹ thuật, cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu trực tiếp áp dụng những thành tựu khoa học – công nghệ vào sản xuất công nghiệp và dịch vụ công nghiệp mới thuộc giai cấp công nhân.

4. Đội ngũ công nhân Việt Nam hiện đang nắm giữ những cơ sở vật chất, kỹ thuật quan trọng nhất của đất nước; đại diện cho lực lượng sản xuất tiến tiến nhất trong xã hội hiện nay. Họ là lực lượng tiên phong, thông qua Đảng Cộng sản, có vai trò lãnh đạo, đi đầu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Đề tài không nghiên cứu toàn bộ công nhân Việt Nam mà chỉ nghiên cứu về đội ngũ công nhân, lao động hành chính trong các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn nghiên cứu. Do vậy, trong đề tài tác giả sử dụng một khái niệm “công nhân” nhằm đồng nhất một số khái niệm: công nhân, người lao động để tránh tách biệt giữa đội ngũ công nhân trực tiếp sản xuất và đội ngũ người lao động làm công tác hành chính, không tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất nhưng là một bộ phận nhân sự của doanh nghiệp trong Khu công nghiệp và cùng tham gia vào quá trình hoạt động cũng như nắm rõ được quy luật di động xã hội của đối tượng công nhân tại đơn vị do họ quản lý. Họ đều phải sử dụng sức lao động của bản thân cho những công việc nhằm tạo ra những giá trị vật chất hay tinh thần trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động và ngược lại họ sẽ nhận được một khoản tiền nhất định từ công việc đó, đồng thời là nguồn nhân lực chính cho quá trình vận hành, phát triển khu công nghiệp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) di động xã hội của công nhân trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp thanh trì, hà nội (Trang 32 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(167 trang)
w