1.2. Chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông sản
1.2.4. Tiêu chí đánh giá chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông sản
Dưới đây là một số tiêu chí đánh giá chính sách được thừa nhận rộng rãi nhất: (1) Tính hiệu lực của chính sách, (2) Tính hiệu quả của chính sách, (3) Tính hữu dụng của chính sách, (4) Tính công bằng của chính sách, (5) Tính đáp ứng yêu cầu của đối tượng chính sách, (6) Kết hợp hợp lý giữa hiệu qủa và công bằng (hay tính thích đáng của chính sách).
1.2.4.1. Tính hiệu lực của chính sách
Tính hiệu lực của chính sách phản ánh mức độ tác động, ảnh hưởng của chính sách đó trên thực tế, làm biến đổi hoặc duy trì thực tế theo mong muốn của chính phủ. Đánh giá hiệu lực của chính sách là trả lời câu hỏi: Chính sách có đạt được các kết qủa có giá trị hay không; Đánh giá tính hiệu lực của chính sách thường đòi hỏi nhiều thông tin và phương pháp tiến hành phức tạp, song nó rất có ích đối với các nhà hoạch định chính sách để xem xét cần tiếp tục duy trì hay thay đổi chính sách hiện hành.
Hiệu lực của một chính sách bao gồm (1) Hiệu lực lý thuyết và (2) Hiệu lực thực tế. Một chính sách sau khi được ban hành sẽ có hiệu lực lý thuyết, đó là hiệu lực được nhà nước công nhận để đưa chính sách vào vận hành. Hiệu lực thực tế là hiệu lực có được khi chính sách tác động đến thực tế làm biến đổi thực tế theo mong muốn của chính phủ - Chính sách chỉ đạt được hiệu lực thực tế khi nó được áp dụng và đem lại kết quả nhất định; Cần lưu ý rằng, một chính sách chỉ đạt được hiệu lực thực tế tốt nếu chính sách được hoạch định đúng đắn về lý thuyết. Một chính sách có hiệu lực lý thuyết đôi khi lại không có hiệu lực trên thực tế do những thiếu sót khó khăn gặp phải trong khâu thực thi. Chính sách chỉ có thể được coi là đúng đắn về lý thuyết khi nó tính đến những yếu tố thực tiễn để đảm bảo sự thực thi thành công.
Như vậy: Hiệu lực của một chính sách là kết quả tác động tổng hợp của cả hiệu lực lý thuyết cũng như hiệu lực thực tế. Khả năng thành công hay thất bại của một chính sách phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nhà hoạch định và nhà thực thi chính sách phải biết phân tích, lựa chọn phương án tối ưu nhất để thực hiện chính
sách thành công: Hiệu lực của một chính sách phản ánh tính đúng đắn về lý thuyết cũng như hoạt động thực tế.
Ở đây cũng cần lưu ý đến một thực tế: làm giảm hiệu lực của các chính sách
- Đó là tình trạng các chính sách được đề ra nhiều nhưng không có sự đánh giá, phán xét nghiêm minh. Điều đó dẫn đến chỗ người dân mất lòng tin vào chính sách và chính sách vừa ra đời bị mất hiệu lực một cách “vô hình"
1.2.4.2. Tính hiệu quả của chính sách
Việc đánh giá hiệu quả của một chính sách nhằm trả lời cho câu hỏi: cần bao nhiêu nỗ lực để đạt được các kết quả có giá trị?
Tính hiệu quả của chính sách cũng là tương quan so sánh giữa kết quả do chính sách đó đưa lại so với chi phí và công sức đã bỏ ra cho kết qủa đó.
Khi đánh giá hiệu quả của một chính sách, về nguyên tắc, người ta phải xác định hiệu quả tổng hợp của chính sách - Đó là kết quả tổng hợp cả về kinh tế - xã hội của chính sách đó. Hiệu quả tổng hợp phản ánh mức độ đạt được các kết quả về kinh tế và về tác động xã hội theo mục tiêu đã đề ra với một chi phí và công sức nhất định. Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu không thể lượng hóa được, nhất là những tác động xã hội. Do đó hiệu quả xã hội thường chỉ có thể xác định về mặt định tính. Còn hiệu quả kinh tế có thể đánh giá bằng chỉ tiêu định lượng, thể hiện tương quan so sánh giữa kết quả thu được bằng với chi phí bỏ ra.
Trong nền kinh tế thị trường, hiệu quả kinh tế thị trường được đo bằng hiệu quả Pareto. Hiệu qủa Pareto là một thuật ngữ dùng để chỉ hiệu qủa kinh tế mang tên nhà toán học - kinh tế học người Italy là Vilfredo Domaso Pareto (1848 - 1923) - Theo nguyên lý Pareto, một sự di chuyển làm cho hoàn cảnh của người này tốt lên mà không làm hoàn cảnh của người khác bị tồi đi được gọi là một hoàn thiện Pareto
- Một thị trường cạnh tranh hoàn hảo sẽ dẫn đến hiệu quả (một sự di chuyển làm cho hoàn cảnh của người này tốt lên mà không làm hoàn cảnh của người khác bị tồi đi được gọi là một hoàn thiện Pareto) Pareto. Nhưng trong thực tế, nền kinh tế hoạt động một cách không hoàn hảo, nên sự phân bổ các nguồn lực không dẫn đến hiệu quả Pareto. Đây là lý do để nhà nước can thiệp vào nền kinh tế nhằm nâng cao hiệu
quả. Sự can thiệp của nhà nước chỉ đạt hiệu qủa khi đem lại phúc lợi xã hội cao hơn. Nhà nước có thể sử dụng một tập hợp các chính sách để tạo nên một hoàn thiện Pareto, làm tăng hiệu quả kinh tế và tăng phúc lợi xã hội. Các chính sách trợ giúp của chính phủ cho tiến bộ khoa học mới hay để truyền bá các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng là những hoàn thiện Pareto.
1.2.4.3. Tính hữu dụng của chính sách
Tính hữu dụng của chính sách phản ánh mức độ vấn đề chính sách đã được giải quyết đến đâu - Đánh giá tính hữu dụng của chính sách trả lời cho câu hỏi: “Việc đạt được các kết quả đã giải quyết được vấn đề ở mức độ nào”
Chẳng hạn, hãy xem xét một chương trình cho vay vốn để tạo việc làm cho người nghèo được thực hiện vào năm 1994, với mục đích giảm nghèo nhờ thu nhập từ việc làm. Đối tượng của chương trình này gồm hai loại: (1) Cho cá nhân những người nghèo vay; (2) Cho các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp nhỏ vay để tạo công ăn việc làm. Song chương trình đã không đáp ứng được mục tiêu đặt ra do các nguyên nhân sau: Thứ nhất: Việc làm thủ tục cho vay do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành phố quản lý không thuận lợi cho người nghèo vì: người nghèo khó khăn trong việc đi xin vay vốn; thủ tục vay vốn đối với người nghèo có trình độ văn hóa thấp là khá phức tạp, bản thân cấp chính quyền còn có tư tưởng ngại cho người nghèo vay sẽ có nhiều rủi ro, việc cho vay đòi hỏi phải lấy giấy phép sử dụng đất đai làm thế chấp cũng gây khó khăn cho người nghèo... Do đó, những cá nhân nghèo khó có thể xin vay tiền. Thứ hai: Việc cho các doanh nghiệp nhỏ vay tiền cũng không bảo đảm cho người nghèo có việc làm, bởi vì lãnh đạo doanh nghiệp có xu hướng dành cơ hội làm việc cho họ hàng thân thích hơn là cho những nguời ngoài đang thất nghiệp. Như vậy, chương trình cho vay vốn để tạo việc làm cho người nghèo nói trên đã không giải quyết đúng vấn đề theo mục tiêu đặt ra. Những trở ngại ở đây xuất hiện trong khâu thực thi, do thủ tục phức tạp, do ý đồ cá nhân của những người tổ chức thực thi đã bóp méo ý định ban đầu của chính sách; Song điều đó cũng cho thấy sai lầm trong khâu hoạch định chính sách là đã không tính hết các khả năng có thể xảy ra trong điều kiện cụ thể lúc đó.
Một chương trình nâng cao khả năng tiếp cận với hệ thống giáo dục phổ thông đối với các dân tộc thiểu số cũng sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra nếu không quan tâm đến các yếu tố như khó khăn về ngôn ngữ, chương trình giảng dạy phù hợp, công tác đào tạo cũng như chế độ đối với giáo viên và cơ sở vật chất cần thiết.
1.2.4.4. Tính công bằng
Tính công bằng của chính sách thể hiện ở chỗ: các chi phí và lợi ích có được phân bổ công bằng giữa những cá nhân và các nhóm người khác hay không. Công bằng bao gồm công bằng theo chiều dọc và công bằng theo chiều ngang. (1) công bằng theo chiều dọc là sự đối xử khác nhau đối với những người khác nhau, đối xử với người giàu khác với người nghèo. Do đó, một chương trình sẽ tăng tính công bằng nếu nó tiến hành chuyển dịch nguồn lực từ những người giàu hơn sang những người nghèo hơn. (2) Công bằng theo chiều ngang là sự đối xử như nhau đối với những người như nhau. Điều này có nghĩa là những người có kết quả hoạt động như nhau, không phân biệt giới tính, dân tộc. tôn giáo, màu da... .đều được đối xử như nhau.
Một trong những khiếm khuyết đáng kể của nền kinh tế thị trường là nó luôn tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội. Theo Simon Kuzntes, trong lịch sử phát triển kinh tế, mỗi quốc gia trải qua ba giai đoạn khác nhau của sự bất bình đẳng. Thứ nhất, giai đoạn đầu khi kinh tế chưa phát triển, thu nhập và phân phối tương đối đồng đều, tương đối công bằng – nhưng đó là công bằng trong nghèo khổ. Thứ hai, khi nền kinh tế thị trường phát triển, sự bất bình đẳng trong thu nhập và phân phối tăng lên. Tại những thời điểm tăng trưởng càng nhanh thì sự bất bình đẳng càng gia tăng. Thứ ba, khi nền kinh tế phát triển cao, bất bình đằng trong phân phối và thu nhập sẽ giảm dần.
Thực tế những năm qua cho thấy, sự tăng trưởng, quyền bình đẳng và sự giảm bớt đói nghèo có thể cùng tiến bước với nhau, điều này đã diễn ra ở phần lớn vùng Đông Á. Nhiều chính sách đã thúc đẩy sự tăng trưởng và sự bình đẳng cùng một lúc. Chẳng hạn, cải tiến giáo dục vừa tạo ra vốn con người vừa giúp đỡ người nghèo, việc cung cấp ruộng đất cho nông dân nghèo không những dẫn đến tăng cường sự bình đẳng; mà còn nâng cao cả năng suất lao động. Các nước Đông Á đã
chỉ ra rằng, có thể đạt được mức tiết kiệm cao mà không chênh lệch nhiều về quyền bình đẳng.
Với các chính sách của nhà nước nhằm hỗ trợ cho người dân bằng cách trợ giá xăng dầu, giá điện, truyền hình.... thì chính nhà nước lại tạo ra sự bất bình đẳng lớn hơn, vì đây là những hàng hóa mà những người càng khá giả thì mức tiêu dùng càng cao, nên lại được hưởng trợ giá càng nhiều.
Việc nhà nước thực hiện công bằng đến đâu là tùy thuộc vào sự đúng đắn và hợp lý của chính sách đề ra. Tuy nhiên dù nhà nước tác động tích cực như thế nào trong môi trường cạnh tranh của nền kinh tế thị trường thì cũng không thể đạt được sự bình đẳng tuyệt đối, vì vậy sự công bằng ở đây chỉ được hiểu một cách tương đối. Việc thực hiện nguyên tắc công bằng, bất chấp chất lượng và hiệu qủa sản xuất, kinh doanh và sự đóng góp của mỗi người cho sự phát triển chung của cộng đồng. Vấn đề đặt ra: Nhà nước phải làm gì để xã hội ít bất bình đẳng hơn trong khi sản xuất vẫn phát triển một cách hiệu qủa. Công bằng trong chính sách của nhà nước chủ yếu là tạo ra những cơ hội ngang nhau cho các đối tượng khác nhau.
1.2.4.5. Tính đáp ứng yêu cầu của đối tượng chính sách
Tính đáp ứng của chính sách công trả lời câu hỏi: Việc thực thi chính sách đề
ra có đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của các nhóm đối tượng của chính sách hay không - Trên thực tế, có nhiều chính sách của Chính phủ đề ra nhưng không đáp
ứng được đầy đủ nguyện vọng của nhóm đối tượng chính sách.
Chính sách ưu đãi xã hội ở nước ta hiện nay có số lượng đối tượng hưởng thụ khá lớn do điều kiện lịch sử để lại. Hiện có khoảng 2 triệu người đang được hưởng các khoản ưu đãi thường xuyên với các mức khác nhau. Tuy nhiên, do điều kiện của đất nước, sự ưu đãi, giúp đỡ của nhà nước và cộng đồng chưa đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng có công. Trong bối cảnh cơ chế thị trường hiện nay, các gia đình của những người có công bị ảnh hưởng không nhỏ, nhiều gia đình vẫn sống trong cảnh nghèo khó. Một vấn đề bức xúc hơn cả là việc làm đối với người có công, nhiều thương binh bệnh binh chưa kiếm được việc làm phù hợp với tình trạng thương tật và sức khỏe của họ. Nhiều gia đình liệt sỹ thiếu thốn, thiếu sức lao động
để mở rộng sản xuất. Điều này cho thấy cần có cái nhìn phù hợp trong chính sách ưu đãi đối với những người có công. Ngoài chính sách trợ cấp, ưu đãi đối với người có công, nhà nước cần có chính sách ưu đãi trong giải quyết công ăn việc làm phù hợp với điều kiện của họ.
1.2.4.6. Kết hợp hợp lý giữa hiệu qủa và công bằng (hay tính thích đáng của chính sách) Tính thích đáng của chính sách trả lời cho câu hỏi: “Các kết quả mong muốn
kết hợp giữa tính hiệu qủa và tính công bằng như thế nào?” Thông thường, khi đề ra và thực thi một chính sách, người ta thường gặp sự mâu thuẫn giữa hiệu quả kinh tế và yêu cầu công bằng xã hội; phần lớn các chính sách của nhà nước phải cân nhắc cả hai mặt: công bằng và hiệu quả. Trong các chính sách, một số thuộc về hoàn thiện Pareto, một số khác thuộc về phân phối lại thu nhập. Vấn đề đặt ra là phải hy sinh bao nhiêu phúc lợi của nhóm dân cư này để đổi lấy việc gia tăng phúc lợi của nhóm dân cư khác? Do đó, phải đánh giá tác động của chính sách đến các đối tượng trong mối quan hệ giữa tính hiệu quả và tính công bằng. Thông thường, sự can thiệp của chính phủ nhằm tạo ra sự công bằng trong xã hội sẽ được đánh đổi bằng một sự kém hiệu quả về mặt kinh tế. Khi định ra chính sách, cần lưu ý về sự đánh đổi giữa công bằng và hiệu quả, cũng như đến các hậu quả do sự đánh đổi đó gây ra.
Mối quan hệ giữa tính hiệu quả và tính công bằng được phản ánh trong mối tương quan giữa mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội của một chính sách, cũng như trong mối tương quan giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội. Trong điều kiện nước ta hiện nay, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vẫn phải là nhiệm vụ hàng đầu, bởi vì chỉ có một nền kinh tế năng động và có hiệu quả cao, dựa trên những thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại thì mới có khả năng huy động các nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu xã hội theo nguyên tắc và công bằng, các mục tiêu xã hội hợp quy luật, thuận lòng dân có thể tạo ra động lực to lớn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với sự tiến bộ và công bằng xã hội ngay từ đầu và trong suốt quá trình thực hiện các chính sách phát triển. Không thể chờ đợi đến khi đất nước đạt trình độ phát triển kinh tế cao rồi mới thực hiện tiến bộ và
công bằng xã hội, càng không thể hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để phát triển kinh tế đơn thuần. Muốn vậy, mỗi chính sách xã hội đều hàm chứa nội dung và ý nghĩa kinh tế, dù trực tiếp hay gián tiếp, trước mắt hoặc lâu dài. Mỗi thời kỳ cụ thể phải xác định đúng mức độ hợp lý giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, sao cho hai mặt này không cản trở hoặc triệt tiêu lẫn nhau, mà hỗ trợ cho nhau.
Việc đánh giá một chính sách theo các tiêu chí nói trên cho phép đưa ra những nhận định về các giá trị của chính sách đó. Đây là những căn cứ quan trọng để các nhà phân tích chính sách phán xét về các hành vi được tiến hành trong suốt quy trình chính sách, tìm ra những khiếm khuyết cần hoàn thiện. Có thể nói, đánh giá chính sách cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những căn cứ để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chính sách; tiếp tục để duy trì hay chấm dứt chính sách đó.