3.2. Một số giải pháp hoàn thiện chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông sản của
3.2.2. Giải pháp hoàn thiện nhóm chính sách đối với tiêu thụ nông sản xuất khẩu
Chính sách thị trường, chính sách mặt hàng, chính sách xúc tiến thương mại đối với hàng nông sản xuất khẩu ở tầm vĩ mô nói chung thực chất là chiến lược định hướng xuất khẩu nông sản của quốc gia. Do vậy, để xây dựng, hoàn thiện các chính sách này chính là xây dựng, hoàn thiện chiến lượng định hướng xuất khẩu nông sản quốc gia. Chính sách thị trường xuất khẩu phải được xây dựng trước tiên và làm căn cứ định hướng cho các chính sách còn lại. Trong đó, chính sách mặt hàng được xây dựng dựa trên chính sách thị trường. Việc xác định sản phẩm nào cho thị trường nào trước hết phải dựa vào kết quả nghiên cứu thị trường, điều kiện nguồn lực và trình độ sản xuất trong nước. Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, chúng ta cần xây dựng chiến lược định hướng xuất khẩu trên cơ sở đáp ứng nhu cầu thị trường.
3.2.2.1. Hoàn thiện chính sách thị trường
EU là khối thị trường chung nhưng mỗi thị trường thành viên lại có đặc điểm, nhu cầu, quy định nhập khẩu và sở thích tiêu dùng không giống nhau. Trong bối cảnh doanh nghiệp Việt chủ yếu quy mô nhỏ và vừa, quy mô sản xuất còn hạn chế, năng lực cạnh tranh của sản phẩm còn khoảng cách cần cải thiện, nên cần có cách tiếp cận thị trường phù hợp. Các chính sách thị trường cần đảm bảo những yêu cầu sau:
- Tiếp tục khai thác dư địa, giữ vững và tận dụng tối đa lợi thế mà Hiệp định EVFTA mang lại đối với các thị trường đầu tàu truyền thống trong khối EU như: Hà Lan, Đức, Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Bỉ, nhằm mở rộng thị phần, phát huy lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Đây là các thị trường được coi là cửa ngõ giúp lan tỏa đi các nước khác trong khối EU.
- Tiếp cận các thị trường ngách (bên cạnh các thị trường truyền thống), những thị trường phù hợp với năng lực cạnh tranh, khả năng xâm nhập của các DNNVV,
mặc dù kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam chưa cao nhưng đang có xu hướng gia tăng và chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh được coi là “cánh cửa” giúp hàng Việt vào sâu hơn nữa thị trường EU..
3.2.2.2. Hoàn thiện chính sách mặt hàng
Căn cứ vào tiềm năng thị trường, khả năng cung ứng của Việt Nam và nội dung của Hiệp định EVFTA, chính sách mặt hàng cần xác định những mặt hàng nông sản được nhìn nhận có cơ hội lớn trong xuất khẩu theo Hiệp định EVFTA bao gồm: Trái cây tươi, Cà phê, hạt Điều, hồ Tiêu, Cao su.
Về tổng thể, số liệu tham khảo tiềm năng xuất khẩu của Tổ chức ITC ước tính thị trường EU còn tới 49% dung lượng mà Việt Nam có thể khai thác. Trong đó, nhóm nông sản thực phẩm còn có thể khai thác từ 35%-90%, tuỳ theo sản phẩm cụ thể. Hơn nữa, khi xây dựng các chính sách mặt hàng nhằm phục hồi xuất khẩu sau đại dịch Covid-19 nên ưu tiên đặc biệt cho những ngành quan trọng có đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian gần đây để tận dụng lợi thế khi thực hiện EVFTA.
Theo các chuyên gia của châu Âu, nông sản Việt Nam là mặt hàng rất có tiềm năng xuất khẩu sang châu Âu. Hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chứng minh được chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của EU, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng EU, nhiều sản phẩm Việt Nam được ưa chuộng tại châu Âu như hạt điều, cà phê, rau củ, thanh long, vải… Sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, ưu đãi thuế quan ở hiệp định này sẽ mang lại lợi thế to lớn cho các sản phẩm Việt như nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử,... Đặc biệt, EU cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam liên quan tới nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu cao như trà Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột, thanh long Bình Thuận… Đây đều là các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, do đó Việt Nam vẫn nên tiếp tục tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá nhãn hiệu, marketing sản phẩm các mặt hàng này để có thể tận dụng được ưu đãi từ hiệp định EVFTA, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước EU.
3.2.2.3. Hoàn thiện chính sách xúc tiến thương mại
Nhà nước cần mở rộng hệ thống hoạt động xúc tiến thương mại đối với hàng nông sản; xây dựng sàn giao dịch nông sản, lập quỹ dự trữ nông sản; hỗ trợ người sản xuất xây dựng thương hiệu nông sản; thiết lập hệ thống kinh doanh trên mạng và tăng cường hệ thống thông tin thị trường nông sản. Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại hàng nông sản; điều hành quản lý xuất, nhập khẩu linh hoạt để vừa thực hiện đúng các cam kết với các tổ chức quốc tế và các quốc gia mà Việt Nam đã ký, vừa bảo vệ được sản xuất trong nước, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Thường xuyên cập nhật, thông báo về chính sách thương mại của các đối tác, các tổ chức quốc tế và các quốc gia để người sản xuất, kinh doanh nắm được và điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả; chủ động tiếp cận, đàm phán với các đối tác, quốc gia để giải quyết những tranh chấp hoặc tháo gỡ rào cản thương mại. Tiếp tục hỗ trợ mạnh cho hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ hàng nông, lâm, thủy sản. Kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm hoạt động buôn lậu và gian lận trong thương mại hàng nông, lâm, thủy sản.
Để đạt mục tiêu XK, sẽ phải đổi mới căn bản công tác xúc tiến thương mại, hướng tới các thị trường là đối tác có FTA, hướng tới các ngành hàng mà ta có lợi thế và còn dư địa cho tăng trưởng XK. Cùng đó, sẽ phải lựa chọn một số mặt hàng tiềm năng để thiết kế và thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại riêng cho những mặt hàng này vào các thị trường.Theo đó cần:
- Tăng cường hoạt động của các Thương vụ, văn phòng xúc tiến thương mại
ở nước ngoài trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tìm hiểu, kết nối và xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài. Đồng thời, tổ chức các đoàn
doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam giao dịch mua bán, giới thiệu sản phẩm và tổ chức các Hội nghị quốc tế ngành hàng XK tại Việt Nam.
- Tổ chức Chương trình Tuần hàng nông sản Việt Nam tại các hệ thống phân phối nước ngoài. Trước mắt tập trung tại các hệ thống phân phối lớn tại
châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á đã có hiện diện thương mại tại Việt Nam. Hỗ trợ DN trong nước mang hàng hoá trưng bày, giới thiệu tại các Chương trình Tuần hàng Việt Nam theo quy định của pháp luật.
- Xây dựng các đầu mối nhập khẩu, bán hàng tại các thị trường mục tiêu để tăng cường khả năng cung ứng hàng hoá trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài; mở các cơ sở, địa điểm bảo hành sản phẩm để hỗ trợ cho XK trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài.
- Thị trường thế giới và những cơ hội đã mở rộng đến mức tối đa có thể cho mọi DN xây dựng và phát triển thương hiệu của mình. Thực tế cho thấy rằng hầu hết DN của chúng ta vẫn chưa thương hiệu hoá được mình không chỉ trên thị trường quốc tế mà cả ở thị trường trong nước. Một số đã tạo ra được thương hiệu của mình nhưng lại chưa thực sự tìm được "pháp thuật" để làm cho thương hiệu của mình được lan toả một cách sâu rộng nhất.Việc duy trì giá trị thương hiệu hiện cũng là một điểm yếu của DN Việt Nam. Vì thế cần đẩy mạnh Chương trình thương hiệu quốc gia nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm XK tại các thị trường XK trọng
điểm và có nhiều tiềm năng đối với hàng hoá Việt Nam. Hỗ trợ thâm nhập thị trường nước ngoài đối với thương hiệu các hàng hoá đặc trưng thuộc Chương trình thương hiệu quốc gia, thực hiện đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn mác sản phẩm và quyền sở hữu công nghiệp theo cam kết trong các Hiệp định FTA về quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập. Sự hiện diện một cách lâu dài trên thị trường của một sản phẩm cũng là một yếu tố quan trọng làm nên thương hiệu.
- Nghiên cứu, đề xuất, đàm phán với các hệ thống phân phối nước ngoài các thoả thuận, cam kết về số lượng, chủng loại sản phẩm, hàng hoá mang thương hiệu Việt Nam được phân phối trong mạng lưới của các hệ thống phân phối nước ngoài.
- Hỗ trợ các DN trong hoạt động sản xuất, phát triển mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hoá XK phù hợp với yêu cầu của các hệ thống phân phối nước ngoài.
Về tổ chức thực hiện, Bộ Công Thương cần xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia theo hướng : không xúc tiến thương mại một cách dàn trải với kinh phí thấp mà cho phép có cơ chế tập trung một số ngành hàng, lĩnh vực, địa phương với mức trần kinh phí được nâng lên, thực hiện cho tới khi đạt kết quả cụ thể. Ngoài ra, Chương trình XTTM cũng cần tăng tỷ trọng của các hoạt động có tác dụng lâu dài như đào tạo kỹ năng, giảm tỷ trọng của các hoạt động chỉ có tác dụng nhất thời như tổ chức hội chợ, triển lãm hay tham gia hội chợ, triển lãm.