XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ CON NGƯỜI VIỆT NAM THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Một phần của tài liệu Ban tin so 2.2021 (Trang 27 - 29)

VIỆT NAM THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

ThS. Bùi Đức Dũng

Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm sâu sắc đến sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người sớm đưa ra những quan điểm xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam, đồng thời Người là kiến trúc sư, tổ chức, lãnh đạo xây dựng nền văn hóa mới đó. Về mặt lý luận, tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh góp phần làm phong phú nhận thức của nhân loại và lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về văn hóa; đồng thời, trở thành nền tảng lý luận quan trọng cho đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, phát triển văn hóa và con người. Khi đi vào thực tiễn, tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh đã tạo ra những thay đổi lớn lao trong đời sống văn hóa dân tộc và mang lại cho dân tộc sức mạnh nội sinh to lớn. Quan điểm của Người về văn hóa, con người thể hiện nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, văn hóa do con người sáng tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu của chính con người

Con người là chủ thể sáng tạo của văn hóa, ngược lại văn hóa là phương thức sinh tồn, là môi trường sống của con người. Con người sáng tạo văn hóa không những trong đời sống tinh thần mà còn cả trong lĩnh vực sản xuất vật chất và lĩnh vực tổ chức đời sống xã hội. Người viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học,

nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng...”(1). Như vậy, văn hóa là do con người sáng tạo ra thông qua lao động, chính là để phục vụ con người, đáp ứng nhu cầu của con người.

Thứ hai, văn hóa góp phần hình thành và phát triển nhân cách con người

Nói tới văn hóa là nói tới con người, văn hóa góp phần hoàn thiện nhân cách con người, với nhiệm vụ trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, Người đặt ra tiêu chí cho xây dựng con người cách mạng, con người mới là: “Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo”(2). Như vậy, vai trò của văn hóa là trực tiếp xây dựng những phẩm chất nhân cách cần có của con người mới cả về đạo đức, lối sống và nếp sống nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Thứ ba, văn hóa, con người vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển đất nước

Văn hóa là mục tiêu, động lực của sự phát triển chính là nói tới quá trình trong đó con người được và tự trang bị cho mình những kiến thức, hệ giá trị để có thể trở thành một nhân tố tạo ra sự phát triển. Hồ Chí Minh từng

nói đến văn hóa phải “soi đường cho quốc dân đi”(3). Vì vậy, văn hóa phải gắn liền với đời sống, với lao động sản xuất. Năm 1943 khi đề xuất chương trình xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam, Hồ Chí Minh xác định năm điểm lớn: 1. Xây dựng tâm lý: Tinh thần độc lập tự cường; 2. Xây dựng luân lý: Biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng; 3. Xây dựng xã hội: Mọi sự nghiệp có liên đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội; 4. Xây dựng chính trị: Dân quyền; 5. Xây dựng kinh tế.(4)

Qua năm điểm lớn của văn hóa dân tộc đã thể hiện sự quan tâm đến quá trình phát triển con người cả về khía cạnh vật chất và tinh thần nhằm phát triển con người toàn diện. Có thể khẳng định rằng, Hồ Chí Minh là người đầu tiên đưa ra những tư tưởng sâu sắc, khoa học và cách mạng về văn hóa, con người.

Thứ tư, xây dựng nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng, phục vụ nhân dân

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành công Hồ Chí Minh đã bắt tay vào xây dựng nền văn hóa mới, nền văn hóa mới này “cần phải có tính cách khoa học, tính cách đại chúng, thì mới thuận với trào lưu tiến hóa của tư tưởng hiện đại”(5). Tính khoa học của nền văn hóa mới thể hiện ở sự tiến bộ, hiện đại phù hợp với sự tiến hóa chung của nền văn hóa nhân loại. Tính chất đại chúng của nền văn hóa mới đó là nền văn hóa phục vụ nhân dân, đáp ứng nguyện vọng nhân dân, mang đậm tính nhân văn.

Việt Nam là đất nước có nền văn hóa, văn hiến lâu đời, có bề dày truyền thống hàng nghìn năm. Nền văn hóa đó có hệ giá trị và bản sắc riêng và không bị đồng hóa bởi bất kỳ kẻ thù xâm lược nào. Hệ giá trị và bản sắc đó đã tạo nên sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh việc phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia

(về chính trị, kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, con người, nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, an ninh, quốc phòng, đối ngoại…) thì nguồn lực văn hóa đang được nhiều quốc gia coi là một “sức mạnh mềm” quan trọng để phát triển nhanh, bền vững và nâng cao vị thế, vai trò của đất nước trên trường quốc tế. Nhận thức rõ về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đường lối, chính sách về xây dựng, phát triển văn hóa và con người của Đảng ta ngày càng có bước phát triển và không ngừng hoàn thiện trên cơ sở vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đưa ra chủ trương “tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế - xã hội”(6). Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Đảng đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Nghị quyết đưa ra mục tiêu: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(7). Trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”(8).

Một phần của tài liệu Ban tin so 2.2021 (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(60 trang)