Một số vấn đề về dân cƣ trong tồn tại xã hội hiện đại

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Dân cư trong tồn tại xã hội ở tỉnh Lâm Đồng và sự vận động của nó hiện nay (Trang 54)

Khi phân tích yếu tố dân cư trong tồn tại của xã hội hiện đại, cần phải đề cập đến ít nhất là những vấn đề lớn sau đây:

1.3.1. Áp lực của sự gia tăng dân số trong xã hội hiện đại.

1.3.1.1. Bùng nổ sự gia tăng dân số toàn cầu:

Trong cuốn sách "Tiếng chuông cảnh tỉnh cho thế kỷ XXI", Ôrêliô Pêxây và Daisaku Ikêda, hai học giả nổi tiếng về các vấn đề toàn cầu, đã viết:

"Đúng nửa đêm, cách đây chừng một triệu năm, tức mười nghìn thế kỷ con người trí tuệ (Hom - Sapiens), đứa con cuối cùng có một giá trị nào đó của thiên nhiên, xuất hiện trên quả đất. Ngày chủ nhật đã bắt đầu, và với ngày đó, bắt đầu kỷ nguyên con người. Suốt mười nghìn thế kỷ, từ lúc bắt đầu là một sinh vật yếu đuối luôn luôn giữ thế thủ, con người từng bước tiến lên làm chủ toàn bộ thế giới và vào lúc đạt đến đỉnh cao của quyền lực cũng là lúc con người lâm nguy hơn bao giờ hết... Con người đã chiến thắng được nhiều bệnh tất nhưng không hạn chế khả năng sinh sản dồi dào của mình, cho nên dân số thế giới tăng lên một cách kinh hoàng, trở thành yếu tố đe doạ sự tồn tại của chính con người" [trích theo 47,tr. 2].

Cách khái quát đầy ấn tượng nói trên đã chỉ ra một nguy cơ thực tế là sự gia tăng quá nhanh dân số toàn cầu, một sự bùng nổ buộc toàn thế giới phải quan tâm. Vào đầu công nguyên dân số thế giới là 250 triệu, sau một thời gian dài đạt 2 tỷ người vào năm 1927, thế nhưng vào ngày 11/07/1987 dân số thế giới tròn 5 tỷ người, và chỉ 12 năm sau, vào ngày 10/10/1999 dân số thế giới đã tăng thêm 1 tỷ, tức là tròn 6 tỷ người. Chỉ tính từ năm 1960 đến nay, dân số thế giới đã tăng lên gấp hai lần. đó thực sự là một thách thức lớn, song nguy cơ từ đó còn lớn hơn, bởi đây là một đại lượng khả biến. Hiện nay, hàng năm vẫn có hơn 80 triệu người được bổ sung vào số dân hiện có. Tính chung cho toàn thế giới, loài người hiện đang ở vào giai đoạn quy mô dân số trẻ, tuổi trung vị vào năm 1995 là 25,4 tuổi, tức là số người trong độ tuổi sinh đẻ đang ở mức rất cao. Theo dự báo của vụ dân số thuộc uỷ ban các vấn đề kinh tế và xã hội của Liên hiệp quốc, nếu tỷ xuất sinh vẫn giữ nguyên như giai đoạn 1990 - 1995 thì vào năm 2150 dân số thế giới sẽ là 296 tỉ người. Tất nhiên, nhờ sự quan tâm một cách tích cực ở nhiều quốc gia, giai đoạn 1995 - 2000 mức sinh đã có chiều hướng giảm, tỷ lệ tăng dân số vì thế mà đã bắt đầu giảm xuống. Tuy nhiên, cũng theo dự báo nói trên, nếu mức sinh giữ được ổn

định ở mức thay thế, nghĩa là hơn hai con cho một phụ nữ thì dân số thế giới vẫn tiếp tục tăng từ 6 tỷ năm 1999 lên 9,4 tỉ năm 2050, 10,4 tỷ năm 2100; 10,8 tỷ năm 2150 và ổn định ở mức 11 tỷ người vào khoảng năm 2200. Song sự gia tăng tiềm năng này không trải đều trên toàn cầu, trong khi sự gia tăng còn tiếp tục ở khắp các châu lục, thì lại giảm xuống riêng ở châu Âu, trong khi tăng mạnh ở Nam bán cầu, thì lại giảm đi gần một nửa ở các nước Bắc bán cầu giầu có. Cụ thể là dân số châu Phi sẽ tăng gấp 4 lần, từ 700 triệu (năm 1994) lên 2,8 tỷ (năm 2150). Ở châu Á, dân số Trung Quốc tăng từ 1,2 tỷ lên 1,6 tỷ, ở Ấn độ từ 900 triệu lên 1,7 tỷ và các nước còn lại từ 1,3 tỷ lên 2,8 tỷ. Các nước Trung và Nam Mỹ có thể tăng từ 477 triệu lên 916 triệu. ở Bắc Mỹ, số tăng từ 297 triệu lên 414 triệu. Châu Đại dương sẽ tăng từ 28 triệu lên 51 triệu. Đây là dự báo dựa trên cơ sở là mức sinh được giữ ở mức ổn định, với sự cộng đồng trách nhiệm và quyết tâm cao của mỗi quốc gia và cả cộng đồng thế giới. Trên thực tế, việc kiểm soát sự gia tăng dân số của từng quốc gia, khu vực còn hàm chứa nhiều mâu thuẫn trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia, khu vực và trong tương quan với các quốc gia, khu vực khác. Mặt khác, việc kiểm soát đó còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, thậm chí là rất nhạy cảm và tế nhị. Ví dụ, để khắc phục sự thiểu số, hoặc vì không muốn tiếp nhận sự nhập cư mà một dân tộc, một quốc gia nào đó vẫn khuyến khích sinh đẻ nhiều. Hoặc giả mâu thuẫn phát sinh từ sự chênh lệch về giới tính, do văn hoá trọng nam khinh nữ chi phối trong việc thực hiện nghiêm ngặt chính sách mỗi cặp vợ chồng chỉ có một con ở Trung Quốc đã dẫn tới nguy cơ phá vỡ chính ngay chủ trương lớn đó. Tuy nhiên, với một chính phủ tích cực, có một hệ thống chính sách đúng đắn, cùng với sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của từng cộng đồng dân cư lại là những điều kiện cần thiết cho khả năng kiểm soát được sự gia tăng dân số. Trường hợp Việt Nam là một ví dụ, chúng ta đã và đang phải đối mặt với những hậu quả của sự bùng nổ dân số, và đã có lúc tưởng như phải bó tay, mọi dự báo của nước ta và của

Liên Hiệp Quốc về dân số nước ta đã vẽ ra một bức tranh đáng buồn về quy mô dân số. Đứng trước tình hình đó, Ban chấp hành Trung ương đã ra nghị quyết IV khoá VII ngày 14/01/1993 cùng với quyết tâm cao của các ngành, các cấp và toàn thể nhân dân, mặc dù chưa phải đã hoàn toàn lạc quan về quy mô dân số, song chúng ta đã thu được những thắng lợi bước đầu rất đáng khích lệ. Qua tổng điều tra dân số 1 tháng 4 năm 1999 dân số nước ta là 76.324.753 người, giảm so với dự báo theo phương án trung bình là 3.189.000, tạo ra khả năng đạt mức sinh thay thế sớm hơn từ 5 - 10 năm so với dự báo trước đây.

Sự bùng nổ dân số toàn cầu kéo theo nhiều vấn đề đáng quan tâm khác cho yếu tố dân cư.

1.3.1.2. Áp lực của dân cư đến môi trường sinh thái.

Một số lượng đông dân cư ở một khu vực, một nước và cả loài người đương nhiên là một gánh nặng trút lên môi trường sinh thái. Song trên thực tế, tác động của con người, dù với một số lượng bất kỳ, lên môi trường thường là lớn hơn nhiều so với những gì người ta thường nói tới, nhất là khi con người ở vào trình độ ngày càng cao như hiện nay. Bởi lẽ, con người ngoài vai trò là chủ thể của tiêu dùng, của sản xuất, còn là một chủ thể sáng tạo và nhiều tham vọng. Trong khi về cơ bản đã có được sự chuyển biến tích cực của từng quốc gia, khu vực và toàn thể cộng đồng quốc tế trong nhận thức về sự suy thoái môi trường sống và bức bách về một chiến lược nhằm giữ gìn môi trường cho một sự phát triển bền vững, thì còn đang thiếu một tiếng nói chung trong cách đánh giá về nguyên nhân của vấn đề. Trong khi các nước phát triển đổ lỗi cho sự gia tăng dân số quá cao ở những nước đang phát triển là nguyên nhân chính của sự suy thoái môi trường sống toàn cầu, thì ngược lại, các nước đang phát triển lại cho rằng chính thói quen tiêu dùng quá mức và sự vận hành quá mức nền công nghiệp ở những nước phát triển mới là

nguyên nhân chính của sự suy thoái ấy. Đúng ra, ở cả hai cách nhìn đều chứa đựng sự thật về những nguyên nhân cần tìm. Điều quan trọng là phải phân tích thật khách quan vai trò như là một áp lực ngày càng lớn của dân cư lên môi trường sinh thái nói chung trong quá trình phát triển. Bởi vì, con người để tồn tại và phát triển luôn phải nhận từ trái đất thực phẩm, nước, không khí... và khi chết đi lại trở về với đất theo một cách nào đó. Có điều đáng chú ý là quan hệ đó luôn thay đổi theo thời gian và phụ thuộc vào sự hiểu biết, quan điểm về thế giới và văn hoá của con người. Nhưng cũng thật đáng buồn là cùng với thời gian, khi hiểu biết của con người về tự nhiên càng tăng lên, thì thái độ của con người với giới tự nhiên đã chuyển từ “sự tôn kính qua mong muốn chung sống hài hoà, tới sự kiêu ngạo, đắc thắng của kẻ chinh phục”. Kết quả là cho đến nửa cuối thế kỷ XX, các dấu hiệu suy thoái của môi trường tự nhiên đã tăng lên đến mức báo động.

Thật vậy, nếu chỉ đơn thuần nhìn vào số lượng quá đông đảo của dân cư thì cũng dễ dàng nhận ra những áp lực lớn lên môi trường sinh thái, mà trước hết là môi trường tự nhiên. Trước tiên phải kể đến là sự mất đất và làm nghèo kiệt đất canh tác. Do dân số tăng nhanh, trong khi đất đai lại không sinh thêm, dẫn tới tỷ lệ đất canh tác bình quân trên đầu người giảm nhanh. Và để nuôi sống mình con người buộc phải quay vòng nhanh mùa vụ sản xuất, làm cho độ phì của đất canh tác chưa kịp tái tạo đã lại bị khai thác. Tình trạng này xảy ra nhiều nhất ở khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam. Hiện nay diện tích đất canh tác bình quân đầu người của nước ta chỉ còn dưới 0,1 ha, trong khi giới hạn thấp nhất để đảm bảo an toàn lương thực với đất canh tác là 0,07 ha. Tiếp theo là mất rừng. Để mở rộng đất canh tác, con người đã chặt phá một diện tích rừng rất lớn, dẫn tới huỷ hoại nghiêm trọng thảm thực vật và hệ động vật tự nhiên. Tính trung bình mỗi năm thế giới mất đi hàng trăm loài động và thực vật. Dân cư đông đúc cũng là tác nhân cơ bản làm cạn kiệt nguồn nước ngọt và ô nhiễm nguồn nước do nước thải sinh hoạt và nước thải

công nghiệp chưa qua xử lý, gia tăng độ ô nhiễm chất thải rắn do sản xuất và sinh hoạt, trong đó đặc biệt nguy hiểm là chất thải nhiễm xạ và nilông. Tiếp đến là sự gia tăng của sản xuất dẫn tới làm cạn kiệt các nguồn nguyên liệu, tiêu phí năng lượng và gia tăng lượng khí thải độc hại, chủ yếu là các khí CFO, gây ra hiệu ứng nhà kính, làm tăng nhiệt độ của trái đất, phá huỷ tầng ozon. Theo quan sát của các nhà khoa học Mỹ, tại thời điểm tháng 8/2000, lỗ thủng tầng 03 ở khu vực Nam cực đã có diện tích gấp 3 lần nước Mỹ, diện tích này đang tăng trung bình 10% mỗi năm trong thập niên qua. Nguyên nhân chính của tình trạng này có thể tìm thấy chủ yếu ở những nước công nghiệp phát triển, trong đó đứng đầu là nước Mỹ, Canađa, Đức... Người ta tính rằng chỉ trong vòng từ 50-70 năm nữa, về cơ bản con người sẽ khai thác hết các nguồn nguyên liệu hoá thạch, nguồn cung cấp năng lượng chính cho hoạt động sống của con người; sẽ hết sạch các kim loại màu như đồng, chì, thiếc... Việc tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông, với mật độ cao, đã gây ra ô nhiễm về khói bụi và tiếng ồn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khoẻ của con người, hư hại các công trình kiến trúc, văn hoá, giết hại các loài động thực vật... Sự tập trung quá đông của dân cư cũng là nguyên nhân gây ra những lệch lạch về hành vi sống của con người, đe doạ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tất nhiên còn tuỳ thuộc vào trạng thái chính trị xã hội. Ngoài ra, việc tăng cường chạy đua vũ trang, đẩy mạnh sản xuất, tận dụng trang thiết bị ở trình độ công nghệ thấp vì lợi ích ích kỷ của những tập đoàn, giai cấp thống trị nào đó ở các nước TBCN, cũng góp phần đáng kể vào sự hủy hoại môi trường sống.

Như vậy, áp lực của dân cư lên môi trường sống đang là một vấn đề lớn mà xã hội hiện đại phải đối mặt. Sự tồn tại và phát triển hơn nữa của con người đòi hỏi chính con người ngày nay phải nhận thức và giải quyết tốt nhất vấn đề nói trên. Nguyên nhân của vấn đề, như đã phân tích, ngoài nguyên

nhân là chế độ chính trị, hai nguyên nhân chủ quan rất đáng quan tâm đó dân số quá đông và nhu cầu tiêu dùng quá lãng phí trong dân cư.

1.3.1.3. Di dân và sự xáo trộn dân cư:

Di cư là một hiện tượng có lịch sử lâu dài gắn liền với sự tồn tại và phát triển dân cư. Trong khi mỗi thời kỳ lịch sử, hiện tượng này diễn ra với những đặc điểm, mục đích và nguyên nhân riêng, nhưng dù ở bất kỳ thời điểm lịch sử nào, nó cũng là một nhân tố quan trọng có ảnh hưởng lớn tới sự biến động của dân cư cả về số lượng và chất lượng và tác động tới chính sách phát triển của mỗi quốc gia, khu vực cụ thể.

Trong lịch sử, di dân là động thái cơ bản làm cho con người có mặt ở hầu khắp các lục địa, đồng thời góp phần làm cho nền văn minh ở các vùng, miền của trái đất trở nên tương đối đồng đều. Bởi vì, mục đích chính của các cuộc di cư là nhằm tìm kiếm những vùng đất mới tự do hơn, màu mỡ hơn, so với khuôn khổ chật hẹp, cằn cỗi ở quê cũ và luôn được tiến hành bởi những con người có đầu óc canh tân. Về sự phát triển của Bác Mỹ, C. Mác đã nhận xét: "Trong những nước như Bắc Mỹ là những nước bắt đầu sự phát triển của mình ngay bằng một thời đại lịch sử đã phát triển thì sự phát triển diễn ra rất nhanh. Những nước đó không tiền đề tự nhiên nào khác hơn là những cá nhân đến sinh cơ lập nghiệp ở đó và đã phải đến đó vì những hình thức giao tiếp trong nước cũ không còn phù hợp với những nhu cầu của họ nữa. Như vậy, những nước đó bắt đầu bằng những cá nhân tiên tiến nhất của những nước cũ..." [57.105]. Nhờ vào động thái di cư này mà các "tân thế giới" như châu Mỹ, châu úc đã trở thành những vùng đất giàu có, phát triển. Bên cạnh đó, di dân trong nội bộ một nước, giữa các ngành, các vùng khác nhau cũng tạo ra những tiến bộ cho nước đó và cho chính những di dân, Lênin đã khẳng định: "Giống như hiện tượng bỏ nông nghiệp mà ra thành phố, tình trạng những người không làm nông nghiệp bỏ đi kiếm ăn cũng là một hiện tượng

tiến bộ. Tình trạng đó làm cho dân cư ra khỏi những nơi hang cùng hẻo lánh, lạc hậu của họ, mà lịch sử đã bỏ quên, và lôi cuốn họ vào trong cơn lốc của cuộc sống xã hội hiện đại. Tình trạng đó nâng cao trình độ văn hoá và trình độ giác ngộ của nhân dân, gây cho họ những tập quán và những nhu cầu văn minh" [51,tr.583].

Tuy nhiên, di cư cũng gây ra những tác động tiêu cực, làm xáo trộn dân cư cả ở nơi đi và nơi đến, tạo ra nhiều nguy cơ cho chính người di cư, nhất là ngày nay, khi mà các đường biên giới quốc gia, vấn đề chủ quyền lãnh thổ đã được xác lập vững chắc, có công ước quốc tế đảm bảo. Và ngày nay, khi mà không còn các vùng đất mới chưa được khai phá, khi dân số quá đông lại phân bố không đều giữa các vùng, các châu lục, thì di cư và xáo trộn dân cư đã trở thành một vấn đề lớn thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng quốc tế.

Di dân hiện nay bao gồm hai luồng chính: di dân quốc tế và di dân nội địa. Với luồng di dân quốc tế có thể chia ra các dòng chính là: di cư vĩnh viễn (chủ yếu là đoàn tụ gia đình), di cư tạm thời (gồm đi học, đi làm vì mục đích

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Dân cư trong tồn tại xã hội ở tỉnh Lâm Đồng và sự vận động của nó hiện nay (Trang 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(187 trang)