Vai trò của yếu tố dân cư trong tồn tại xã hội ở Lâm Đồng hiện nay

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Dân cư trong tồn tại xã hội ở tỉnh Lâm Đồng và sự vận động của nó hiện nay (Trang 112 - 127)

Chƣơng 2.......... DÂN CƯ TRONG TỒN TẠI XÃ HỘI Ở LÂM ĐỒNG

2.2. Thực trạng của yếu tố dân cƣ ở Lâm Đồng hiện nay

2.2.2. Vai trò của yếu tố dân cư trong tồn tại xã hội ở Lâm Đồng hiện nay

2.2.2.1. Tác động qua lại của dân cư với điều kiện tự nhiên.

Như đã trình bày ở trên, di dân là quy luật cơ bản của sự hình thành cộng đồng dân cư Lâm Đồng. Đa số trong dân cư ở Lâm Đồng hiện nay là dân chuyển đến từ nửa sau thế kỷ XX. Điều đó đã chứng tỏ sức hấp dẫn của đất đai, điều kiện địa lý ở Lâm Đồng là rất lớn. Thật vậy, là một tỉnh có diện tích che phủ rừng lớn nhất cả nước, đất rộng, người thưa, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, Lâm Đồng đã trở thành miền đất hứa, hấp dẫn nhiều người, nhất là những người gặp một hoàn cảnh khó khăn nhất định nơi quê cũ, đang muốn cải thiện một hoàn cảnh nào đó. Trong sức hút di dân của điều kiện tự nhiên nói trên rất cần lưu ý đến sức hút của các cánh rừng già nguyên sinh với các tộc ít người ở miền núi phía Bắc, vốn rất gắn bó với rừng, nhưng ở quê cũ rừng đã gần như mất hết. Chính sức hút của điều kiện tự nhiên này đã góp phần quy định những đặc điểm riêng và vai trò của dân cư Lâm Đồng trong quan hệ với hoàn cảnh địa lý - điều kiện tự nhiên ở đây.

Dân cư Lâm Đồng hiện nay được chuyển đến từ khắp các vùng miền, địa phương trong cả nước và đến cùng với họ là những kinh nghiệm sản xuất,

những phong tục tập quán, những giá trị văn hóa đa dạng, phong phú. Dân di cư đến Lâm Đồng do 2 dòng chính: dòng di dân có kế hoạch (còn gọi là di dân xây dựng vùng kinh tế mới) và dòng di dân ngoài kế hoạch (còn gọi là di dân tự do), trong đó dòng di dân tự do có số người lớn gấp hơn 2 lần dòng di dân có kế hoạch. Phần lớn trong số những người đến lập nghiệp ở đây là những người có đầu óc canh tân, phiêu lưu, mạo hiểm, có khát vọng thay đổi hoàn cảnh hiện tại của mình và một bộ phận trong họ có một nguồn vốn đáng kể. Đây chính là thế mạnh, là những tiền đề cần thiết cho một sự phát triển đi lên một khi đã đi vào ổn định và gặp được những điều kiện khách quan thuận lợi. Với việc chỉ trong vòng 60 năm dân số tăng lên gấp hơn 15 lần, đã hình thành một cộng đồng đông đảo và đa dạng về tộc người, dân cư Lâm Đồng đã làm cho các điều kiện tự nhiên như rừng núi, đất đai, khí hậu ở đây trở nên có ý nghĩa thiết thực. Họ đã khai hoang, cải tạo đất đai, tạo ra một diện tích đất nông nghiệp tới 200.000 ha, biến một xứ sở hoang vu, rừng thiêng nước độc thành một miền quê trù phú, tươi đẹp. Chỉ trong vòng 15 năm sau ngày lập tỉnh đã thành lập mới 4 huyện, 1 thị xã, với 75 xã, phường, thị trấn. Nhiều nghề, cây con mới, thích hợp với điều kiện địa lý ở Lâm Đồng đã được dân cư đầu tư phát triển và sau một thời gian chuyển đổi, thử nghiệm, đang đi dần vào thế ổn định. Mặc dù còn ít được nhà nước đầu tư, nhất là với dòng di cư tự do, nhưng bằng sự nỗ lực cao trong khắc phục khó khăn, chinh phục tự nhiên và cần cù lao động, đến nay đa số dân cư Lâm Đồng có mức sống từ trung bình trở lên. Theo tổng điều tra hộ nghèo của tỉnh năm 2001, số hộ nghèo theo chuẩn mới chỉ còn 12%, riêng số hộ nghèo trong các tộc ít người chỉ còn 14,7% tổng số hộ [77]. Sự hình thành cộng đồng dân cư Lâm Đồng hiện nay còn góp phần làm giảm bớt mật độ dân cư ở nhiều vùng quê vốn quá đông đúc, góp phần thực hiện tốt chính sách phân bổ, điều tiết dân cư và lực lượng lao động của nhà nước ta. Những thành tựu chinh phục tự nhiên, tạo lập

cuộc sống mới của dân cư Lâm Đồng là khá lớn và đã được khái quát ở mục trên (mục 2.1).

Trong sự tác động của dân cư Lâm Đồng tới hoàn cảnh địa lý - điều kiện tự nhiên trong xuất hiện một số hạn chế cấp bách. Có thể khái quát những hạn chế đó thành vấn đề chung, đó là: áp lực của dân cư lên môi trường tự nhiên.

Vấn đề áp lực của dân cư lên môi trường tự nhiên ở Lâm Đồng hoàn toàn khác với các đô thị và những khu vực tập trung đông dân cư trên thế giới và trong nước, nơi mà áp lực của dân cư tới môi trường tự nhiên chủ yếu thể hiện ra ở sự quá đông về số lượng người, sự tập trung các khu công nghiệp việc tiêu dùng quá mức, gia tăng lượng khí thải độc hại... Bên cạnh đó, môi trường tự nhiên ở Lâm Đồng có vị trí đặc biệt không chỉ cho cư dân ở đó, mà còn đối với một khu vực rộng lớn, có số lượng dân cư đông. Vì thế áp lực của dân cư lên môi trường tự nhiên ở Lâm Đồng cần được xem xét trong quan hệ mật thiết với toàn vùng (gồm 3 tỉnh Nam Trung Bộ. Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận cùng với 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ là Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh), một khu vực đông dân cư và đang được coi là khu vực phát triển kinh tế cao, năng động của cả nước. Do đó, nếu chỉ nhìn vào con số hơn một triệu dân trên diện tích gần 10 nghìn km2, mật độ trung bình là 102 người/1 km2, thì hoàn toàn có thể nghi ngờ việc đặt ra vấn đề áp lực của dân cư lên môi trường tự nhiên như là một vấn đề bức xúc với dân cư Lâm Đồng. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu sâu vào một số mặt trong sự vận động của dân cư ở Lâm Đồng hiện nay như trình độ công nghệ sản xuất, nhu cầu sống, tập quán - tâm lý... như là những yếu tố chủ đạo gây ra suy thoái môi trường tự nhiên và từ đó kéo theo những tác động lên môi trường tự nhiên cả vùng, thì ta lại hoàn toàn không thể không thừa nhận đây là một vấn đề nghiêm trọng.

Thật vậy, do địa hình đại đa số là đồi núi, có độ dốc cao, rất dễ bị rửa trôi, bào mòn mất lớp đất mặt và tụt hạ tầng nước ngầm, nếu không có rào cản lý tưởng là cây rừng. Điều này cũng giống như tình trạng mà Ph. Ăngghen đã từng chỉ rõ trong tác phẩm biện chứng của tự nhiên: "Khi đốt rừng trên các triền núi và lấy số phân tro đủ để bón cho một đời cây cà phê đem lại một số thu hoạch rất lớn, thì những người chủ đồn điền Tây Ban Nha ở Cu Ba có cần gì phải nghĩ rằng sau này, những trận mưa rào ở vùng nhiệt đới sẽ cuốn sách lớp đất bên trên không có gì che chở và chỉ để lại những lớp đá trơ trụi" [61.658]. Lời cảnh báo đó hoàn toàn có giá trị cho thời điểm hiện nay ở Lâm Đồng. Chỉ trong vòng 55 năm diện tích rừng ở Lâm Đồng đã mất tới gần 40%, thay vào đó là những vùng chuyên canh cây cà phê, trà, dâu tằm, rau, là những cây trồng có chiều cao không quá 4m, cùng với khoảng 90.000 ha đất trống, đồi núi trọc, thực chất đã là 1 diện tích tiền sa mạc hoá. Thực ra việc trồng cà phê, trà nếu tuân thủ một cách chặt chẽ các thiết kế theo kỹ thuật hiện đại, xen kẽ giữa các cành rừng vừa chắn gió vừa giữ nước và có hệ thống hồ, đập thuỷ lợi hợp lý, thì hoàn toàn có thể khuyến khích. Nhưng trên thực tế người dân ở Lâm Đồng phát triển cây cà phê, cây dâu bằng mọi cách, đặc biệt họ đã triệt hạ nhiều nghìn ha rừng, kể cả rừng trồng của Lâm trường để trồng cà phê. Mặt khác các nương rẫy của đồng bào các tộc ít người hoàn toàn được canh tác dựa vào tự nhiên. Họ phát đốt những cành rừng trên triền dốc, có khi dốc tới 300

- 350 và cứ thế là trồng tỉa, chứ không biết cách làm những bậc thang vừa hạ bớt độ cao, tránh được bào mòn, giữ được nước như các tộc ít người ở miền núi, phía Bắc. Cùng với việc đào đãi vàng, thiếc, bô xuýt theo kiểu thủ công, công nghệ thấp đã phá vỡ sự liên kết tự nhiên trên bề mặt của đất. Tất cả những việc đó đã dẫn tới tốc độ rửa trôi diễn ra rất nhanh. Theo kết luận của các chuyên gia môi trường tại hội nghị bàn về môi trường Lâm Đồng tháng 12/2000, chỉ riêng tại thị xã Bảo Lộc, vùng cây công nghiệp tập trung, hàng năm bị rửa trôi 100.000 tấn đất. Số đất rửa trôi này làm đầy các

con suối và ba con sông lớn là Đồng Nai, Đại Nga, La Ngà. Sông, suối bị bồi lấp, nước không có lối thoát nên tràn xuống rất nhanh gây ra lũ quét nguy hiểm. Mặt khác số đất bị rửa trôi cũng gây bồi lấp lòng hồ của ba nhà máy thuỷ điện lớn là Đa-Nhim, Trị An và Hàm Thuận - Đami, gây thiếu nước, thậm chí đã tràn cả vào khoang máy gây thiệt hại rất lớn. Trữ lượng nước trôi nhanh gây thiếu hụt nước về mùa khô, ảnh hưởng tới đời sống của nhiều triệu dân ở thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Riêng việc bồi lấp đã gây lụt cục bộ tại 2 huyện Cát Tiên, Đatẻh ngay trên cao nguyên của Lâm Đồng nhiều năm nay.

Cuối cùng phải kể đến những tập quán lạc hậu trong sinh hoạt, sản xuất và ý thức pháp luật hết sức hạn chế của người dân cũng gây hại đáng kể cho môi trường. Nhu cầu dùng củi và than củi của người dân ở Lâm Đồng hàng năm lên đến hàng trăm nghìn Ster cũng là một nguyên nhân làm cho rừng bị mất, thải ra nhiều khói độc hại. Với số lượng lớn dân di cư chưa được kiểm soát, thiếu đất sản xuất, nhiều cánh rừng sẽ biến thành nương rẫy cà phê là tất yếu. Có nhiều trường hợp bà con các tộc ít người phát, đốt nương rẫy rồi bán cho người Việt, sau đó lại đi đốt, phát tiếp, rồi lại bán. Cứ như vậy vì trục lợi người ta đã làm sống lại tập quán du canh du cư vốn rất lạc hậu và đã được đẩy lùi đáng kể. Và rừng cứ tiếp tục mất. Bên cạnh việc rửa trôi làm cạn kiệt và nhiễm bẩn nguồn nước, phải kể đến sự ô nhiễm do dư lượng thuốc trừ sâu, vốn được sử dụng với số lượng rất lớn và khá tuỳ tiện của các vùng chuyên canh rau tại thành phố Đà Lạt và các huyện Đức Trọng, Đơn Dương. Do canh tác theo lối cổ truyền trên đất gần với các thảm thực vật của rừng nên khả năng nhiễm sâu bệnh ở rau, hoa là rất lớn. Cho đến nay, biện pháp ngăn chặn chủ yếu vẫn chỉ là phun thuốc trừ sâu. Ngoài ra, để cho cây trồng tăng trưởng nhanh, mau thu lợi, người dân còn dùng các loại thuốc kích thích có nguồn gốc hoá học gây độc hại cho người. Tất cả dư lượng của chúng được các cơn mưa rửa trôi và dồn về các hồ chứa là nơi cung cấp nước ăn và tưới

tiêu cho cây trồng. Số dư lượng thuốc bảo vệ thực vật này vừa trực tiếp, vừa gián tiếp ảnh hưởng tới con người.

Như vậy, về cơ bản các chỉ số môi trường sống ở Lâm Đồng hiện nay vẫn chưa vượt ra khỏi giới hạn an toàn, nhưng nó đã có những dấu hiệu ô nhiễm và suy thoái, nguy hiểm cho dân cư. Vì vậy cần phải có một quan điểm và những giải pháp tích cực tác động vào chính nguồn gốc của vấn đề là dân cư.

2.2.2.2. Dân cư Lâm Đồng với sản xuất kinh tế - phương thức sản xuất.

Trong giới hạn đặc thù của hoàn cảnh địa lý - điều kiện tự nhiên và những đặc điểm riêng của dân cư, vai trò của dân cư Lâm Đồng trong hoạt động sản xuất kinh tế có những nét riêng rất đáng quan tâm. Ở đây chỉ tập trung xem xét vai trò của dân cư Lâm Đồng với tư cách vừa là chủ thể của sản xuất, vừa là chủ thể của tiêu dùng, đang tác động tới đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng. Trong đó chủ yếu xem xét những hạn chế như là những nguyên nhân, những mâu thuẫn trong quá trình phát triển, làm cơ sở cho các giải pháp ở chương sau.

Từ cách tiếp cận đó nổi lên một lên mấy vấn đề đáng quan tâm là. * Dân cư Lâm Đồng - chủ thể của phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế. Theo báo cáo tổng kết kinh tế - xã hội 5 năm (1996 - 2000) của tỉnh, tốc độ tăng GDP bình quân hàng năm giai đoạn này đạt 14,8%/năm, tăng 1,9%/năm so với tốc độ tăng GDP bình quân năm giai đoạn 1991-1995. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ 39,36% tổng số hộ năm 1996 xuống còn 12% tổng số hộ vào năm 2001; thu nhập bình quân đầu người tăng khá [25]. Qua phân tích giá trị sản phẩm theo cơ cấu ngành và cơ cấu thành phần kinh tế đóng góp vào GDP đã cho thấy vai trò to lớn của dân cư và kinh tế dân doanh trọng tăng trưởng kinh tế ở Lâm Đồng. Cụ thể, trong 5 năm (1996-2000), tỷ lệ đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế nhà nước là 21,8%, còn lại 78,2% là của

kinh tế ngoài quốc doanh (trong đó kinh tế tập thể chiếm 1,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 1,2%, số còn lại là của kinh tế các hộ cá thể - dân doanh). Riêng năm 2000 tỷ trọng giá trị của ngành nông - lâm - thủylà 52,1% ngành công nghiệp chỉ chiếm 19,4%, cũng đã cho thấy vai trò to lớn của khu vực nông thôn - nông nghiệp, nơi vốn có đa số dân cư Lâm Đồng đang sinh sống.

Tuy nhiên, trong hoạt động sản xuất kinh tế của dân cư Lâm Đồng hiện nay bộc lộ một số hạn chế, cụ thể là:

+ Còn mang nặng tính tự phát và chạy theo phong trào, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Chính do tự phát mà cơ cấu cây trồng mất cân đối nghiêm trọng, trong 5 năm (1996-2000) diện tích cây cà phê tăng lên hơn 2,5 lần so với kế hoạch, trong khi diện tích một số cây trồng khác lại giảm mạnh, thậm chí với cây dâu tằm chỉ đạt 25% diện tích theo kế hoạch. Đây là một hạn chế lớn và khó khắc phục, bởi lẽ nguyên nhân chủ yếu thuộc về người dân và tính tự phát của kinh tế cá thể, vốn chiếm tỷ trọng lớn ở Lâm Đồng. Do giá cà phê tăng mạnh ở đầu những năm 90, người dân đã phát triển cây cà phê bằng mọi cách. Việc phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch đã dẫn tới khó khăn, thậm chí là bế tắc trong khâu tiêu thụ sản phẩm, khi giá cà phê xuống thấp (thời điểm cuối năm 2001 giá cà phê nhân chỉ còn 3000đ/kg so với giá trung bình 17.500đ/kg năm 1995). Và khi ấy, người dân lại tùy tiện chặt bỏ cà phê để chuyển sang cây trồng khác, tạo ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý sản xuất và cho chính người dân. Bởi vì, với cây công nghiệp dài ngày thường phải trải qua thời kỳ kiến thiết cơ bản từ 3-5 năm mới bắt đầu thu hoạch. Mặt khác, cũng do sản xuất tự phát nên yếu tố giống và phẩm cấp của sản phẩm thường ít được chú ý, do đó chất lượng sản phẩm thường không cao, ít có giá trị xuất khẩu, mà chỉ phục vụ tiêu dùng nội địa, ở những nơi nhu cầu thấp.

+ Tăng trưởng không đều trong các cộng đồng dân cư, phát triển kém bền vững và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Do đa số dân cư mới đến lập nghiệp, chưa đi vào ổn định, lại bị ảnh hưởng lớn từ tính tự phát trong sản xuất, chuyển đổi cây trồng thường xuyên, trong dân cư Lâm Đồng chưa hình thành được một truyền thống sản xuất, kinh doanh bền vững, hầu như không có các làng nghề, xã nghề truyền thống như các địa

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Dân cư trong tồn tại xã hội ở tỉnh Lâm Đồng và sự vận động của nó hiện nay (Trang 112 - 127)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(187 trang)