2.1. Những yếu tố tác động đến việc giải quyết vấn đề dân tộc
2.1.1. Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin
C.Mác và Ăngghen xem xét và lý giải vấn đề dân tộc không phải dưới góc độ dân tộc học, xã hội học mà dưới góc độ chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa xã hội khoa học. Hai ông nhấn mạnh rằng, vấn đề dân tộc hết sức phức tạp trong lý luận cũng như trong thực tiễn, đòi hỏi phải được nhìn nhận và giải quyết bằng quan điểm lịch sử, cụ thể.
Đọc các tác phẩm của Mác và Ăngghen, chúng ta không tìm thấy một định nghĩa nào về vấn đề dân tộc, cũng chưa thấy các ông tập trung trình bày quan điểm của mình về vấn đề dân tộc. Tuy nhiên, trong một số tác phẩm đề cập đến vấn đề này, có thể đưa ra một số luận điểm của Mác và Ăngghen về vấn đề dân tộc.
Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ăngghen đã bác bỏ lời “buộc tội những người cộng sản là muốn xóa bỏ Tổ quốc, xóa bỏ dân tộc”. Hai ông vạch rõ bản chất khái niệm “Tổ quốc” mà giai cấp tư sản sử dụng là để đi xâm lăng các dân tộc khác. Vì vậy, muốn có Tổ quốc thực sự, “giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc” [8; tr.105].
C.Mác và Ăngghen cũng kiên quyết chống lại ách áp bức và bóc lột của giai cấp tư sản. Để xóa bỏ tình trạng dân tộc này áp bức dân tộc khác, cần “xóa bỏ tình trạng người bóc lột người” và “khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo” [8, tr.106]. Hai ông cho rằng, một dân tộc mà đi áp bức dân tộc khác thì bản thân dân tộc đó không thể có tự do.
Nhằm giải quyết vấn đề dân tộc một cách triệt để, Mác và Ăngghen chủ trương tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ nhà nước tư sản, xây dựng nhà nước vô sản, nhà nước không có sự đối kháng và áp bức giai cấp. Để đạt được
mục đích đó, giai cấp vô sản tất cả các nước phải liên hiệp lại. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được kết thúc bằng khẩu hiệu: vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại.
Nếu chủ nghĩa Mác là học thuyết về chủ nghĩa xã hội khoa học thời kỳ tư bản trước độc quyền, thì chủ nghĩa Mác-Lênin là học thuyết về chủ nghĩa xã hội khoa học thời kỳ chủ nghĩa tư bản đế quốc và cách mạng vô sản. Lênin đã phát triển toàn diện lý luận của C.Mác và Ăngghen về cách mạng vô sản nói chung, về vấn đề dân tộc nói riêng, đồng thời phân tích đặc điểm của chủ nghĩa đế quốc là chủ nghĩa tư bản đã phân chia xong thế giới. Hệ quả của tình hình trên là “tuyệt đại nhân dân trên trái đất bị một thiểu số nhỏ bé những nước tư bản tiên tiến, rất giàu có, nô dịch về mặt thuộc địa và tài chính, - sự nô dịch này là đặc điểm của chủ nghĩa tư bản tài chính và chủ nghĩa đế quốc” [111, tr.199]. Lênin ra sức phê phán chính sách áp bức, bóc lột của các nước tư bản đế quốc đối với các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa. Ông cho rằng, sự áp bức, bóc lột này sẽ làm nảy sinh mâu thuẫn lớn giữa chủ nghĩa đế quốc với các dân tộc bị áp bức.
Trong tác phẩm Ý kiến phê phán về vấn đề dân tộc, Lênin viết: “Trong quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản, có hai xu hướng lịch sử trong vấn đề dân tộc. Xu hướng thứ nhất là “sự thức tỉnh của đời sống dân tộc và của các phong trào dân tộc, cuộc đấu tranh chống mọi ách áp bức dân tộc, việc thiết lập các quốc gia dân tộc. Xu hướng thứ hai là: việc phát triển và tăng cường đủ mọi thứ quan hệ giữa các dân tộc, việc xóa bỏ những hàng rào ngăn cách các dân tộc và thiết lập sự thống nhất quốc tế của tư bản, của đời sống kinh tế nói chung, của chính trị, của khoa học, v.v..” [106, tr.158]. Trong hai xu hướng trên, xu hướng thứ nhất thường gọi là xu hướng phân lập; xu hướng thứ hai thường gọi là xu hướng liên hiệp, xích lại gần nhau của các dân tộc, quốc gia.
Quan điểm của Lênin về vấn đề dân tộc được tập trung chủ yếu trong các tác phẩm: Về quyền dân tộc tự quyết, Chủ nghĩa xã hội và quyền dân tộc tự quyết, Ý kiến phê phán về vấn đề dân tộc, Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, Những kết quả thảo luận về quyền tự quyết, Về cuốn sách của Iuniút, Một giáo sư tự do nói về quyền bình đẳng… Các tác phẩm trên đã thể hiện sự bổ sung, phát triển quan điểm của Mác về vấn đề dân tộc trên cơ sở xuất
hiện của chủ nghĩa đế quốc, của cách mạng vô sản và của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc.
Cương lĩnh dân tộc của Lênin được thể hiện một cách đầy đủ trong tác phẩm
Về quyền dân tộc tự quyết và được tóm tắt như sau: “Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng; các dân tộc được quyền tự quyết; liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc lại: đó là cương lĩnh dân tộc mà chủ nghĩa Mác, kinh nghiệm toàn thế giới và kinh nghiệm của nước Nga dạy cho công nhân” [107, tr.375].
Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng có nghĩa là phải thủ tiêu tình trạng giai cấp này áp bức giai cấp khác để trên cơ sở đó xóa bỏ tình trạng dân tộc này nô dịch dân tộc khác. Đây là một sự bình đẳng hoàn toàn, một sự bình đẳng toàn diện giữa các dân tộc trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa. Lênin chỉ rõ rằng, người nào không thừa nhận và không bảo vệ quyền bình đẳng giữa các dân tộc và bình đẳng giữa các ngôn ngữ, không đấu tranh chống mọi áp bức hay mọi bất bình đẳng dân tộc, người đó không phải là người mácxít, thậm chí cũng không phải là người dân chủ nữa và giải phóng các dân tộc bị áp bức hoặc bất bình đẳng…; không những làm cho quần chúng lao động các dân tộc được bình đẳng thật sự, mà cả việc phát triển ngôn ngữ và văn học của họ [110, tr.136].
Quyền tự quyết là nguyên tắc quan trọng thứ hai trong cương lĩnh của Lênin về vấn đề dân tộc. Quyền dân tộc tự quyết tức là quyền làm chủ đối với vận mệnh của dân tộc mình, quyền lựa chọn chế độ chính trị và con đường phát triển của dân tộc mình. Quyền dân tộc tự quyết bao gồm quyền tự do phân lập thành một cộng đồng quốc gia độc lập và quyền liên hiệp với các quốc gia khác trên cơ sở bình đẳng. Lênin khẳng định: “Quyền dân tộc tự quyết đứng trên quan điểm lịch sử - kinh tế mà xét, không thể có nghĩa nào khác hơn là quyền tự quyết về chính trị, là quyền độc lập quốc gia, là sự thành lập quốc gia dân tộc” [107, tr.308]. Tuy nhiên, Lênin cũng nhấn mạnh, vấn đề tách ra hay liên hiệp vào một quốc gia khác phải trên cơ sở tự nguyện, xuất phát từ lợi ích chung của nhân dân lao động vì sự phát triển xã hội và lợi ích của cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản vì chủ nghĩa xã hội. Khẩu hiệu “các dân tộc có quyền tự quyết” không phải là để các dân tộc tách ra, mà chính là để các dân tộc xích lại gần nhau. Sức mạnh của khẩu hiệu đó là ở chỗ, nó gạt bỏ tất cả cơ sở nghi ngờ về mưu đồ xâm lăng của dân tộc này đối với dân tộc khác và
nhằm chuẩn bị cho các dân tộc tiến đến sự liên minh tự nguyện vào một quốc gia xã hội chủ nghĩa bao gồm nhiều dân tộc.
Liên hiệp giai cấp công nhân tất cả các dân tộc lại là nguyên lý thứ ba trong cương lĩnh dân tộc của Lênin về vấn đề dân tộc. Đây là điều kiện tiên quyết để đoàn kết nhân dân lao động các dân tộc trong cuộc đấu tranh vì bình đẳng và tự quyết dân tộc; là sự liên minh quốc tế trong cuộc đấu tranh chống áp bức giai cấp và áp bức dân tộc, vì sự giải phóng dân tộc và xã hội. Lênin cho rằng, việc giải phóng khỏi ách tư bản, việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là nhiệm vụ quốc tế của tất cả những người vô sản, của tất cả nhân dân lao động các nước. Đồng thời, sự đoàn kết đó là điều kiện tiên quyết để khắc phục tâm lý thù hằn, thái độ kỳ thị, thiếu tin tưởng lẫn nhau còn ảnh hưởng sâu đậm, dai dẳng trong một bộ phận khá đông dân cư các dân tộc. Sự đoàn kết đó là nhân tố bảo đảm thắng lợi của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phản động. Chính vì vậy, nội dung liên hiệp giai cấp công nhân tất cả các dân tộc lại không chỉ là lời kêu gọi, mà còn là giải pháp hữu hiệu bảo đảm thực hiện quyền bình đẳng và quyền tự quyết dân tộc. Nội dung đó đóng vai trò liên kết cả ba nội dung trong cương lĩnh thành một chỉnh thể.
Có thể nói, quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vấn đề dân tộc là những lý luận cơ bản về vấn đề dân tộc và việc giải quyết mối quan hệ dân tộc trong từng quốc gia và giữa các quốc gia dân tộc với nhau. Cương lĩnh đã quán triệt sâu sắc và cụ thể quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, dân tộc và quốc tế trên phạm vi toàn thế giới. Những phân tích, lý giải trong các tác phẩm của những nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác - Lênin về việc giải quyết vấn đề dân tộc tập trung vào những luận điểm chính, đó là: quyền bình đẳng giữa các dân tộc; quyền tự quyết của các dân tộc và đoàn kết giai cấp công nhân trong các dân tộc. Đây là nội dung cơ bản, bao trùm quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vấn đề dân tộc.
Với Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, lần đầu tiên vấn đề dân tộc được đặt ra một cách cơ bản và toàn diện, với những luận điểm mang tính thế giới quan và phương pháp luận, nhất là quan điểm “giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc”. Tuy nhiên, có một điểm hạn chế là hai ông vẫn chưa đánh giá thật đầy đủ vai trò của nhân tố dân tộc trong quan hệ với nhân tố giai cấp. Ngoài ra,
những vấn đề phức tạp khác như quan hệ giữa lợi ích dân tộc với lợi ích giai cấp trong nội bộ dân tộc, quan hệ về lợi ích giữa giai cấp công nhân đang nắm chính quyền, giữa các quốc gia mà giai cấp công nhân đã trở thành giai cấp dân tộc, v.v. chưa được đề cập trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, cũng như trong các tác phẩm của các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học.
Sau khi Mác và Ăngghen qua đời, Lênin đã có công lớn trong việc phát triển lý luận của hai ông về vấn đề dân tộc. Tuy nhiên, trong các tác phẩm bàn về vấn đề dân tộc của Lênin cũng có một số quan điểm cần bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể ở từng quốc gia, dân tộc.
Tóm lại, thực tiễn lịch sử từ giữa thế kỷ XIX đến nay đã khẳng định sự đúng đắn, đặc biệt là về mặt thế giới quan, phương pháp luận của các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và việc giải quyết vấn đề dân tộc, vấn đề đặc biệt phức tạp của lịch sử nói chung, lịch sử cách mạng vô sản nói riêng. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, mặc dù Mác, Ăngghen và Lênin đã không ngừng điều chỉnh, bổ sung, phát triển học thuyết của mình, song trong lý luận Mác-Lênin về vấn đề dân tộc, quan hệ dân tộc - giai cấp không tránh khỏi có những luận điểm không phù hợp. Vì vậy, nhiệm vụ của những người cộng sản trong tình hình mới, của các Đảng Cộng sản trong việc nhận thức và giải quyết vấn đề dân tộc, quan hệ dân tộc - giai cấp là nắm vững phép biện chứng, linh hồn sống của chủ nghĩa Mác- Lênin để vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể ở mỗi quốc gia, dân tộc.