Giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ nước Việt Nam và đặt

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Đảng lãnh đạo giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1945 (Trang 51 - 60)

2.2. Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam với vấn đề giƣơng cao

2.2.2. Giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ nước Việt Nam và đặt

nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu

- Giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ nước Việt Nam:

Nhận được tin về sự chia rẽ của những người cộng sản ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc rời Xiêm (Thái Lan) đến Trung Quốc. Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, có đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc chủ động triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản. Hội nghị hợp nhất Đảng họp từ ngày 6 - 1 đến ngày 7 - 2 - 1930 tại Cửu Long, Hương Cảng, Trung Quốc.

Thành phần Hội nghị hợp nhất gồm: 1 đại biểu của Quốc tế Cộng sản; 2 đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng; 2 đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng. Hội nghị đã thảo luận đề nghị của Nguyễn Ái Quốc gồm 5 điểm lớn, với nội dung:

“1. Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản ở Đông Dương;

2. Định tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam; 3. Thảo Chính cương và Điều lệ sơ lược của Đảng; 4. Định kế hoạch việc thống nhất trong nước;

5. Cử một Ban Trung ương lâm thời gồm chín người, trong đó có hai đại biểu chi bộ cộng sản Trung Quốc ở Đông Dương” [14, tr.1].

Hội nghị đã nhất trí Năm điểm lớn theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc và quyết định hợp nhất các tổ chức cộng sản, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội nghị thảo luận và thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng được thông qua là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.

Tại Hội nghị thành lập Đảng, dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về đặc điểm chính trị, lịch sử, văn hóa, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền quốc gia, quyền tự quyết của mỗi dân tộc, đồng thời vận dụng một cách sáng tạo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc, Nguyễn Ái Quốc và các đại biểu dự Hội nghị thành lập Đảng đã chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ nước Việt Nam. Chủ trương trên được thể hiện ở những điểm sau:

1. Đặt tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam;

2. Chủ trương sau khi đánh đổ đế quốc Pháp và tay sai phản động, sẽ thành lập một nước Việt Nam độc lập;

3. Chủ trương thành lập Mặt trận phản đế của dân tộc Việt Nam, bao gồm tất cả các đảng phái và cá nhân yêu nước.

Lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc nhân dịp thành lập Đảng đã thể hiện tư tưởng độc lập, tự do, đường lối, chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc của Đảng vạch ra trong Cương lĩnh: “Đảng Cộng sản An Nam đã được thành lập. Đó là Đảng của giai cấp vô sản. Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng An Nam đấu tranh nhằm giải phóng cho toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột chúng ta. Từ nay anh chị em chúng ta cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng để:

1. Đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến An Nam và giai cấp tư sản phản cách mạng. 2. Làm cho nước An Nam được độc lập.

3. Thành lập chính phủ công nông binh.

4. Tịch thu tất cả các nhà băng và cơ sở sản xuất của đế quốc trao cho chính phủ công nông binh.

5. Quốc hữu hóa toàn bộ đồn điền và đất đai của bọn đế quốc và địa chủ phản cách mạng An Nam chia cho nông dân nghèo.

6. Thực hiện ngày làm tám giờ.

7. Hủy bỏ mọi thứ quốc trái và thuế thân, miễn các thứ thuế cho nông dân nghèo. 8. Đem lại mọi quyền tự do cho nhân dân.

9. Thực hành giáo dục toàn dân.

10. Thực hiện nam nữ bình quyền” [14, tr.16-17].

Chủ trương của Nguyễn Ái Quốc và Hội nghị thành lập Đảng về việc giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ nước Việt Nam là sự vận dụng một cách sáng

tạo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng Đảng, thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, thức tỉnh ý thức quốc gia dân tộc của nhân dân mỗi nước, tạo cơ sở vững chắc để củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết và liên minh chiến đấu giữa ba dân tộc, một nhân tố bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng mỗi nước. Nhận thức và chủ trương đó còn phản ánh đúng đặc điểm lịch sử, chính trị, văn hóa của dân tộc Việt Nam nói riêng và các dân tộc Đông Dương nói chung, thể hiện tầm nhìn, nhãn quan chính trị sâu sắc của Người

Trong vấn đề đặt tên Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã vận dụng một cách đúng đắn và sáng tạo lý luận Mác - Lênin về Đảng Cộng sản. Học thuyết Mác khẳng định sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân chỉ có thể trở thành giai cấp cho mình, thực hiện được sứ mệnh lãnh đạo của mình khi tổ chức thành một đảng cách mạng của riêng mình và chỉ khi đó phong trào công nhân mới trở thành một phong trào tự giác.

Tuy có sứ mệnh lịch sử thế giới, nhưng giai cấp vô sản tồn tại trong từng quốc gia dân tộc cụ thể, vì thế trước khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử thế giới, giai cấp vô sản phải hoàn thành sứ mệnh với dân tộc mình. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Mác và Ăngghen nêu rõ: “Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, dù về mặt nội dung, không phải là một cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh dân tộc”. Vì vậy, “giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc” [8, tr.105]. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản cũng cho rằng: không khôi phục độc lập và thống nhất cho từng dân tộc thì về phương diện quốc tế sẽ không thể thực hiện được sự đoàn kết của giai cấp vô sản và sự hợp tác hòa bình và tự giác giữa các dân tộc đó để đạt tới những mục đích chung. Và, “giai cấp công nhân không thể mạnh lên được, không thể trưởng thành và thành hình được nếu không “tự tổ chức trong khuôn khổ của dân tộc”, nếu không “có tính chất dân tộc” [108, tr.88]. Trong Tuyên ngôn, Ăngghen còn nhắc đến những cuộc đấu tranh của nước Ý chống lại sự thống trị của Hoàng đế Áo và cuộc đấu tranh của nước Đức chống lại sự nô dịch của Nga hoàng trong những năm 1848 - 1871 để nhấn mạnh rằng, trong các cuộc đấu tranh đó, giai cấp công nhân Ý và Đức đều có vai trò rất quan trọng trong quá trình các nước đó khôi phục nền độc lập của mình.

Đây cũng là lời giải thích cho luận điểm mà các ông đã nêu ra khi thảo Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, rằng: “công nhân không có tổ quốc. Người ta không thể cướp của họ cái mà họ không có. Vì giai cấp vô sản mỗi nước phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc” [8, tr.105]. Vì vậy, việc thành lập Đảng Cộng sản phải thực hiện trong từng quốc gia dân tộc, chứ không phải trong phạm vi từng khu vực.

Phân tích quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về Đảng Cộng sản cho thấy, chủ trương thành lập Đảng với tên gọi Đảng Cộng sản Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc là đúng đắn và sáng tạo. “Quyết định này chứng tỏ Hồ Chí Minh đã tuân theo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân và giải quyết vấn đề dân tộc ở Đông Dương trong khuôn khổ của mỗi nước riêng biệt, nhằm thức tỉnh ý thức quốc gia dân tộc, khơi dậy sức mạnh của mỗi dân tộc, tạo ra sự tin cậy về chính trị, để đoàn kết quốc tế một cách tự nguyện, bình đẳng và có hiệu quả hơn” [77].

Cũng cần phải nhìn nhận một thực tế là, mặc dù Quốc tế Cộng sản chỉ thị về việc thành lập chung một Đảng Cộng sản cho ba dân tộc Đông Dương, nhưng lúc này chỉ ở Việt Nam là có các tổ chức cộng sản, trong khi đó, ở Lào và Campuchia chưa hề xuất hiện một tổ chức cộng sản nào. Do đó, không thể lấy tên là Đảng Cộng sản Đông Dương được. Tại Hội nghị thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc giải thích về việc đặt tên Đảng như sau: “Cái từ Đông Dương rất rộng và theo nguyên lý của chủ nghĩa Lênin, vấn đề dân tộc là vấn đề rất nghiêm túc, người ta không thể bắt buộc các dân tộc khác gia nhập Đảng, làm như thế là trái với nguyên lý của chủ nghĩa Lênin. Còn cái từ An Nam thì hẹp, mà nước ta có 3 miền: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Do đó, từ Việt Nam hợp với cả 3 miền và cũng không trái với nguyên lý của chủ nghĩa Lênin về vấn đề dân tộc” [10, tr. 68].

Về quyết định đặt tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam, GS. Trần Văn Giàu nhận định: “Nguyễn Ái Quốc đặt tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam, hàm ý nghĩa hiển nhiên không phải là dung hòa cho Đông Dương Cộng sản và An Nam Cộng sản đều dễ chấp nhận, mà hàm ý nghĩa sâu xa là đã có một nước Việt Nam, một nước Cao Miên, một nước Lào trong lịch sử, còn khái niệm Đông Dương mới có hồi cuối thế kỷ XIX khi Pháp đặt quyền thống trị trên cả ba nước cùng số phận

thuộc địa. Mỗi dân tộc phải phất cờ độc lập, tự do cho mình; ba nước, ba dân tộc liên kết mà không đồng nhất” [29, tr.491].

Về vấn đề chính quyền nhà nước, Hội nghị thành lập Đảng chủ trương sau khi đánh đổ ách thống trị của thực dân và tay sai phản động sẽ dựng lên chính phủ công nông binh, lập ra một nước Việt Nam độc lập, chứ không phải là Liên bang Đông Dương. Các văn kiện của Hội nghị hợp nhất nhiều lần nhắc đến cụm từ “nước An Nam độc lập”. Phương hướng, chủ trương của Hội nghị thành lập Đảng là sau khi làm cách mạng giải phóng dân tộc, sẽ thành lập một nhà nước độc lập của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc và Hội nghị thành lập Đảng hoàn toàn có cơ sở khi đề ra chủ trương về một nước Việt Nam độc lập. Liên bang Đông Dương là thực thể do thực dân Pháp lập ra vào năm 1887 (bao gồm Việt Nam, Cao Miên, năm 1899 có thêm Lào) sau khi hoàn thành việc xâm lược và bình định bằng vũ lực đối với các dân tộc Đông Dương. Từ những nước có chủ quyền, độc lập, tự do, khi thực dân Pháp tiến hành xâm lược và thôn tính, ba dân tộc trở thành thuộc địa của người Pháp. Lập ra Liên bang Đông Dương, thực dân Pháp nhằm mục tiêu tạo cơ sở thuận lợi hơn cho chính sách khai thác và bóc lột các dân tộc Đông Dương, đồng thời chia rẽ tinh thần đoàn kết trong mỗi dân tộc cũng như truyền thống đoàn kết trong cả ba dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia. Trên thực tế, Việt Nam, Lào, Campuchia là những nhà nước độc lập, có truyền thống sâu xa về lịch sử, chính trị, văn hóa, xã hội mà không một sức mạnh nào có thể xóa được. Việc thực dân Pháp lập ra Liên bang Đông Dương không phải là nguyện vọng của nhân dân ba nước.

Chủ trương sau khi đánh đổ thực dân Pháp và tay sai phản động sẽ thành lập một nước Việt Nam độc lập còn bắt nguồn từ truyền thống, ý thức độc lập, tự chủ, khát vọng tự do của dân tộc Việt Nam, một dân tộc được hình thành sớm trong lịch sử, có ý thức sâu sắc về chủ quyền quốc gia dân tộc. Ngay từ năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định “chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước”. Chính lòng yêu nước, chủ nghĩa dân tộc chân chính đã giúp dân tộc Việt Nam chiến thắng ách xâm lược của các thế lực ngoại bang trong hàng nghìn năm lịch sử và khi bị thực dân Pháp xâm lược, thiết lập ách thống trị, lập ra Liên bang Đông Dương, chia nước ta thành ba kỳ với ba chế độ cai trị khác nhau đã làm bùng lên truyền thống

yêu nước, ý thức về chủ quyền quốc gia dân tộc. Dân tộc Việt Nam là một, nước Việt Nam là một đã trở thành chân lý nghìn đời mà không sức mạnh nào thể chia cắt được. Hiểu rõ truyền thống lịch sử của dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã đúng khi chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ nước Việt Nam, chứ không phải trong cả ba nước Đông Dương.

Cần khẳng định rằng, chủ trương đó không phải là sự ích kỷ, dân tộc hẹp hòi như sự đánh giá thiếu khách quan của nhiều học giả và một số nhà lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản. Ngược lại, chủ trương đó đã phát huy sức mạnh của mỗi dân tộc Đông Dương trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thực hiện đoàn kết mỗi dân tộc; đồng thời là cơ sở cho liên minh đoàn kết giữa ba dân tộc Đông Dương.

Có thể nói, chủ trương của Nguyễn Ái Quốc và Hội nghị thành lập Đảng là một quyết định đúng đắn, sáng tạo, đầy dũng cảm, là sự vận dụng đúng đắn nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về Đảng Cộng sản và về vấn đề dân tộc. Đặt trong bối cảnh quốc tế giai đoạn đó mới thấy hết được tầm nhìn vượt thời gian của Nguyễn Ái Quốc.

Vào cuối những năm 20 của thế kỷ XX, mô hình Nhà nước Liên bang Xôviết đang trở thành mẫu hình lý tưởng cho các Đảng Cộng sản và các nhà nước trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố sức mạnh kinh tế, liên kết chính trị, chống lại sự bao vây và phá hoại của các nước tư bản và nguy cơ chiến tranh. Tuy nhiên, mô hình này không thể áp đặt một cách máy móc đối với các dân tộc và các khu vực, đặc biệt là đối với các dân tộc thuộc địa phương Đông. Nó cũng không thể dựa trên ý chí của một số người. Là một nước thuộc địa, lại có những đặc điểm riêng biệt, đặc biệt là chủ nghĩa dân tộc, ý thức độc lập, tự chủ, khát vọng tự do mạnh mẽ, Quốc tế Cộng sản không thể áp đặt một cách máy móc mô hình Đảng và Nhà nước như Liên bang Xôviết.

Có thể nói, quyết định thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước Đông Dương của Hội nghị thành lập Đảng là hoàn toàn đúng đắn, sáng tạo, thể hiện trí tuệ và sự mẫn cảm chính trị thiên tài của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh; phù hợp với đặc điểm, hoàn cảnh chính trị, lịch sử của Việt Nam và Đông Dương. Đó “còn là một quyết định hết sức dũng cảm và đầy tinh thần trách nhiệm của Người trước giai cấp vô sản, các dân tộc Đông Dương và trước phong trào cách mạng thế giới. Nền tảng vững chắc của

đường lối đúng đắn đó là trình độ hiểu biết sâu sắc, sự vận dụng nhuần nhuyễn nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, khả năng nắm bắt thực tiễn phong phú ở mỗi nước cũng như cả 3 nước Đông Dương của Chủ tịch Hồ Chí Minh” [77].

- Đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu:

Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng xác định phương hướng chiến lược cách mạng lâu dài của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”; chủ trương đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập; dựng ra Chính phủ công nông binh; tổ chức ra quân đội công nông; đem lại quyền tự do dân chủ, các quyền lợi về kinh tế cho nhân dân, v.v..

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Đảng lãnh đạo giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1945 (Trang 51 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(162 trang)