Nhận thức mới của Đảng về mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Đảng lãnh đạo giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1945 (Trang 85 - 95)

2.4. Vấn đề dân tộc trong những năm 1936-1939

2.4.2. Nhận thức mới của Đảng về mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và

cách mạng ruộng đất

Cùng với sự thay đổi về sách lược, trong giai đoạn này, trước sự biến chuyển của tình hình trong nước và thế giới, bằng thực tiễn phong phú trong lãnh đạo phong trào cách mạng, Đảng có nhận thức mới trong việc giải quyết mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và cách mạng ruộng đất. Trong Chỉ thị của Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, được thông qua trong Hội nghị Ban Chỉ huy ở ngoài ngày 26-7-1936, Đảng cho rằng: “Ở một xứ thuộc địa như Đông Dương, trong hoàn cảnh hiện tại, nếu chỉ quan tâm đến sự phát triển của cuộc đấu tranh giai cấp có thể sẽ nảy sinh những khó khăn để mở rộng phong trào giải phóng dân tộc” [18, tr.74]. Đặc biệt, trong văn kiện Chung quanh vấn đề chiến sách mới, Trung ương đặt vấn đề phải nhận thức lại ảnh hưởng của yếu tố dân tộc trong cách mạng thuộc địa, quan hệ giữa nhiệm vụ dân tộc và dân chủ, phản đế và phản phong trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương: “Một dân tộc bị áp bức như xứ Đông Dương vấn đề dân tộc giải phóng là một nhiệm vụ quan trọng của người cộng sản… Đảng có thể bồi dưỡng một tinh thần dân tộc giải phóng mạnh mẽ trong đám dân chúng bị áp bức không trái với nguyên tắc dân tộc tự quyết của Quốc tế Cộng sản, không trái với quyền lợi của vô sản giai cấp, nghĩa là cuộc dân tộc giải phóng theo nguyên tắc dân tộc bình đẳng, theo tinh thần quốc tế liên ái với các dân tộc bị áp bức, với vô sản thế giới và với nhân dân những xứ cách mạng đã thành công” [18, tr.147].

Từ nhận thức đó, Trung ương cho rằng: “Cuộc dân tộc giải phóng không nhất định phải kết hợp chặt với cuộc cách mạng điền địa. Nghĩa là không thể nói rằng: muốn đánh đổ đế quốc cần phải phát triển cách mạng điền địa, muốn giải quyết vấn đề điền địa cần phải đánh đổ đế quốc. Lý thuyết ấy có chỗ không xác đáng” [18, tr.152] và “nếu phát triển cuộc tranh đấu chia đất mà ngăn trở cuộc tranh

đấu phản đế thì phải lựa chọn vấn đề nào quan trọng hơn mà giải quyết trước. Nghĩa là chọn địch nhân chính, nguy hiểm nhất, để tập trung lực lượng của một dân tộc mà đánh cho được toàn thắng” [18, tr.122].

Như vậy, sau một thời gian nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng, xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, nhận thức của Đảng trong việc giải quyết mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và cách mạng ruộng đất có sự chuyển biến mới. Nếu như từ Hội nghị Trung ương tháng 10 - 1930 đến trước Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (năm 1935), Đảng chủ trương giải quyết song song, đồng thời vấn đề độc lập dân tộc và cách mạng ruộng đất, coi hai vấn đề này có vị trí, vai trò như nhau, quan hệ khăng khít, tác động qua lại lẫn nhau, thì đến năm 1936, Đảng có sự chuyển biến bằng quan điểm không nhất thiết phải giải quyết cùng lúc hai vấn đề này mà phải biết lựa chọn vấn đề nào là bức thiết nhất để giải quyết. Quan điểm trên cho thấy, Trung ương Đảng đã dũng cảm thừa nhận những hạn chế của Luận cương chính trị tháng 10-1930, đồng thời bước đầu khẳng định lại những quan điểm đúng đắn trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Những lập luận này là cơ sở cho việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng ở giai đoạn cách mạng sau này.

Có thể nói, trải qua thực tiễn quá trình lãnh đạo cách mạng, nhận thức của Đảng trong việc giải quyết mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và cách mạng ruộng đất ngày càng được sáng tỏ. Chiến lược cách mạng đánh đổ thực dân Pháp, phong kiến tay sai, giành chính quyền về tay nhân dân không bao giờ thay đổi. Nhưng trong từng thời điểm, hoàn cảnh lịch sử, cần biết vận dụng một cách linh hoạt, mềm dẻo, xác định nhiệm vụ nào quan trọng hơn, kẻ địch nào nguy hiểm hơn để tập trung giải quyết. Ở giai đoạn này, việc Đảng tập trung mũi nhọn vào thực dân Pháp phản động ở thuộc địa, đòi các quyền dân sinh, dân chủ, hòa bình là một sự chuyển hướng phù hợp với tình hình trong nước, thế giới và đường lối chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản.

2.4.3. Chỉ đạo thực hiện giải quyết vấn đề dân tộc

Chỉ đạo phong trào Đông Dương Đại hội

Nắm được thông tin Quốc hội Pháp quyết định cử phái đoàn sang điều tra tình hình Đông Dương, Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương phát động và tổ chức các tầng lớp nhân dân thu thập nguyện vọng tự do, dân chủ trong cả nước, gửi tới phái đoàn. Tháng 6 - 1936, Nguyễn Văn Tạo, đảng viên cộng sản hoạt động

công khai đã viết cuốn Mặt trận Bình dân Pháp với nguyện vọng của quần chúng Đông Dương, trong đó nêu 5 yêu cầu: đại xá phạm nhân; cải cách tòa án; xóa bỏ chế độ dân bản xứ; đuổi bọn quan tham, ô lại ức hiếp dân; thực hiện quyền tự do, dân chủ, hội họp.

Tháng 7 - 1936, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra nghị quyết và phổ biến trong toàn Đảng về nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới là phải tập hợp được mọi lực lượng của dân tộc trong Mặt trận dân tộc thống nhất đòi các quyền tự do, dân chủ. Tháng 8 - 1936, Đảng Cộng sản Đông Dương ra tuyên bố công khai đầu tiên về thái độ của Đảng đối với Đông Dương Đại hội (thông qua bức thư ngỏ gửi các tổ chức đảng, đảng phái: Việt Nam Quốc dân Đảng, Đảng Lập hiến, các đảng cách mạng, các hội ái hữu, các tổ chức công nông binh, phụ nữ, sinh viên, nhà buôn, các tổ chức quần chúng, toàn thể nhân dân Đông Dương). Bức thư nêu lên 12 yêu cầu được coi là nội dung chương trình hành động của Mặt trận Nhân dân phản đế; đồng thời Đảng cũng kêu gọi thành lập các ủy ban hành động ở khắp nơi để tập hợp lực lượng quần chúng thu thập dân nguyện, chuẩn bị cho Đông Dương Đại hội.

Dưới sự chỉ đạo của Đảng, phong trào Đông Dương Đại hội, từ một sáng kiến ở Sài Gòn đã được nhân rộng khắp toàn quốc. Ở Nam Kỳ, cuối tháng 9 - 1936 đã thành lập được hơn 600 ủy ban hành động của công nhân, nông dân, viên chức. Nhiều ủy ban hành động có trụ sở, tổ chức sinh hoạt chính trị công khai, vạch trần hiện trạng bất công, cực khổ dưới chế độ thuộc địa, thảo luận các biện pháp đấu tranh thích hợp nhằm đạt được các yêu sách về tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình.

Dưới sự đấu tranh sôi nổi của các tầng lớp nhân dân, ngày 11-10-1936, nhà cầm quyền thuộc địa buộc phải ra nghị định quy định một số quyền lợi của công nhân, như thời gian làm việc không quá 8 giờ/ ngày kể từ ngày 1-1-1938; công nhân được nghỉ ngày chủ nhật và nghỉ phép có lương; cấm bắt phụ nữ và trẻ em làm việc ban đêm…; chính quyền thực dân phải ân xá cho 1.532 tù chính trị, phần lớn là các chiến sĩ cộng sản.

Song song với cuộc vận động Đông Dương Đại hội, các tầng lớp nhân dân đã tổ chức những cuộc đấu tranh đòi quyền lợi tại khắp các địa bàn trong cả nước. Công nhân bãi công đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống cúp phạt, đánh đập và

đòi tự do nghiệp đoàn. Nông dân đấu tranh đòi giảm sưu thuế, cải cách hương thôn. Tiểu thương, tiểu chủ bãi thị, đòi giảm thuế chợ, thuế hàng, công chức đòi tăng lương.

Chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng nhân cuộc viếng thăm của phái viên Chính phủ Pháp Gôđa

Trong dịp Gôđa, phái viên của Chính phủ Pháp sang điều tra tình hình Đông Dương và Toàn quyền Brêviê sang nhậm chức ở Đông Dương, Đảng đã tiếp tục vận động, tổ chức quần chúng dưới danh nghĩa hợp pháp “đi đón rước” Gôđa và Toàn quyền Đông Dương.

Các cuộc mít tinh, biểu tình, đón đường đưa dân nguyện diễn ra rầm rộ. Hàng vạn người từ Nam tới Bắc, đông nhất là công nhân và nông dân đã hăng hái tham gia, bất chấp sự ngăn cản của chính quyền thực dân, nhằm biểu dương lực lượng và gây sức ép buộc chính quyền thuộc địa có thêm những nhượng bộ đáp ứng yêu cầu của quần chúng. Ngày 1-1-1937, ở Nam Kỳ, 20.000 người đủ các giới, nhất là tầng lớp lao động Sài Gòn - Chợ Lớn và nông dân phụ cận đón Gôđa bằng những khẩu hiệu: hoan nghênh Mặt trận Nhân dân Pháp, tự do dân chủ, thi hành luật lao động, bỏ thuế thân, toàn xá chính trị phạm. Tại Cao Bằng, một trong những tỉnh miền núi Việt Bắc, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, cuối tháng 2-1937, khoảng 2.000 quần chúng các dân tộc trong tỉnh đã tập trung, chờ đợi trong nhiều ngày ở ki-lô-mét số 5, nơi ma Gôđa sẽ đi qua, trên đường từ thị xã đến mỏ thiếc Tĩnh Túc (Nguyên Bình, Cao Bằng) để đưa dân nguyện. Mặc dù Gôđa tìm cách lẩn tránh, nhưng cuối cùng đồng bào cũng đã đưa được bản dân nguyện cho y vào ngày 25-2-1937.

Để phong trào tiến mạnh mẽ hơn nữa, các Hội nghị Trung ương Đảng tổ chức vào tháng 3 và tháng 9-1937 tập trung giải quyết vấn đề về công tác quần chúng, chủ trương sử dụng nhiều hình thức, vận dụng một cách linh hoạt, khôn khéo, tận dụng khả năng hợp pháp và nửa hợp pháp để tập hợp lực lượng rộng rãi hơn, mở rộng phong trào hơn nữa. Nhiều quyết định về tổ chức đã được thực hiện: lập Đoàn Thanh niên phản đế Đông Dương thay cho Đoàn Thanh niên cộng sản. Hội Cứu tế bình dân thay Hội Cứu tế đỏ. Công hội thay Công hội đỏ. Ở nông thôn, các hình thức tổ chức như Hội cấy, Hội lợp nhà, Hội chèo được phát triển rộng khắp, tập hợp hàng triệu quần chúng vì những mục tiêu cụ thể, thiết thực.

Chỉ đạo đấu tranh nghị trường

Trong giai đoạn này, Đảng Cộng sản Đông Dương triển khai một hình thức đấu tranh mới: đấu tranh nghị trường. Tháng 8-1937, Đảng quyết định tham gia cuộc vận động bầu cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ. Cán bộ của Đảng vận động những người tiến bộ trong hàng ngũ trí thức, phong kiến, tư sản dân tộc, địa chủ cấp tiến ra ứng cử. Do công tác tuyên truyền cổ động chu đáo, các chức Viện trưởng, Phó Viện trưởng và Chánh Thư ký đều là người của Mặt trận hoặc có cảm tình với Mặt trận.

Năm 1938, trong cuộc bầu cử Hội đồng Dân biểu Bắc Kỳ và Hội đồng thành phố Hà Nội, các ứng cử viên của Mặt trận Dân chủ đã thu được nhiều phiếu nhất. Tuy nhiên, ở Nam Kỳ, trong cuộc tranh cử Hội đồng Quản hạt, do thủ đoạn thâm độc của bọn phản động và cả những sai lầm chủ quan, Mặt trận Dân chủ bị thất bại.

Chỉ đạođấu tranh trên mặt trận báo chí công khai

Đảng Cộng sản Đông Dương đã triệt để sử dụng báo chí công khai làm vũ khí đấu tranh cách mạng, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, tập hợp, tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng.

Từ năm 1937, hàng chục tờ báo của Đảng, của Mặt trận Dân chủ và các đoàn thể nối tiếp nhau ra đời. Những đảng viên cộng sản làm công tác báo chí được tổ chức làm hai nhóm: bí mật và công khai. Họ tìm mọi cách để ra báo, như xuất bản báo tiếng Pháp để tránh bị kiểm duyệt; thuê, mượn, mua lại báo của người có giấy phép xuất bản,… Tờ báo này bị đóng cửa lại ra tiếp tờ sau, chỉ thay tên báo. Các nhà báo cộng sản đã vận động những nhà báo tiến bộ ngả theo quan điểm của Đảng. Trong giai đoạn này, báo chí công khai do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo phát triển nhanh chóng.

Ở Bắc Kỳ, có các tờ báo tiếng Việt tiêu biểu: Hồn trẻ, Tân xã hội, Thời báo, Thời thế, Hà thành thời báo, Tin tức, Đời nay,… Các báo tiếng Pháp có Le Travall

(Lao động), Rassemblment (Tập hợp), En avant (Tiến lên), Notre voix (Tiếng nói của chúng ta),… Ở Trung Kỳ có các tờ: Nhành lúa, Dân, Sông Hương tục bản, Kinh tế tân văn. Ở Nam Kỳ có các tờ: Le Peuple (Nhân dân), Dân chúng, Lao động, Mới,…

Cùng với sự nở rộ của báo chí cách mạng công khai, các nhà xuất bản của Đảng ta và Đảng Cộng sản Pháp đã in và phát hành nhiều tập sách về lý luận chính

trị ở trong nước hoặc đưa từ nước ngoài về. Trên văn đàn, văn học hiện thực phê phán chiếm ưu thế, với các tác phẩm tiêu biểu: Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan; Tắt đèn, Lều chõng của Ngô Tất Tố; Số đỏ của Vũ Trọng Phụng…

Cuối năm 1937, Đảng Cộng sản Đông Dương phát động phong trào truyền bá chữ quốc ngữ, giúp quần chúng lao động đọc sách, báo, nâng cao hiểu biết về chính trị và cách mạng.

Chỉ đạo vấn đề dân tộc trong quan hệ giữa ba nước Đông Dương

Những năm 1936 - 1939, Đảng Cộng sản Đông Dương tiếp tục chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam trong toàn Đông Dương. Căn cứ, xuất phát từ tình hình cụ thể của mỗi xứ, Đảng đề ra chủ trương, sách lược cụ thể. Đối với Lào và Cao Miên, nơi giai cấp vô sản còn ít, tổ chức đảng còn mỏng, Đảng hết sức chú ý đến việc tăng cường vai trò, tầm ảnh hưởng ở các xứ này.

Ngày 27-6-1936, Ban chỉ huy ở ngoài và Trung ương tiến hành hội nghị bàn công tác khôi phục Đảng và phong trào cách mạng, theo tinh thần chỉ đạo của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Hội nghị thông qua chỉ thị yêu cầu các cấp đảng bộ chủ động thành lập Mặt trận dân tộc phản đế, “bao gồm tất cả các đảng phái và tất cả các tầng lớp nhân dân, không phụ thuộc vào dân tộc nào - dù là người Pháp, người Việt, người Lào hay các dân tộc thiểu số, miễn là họ nhất trí đấu tranh để thực hiện những yêu sách đã nêu ra” [18, tr.81].

Hội nghị còn chủ trương thành lập các đảng cách mạng dân tộc ở các xứ Lào và Cao Miên, cho rằng nếu tổ chức được các đảng cách mạng dân tộc, có thể lôi cuốn nhân dân hơn là tổ chức Đảng Cộng sản. Hội nghị nhấn mạnh: “Cần phải thành lập các đảng cách mạng dân tộc cho dân bản xứ”. [18, tr.85]. Chủ trương trên không có nghĩa là hạ thấp, coi nhẹ vai trò của Đảng Cộng sản, mà là góp phần bảo đảm cho sự thành công của các cuộc đấu tranh. Để lãnh đạo tốt các đảng dân tộc và phong trào dân tộc ở những xứ này, cần tổ chức và tăng cường các chi bộ cộng sản, nhất là ở các thành thị, trung tâm công nghiệp. Các chi bộ này “là những vườn ươm đào tạo các chiến sĩ về sau sẽ được phái đi tổ chức các đảng quốc gia cần thành lập” [18, tr.176].

Để khôi phục tổ chức đảng ở Lào và Cao Miên, Đảng đưa người, tìm cách liên lạc với các đảng viên còn sống. Hội nghị của Ban Trung ương Đảng Cộng sản

Đông Dương, tháng 3 - 1938 giao cho Xứ ủy Trung Kỳ tìm mối liên lạc với Ai Lao, giao cho Nam Kỳ khôi phục hệ thống ở Cao Miên [18, tr.358-359].

Việc giác ngộ ý thức chính trị, tinh thần dân tộc cho các tầng lớp dân chúng ở Cao Miên và Lào hết sức được quan tâm. Vấn đề này được nhắc đi nhắc lại trong nhiều văn kiện của Đảng. Tinh thần dân tộc được nhắc đến ở đây không trái với nguyên tắc dân tộc tự quyết của Quốc tế Cộng sản, không trái với quyền lợi của vô sản giai cấp, nghĩa là cuộc dân tộc giải phóng theo nguyên tắc dân tộc bình đẳng, chống tư tưởng dân tộc hẹp hòi [18, tr.147]. Đó là cơ sở cho việc nâng cao tinh thần dân tộc ở mỗi xứ, đồng thời thắt chặt sợi dây đoàn kết trong toàn Đông Dương.

Chủ trương khôi phục, phát triển phong trào cách mạng ở Lào và Cao Miên là đúng đắn, thể hiện tinh thần cộng sản trong sáng và mối quan hệ khăng khít giữa

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Đảng lãnh đạo giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1945 (Trang 85 - 95)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(162 trang)