2.3. Quan điểm của Đảng về vấn đề dân tộc (từ tháng 10-1930 đến
2.3.1. Giải quyết vấn đề dân tộc trong phạm vi toàn Đông Dương
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với Cương lĩnh chính trị đúng đắn đã thúc đẩy phong trào cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn mới. Tuy nhiên, nhiều nội dung của Cương lĩnh trái với tinh thần chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, đặc biệt là về việc tập hợp, đoàn kết các giai cấp địa chủ, tư sản, tiểu tư sản và về tên Đảng. Trước tình hình đó, tháng 5 - 1930, Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản gửi thư cho Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam lưu ý một số vấn đề về nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương và chỉ thị “Đảng Cộng sản trẻ tuổi ở Đông Dương không chỉ là của Việt Nam, mà cần đổi tên để thu hút các phần tử cộng sản của tất cả các dân tộc Đông Dương” [39]. Đây là ý kiến chỉ đạo mang tính chủ quan, áp đặt, bởi khi đó ở Lào và Campuchia không có một tổ chức cộng sản nào hoạt động độc lập như ở Việt Nam [64].
Giữa lúc phong trào cách mạng trong nước đang trên đà phát triển, Trần Phú, sau thời gian học tập ở Liên Xô được đưa về nước hoạt động và bổ sung vào Ban
Chấp hành Trung ương lâm thời. Tháng 10 - 1930, tức là sau Hội nghị hợp nhất 8 tháng, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương họp ở Hương Cảng, Trung Quốc dưới sự chủ trì của Trần Phú.
Hội nghị phê phán Hội nghị hợp nhất là đã phạm sai lầm nghiêm trọng, rằng “chỉ lo đến việc phản đế mà quên mất lợi ích giai cấp tranh đấu”, sai lầm trong việc chia địa chủ làm đại, trung, tiểu địa chủ cũng như chủ trương lợi dụng bọn tư bổn mà chưa rõ mặt phản cách mạng; sai lầm trong việc đặt tên Đảng. Từ những đánh giá đó, Hội nghị Trung ương tháng 10 - 1930 quyết định “thủ tiêu chánh cương, sách lược và Điều lệ cũ của Đảng” [14, tr.112] và chỉ rõ: phải dựa vào nghị quyết của Quốc tế Cộng sản, chính sách và kế hoạch của Đảng “làm căn bổn mà chỉnh đốn nội bộ, làm cho Đảng Bônsơvích hóa” [14, tr.113].
Trên cơ sở những đánh giá, nhận định đó, dựa trên sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, Hội nghị đã thảo luận và thông qua Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (Dự án để thảo luận trong Đảng); thông qua Án nghị quyết của Trung ương toàn thể Đại hội nói về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng; bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư của Đảng.
Khác với chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước Đông Dương tại Hội nghị thành lập Đảng, Hội nghị Trung ương tháng 10 - 1930 chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ ba nước Đông Dương. Chủ trương này được thực hiện ở các điểm sau:
1. Bỏ tên Đảng Cộng sản Việt Nam và đổi tên là Đảng Cộng sản Đông Dương; 2. Chủ trương sau khi đánh đổ thực dân Pháp và tay sai phản động sẽ thành lập chính phủ công nông của các dân tộc Đông Dương;
3. Chủ trương thành lập Mặt trận Phản đế và các hội, đoàn thể trong toàn Đông Dương.
Về vấn đề tên Đảng, Hội nghị Trung ương tháng 10 - 1930 quyết định bỏ tên Đảng Cộng sản Việt Nam mà lấy tên Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị cho rằng, Việt Nam, Lào, Cao Miên đều nằm trong một xứ, cùng chịu sự thống trị và áp bức của thực dân Pháp. Nhân dân ba nước muốn đánh đổ được ách thống trị đó, giành độc lập dân tộc thì không thể đấu tranh riêng lẻ được. Vì vậy, “gọi Đảng là “Việt Nam C.S. Đảng” thì không gồm được Cao Miên và Lào, mà để vô sản giai
cấp hai xứ ấy ra ngoài phạm vi đảng là không đúng; vì vô sản An Nam, Cao Miên và Lào tuy tiếng nói, phong tục và nòi giống khác nhau, nhưng về mặt chính trị và kinh tế thì cần phải liên lạc mật thiết với nhau” [14, tr.111]. Án Nghị quyết của Hội nghị viết: “Việc đổi tên Đảng không đơn thuần chỉ về mặt tên gọi mà theo đó, phạm vi, nhiệm vụ của Đảng được mở rộng”. Từ nhiệm vụ lãnh đạo phong trào cách mạng của dân tộc Việt Nam, Đảng đã mở rộng phạm vi lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên cả ba nước Đông Dương, nhằm “khoách trương phong trào tranh đấu cho đều khắp xứ Đông Dương, phải làm sao cho phong trào tranh đấu ở những chỗ đã có được thêm sâu thêm mạnh và phải hết sức làm cho phong trào cách mạng lan rộng ra những chỗ chưa có” [14, tr.111].
Kẻ thù chung của phong trào cách mạng ở Việt Nam, Lào và Cao Miên là “một thế lực tập trung, thống nhất”, do đó, Đảng Cộng sản, đội tiền phong của giai cấp công nhân và là tổ chức dẫn đường cho tất cả quần chúng làm cách mạng không thể chỉ lãnh đạo riêng cho một xứ, mà phải là một Đảng Cộng sản tập trung lực lượng giai cấp cho toàn xứ Đông Dương. Đó là những cơ sở để Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương [20, tr.37].
Truyền đơn giải thích việc đổi tên Đảng viết: “Ba xứ Việt Nam, Cao Miên, Lào, tuy thường gọi là ba nước nhưng kỳ thực chỉ thành một xứ mà thôi. Về mặt kinh tế thì vẫn có mật thiết liên lạc quan hệ cùng nhau; về mặt chính trị thì đều bị đế quốc Pháp thống trị và áp bức. Vô sản giai cấp và tất cả quần chúng lao khổ bị áp bức trong ba xứ đó muốn đánh đổ đế quốc chủ nghĩa, lấy lại sự độc lập, đánh đổ vua quan địa chủ để giải phóng cho mình thì không thể nào tranh đấu riêng lẻ được. Bởi vậy, Đảng Cộng sản, tức là đội tiền phong của vô sản giai cấp và là hướng đạo cho tất cả dân chúng làm cách mạng, cũng không thể nào chỉ riêng cho một xứ Việt Nam, hay Cao Miên, Lào được… Vì lẽ đó nên từ giờ trở đi Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ gọi là Đông Dương Cộng sản Đảng” [14, tr.213].
Về vấn đề chính quyền, Hội nghị chủ trương sau khi đánh đổ ách thống trị của đế quốc, địa chủ và phong kiến sẽ thành lập chính phủ công nông của các dân tộc Đông Dương. Dựa trên mô hình nhà nước Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết và quan điểm của Xtalin về thành lập nhà nước Liên bang, Hội nghị Trung
ương tháng 10-1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú, một người được đào tạo và chịu ảnh hưởng từ quan điểm chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản chủ trương sau khi đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp và địa chủ, phong kiến sẽ thành lập một chính phủ chung của các dân tộc Đông Dương.
Hội nghị Trung ương Tháng 10 - 1930 chủ trương thành lập một mặt trận chung cho các dân tộc Đông Dương - “Đồng minh phản đế”, có mục đích là đoàn kết các lực lượng cách mạng phản đế của các dân tộc trong cả ba nước Việt Nam, Lào, Cao Miên nhằm đánh đổ đế quốc chủ nghĩa, mưu việc giành lại độc lập cho xứ Đông Dương, bênh vực phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa.
Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 còn thành lập các tổ chức hội mang tên Đông Dương, có nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết tất cả các lực lượng, giai cấp trên cả ba nước Đông Dương, đấu tranh vì quyền độc lập, tự do, dân chủ cho các giai tầng Đông Dương, như: Tổng Công hội Đông Dương, Tổng Nông hội Đông Dương, Đoàn Thanh niên cộng sản Đông Dương, Hội Phụ nữ, Hội Cứu tế đỏ…
Sau khi Hội nghị Trung ương tháng 10 - 1930 đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương, ở trong nước xuất hiện nhiều cách hiểu và giải thích khác nhau về vấn đề này. “Ở Bắc Kỳ thì họ giải thích rằng vì theo dân tộc tự quyết của Lênin nên không thể bắt vô sản Cao Miên và Lào vào Đảng với mình được. Ở Trung Kỳ thì nói rằng Đảng do sự hiệp nhất Tân Việt Cộng sản Liên đoàn và An Nam C.s Đảng mà ra nên cái tên phải do sự liên kết chữ “Việt” với chữ “Nam” để biểu hiện sự hiệp nhất của hai đoàn thể. Ở Nam Kỳ thì họ nói rằng lấy tên An Nam thì hẹp quá, còn lấy tên Đông Dương thì rộng quá nên phải lấy tên Việt Nam” [14, tr.234]. Cả ba cách giải thích trên đều không đúng. Theo lý giải của Đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Đông Dương là bởi những lý do sau:
“a) Về phương diện kinh tế, Việt Nam, Cao Miên và Lào, ba xứ ấy sinh hoạt mật thiết liên lạc với nhau, nếu rời nhau ra thì mỗi xứ không đủ điều kiện sinh hoạt kinh tế.
b) Về phương diện chánh trị, ba xứ ấy đều bị một tên đế quốc Pháp áp bức, nằm dưới một cái chánh phủ đế quốc thống nhất ở Đông Dương. Nếu một xứ vận
động cách mạng mà hai xứ không tham gia thì không đánh đổ được chánh quyền của đế quốc Pháp” [14, tr.234-235].
Văn kiện của Đảng viết, “vấn đề “tên” nói qua thì tưởng là việc hình thức, việc nhỏ thôi, nhưng kỳ thực nó có quan hệ lớn vì nó có thể ảnh hưởng đến tư tưởng và hành động của Đảng” [14, tr.235]. Vì thế, Đảng thống nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1933, trong tác phẩm Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương, Hồng Thế Công (Hà Huy Tập) đã phê phán việc đặt tên Đảng của Nguyễn Ái Quốc và Hội nghị thành lập Đảng và cho rằng đặt tên là Đảng Cộng sản Đông Dương là đúng, “vì lợi ích của phong trào tranh đấu cách mạng cần phải tập hợp hết thảy mọi tầng lớp bị bóc lột ở trong xứ vào công cuộc tranh đấu chống đế quốc và giành ruộng đất, cho nên từ đấy phải lấy tên là Đảng Cộng sản Đông Dương” [16, tr.411] và do “tất cả năm xứ ở Đông Dương đều nằm dưới hai ách đế quốc và phong kiến, cho nên cần phải đoàn kết tất cả những người lao động ở Đông Dương lại thành một khối dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhằm tranh đấu chống cái nặng nề hai tròng đế quốc và phong kiến đó” [16, tr.410].
Vì chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong cả ba nước Đông Dương, nên mọi chỉ đạo, nghị quyết, chương trình hành động, khẩu hiệu đấu tranh của Đảng có phạm vi toàn Đông Dương. Đảng có nhiệm vụ khôi phục và tổ chức lại tổ chức đảng, xứ ủy cả ở Lào và Cao Miên; thành lập các tổ chức, đoàn thể chung các dân tộc Đông Dương; chủ trương đánh đổ đế quốc Pháp, bọn phong kiến giành độc lập hoàn toàn cho cả ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, thành lập chính phủ chung của nhân dân Đông Dương.
Đại hội lần thứ I của Đảng (3-1935) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên hợp mật thiết các dân tộc Đông Dương chống kẻ thù chung trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, tự do. Đại hội chủ trương sau khi đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp, các dân tộc được quyền gia nhập Liên bang Đông Dương hoặc tách ra thành một nhà nước độc lập. Chính phủ xôviết công nông binh không can thiệp và ngăn trở. Tuy vậy, Đại hội khẳng định một cách dứt khoát, rằng “Đảng Cộng sản Đông Dương quyết không bao giờ chủ trương bắt buộc các dân tộc hoàn toàn thoát ly Liên bang Cộng hòa xôviết Đông Dương. Trái lại phải luôn luôn giải thích cho các dân tộc sự
cần thiết và lợi ích liên hợp đệ huynh các dân tộc ở Đông Dương với nhau để củng cố chính quyền xôviết, tăng lực lượng cách mạng, chống các quân thù giai cấp… Sự liên hợp đệ huynh phải lấy nguyên tắc chân thật, tự do và bình đẳng cách mạng mà làm căn bản, nghĩa là mọi dân tộc có quyền tự do vào hay ra Liên bang Cộng hòa xôviết, chớ các dân tộc mạnh không được dùng võ lực ép các dân tộc yếu vào, ra. Các dân tộc vào Liên bang được hưởng quyền lợi và chịu trách nhiệm như nhau” [17, tr.72- 73]. Quan điểm trên của Đại hội I là một bước nhận thức mới của Đảng trong việc giải quyết vấn đề dân tộc trong quan hệ giữa ba nước Đông Dương.
Về vấn đề Mặt trận phản đế, Đại hội đã xác định, đây là một hình thức tổ chức bao gồm tất cả các lực lượng phản đế toàn Đông Dương. Mặt trận Phản đế có nhiệm vụ đấu tranh giành quyền độc lập, đòi ruộng đất cho các dân tộc Đông Dương. Lực lượng được tập hợp trong Mặt trận bao gồm “tất cả các lực lượng phản đế ở xứ Đông Dương ra mưu cuộc vận động dân tộc giải phóng. Mặt trận phản đế bao hàm chẳng những quần chúng công nhân, nông dân lao động, dân nghèo thành thị, mà cả các tầng lớp, các phần tử lẻ tẻ, cấp tiến trong các giai cấp khác, các lớp lao động người dân tộc thiểu số, người ngoại quốc” [17, tr.85], không phân biệt dân tộc, tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị, hễ ai có tính chất phản đế là có thể kéo vào Mặt trận.
Như vậy, từ Hội nghị Trung ương tháng 10 - 1930, Đảng đã chuyển từ việc giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ nước Việt Nam sang giải quyết vấn đề dân tộc trong cả ba nước Đông Dương: đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương, thành lập mặt trận chung với tên gọi Đông Dương; chủ trương sau khi đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp và tay sai phản động sẽ thành lập một chính quyền chung cho nhân dân ba nước Đông Dương. Từ đây, phạm vi lãnh đạo của Đảng được mở rộng từ lãnh đạo cách mạng Việt Nam sang lãnh đạo cách mạng của cả 3 nước Đông Dương trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập, tự do.
Sự thay đổi trong chủ trương và cách giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam trong quan hệ giữa ba nước Đông Dương bắt nguồn từ sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản cũng như xu thế chung của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế giai đoạn này, khi mô hình nhà nước Xô-viết quá được đề cao. Trong chỉ đạo phong trào cách mạng của các nước thuộc địa, Quốc tế Cộng sản không xuất phát từ tình hình thực tế, đặc điểm lịch sử, chính trị, văn hóa ở các nước thuộc địa phương Đông, trong đó có
Việt Nam và Đông Dương, không thấy được mâu thuẫn chủ yếu ở đây là mâu thuẫn dân tộc, chứ không phải là mâu thuẫn giai cấp như ở các nước tư bản phương Tây, nên trong nhiều vấn đề, sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản là không sát với thực tế.
Lý giải về điều này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, phần lớn các nhà lãnh đạo Quốc tế Cộng sản không sinh ra ở các nước thuộc địa. Cơ quan lãnh đạo ở xa các nước thuộc địa. Đặc biệt, khi Lênin qua đời, vấn đề thuộc địa không được coi trọng đúng mức, chủ trương, chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản không được nghiên cứu, điều tra kỹ lưỡng. Sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản đối với Đảng Cộng sản Đông Dương cũng không phải là ngoại lệ. Tác giả Spida Phanomjong cho rằng, “trong tổ chức Quốc tế Cộng sản do Lênin thành lập sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của tổ chức này phần lớn đều là những người cộng sản ở châu Âu, còn các đồng chí quản lý chính sách bên dưới là những người cộng sản Nga. Do đó, nền tảng của sự hiểu biết về các vấn đề được đặt ra chắc chắn phải xuất phát từ tình hình của các quốc gia châu Âu mà phần lớn có thể chỉ nhìn thấy khía cạnh của giai cấp vô sản mà thôi, còn vấn đề của các quốc gia thuộc địa của các nước phương Tây, vấn đề nghèo khổ của nông dân ở nông thôn của những nước đó, như Việt Nam, v.v. thì khó có thể hiểu hết được” [79, tr.71-72].