2.2. Đảng bộ thành phố Hải Phòng chỉ đạo phát triển kinh tế biển từ
2.2.4. Đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản
Đối với ngành thủy sản, trước khó khăn của ngành trong những năm cuối của thế kỷ XX, ngày 6/8/2001, Thành ủy Hải Phòng tiến hành sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 16 - NQ/TU ngày 8/4/1999, về Một số vấn đề phát triển kinh tế thủy sản, đồng thời đưa ra quan điểm chỉ đạo phát triển kinh tế thủy sản trong thời kỳ mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phố lần thứ XII (2001) đề ra như sau:
Thứ nhất, hoàn thành quy hoạch tổng thể và các quy hoạch chi tiết phát triển kinh tế thủy sản của từng ngành, từng lĩnh vực, gồm quy hoạch chi tiết phát triển khai thác, nuôi trồng, dịch vụ, sản xuất thức ăn, sản xuất giống, chế biến, quy hoạch từng vùng, từng địa phương, quy hoạch về mặt nước, đất, thủy lợi...
Thứ hai, yêu cầu UBND thành phố sớm ban hành các quy định cần thiết để chuyển đổi, giao đất đấu thầu, mặt nước nuôi trồng thủy sản, chỉ đạo các huyện, thị
1Năm 2007, trên địa bàn Hải Phòng có 31 cơ sở công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển, trong đó có 9
cơ sở thuộc Nhà nước, 4 đơn vị thuộc Bộ quốc phòng, 1 đơn vị thuộc Trường Cao đẳng Nghề giao thông vận tải, còn là các doanh nghiệp địa phương.
xã đẩy mạnh thực hiện giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mặt nước nuôi trồng thủy sản cho nhân dân ổn định sản xuất lâu dài.
Thứ ba, các ngành liên quan tăng cường đầu tư vốn phát triển thủy sản theo hướng CNH, HĐH.
Thứ tư, sơ kết ngay việc thuê chuyên gia kỹ thuật Trung Quốc khai thác khơi để kiến nghị mở rộng thuê đi đôi bố trí người đủ năng lực học, tiếp thu kỹ thuật của các chuyên gia; tăng cường nghiên cứu, hướng dẫn nhân dân áp dụng kỹ thuật, công nghệ vào nuôi trồng...
Thứ năm, UBND thành phố, các cấp, ngành liên quan thực hiện cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đối với các dự án đầu tư hiện đại hóa chế biến hải sản.
Thứ sáu, áp dụng các biện pháp hữu hiệu bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn nước nuôi trồng thủy sản; kiến nghị Trung ương sớm mở trung tâm cứu hộ tàu thuyền đánh cá ở Cát Bà và Bạch Long Vĩ; phát triển các cơ sở đào tạo phục vụ phát triển kinh tế thủy sản.
Những quan điểm chỉ đạo của Thành ủy là những bổ khuyết kịp thời giải quyết tồn tại của kinh tế thủy sản trong những năm cuối của thế kỷ XX.
Thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy, ngày 18/9/2001, UBND thành phố ra quyết định số 2191 - QĐ/UB phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế thủy sản đến năm 2020. Trên cơ sở Quy hoạch, UBND thành phố chỉ đạo xây dựng 8 chương trình, 7 đề án và gần 70 dự án phát triển kinh tế thủy sản ở các lĩnh vực [115].
Về khai thác và nuôi trồng, UBND thành phố xây dựng các chính sách cụ thể khuyến khích phát triển kinh tế thủy sản và yêu cầu các bộ ngành liên quan, xây dựng dự án đầu tư cho 5 chương trình phát triển thủy sản, ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển thủy sản của cấp ủy, của UBND huyện và chỉ đạo các cấp xây dựng chương trình, dự án cụ thể. Phối hợp với các địa phương và lực lượng công an, biên phòng, các tổ chức đoàn thể quản lý các phương tiện đánh bắt hải sản trên biển.
Về chế biến, UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng quản lý, kiểm soát chặt chẽ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản từ khâu nguyên liệu, bảo quản đến chế biến. Sở Thủy sản Hải Phòng xây dựng chương trình hành động với nội dung: giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng đầu vào, cải tạo nhà xưởng, thiết bị, đổi mới công nghệ, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp
có cơ hội mở rộng quan hệ với bạn hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mục tiêu đặt ra đến năm 2010, xây dựng từ 2 đến 3 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu cao cấp, xây dựng trung tâm phòng bệnh cho tôm, cá có quy mô hiện đại nhất miền Bắc [119, tr. 412].
Sau 5 năm thực hiện (2001 - 2005), thành tựu lớn nhất là xây dựng thành công quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản, bước đầu triển khai kế hoạch xây dựng Hải Phòng thành trung tâm dịch vụ, thuỷ sản, sản xuất giống, thức ăn, khoa học - công nghệ, chế biến, xuất khẩu miền Bắc (thành phố đầu tư xây dựng 10 dự án xây dựng các trạm sản xuất giống thuỷ hải sản).
Khai thác thuỷ sản được thực hiện theo phương châm đẩy mạnh đánh bắt xa bờ nên sản lượng tăng khá, năm 2004, tổng sản lượng thuỷ sản cả đánh bắt và nuôi trồng đạt 66.000 tấn, vượt chỉ tiêu kế hoạch Đại hội Đảng bộ lần thứ XII đề ra (Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra chỉ tiêu đến năm 2005 đạt sản lượng 6 vạn tấn) [128]. Tốc độ tăng trưởng bình quân về giá trị sản xuất những năm 2001 - 2005 đạt 16,49% [35])
Hải Phòng đầu tư tăng thêm 4 nhà máy chế biến thuỷ sản, nâng cấp cải tạo 6 cơ sở sản xuất đưa tổng số đơn vị chế biến có tính chất công nghiệp lên 12 doanh nghiệp, nhiều nhất các tỉnh phía Bắc. Năm 2004, tổng số thiết bị cấp đông của các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản trên địa bàn thành phố là 28 đơn vị máy [128]. Nhà nước đầu tư xây dựng, nâng cấp khu neo đậu và dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Bạch Long Vĩ, cảng cá Cát Bà, cảng cá Hải Quân 128, khu neo đậu và dịch vụ hậu cần bến cá Ngọc Hải (Đồ Sơn), cảng cá Hạ Long, bến Mắt Rồng (Thuỷ Nguyên), đưa Hải Phòng trở thành địa phương có nhiều cơ sở hậu cần nghề cá lớn nhất khu vực phía Bắc [128].
Những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố đã tạo bước phát triển đột phá, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực của kinh tế thủy sản Hải Phòng. Đánh giá chung về những thành tựu đạt được, Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XIII (2005) khẳng định: Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho nuôi trồng được đầu tư, nâng cấp, tu bổ. Phát triển nuôi trồng ở cả ba khu vực, đẩy mạnh nuôi thâm canh, bán thâm canh, phát triển nuôi trên biển. Tiếp tục khuyến khích khai thác đánh bắt hải sản xa bờ; phát triển nhanh đội tàu với kỹ thuật, thiết bị được đầu tư mới, đủ năng lực vươn khơi và mang lại hiệu quả. Mở rộng liên kết, hợp tác trong nuôi trồng, khai thác xuất hiện mô hình mới. Hệ thống dịch vụ hậu
cần thuỷ sản được tổ chức tốt hơn, phục vụ có hiệu quả cho nuôi trồng, khai thác. Cơ sở hạ tầng nghề cá từng bước hiện đại hoá. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong đánh bắt, nuôi trồng và chế biến diễn ra phổ biến hơn. Hải Phòng ngày càng khẳng định vai trò là trung tâm sản xuất giống thuỷ - hải sản ở miền Bắc.
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản những năm 2006 - 2010, ngày 20/10/2006, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ra Nghị quyết số 06 -NQ/TU về phát triển thủy sản trong điều kiện mới, trong đó nhấn mạnh đầu tư, phát triển toàn diện dịch vụ, nuôi trồng, chế biến xuất khẩu để thủy sản thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, một trung tâm thủy sản vùng duyên hải Bắc Bộ như Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị đã xác định. Ngày 13/4/2009, Nghị quyết 27 - NQ/TU của Thành ủy đưa ra phương hướng: “Lấy phát triển nuôi biển làm trọng tâm, gắn phát triển thủy sản với bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản, và bảo vệ an ninh vùng biển, hải đảo của thành phố” [134].
Thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thủy sản nghiên cứu xây dựng quy hoạch 5 vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ mặn, trọng điểm ở các huyện Kiến Thụy, Tiên Lãng, Cát Hải, Hải An và Đồ Sơn. Phát triển nuôi hải sản nước mặn khu vực ven đảo Cát Bà, phát triển nuôi đặc sản tại Bạch Long Vĩ [131].
Ngày 4/7/2007, UBND thành phố ra Quyết định số 3788 - QĐ/ UB, nêu rõ nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, các quận huyện, thị xã, cộng đồng doanh nghiệp thành phố là:
- Lập báo cáo rà soát, đánh giá các dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản, đề xuất giải pháp tập trung ưu tiên đầu tư một số dự án trọng điểm.
- Xây dựng kế hoạch triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Ban Thường vụ Thành ủy về chủ trương, giải pháp phát triển thủy sản.
- Sở Thủy sản phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các địa phương xây dựng đề án phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa, nông thủy sản, xây dựng chợ trung tâm thương mại nông lâm thủy sản.
- Xây dựng đề án phát triển giống thủy sản, nuôi cá lồng biển; đề án thực hiện Hiệp định Hợp tác nghề cá và Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ.
- Sở Thủy sản chủ trì, Viện Tài nguyên và Môi trường biển là đơn vị tư vấn nghiên cứu lập Đề án xây dựng khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ...và tiến hành nghiệm thu Đề án Bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng 6 m nước xung quanh đảo Bạch Long Vĩ.
Với sự nỗ lực của toàn ngành, sự phối hợp của các ngành liên quan, ngành Thuỷ sản Hải Phòng những năm 2006 - 2010, được đầu tư nâng cấp trang thiết bị và áp dụng công nghệ mới. Đến năm 2010, 60% các cơ sở chế biến có trình độ công nghệ tiên tiến, thực hiện đồng bộ các giải pháp an toàn chất lượng trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất, hệ thống tự kiểm tra chất lượng được xây dựng ở hầu hết các cơ sở chế biến. Thuỷ sản đông lạnh được xác định là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của thành phố, trong đó sản phẩm từ tôm chiếm 40% giá trị xuất khẩu toàn ngành, giá trị sản xuất của ngành có tốc độ tăng trưởng bình quân những năm 2006 - 2010 lên tới 33,25% [35]. Sự hoạt động của tàu cá vươn khơi ngày càng nhiều vừa đem lại hiệu qủa kinh tế cao, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển của Tổ quốc. Với kết quả đạt được chắc chắn trong thời gian tới Hải Phòng sẽ trở thành một trung tâm nghề cá ở phía Bắc Việt Nam.