Luận án
1.3.1. Những điểm các nghiên cứu công bố đã đề cập
Những nghiên cứu từ các nước phát triển cho thấy các loại hình tổ chức R&D thường được phân biệt rất rõ theo các quan hệ sở hữu là sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân và ngoài ra còn có các tổ chức R&D phi Chính phủ. Các tổ chức này có tính tự chủ cao trong hoạt động. Liên kết giữa NCKH với ĐT và SX xuất hiện sớm và có mối liên hệ chặt chẽ, được thể hiện rõ nét trong các Trường Đại học nghiên cứu.
Chính phủ các nước phát triển đều nhận thấy tầm quan trọng của liên kết giữa NCKH với ĐT và SX trong các Trường đại học và tổ chức NC&TK, từ đó ban hành các đạo luật về hoạt động KH&CN, sở hữu trí tuệ; các chính
sách hỗ trợ tài chính thúc đẩy liên kết giữa NCKH với SX; các chính sách khuyến khích các Doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm cho hoạt động R&D; chính sách đảm bảo lợi ích Nhà khoa học - Tổ chức R&D và Doanh nghiệp.
Các nước XHCN từng duy trì cơ chế kế hoạch hoá tập trung quan liêu, bao cấp đối với hệ thống KH&CN trong một thời gian dài. Cơ chế này đã tạo nên sự phân ly giữa NCKH với ĐT và SX. Sau khi hệ thống XHCN tan rã, mỗi nước có biện pháp khắc phục sự phân ly khác nhau.
Qua những nghiên cứu về Trung Quốc cho thấy Trung Quốc đã xây dựng liên kết giữa NCKH với đào tạo khá sớm và phát triển mạnh; liên kết giữa NCKH với sản xuất được bắt đầu chậm hơn, trải qua những giai đoạn khó khăn.
Kinh nghiệm về sự chuyển đổi, tái cấu trúc hệ thống nhằm khắc phục sự phân ly giữa NCKH với ĐT và SX của Trung Quốc theo phân tích ở trên, Việt Nam đều đã học hỏi và những kinh nghiệm như vậy đã được lồng ghép vào trong quá trình hoạch định các chính sách cũng như quá trình thực thi chính sách KH&CN của mình. Tuy nhiên, một quan điểm mới đang được hình thành trong quá trình đổi mới quản lý KH&CN Việt Nam, đó là chúng ta cũng cần song song tìm hiểu kinh nghiệm của các nước tiên tiến để học hỏi, như vậy sẽ nhanh hơn là việc chúng ta cứ phải “dò đá qua sông” như Trung Quốc đã từng làm [Vũ Cao Đàm, 2013, tr. 5].
1.3.2. Những điểm các nghiên cứu công bố chưa đề cập
Những nghiên cứu đề cập đến liên kết giữa NCKH và sản xuất hầu hết đều tập trung vào các đơn vị NC&TK, ít đề cập đến liên kết này tại các đơn vị đào tạo. Nghiên cứu về liên kết giữa NCKH và sản xuất đều hướng đến việc chuyển các đơn vị NC&TK thành Doanh nghiệp chưa chú ý đến liên kết giữa NCKH và đào tạo tại các đơn vị này.
Đề cập đến liên kết giữa NCKH và đào tạo hầu hết những phân tích chỉ tập trung nghiên cứu tại các Trường, chưa đề cập đến liên kết này tại các Viện NC&TK. Có những phân tích còn mang tính hành chính như sát nhập các Viện NC&TK vào Trường đại học.
Những nghiên cứu nêu trên có đề cập đến liên kết giữa NCKH với sản xuất cũng như liên kết giữa NCKH với đào tạo nhưng chưa chú ý nghiên cứu kỹ mối liên kết giữa NCKH với ĐT và SX tại tổ chức KH&CN theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Chưa có nghiên cứu nào đưa lý thuyết về xây dựng mối liên kết giữa NCKH với ĐT và SX áp dụng tại đơn vị cụ thể như Viện Hàn lâm KH&CNVN cũng như phân tích điều kiện đảm bảo cho hình thành và phát triển mối liên kết đó.
1.3.3. Những điểm Luận án cần giải quyết
Về lý thuyết:
- Phân tích yếu tố NCKH, yếu tố SX và yếu tố ĐT như các phần tử thuộc hệ thống Viện Hàn lâm KH&CNVN, với các mối liên hệ qua lại trong một thể thống nhất;
- Phân tích sự tác động của môi trường bên ngoài tới Viện Hàn lâm KH&CNVN trong đó có yếu tố cạnh tranh của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế về KH&CN.
Về thực tiễn:
- Phân tích cơ sở lý luận về liên kết giữa NCKH với ĐT và SX trong các tổ chức KH&CN theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm;
- Đánh giá thực trạng về quá trình xây dựng mối liên kết giữa NCKH với ĐT và SX theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở Viện Hàn lâm KH&CNVN;
- Đề xuất điều kiện đảm bảo cho hình thành và phát triển mối liên kết giữa NCKH với ĐT và SX theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở Viện Hàn lâm KH&CNVN.
Tiểu kết Chương 1
Nghiên cứu mối liên kết giữa NCKH với SX và ĐT đã được nhiều nhà nghiên cứu cả trong và ngoài nước quan tâm và nhiều công trình đã được công bố. Ở các nước phát triển mối quan hệ này tồn tại một cách tự nhiên cùng với nền kinh tế thị trường. Tại các nước có nền kinh tế kế hoạch hóa chuyển sang kinh tế thị trường, các công trình công bố tập trung vào việc nghiên cứu tái cấu trúc các Viện NC&TK và qua đó có thể tìm hiểu về mối liên kết giữa NCKH với SX và ĐT. Những nghiên cứu trong nước mới chỉ mô tả hiện trạng phân ly giữa NCKH với SX và ĐT, chưa chú ý nghiên cứu kỹ về các mối liên kết. Riêng về Viện Hàn lâm KH&CNVN thì chưa có nghiên cứu sâu sắc về vấn đề này.
Qua nghiên cứu, tác giả thấy khoảng trống quan trọng là các mối liên kết hết sức đa dạng và phong phú trong thực tiễn và điều kiện đảm bảo cho hình thành và phát triển các mối liên kết đó mà bản chất là tái cấu trúc các Viện NC&TK chưa được quan tâm nghiên cứu.
CHƯƠNG 2.
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ XÂY DỰNG MỐI LIÊN KẾT GIỮA NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VỚI ĐÀO TẠO VÀ SẢN XUẤT TRONG CÁC TỔ CHỨC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THEO HƯỚNG TỰ CHỦ, TỰ
CHỊU TRÁCH NHIỆM