Hoạt động sản xuất

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) xây dựng mối liên kết giữa nghiên cứu khoa học với đào tạo và sản xuất theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại viện hàn lâm khoa học và công nghệ việt nam (Trang 51 - 53)

2.1. Hệ khái niệm công cụ

2.1.3. Hoạt động sản xuất

Theo C.Mác và Ph.Ăngghen: “Sản xuất là một loại hình hoạt động đặc trưng của con người và xã hội loài người, bao gồm: sản xuất vật chất, sản xuất tinh thần và sản xuất ra bản thân con người. Ba quá trình đó gắn bó chặt chẽ với nhau, tác động qua lại với nhau, trong đó sản xuất vật chất là cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của xã hội”, “điểm khác biệt căn bản giữa xã hội loài người với xã hội loài vật là ở chỗ: loài vật may lắm chỉ hái lượm, trong khi con người lại sản xuất” [C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, 1995, tr. 24].

Nguyên liệu sản xuất bao gồm con người, máy móc, nhà xưởng, kỹ thuật công nghệ, tài chính và các nguồn tài nguyên khác được chuyển đổi thành sản phẩm hoặc dịch vụ. Sự chuyển đổi này là hoạt động trọng tâm và phổ biến của hệ thống sản xuất. Như vậy, sản xuất chính là quá trình chuyển hóa các yếu tố đầu vào biến chúng thành các sản phẩm hoặc dịch vụ ở đầu ra [Thư Viện học liệu mở Việt Nam, 2016].

Trong Luận án này, hoạt động sản xuất được hiểu là quá trình tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ, sản xuất như một phương tiện để phát triển kinh tế, xã hội đồng thời là môi trường áp dụng kết quả NCKH. Trong mối quan hệ giữa sản xuất với hoạt động NCKH, xuất hiện các thuật ngữ sau đây:

- Doanh nghiệp vệ tinh (Spin-off entreprise)

Theo Ndonzuau, F. N., Pirnay, F., & Surlemont, B., (2002), doanh nghiệp vệ tinh là một loại doanh nghiệp được sinh ra từ nhu cầu triển khai kết quả nghiên cứu của tổ chức KH&CN, nó có nhiệm vụ áp dụng kết quả nghiên cứu để đưa ra sản phẩm thương mại. Doanh nghiệp vệ tinh được coi là cầu nối giữa nghiên cứu khoa học với thị trường, để thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Doanh nghiệp vệ tinh có thể nằm trong lòng các tổ chức KH&CN (Spin-in), hoặc nằm trong lòng các tổ chức khác bên ngoài tổ chức KH&CN như Spin-out enterprise [Ndonzuau, F. N., Pirnay, F., and Surlemont, B., 2002].

- Doanh nghiệp khởi nghiệp (Start-up entreprise)

Theo Vũ Cao Đàm (2017), doanh nghiệp khởi nghiệp là một loại doanh nghiệp trong số các doanh nghiệp Spin-off, Spin-in, Spin-out nhưng đã đủ trưởng thành, chuẩn bị trở thành một Doanh nghiệp công nghiệp, một Công ty hoặc một Hãng sản xuất, đủ tư cách một Doanh nghiệp trên thị trường, tách khỏi “tổ chức mẹ” đã khai sinh ra nó [Vũ Cao Đàm, 2017].

Như vậy, khi gắn hoạt động sản xuất với nghiên cứu khoa học đã xuất hiện các tổ chức trung gian giữa nghiên cứu khoa học với việc áp dụng các kết quả nghiên cứu là Doanh nghiệp vệ tinh (Spin-off entreprise) và Doanh nghiệp khởi nghiệp (Start-up entreprise), các tổ chức doanh nghiệp này góp phần thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, cầu nối trung gian để đưa kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường thương mại. Trong Chương 3 và Chương 4 của Luận án sẽ khảo sát hoạt động của các tổ chức trung gian này.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) xây dựng mối liên kết giữa nghiên cứu khoa học với đào tạo và sản xuất theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại viện hàn lâm khoa học và công nghệ việt nam (Trang 51 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(186 trang)