Quan điểm Hồ Chí Minh về nội dung dân chủ trong giáo dục

Một phần của tài liệu “Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong giáo dục và định hướng vận dụng trong các nhà trường Quân đội hiện nay (Trang 44 - 53)

Là một quyền cơ bản của con người. Quyền dân chủ trong giáo dục

đã được Hồ Chí Minh khởi xướng từ rất sớm, năm 1919, trong bản Yêu

sách của nhân dân An Nam, gửi đến Hội nghị Vécxây: “Cải cách nền pháp

lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu… tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ” [29, tr.441]. Đây là yêu cầu đòi hỏi không chỉ đơn thuần là cải cách pháp lý ở Đông Dương, trong đó có cải cách về quyền được giáo dục, quyền được tự do học tập của người dân, mọi người đều có quyền được làm chủ kho tàng tri thức nhân loại. Dân chủ trong giáo dục theo Hồ Chí Minh: trước hết là tạo ra ở người học một cái nhìn bao quát về ý thức tự chủ học tập, ngày nay gọi là quyền học tập, gắn liền với quyền sống cũng như quyền căn bản khác của con người. Cả cuộc đời Hồ Chí Minh “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” [77, tr.627]. Người quan niệm, “Ai cũng được học

hành” để sớm nhận thức được những quyền giản đơn mà cơ bản của con người trong mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội. “Ai cũng được học hành” vừa là mục tiêu, vừa là động lực cụ thể hóa quyền được học tập, được giáo dục của mỗi người. Theo Người, học và hành phải gắn bó chặt chẽ với nhau, học mà không hành, hành mà không học thì không đủ lý luận và thực tiễn lãnh đạo cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định mọi công dân đều có quyền được giáo dục và học tập. Thể hiện ở mọi lứa tuổi từ các cháu nhi đồng đến các cụ già, không phân biệt nam, nữ, giàu, nghèo, nghề nghiệp, dân tộc, tôn giáo, đảng phái, vùng miền, cả đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài đều có quyền lợi và nghĩa vụ được giáo dục, học tập, kể cả người tàn tật, thiểu năng đều có quyền được giáo dục và phát huy dân chủ trong giáo dục. Người đã nêu một tấm gương tiêu biểu “Cháu Nguyễn Ngọc Ký tàn tật cả hai tay, dùng chân để viết mà vẫn cố gắng phấn đấu trở thành một học sinh giỏi” [72, tr.745].

Trong lịch sử Việt Nam, chỉ thời đại Hồ Chí Minh mới thực sự công khai phụ nữ bình đẳng với nam giới, Người không chỉ quan tâm quyền học tập của phụ nữ mà còn khẳng định vai trò của phụ nữ đối với sự nghiệp cách mạng. Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Người đã phân tích phong trào phụ nữ quốc tế và nhấn mạnh rằng: “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công, mà nữ giới An Nam muốn cách mệnh thì phải theo Phụ nữ Quốc tế chỉ bảo” [33, tr.315]. Hồ Chí Minh còn chỉ rõ: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người” [65, tr.300]. Người đánh giá cao công việc gia đình và xã hội của phụ nữ. Dưới chế độ XHCN, hàng vạn cán bộ nữ đã được GD&ĐT trở thành cán bộ chuyên môn các ngành và cán bộ lãnh đạo, làm giám đốc và phó giám đốc các xí nghiệp, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, chủ tịch ủy ban hành chính, bí thư chi bộ Đảng,... Đồng thời, Người cũng động viên chị em không ngừng học tập: “Để làm tốt những việc nói trên, chị em phải cố gắng học tập. Học văn

hóa, học chính trị, học nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ. Có quyết tâm thì nhất định học được. Hiện nay đã có phụ nữ miền núi làm thầy giáo, làm bác sĩ, làm cán bộ kỹ thuật, đội trưởng dân quân,...” [72, tr.263].

Người coi quyền “được giáo dục” như là một quyền cơ bản, gắn với quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người. “Được giáo dục” trong tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh không chỉ là vấn đề được giáo dục, được học tập mà đây còn là nghĩa vụ thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của mỗi người dân đối với dân tộc, đất nước. Giáo dục để nâng cao hiểu biết, góp sức để đánh Pháp, đuổi Nhật cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào sung sướng. Trong hai bản Hiến pháp do Người chủ trì soạn thảo cũng thể hiện rõ vấn đề này, Điều 15, Hiến pháp năm 1946 “…quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình, học trò nghèo được Chính phủ giúp, trường tư được mở tự do và dạy theo chương trình của Nhà nước”; Điều 33, Hiến pháp năm 1959: “công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có quyền được học tập”. Giáo dục và học tập là quyền cơ bản của con người, thì dân chủ trong giáo dục luôn là tiền đề cần thiết bảo đảm cho sự phát triển toàn diện những năng lực sẵn có của con người. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh “quyền được giáo dục” gắn liền với “quyền làm người”. Người chỉ rõ mục tiêu giáo dục là: “để làm việc, làm người, làm cán bộ”. Như vậy, dân chủ trong giáo dục là quyền căn bản của con người, bao hàm những đòi hỏi nội tại của mỗi con người, trước hết về đạo đức, về nhân cách và năng lực. Đây là một cách tiếp cận mới tích cực về quyền con người. Cũng có thể xem đây là nghĩa vụ của mỗi người đối với chính mình.

Là coi trọng, đề cao khả năng sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động, cầu tiến bộ của con người. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh con người vừa

là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp giải phóng xã hội và giải phóng chính bản thân con người. Hồ Chí Minh khẳng định: “vô luận việc gì, đều do người làm ra” [43, tr.281]. Đặt mục tiêu con người lên trên hết, dân chủ trong

giáo dục mà Hồ Chí Minh muốn đạt tới là phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của người học, giáo dục phải phát triển ở mỗi người cả tài lẫn đức, trong đó coi trọng cái đức, cái nhân cách con người.

Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Việc gì cũng khó, trong xã hội không có cái gì dễ, nhưng khó mà quyết tâm thì nhất định làm được. Thử hỏi các cô, các chú, cách mạng có khó không? Kháng chiến có khó không? Có thắng lợi không? Vì sao chúng ta thắng lợi? Vì quyết tâm” [54, tr.607]. Để có được dân chủ trong giáo dục, Người yêu cầu phải tích cực, chủ động, phải ham học hỏi, cầu tiến bộ thì mới thành công. Ham học hỏi, cầu tiến bộ đòi hỏi sự phấn đấu từ cả hai phía người dạy và người học. Về phía người dạy, “…cốt nhất là phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ. Phải dùng những lời lẽ giản đơn, những thí dụ thiết thực mà giải thích: Dân chủ là gì, tự do là gì, thuộc địa là gì. Vì sao ta phải kháng chiến. Họ có thể làm những việc gì để giúp đỡ kháng chiến” [41, tr.120]. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thiết yếu mà bất cứ người dạy học nào cũng phải quan tâm để giáo dục cho học sinh của mình. Về phía người học, Hồ Chí Minh yêu cầu: “không ngừng tiến thủ, cần có bản lĩnh độc lập. Tự mình làm lấy, tự giác, tự động, tự chủ. Lao động, sáng tạo, quyết đoán. Mỗi ngày một mới…” [35, tr.457]. Như vậy, trên thực tế, Hồ Chí Minh đã chủ trương phải bắt đầu từ người học, “phải lấy người học làm trung tâm”, nghĩa là người học (học sinh, sinh viên) phải biết tự giác, tự động học tập và nghiên cứu - lấy tự học làm cốt; sau đó tiến hành thảo luận tập thể rồi kết hợp bổ sung, nâng cao thêm của giảng viên mà hoàn thiện nhận thức của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cả người dạy lẫn người học cần có tinh thần lạc quan, yêu đời, sống có lý tưởng cao cả, ham học, ham làm, ham tiến bộ, luôn “Hướng tới phía trước, tiến lên không ngừng. Gian lao chẳng quản,

khó khăn không sờn,… xây dựng cuộc sống mới” [66, tr.538]. Người còn chỉ rõ: Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời; do vậy, mỗi người phải thường xuyên trau dồi cái tâm, cái chí đối với giáo dục và sự học, cái tâm cho sáng, cái chí cho bền, một lòng, một dạ vì dân, vì nước thì nhất định sẽ đạt được cái đích của dân chủ trong giáo dục.

Là cùng nhau trao đổi, thảo luận tìm ra chân lý. Hồ Chí Minh khẳng

định: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người” [48, tr.378]. Theo Hồ Chí Minh: “Tự do bày tỏ ý kiến của mình” vừa là quyền và là nghĩa vụ của cả người dạy và người học. Qua đó giúp người dạy và người học được “thông suốt” mọi vấn đề. Một khi đã thông suốt vấn đề, người dạy và người học mới làm chủ được tri thức, làm chủ được chân lý, là tiền đề của hành động. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hoá ra quyền tự do phục tùng chân lý” [48, tr.378]. Chân lý về dân chủ trong giáo dục, theo Người là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý. Người còn căn dặn người học phải hết sức khiêm tốn, cầu thị, chống kiêu ngạo, tự mãn: “cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập” [62, tr.398].

Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trong trường, cần có dân chủ. Đối với mọi vấn đề, thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì chưa thông suốt, thì hỏi, bàn cho thông suốt” [58, tr.266]. Thảo luận với học trò của mình, người thầy dạy đã đi từ quan hệ giao tiếp thân mật đến phương pháp làm việc, phương pháp dạy học tương tác, chủ động, giúp người học phát hiện chân lý. Trong khi thảo luận “Ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu”. Hồ Chí Minh không chỉ chú ý đến sự bình đẳng trong quyền lợi học tập

mà còn chú ý đến những trường hợp chênh nhau về kiến thức của người học. Với người học giỏi, khá, kiến thức vững thì việc thảo luận ít gặp trở ngại, còn đối với người học trung bình hoặc yếu kém thì việc thảo luận không tránh khỏi hạn chế do trình độ hoặc do mặc cảm. Vì vậy, quan điểm “Ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu” trong tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong giáo dục còn có giá trị của một lời khuyên, lời động viên người học nhằm phá tan mọi mặc cảm để vươn lên, chủ động tìm kiếm, trau dồi và làm chủ tri thức.

Dân chủ trong giáo dục là để đi đến cái đích: “Điều gì chưa thông suốt thì hỏi, bàn cho thông suốt”. Đó cũng là thái độ tự trọng khoa học của người học khiêm tốn và cầu tiến bộ. Thực hành dân chủ trong giáo dục, Hồ Chí Minh còn yêu cầu cao thái độ độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng của người học: “phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn” [63, tr.98-99]. Tức là, Người đòi hỏi sự sáng tạo, chống kinh viện, giáo điều, phải rèn luyện tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo.

Là giải quyết đúng đắn mối quan hệ dân chủ giữa thầy và trò. Có thể nói

đây là một “phương pháp luận” chung nhất về quan hệ dân chủ trong dạy học giữa thầy và trò. Thầy quý trò, trò kính thầy không phải chỉ riêng trong việc dạy và học kiến thức trên lớp, mà còn phải mở rộng quan hệ giao tiếp giữa thầy và trò trong nhà trường và ngoài xã hội. Thầy có quý trò, thầy mới tôn trọng trò và không ngừng tìm cách giảng dạy ngày một tốt hơn. Trò có kính thầy, trò mới giữ được kỷ cương trường học và giúp cho việc học ngày một cao hơn. Tránh

thái độ “cá đối bằng đầu” trong quan hệ thầy trò, theo Hồ Chí Minh đây là thái độ không nên có và không thể chấp nhận trong môi trường sư phạm.

Câu nói “cá đối bằng đầu” của Hồ Chí Minh dành cho cả hai phía người dạy và người học, nhưng có dụng ý dành cho người học nhiều hơn. Đây cũng là một khía cạnh rất tế nhị trong quan hệ dân chủ giữa thầy và trò. Vượt quá giới hạn dân chủ cho phép thì quan hệ cả thầy lẫn trò có thể xấu đi. Do đó, Hồ Chí Minh từng căn dặn thầy, cô giáo và nhà quản lý giáo dục: “Làm việc phải có dân chủ bàn bạc, nhưng chú ý dân chủ phải có tổ chức kỷ luật” [55, tr.561] và căn dặn học sinh: “phải tôn trọng kỷ luật Nhà trường” [56, tr.436].

Như vậy, dân chủ trong quan hệ thầy trò theo tư tưởng Hồ Chí Minh vừa đề cao vị trí của người thầy, đòi hỏi tính gương mẫu và đạo đức của họ; vừa yêu cầu người học sự kính trọng đối với thầy cô, và thái độ nghiêm túc trong học tập.

Dân chủ trong giáo dục là giúp người học có đủ năng lực làm chủ, năng lực tổ chức cuộc sống mới. Dân chủ trong giáo dục nhằm phát triển năng lực

của người học, làm cho người học xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước. Trong thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng ngày 31/10/1955, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trường học của chúng ta là trường học của chế độ dân chủ nhân dân, nhằm mục đích đào tạo những công dân và cán bộ tốt, những người chủ tương lai tốt của nước nhà. Về mọi mặt, trường học của chúng ta phải hơn hẳn trường học của thực dân, phong kiến” [52, tr.185].

Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta học tập chính là để có đủ năng lực làm chủ, có đủ năng lực tổ chức cuộc sống mới - trước hết là tổ chức nền sản xuất mới” [64, tr.527]. Theo Người: “ý thức làm chủ không phải chỉ tỏ rõ ở tinh thần hăng hái lao động, mà còn phải tỏ rõ ở tinh thần say mê học tập để không ngừng nâng cao năng lực làm chủ của mình” [64, tr.527], “chúng ta làm chủ tương lai của mình và của con cháu mình” [64, tr.538]. Muốn có đủ năng lực làm chủ, theo Hồ Chí Minh, người học phải được khuyến khích và tạo điều

kiện để có cơ hội đi đến tận cùng của sự khám phá và sáng tạo, có nghị lực và có bản lĩnh làm chủ. Đời sống “mỗi ngày một mới”, vì vậy cả người dạy lẫn người học cần có tinh thần lạc quan, yêu đời, sống có lý tưởng cao cả, luôn “hướng tới phía trước, tiến lên không ngừng”. Đây cũng chính là cốt lõi của phẩm chất nhân cách mà nhà trường dân chủ mong muốn ở người học.

Vượt mọi khó khăn để chiến thắng, để làm chủ tri thức thời đại, những điều đó đòi hỏi người dạy và người học, một khí phách không kém khí phách

Một phần của tài liệu “Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong giáo dục và định hướng vận dụng trong các nhà trường Quân đội hiện nay (Trang 44 - 53)