Một là, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong giáo dục đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng tư tưởng, lý luận về giáo dục của dân tộc ta, từng bước hình thành triết lý giáo dục mới xã hội chủ nghĩa.
Đất nước Việt Nam thời phong kiến, bắt đầu từ thiên niên kỷ thứ hai, cùng với việc xây dựng và bảo vệ đất nước, tổ tiên ta đã dành nhiều công sức phát triển nền giáo dục dân tộc. Điểm đáng chú ý của giáo dục Việt Nam thời phong kiến đó là nền giáo dục bước đầu đã được dân chủ hóa. Bằng việc tuyển chọn nhân tài thông qua thi cử, tuy hết sức khắt khe nhưng lại mang yếu tố dân chủ vì đã tạo được điều kiện cho mọi đối tượng, nhất là tầng lớp bình dân. Cá biệt, trong giai đoạn mới thành lập, vương triều Trần đã xét đến điều kiện học tập không đồng đều giữa các địa phương, từ đó quy định một kỳ thi có hai trạng nguyên: Kinh trạng nguyên cho khu vực thuận lợi và Trại trạng nguyên cho khu vực khó khăn.
Mặc dù đã có những bước phát triển nhất định, tuy nhiên tư tưởng giáo dục chủ đạo phổ biến của Việt Nam trong nền giáo dục khoa cử Nho học là “học để làm quan”. Vì vậy, “Học để làm quan” trở thành triết lý giáo dục của nền giáo dục Việt Nam thời phong kiến. Về tổng thể mục đích của nền giáo dục phong kiến không nhằm vào những con người làm khoa học, lao động sản xuất để phát triển xã hội mà đào tạo những con mọt sách, những đồ đệ phục vụ tầng lớp phong kiến. Nội dung giáo dục nghèo nàn, nặng về văn chương, nội dung về lao động sản xuất, khoa học kỹ thuật hầu như không có (Do ảnh hưởng tư tưởng giáo dục của Khổng Tử). Phương pháp giáo dục giáo điều, uy
quyền, nặng về học cổ, ít quan tâm phát triển xã hội. Tổ chức giáo dục còn bất bình đẳng: Trọng nam kinh nữ, chủ yếu con em tầng lớp quý tộc mới được đi thi, không phải mọi người đều có cơ hội đi học.
Hồ Chí Minh đã nhận rõ những điểm hạn chế của nền giáo dục phong kiến, nhất là vấn đề dân chủ, để xây dựng nền tảng lý luận và thực tiễn cho một nền giáo dục mới mang tính dân tộc, dân chủ, nhân dân. Mục đích cao cả của nền giáo dục mới, theo Hồ Chí Minh là phải đào tạo ra những công dân và cán bộ tốt, những công dân hữu ích cho nước Việt Nam, những người làm chủ tương lai tốt của nước nhà. Đó là một nền giáo dục với triết lý giúp phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của học sinh, học để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh.
Như vậy, tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh đã có sự thay đổi về chất so với tư tưởng giáo dục của nho học trước kia, khi không phải chỉ học kinh sách thánh hiền một cách máy móc nữa, không phải chỉ học để tạo mẫu người quân tử, học để làm quan,... mà học để nâng cao trình độ học vấn, khoa học - kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, lịch sử, văn hóa, tổ chức quản lý,... Tư tưởng đó được Hồ Chí Minh vạch ra bằng chính sự nghiên cứu, quan sát và trải nghiệm thực tiễn của bản thân chứ không phải suy diễn chủ quan hay trích dẫn ở các tác giả khác. Cội nguồn sâu xa của tư tưởng đó nằm ở trong truyền thống văn hóa và các tư tưởng triết lý giáo dục của dân tộc Việt Nam. Theo đó, nền giáo dục phải kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của dân tộc, nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam với đặc trưng cơ bản thể hiện tập trung ở mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục và tổ chức hệ thống nhà trường.
Theo Hồ Chí Minh, một nền giáo dục dân chủ phải là nền giáo dục mang tính nhân dân sâu sắc, nền giáo dục không phải chỉ dành riêng cho một bộ phận hoặc một giai cấp mà cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Ngay sau ngày đất nước giành được độc lập, cách mạng trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, bởi giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, Người đã nhấn mạnh: Công việc
phải thực hiện cấp tốc lúc này là nâng cao dân trí, mọi người Việt Nam phải có kiến thức mới để tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết. Như vậy, trong nền giáo dục mới, Hồ Chí Minh yêu cầu phải đảm bảo quyền tự do, bình đẳng học tập cho tất cả mọi công dân. “Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ” [57, tr.40].
Để đảm bảo yếu tố dân chủ của nền giáo dục mới, theo Hồ Chí Minh cần phải thay đổi triệt để hình thức, phương pháp, nội dung giáo dục. Theo đó, việc dạy và học phải kết hợp nhuần nhuyễn cả hình thức truyền thống lẫn hình thức hiện đại, dạy và học không chỉ diễn ra ở trường lớp mà ở mọi lúc, mọi nơi: học ở trường, học ở sách vở, học tập lẫn nhau, học tập ở nhân dân, trong lao động sản xuất. Về phương pháp giáo dục tính dân chủ được thể hiện đó là xóa bỏ lối học nhồi sọ, hình thức. chú trọng phần thực học; phần học về chuyên môn nghề nghiệp chiếm một địa vị quan trọng, đề cao tinh thần khoa học, nhằm giúp học sinh có lối nhận thức khoa học, phát triển óc phê bình, óc phân tích và tổng hợp, tinh thần sáng tạo và óc thực tế. Thực hiện dân chủ về nội dung, Người đã yêu cầu sửa đổi triệt để nội dung chương trình, sách giáo khoa cho phù hợp với sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, giảng dạy đào tạo của nhà trường luôn gắn liền với thực tế của nước nhà, với đời sống của nhân dân. Hồ Chí Minh chỉ rõ, GD&ĐT là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của mỗi gia đình, nhà trường và các lực lượng xã hội. Mỗi thành phần trong lực lượng đó đều có vai trò, vị trí quan trọng khác nhau nhưng cần có sự hợp lực, thống nhất trong quá trình GD&ĐT thế hệ trẻ. Vì, chỉ có kết hợp chặt chẽ các yếu tố này mới tạo thành sức mạnh tổng hợp để đưa sự nghiệp “trồng người” đi đến thắng lợi. Người nhấn mạnh phải phát huy mối liên hệ mật thiết giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong GD,ĐT. Bởi vì, nếu chỉ coi trọng giáo dục của nhà trường mà thiếu đi giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không thu được hoàn toàn.
Tư tưởng dân chủ trong giáo dục của Hồ Chí Minh phù hợp với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đã được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua và công bố vào ngày 10/12/1948. Tuyên ngôn ghi rõ: “Mọi người đều có quyền được giáo dục. Giáo dục phải được miễn phí, ít nhất là ở bậc tiểu học và căn bản. Giáo dục tiểu học phải bắt buộc. Giáo dục kỹ thuật và chuyên nghiệp phải được mở rộng và giáo dục đại học phải được mở rộng bình đẳng cho mọi người, trên căn bản tài năng xứng đáng”. Năm 1996, UNESCO đã đề xuất bốn trụ cột của giáo dục trên toàn thế giới thế kỷ XXI, đó là “Học để có kiến thức, học để làm việc, học để biết chung sống với nhau và học để làm người” [8]. Bốn trụ cột này có thể được xem như là chân lý, tư tưởng giáo dục cho toàn thế giới trong thế kỷ XXI. Tuy nhiên, điều này đã được Hồ Chí Minh viết ra ngay từ tháng 9/1949 trên trang đầu của cuốn sổ vàng khi Người đến thăm Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, tiền thân của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ngày nay: Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Như vậy, việc phát huy dân chủ trong tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh là bước tiến dài trong lịch sử tư tưởng giáo dục của Việt Nam, từ truyền thống đến hiện đại, bước đầu hình thành nên triết lý giáo dục xã hội mới: Dân tộc, nhân văn, dân chủ, sáng tạo. Điều đó cho thấy tầm nhìn và sự tiến bộ vượt thời đại trong tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh.
Hai là, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong giáo dục đã tiếp thu, phát triển các giá trị về dân chủ trong giáo dục của nhân loại, đỉnh cao là lý luận giáo dục Mác - Lênin.
Trước khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã tiếp thu những giá trị dân chủ về giáo dục trong văn hóa phương Đông, phương Tây từ thời niên thiếu và những năm bôn ba tìm đường cứu nước. Trong văn hóa giáo dục phương Đông, Hồ Chí Minh đã tiếp thu những tư tưởng dân chủ nền giáo dục nho học với những tư tưởng cốt lõi: Hữu giáo vô loại, dân chủ trong các mối quan hệ giữa học với tập, giữa học với hành, giữa dạy và học (Khổng
Tử); thực hiện bình dân giáo dục thông qua hệ thống trường, lớp công (Mạnh Tử); những tư tưởng cải cách dân chủ (Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu)… Người cũng đã chịu ảnh hưởng rất lớn tư tưởng dân chủ của các nước phương Tây, hấp thụ được tư tưởng dân chủ, hình thành phong cách dân chủ trên các lĩnh vực, trong đó có công tác GD&ĐT bồi dưỡng nhân tài. Những năm tháng được học tập và hoạt động cách mạng tại Liên Xô, cũng như tiếp thu những thành tựu giáo dục dân chủ của các nước XHCN anh em sau này, là những cơ sở vững chắc để Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh đổi mới sự nghiệp GD&ĐT của nước nhà theo hướng dân chủ hóa.
Cùng với sự tiếp nhận giá trị về dân chủ trong giáo dục của nhân loại, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo và phát triển các quan điểm của chủ nghĩa chủ nghĩa Mác - Lênin về giáo dục vào điều kiện thực tiễn Việt Nam. C.Mác và Ph.Ăngghen là những người đầu tiên đã nghiên cứu giáo dục một cách khoa học và đề cao yếu tố dân chủ trong giáo dục. Ph.Ăngghen khẳng định: “Làm cho những thành viên trong xã hội đó có khả năng sử dụng một cách toàn diện năng lực phát triển toàn diện của mình” [13, tr.475]. Kế thừa và phát triển quan điểm trên, V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Người ta sẽ chuyển sang việc giáo dục, huấn luyện và đào tạo những con người phát triển về mọi mặt, được rèn luyện về mọi mặt và biết làm mọi việc. Đó là cái đích mà chủ nghĩa cộng sản đang đi tới, phải đi tới và sẽ đi tới, nhưng phải trải qua một giai đoạn lâu dài” [13, tr.41]. Trên tinh thần đó, các nhà kinh điển mácxít đều khẳng định mục đích của nền giáo dục XHCN là đào tạo nên những con người XHCN, những người lao động mới có ý thức và đạo đức XHCN, có trình độ văn hoá và khoa học tiên tiến, có kỹ năng lao động cần thiết, có óc thẩm mỹ, có sức khoẻ tốt - những con người phát triển toàn diện. Để đạt mục tiêu trên, dạy học phải lấy người học làm trung tâm; dạy học phải phát huy tối đa tính độc lập, sáng tạo và tích cực của người học; giáo dục phải kết hợp với tự giáo dục; đa dạng hoá các hình thức trong giáo dục; học tập thường xuyên và học tập suốt đời.
Với tinh thần đó, Người khẳng định: “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa” [65, tr.11]. Hồ Chí Minh đã nêu bật tính công bằng, dân chủ và khoa học của nền giáo dục mới. Theo đó, nền giáo dục mới này phải là nền giáo dục của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; nền giáo dục mới này phải thật sự khoa học, cách mạng và triệt để. Giáo dục có vai trò to lớn cho sự vận động và phát triển của các lĩnh vực trọng yếu trong đời sống xã hội, trong quá trình xây dựng xã hội mới - xã hội XHCN.
Mục đích của nền giáo dục XHCN là đào tạo nên những con người XHCN, những người lao động mới có ý thức và đạo đức XHCN, có trình độ văn hoá và khoa học tiên tiến, có kỹ năng lao động cần thiết, có óc thẩm mỹ, có sức khoẻ tốt - những con người phát triển toàn diện. Để có những con người vừa “hồng” vừa “chuyên”, Hồ Chí Minh đã thường xuyên quan tâm việc xây dựng một nền giáo dục toàn diện và khẳng định: Nền giáo dục đó phải kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa đức dục, trí dục, thể dục, mỹ dục, nhằm đào tạo ra những con người có tri thức, có lý tưởng, có đạo đức, có sức khỏe, có thẩm mỹ. Người nói: “Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ XHCN, văn hoá, kỹ thuật, lao động và sản xuất” [65, tr.647]. Trong Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1946) do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì soạn thảo, Điều 6 và 7 ghi rõ: Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa. Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình. Người còn lưu ý rằng: Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung.
Theo Hồ Chí Minh, nền giáo dục dân chủ mới là nền giáo dục tôn trọng nhân phẩm, rèn luyện chí khí, phát triển tài năng của mọi người để phụng sự đoàn thể và góp phần vào cuộc tiến hóa chung của nhân loại. Từ thực trạng nền văn hóa, giáo dục dưới sự đô hộ của thực dân Pháp, Người vạch trần chính sách “ngu dân” để dễ bề cai trị của chúng. Trong chế độ cũ, những
người đến trường học, được “đào tạo nên những tay sai làm tôi tớ cho bọn thực dân”; những người không đến trường lớp thì bị bọn thực dân đầu độc bằng các thói hư, tật xấu như rượu chè, cờ bạc, thuốc phiện và các tệ nạn xã hội. Chính vì thế, phải “ra sức tẩy sạch ảnh hưởng giáo dục nô dịch của thực dân còn sót lại, như: thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân; học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ” [63, tr.185]. Không chỉ lên án, phê phán, vạch trần bản chất nền giáo dục của chủ nghĩa thực dân, mà còn thông qua đó, Hồ Chí Minh muốn xây dựng một nền giáo dục mới và xây dựng một xã hội mới. Với Hồ Chí Minh, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng, để xây dựng chế độ dân chủ mới ở Việt Nam, Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến chiến lược trồng người mà biện pháp quan trọng nhất là giáo dục.
Ba là, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong giáo dục là cơ sở, nền tảng để Đảng và Nhà nước ta hoạch định đường lối phát triển giáo dục qua các thời kỳ cách mạng.
Vận dụng sáng tạo và phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn nhận thức đúng đắn và sâu sắc về vai trò của giáo dục, coi GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, trong đó có vấn đề dân chủ trong giáo dục, phù hợp với xu thế phát triển GD&ĐT trên thế giới. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã nhấn mạnh: Sự nghiệp giáo dục của chúng ta phải nhằm bồi dưỡng thế hệ trẻ thành những người lao động làm chủ đất nước, có giác ngộ XHCN, có văn