Khi nước biển dâng cao, các bãi tắm ven biển thường bị giảm diện tích hoặc mất hẳn; các công trình, cơ sở hạ tầng phục vụ đón khách bị ngập sâu dẫn đến hư hỏng. Điều này ảnh hưởng đến việc khai thác các bãi tắm ven biển, nước biển ăn mòn làm mất tính thẩm mỹ của các công trình phụ trợ, gia tăng chi phí cho việc sửa chữa, bảo dưỡng.
Do đó, với dự báo như kịch bản BĐKH 2016 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được phân tích ở trên, nếu nước biển dâng lên khoảng 100 cm thì 4,79% diện tích trong đất liền của toàn tỉnh bị ngập chìm. Như vậy, với đặc điểm diện tích nhỏ, độ cao của các bãi tắm so với mực nước biển gần như ngang bằng, khi mực nước biển dâng cao hơn mức nước cơ sở thì toàn bộ các bãi cát ven chân đảo đá trên Vịnh sẽ bị ngập chìm một phần hoặc biến mất hoàn toàn. Điều này đồng nghĩa với giá trị sản phẩm khu du lịch và mức độ thu hút khách du lịch của vịnh Hạ Long bị giảm đi. Một trong những yếu tố để xác lập nên các khu du lịch ven biển là tài nguyên du lịch biển, cụ thể là các bãi biển, nếu không còn hoặc không có các bãi biển thì ý nghĩa của khu du lịch ven biển sẽ không còn. Xem xét cụ thể hơn đối với bãi biển Ti top, một bãi tắm nổi tiếng đã được công nhận là bãi tắm du lịch. Trung bình mỗi ngày, Ti top đón khoảng 5.000 khách vào tham quan và tắm biển, những tháng cao điểm có ngày lên đến 7.000 khách (số liệu thu thập tại điểm du lịch). Đây là một bãi cát nhỏ có hình vầng trăng lưỡi liềm ôm trọn chân đảo Ti- Tốp.