Tình hình sản xuất Mắc ca trên địa bàn tỉnh Đăk Nông

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình sinh trưởng phát triển của cây mắc ca trên địa bàn tỉnh đắk nông (Trang 47 - 49)

Chương 3 ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN KHU VỰC NGHIÊN CỨU

3.4. Tình hình sản xuất Mắc ca trên địa bàn tỉnh Đăk Nông

So với các loại cây trồng khác như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều...., Mắc ca là cây trồng mới được du nhập vào địa bàn tỉnh Đăk Nông trong thời gian gần đây. Vào năm 2008, một số hộ dân tại huyện Đăk Mil đã mua giống Mắc ca và trồng thử nghiệm trong diện tích vườn của gia đình. Do giống mua là giống thực sinh, có nguồn gốc từ Trung Quốc, hộ trồng thiếu kinh nghiệm nên việc chăm sóc cây Mắc ca không đúng kỹ thuật, Mắc ca sinh trưởng chậm, bộ tán không cân đối, mức độ cây ra hoa đậu quả thấp. Những năm tiếp theo, một số hộ dân trên địa bàn huyện Đăk Rlấp cũng tự tìm hiểu và mua giống cây Mắc ca về trồng, tuy nhiên diện tích trồng còn nhỏ và mang tính tự phát là chủ yếu, việc trồng chưa gắn với việc tìm hiểu xem cây Mắc ca có phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương hay không, dòng nào là

thích hợp nhất (đây là yếu tố ảnh hưởng tiên quyết đến hiệu quả sản xuất mà cụ thể hơn là ảnh hưởng đến chất lượng ra hoa đậu quả của cây sau này).

Để có cơ sở đánh giá sự phù hợp của cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh Đăk Nông, năm 2010, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Đăk Nông để trồng thử nghiệm 11 ha mô hình Mắc ca trên địa bàn các huyện Đăk Glong 2ha, huyện Đăk Lấp 5ha, huyện Đăk Mil 2ha, huyện Tuy Đức 2ha: tại địa bàn xã Quảng Trực, Đăk Buk So, Đăk Tih.

Giống Mắc ca trồng là giống cây ghép, có nguồn gốc từ Australia, Trung Quốc với 12 dòng (OC, 695, 482, 741, 800, 900, 246, 816, 849, 788, A38, QN1).

Sau 3 năm trồng thử nghiệm cho thấy cây Mắc ca sinh trưởng, phát triển tốt, cây ít bị sâu bệnh hại, không cần nhiều công chăm sóc và đầu tư phân bón, cây có thể xanh tốt ngay trên những diện tích đất xấu, khô cần, thiếu dinh dưỡng (loại đất khi trồng cà phê, hồ tiêu, điều trên đó cây khó có thể sinh trưởng phát triển bình thường).

Kế thừa hiệu quả bước đầu 11ha mô hình trồng cây Mắc ca của Trung tâm khuyến nông, đến nay một số địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã mở rộng diện tích trồng thử nghiệm cây Mắc ca như Đăk Mil, Đăk Glong, Đăk R’lấp, Tuy Đức. Tổng diện tích Mắc ca trên địa bàn tỉnh đến tháng 9 năm 2014 đạt 630 ha, trong đó huyện Tuy Đức có 381ha.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình sinh trưởng phát triển của cây mắc ca trên địa bàn tỉnh đắk nông (Trang 47 - 49)