Yêu cầu sinh thái

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình sinh trưởng phát triển của cây mắc ca trên địa bàn tỉnh đắk nông (Trang 43 - 46)

Chương 3 ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN KHU VỰC NGHIÊN CỨU

3.3. Đặc điểm tổng quan về loài Mắc ca

3.3.3. Yêu cầu sinh thái

a. Chế độ nhiệt.

Mắc ca tương đối chịu lạnh. Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận khả năng chịu lạnh của cây con vườn ươm tới -4 oC và kéo dài 7 ngày, cây trưởng thành tới -6

oC . Đông Xuân 1999 -2000, Viện cây trồng nhiệt đới Quảng Tây đã ghi nhận nhiệt độ tối thấp -5 oC kéo dài 6-7 ngày cũng không gây tổn hại cho nụ hoa.

Nhiệt độ cực hạn cao vượt quá 38 oC kéo dài có thể gây phản ứng xấu về sinh lý.

Để gây trồng Mắc ca trên quy mô thương mại, người ta thường đưa ra khuyến cáo lựa chọn vùng gây trồng có nhiệt độ không thấp hơn 13 oC và không cao hơn 32 oC .

Nhiệt độ tốt nhất cho sinh trưởng là 20-25 oC.

Nhiệt độ tốt nhất cho phân hoá hình thành chồi hoa là 15-18 oC kéo dài từ 4-8 tuần tuỳ theo giòng (chú ý rằng đây là nhiệt độ đêm). Tuy nhiên theo kinh nghiệm theo dõi ở Quảng Châu có nhiệt độ bình quân đêm trước sau tháng 10 là 18 oC thì Mắc ca ra hoa quá nhiều, tiêu hao quá nhiều dinh dưỡng dự trữ đã dẫn tới tỷ lệ đậu quả không cao. Vì vậy nhiệt độ bình quân ban đêm khoảng 20-21 oC trước sau tháng 10 có thể có lợi hơn cho sản lượng quả.

Trong giai đoạn phát triển quả non và tích luỹ dầu, nhiệt độ ban ngày thích hợp nhất là 15-25 oC trong 8 tuần đầu tương ứng với tháng 4 và tháng 5. Giai đoạn tiếp theo là giai đoạn tích luỹ dầu chủ yếu. Các nhà khoa học đã làm thí nghiệm trong điều kiện khí hậu nhân tạo. Kết quả thí nghiệm cho thấy

trong chế độ 25-30 oC , nhân tăng trưởng nhanh nhất, tỷ lệ dầu cao nhất, trong đó tích luỹ dầu nhanh nhất là 25 oC .

Trong chế độ 15 oC và 35 oC , tăng trưởng nhân, tỷ lệ nhân và tỷ lệ dầu đều thấp ở 35 oC chất lượng nhân rất thấp, hàm lượng dầu thấp hơn 72%.

b. Chế độ mưa

Lượng mưa không thấp hơn 1.000 mm/năm và phải phân bố đều. Tại vùng nguyên sản Đông úc, lượng mưa đạt 1.894mm/năm, Hawaii là vùng trồng Mắc ca đạt sản lượng cao nhất, lượng mưa giao động từ 1.290mm- 3084mm/năm. Tại đảo Kô-na trong quần đảo Hawaii lượng mưa chỉ đạt 510mm/năm cây Mắc ca vẫn sinh trưởng được nhưng gặp những năm mùa khô hạn kéo dài thì cây mọc chậm, sản lượng thấp.

Vùng trồng Nam Phi nói chung là khô hạn, sản lượng không cao, quả bé, nhân phát triển không đầy đủ.

Tại những nơi lượng mưa thấp hơn 1.000 mm/năm, muốn đạt sản lượng cao nói chung đều phải tính tới vấn đề tưới nước, cho dù lượng mưa cao nhưng nếu mưa phân bố không đều, đặc biệt là thiếu mưa thời kỳ 5-6 tuần sau mùa hoa thường dễ gây ra quả non rụng nhiều. Phần lớn các vùng có thể gây trồng Mắc ca của Việt Nam có thể gặp tình huống này, cần chọn nơi mà tầng đất 0,5m vẫn đủ ẩm trong tháng 4-5, nếu không phải tính tới phương án tưới nước.

3 tháng cuối cùng trước mùa thu hoạch (tháng 7, 8, 9), lượng mưa cao rất có lợi cho tích luỹ dầu. Phần lớn vùng có thể gây trồng ở ta đều có thuận lợi về điểm này.

c. Địa hình.

Địa hình phù hợp nhất để gây trồng cây Mắc ca là vùng núi cao từ xích đạo đến vĩ độ 15.

Tại Kenia - xích đạo Đông Phi, Mắc ca được gây trồng tới độ cao 1.500 m. Ma-la-uy tới 1300m, Goa-tê-ma-la tới 800m, Cos-ta-ri-ca (Bắc vĩ 15-16 o )

tới 700m. Các vùng này đều mới trồng, đánh giá về sản lượng còn chưa đầy đủ. Tại Hawaii (Bắc vĩ 20 o ) vườn Mắc-ca trên độ cao 700-800m sản lượng và chất lượng không cao, nguyên nhân chính là mây mù quá nhiều, thiếu nắng.

Ở miền Bắc nước ta, từ Trung du đến độ cao 700-800m vùng Trung tâm và 900-1000 m vùng Tây Bắc có nhiều triển vọng phù hợp với gây trồng Mắc ca quy mô thương mại. Lên giới hạn cao, cần chọn các giòng chịu lạnh hoặc ưa mát.

d. Gió .

Mắc-ca cây cao, tán to và nặng, rễ cọc không sâu, nguy cơ bão đổ tróc rễ, rụng quả tương đối lớn.

Để gây trồng thương mại cần chọn nơi ít bão và quan tâm đầy đủ đến tạo băng rừng chắn gió. Chí ít phải chọn nơi nếu có ảnh hưởng bão thì gió cũng không mạnh hơn cấp 9 gió giật không quá cấp 10 và phải chọn trồng các giòng chịu bão tốt như OC, 344, 741, 660, 333 v.v... Không nên dùng các dòng chịu bão kém như 246, 800, 508, H2.

Để giải quyết vấn đề gió hại, úc và Hawaii ngoài việc chọn giòng thích hợp còn nhấn mạnh nhiều đến trồng xen với cây trồng khác có thân cao, không tạo vườn có kích thước quá lớn (dài rộng không quá 150m), chung quanh tạo đai phòng hộ chắn gió gồm 1-3 hàng cây.

e. Đất .

Mắc ca có thể phát triển tốt trên nhiều loại đất, nhưng thường đòi hỏi tầng đất sâu, tốt nhất là sâu 1,0m, ít nhất là 0,5m, thoát nước tốt và giàu hữu cơ, đất không bị bí chặt. pH thích hợp là 5,0 - 5,5.

Đất phèn mặn, đất trên đá vôi đều không thích hợp với Mắc ca.

Mắc ca tương đối nhạy cảm với dinh dưỡng khoáng, đặc biệt là với lân. Đất quá giàu lân hoặc bón lân quá liều có thể gây ngộ độc cho cây, biểu hiện thường gặp là lá mất màu xanh.

Đất Feralit có hàm lượng Ma-giê cao, cũng có thể gây ra bệnh vàng lá, sinh trưởng kém, sản lượng thấp. Tuy nhiên ảnh hưởng của Ma-giê đối với sinh trưởng của cây con không rõ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình sinh trưởng phát triển của cây mắc ca trên địa bàn tỉnh đắk nông (Trang 43 - 46)