7. Kết cấu của luận văn
1.3. Thanh tra ngân hàng
1.3.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến thanh tra ngân hàng
1.3.4.1. Các yếu tố bên trong
* Yếu tố con người: Nhân tố con người ảnh hưởng đến hoạt động thanh tra bao
gồm cả yếu tố chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ thanh tra.
Hoạt động ngân hàng ngày càng phát triển, công nghệ ngân hàng ngày càng đổi mới đòi hỏi trình độ của đội ngũ cán bộ Thanh tra ngân hàng phải được nâng cao. Cán bộ làm công tác thanh tra am hiểu sâu sắc về nghiệp vụ ngân hàng, thành thạo về phương pháp, nghiệp vụ thì khả năng phát hiện ra sai sót, tồn tại của các TCTD cũng như chất lượng cảnh báo cho các TCTD, tham mưu cho Thống đốc NHNN trong việc chỉ đạo, điều hành hoạt động ngân hàng sẽ tốt hơn.
Bên cạnh đó, số lượng cán bộ làm công tác thanh tra cũng là yếu tố cũng khá quan trọng. Do đối tượng thanh tra là các TCTD, trong đó số lượng TCTD ngày càng tăng về số lượng, quy mô và địa bàn hoạt động, các dịch vụ ngân hàng ngày càng phát triển nên yêu cầu khối lượng, chất lượng công việc cũng phải tăng theo. Vì vậy, đội ngũ cán bộ thanh tra không những cần được nâng cao về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp mà còn cần tăng cường về cả số lượng mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.
* Cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện làm việc phục vụ cho công tác thanh tra
Cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện làm việc ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước nói chung và hoạt động thanh tra ngân hàng nói riêng. Cơ sở vật chất về công nghệ thông tin như hệ thống mạng máy tính, phần mềm dữ liệu công nghệ chuẩn hóa là rất cần thiết đảm bảo cho việc xử lý số lượng lớn các thông tin đầu vào một cách nhanh chóng, độ chính xác cao, tiết kiệm được sức lao động. Ngoài ra, với đối tượng thanh tra là các NHTM thì sự cần thiết phải trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho hoạt động thanh tra còn có những lý do khách quan, đó là: Hoạt động của các NHTM ngày càng phát triển về cả số lượng lẫn chất lượng.
Các ngân hàng ngày càng trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ hiện đại phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình. Để nắm bắt, kiểm soát được hoạt động của các NHTM thì hoạt động thanh tra cũng phải được hiện đại hóa.
* Cơ cấu tổ chức bộ máy Thanh tra ngân hàng
Cơ cấu tổ chức bộ máy cũng phải được thiết kế trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm hoạt động của nó. Một cơ quan có cơ cấu, tổ chức bộ máy khoa học sẽ giúp sự chỉ đạo, điều hành trong nội bộ cơ quan đó thông suốt, sự phối hợp hoạt động giữa các bộ phận chức năng nhịp nhàng từ đó sẽ phát huy được hiệu quả tối đa. Hoạt động thanh tra ngân hàng gắn liền với hoạt động quản lý nhà nước, mang tính quyền lực nhà nước và đòi hỏi phải độc lập tuân theo pháp luật. Hệ thống thanh tra ngân hàng có phạm vi rộng rãi trong toàn quốc với lực lượng cán bộ, công chức đông đảo. Vì vậy, ảnh hưởng của cơ cấu tổ chức hệ thống Thanh tra ngân hàng đối với chất lượng, hiệu quả của công tác thanh tra là không thể phủ nhận được.
* Chế độ đãi ngộ đối với cán bộ Thanh tra
Chế độ đãi ngộ dưới các hình thức tiền lương, phụ cấp và chế độ khen thưởng đều cần cho tất cả mọi người làm công ăn lương. Cán bộ làm công tác thanh tra cũng không ngoại lệ. Thực tế có không ít cán bộ thanh tra không hài lòng về chế độ tiền lương hiện hành, vì vậy không phát huy tinh thần trách nhiệm và làm việc hời hợt. Nếu có biện pháp khuyến khích lợi ích vật chất và tinh thần phù hợp thì sẽ phát huy được tinh thần trách nhiệm của cán bộ thanh tra và hạn chế được hiện tượng tiêu cực trong công tác thanh tra, qua đó thúc đẩy hoạt động thanh tra có hiệu quả hơn.
*Kết quả của công tác giám sát
Công tác giám sát ngân hàng giúp đánh giá nhanh về chất lượng, biến động tài sản có, các chỉ số về tỷ lệ an toàn tối thiểu, chất lượng tín dụng, thu thập các số liệu hoạt động từ cân đối kế toán… qua đó phát hiện dấu hiệu bất thường và cảnh báo rủi ro đối với đối tượng thanh tra, đồng thời cung cấp thông tin cần thiết cho hoạt động thanh tra tại chỗ.
Việc quản lý, giám sát trực tiếp của cán bộ thanh tra đối với đối tượng thanh tra là việc theo dõi, nắm bắt thông tin hằng ngày về tình hình hoạt động, các thông tin
khác qua chế độ báo cáo và tiếp nhận các thông tin phản ánh khác về đối tượng thanh tra. Cán bộ thanh tra xây dựng kho dữ liệu về đối tượng mình quản lý. Khi phát hiện vấn đề mới phát sinh cần xử lý, cán bộ thanh tra báo cáo, đề xuất với cấp trên để giải quyết.
Việc thực hiện tốt công tác giám sát ngân hàng, khai thác triệt để các thông tin về đối tượng thanh tra sẽ hỗ trợ đắc lực cho thanh tra tại chỗ trong việc cảnh báo, chỉ điểm và cung cấp nguồn thông tin. Ngược lại, sẽ làm giảm hiệu quả của công tác thanh tra tại chỗ.
1.3.4.2. Các yếu tố bên ngoài
* Đối tượng thanh tra
Các TCTD là đối tượng thanh tra, chịu sự tác động trực tiếp của hoạt động thanh tra. Thực tế cho thấy ở những tổ chức có ý thức tôn trọng pháp luật, ý thức chấp hành cao, tạo điều kiện để thanh tra thực hiện nhiệm vụ thì hoạt động thanh tra được tiến hành rất thuận lợi. Ngược lại ở các tổ chức có thái độ không hợp tác, không chấp hành đúng quy định thì hoạt động thanh tra gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, chế độ thông tin báo cáo của các TCTD có vai trò hết sức quan trọng đối với hiệu quả, chất lượng của hoạt động thanh tra. Nếu có thông tin trung thực, đầy đủ, kịp thời thì kết quả thanh tra mới phản ánh được chính xác hoạt động của các TCTD. Có như vậy, các kiến nghị thanh tra mới thực sự thiết thực cho các cấp quản lý cũng như TCTD.
* Môi trường pháp lý
Môi trường pháp lý là yếu tố khách quan tác động trực tiếp đến công tác thanh tra, giám sát của NHNN. Các quy định của pháp luật trong hoạt động ngân hàng thường xuyên thay đổi sẽ gây ra khó khăn trong công tác thanh tra giám sát ngân hàng. Hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, các quy định khác nhau, chồng chéo, chưa thực sự phù hợp trong thực tế sẽ khiến công tác thanh tra trở nên bất cập, khó thực hiện và giảm hiệu quả.
* Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác thanh tra
Thanh tra hoạt động ngân hàng đối với các TCTD để đạt được hiệu quả tối ưu, ngoài thanh tra tính tuân thủ pháp luật của các TCTD cần rất nhiều thông tin bên
ngoài đối với TCTD đó. Nguồn thông tin càng đa dạng thì việc thanh tra càng có hiệu quả. Do đó, có thể thấy việc phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan là rất cần thiết. Việc phối hợp giữa các đơn vị trong công tác thanh tra một mặt sẽ giúp tránh sự chồng chéo về công việc, mặt khác đảm bảo tốt hơn trong việc cung cấp kịp thời đầy đủ, chính xác thông tin.
* Các yếu tố khác
- Phương pháp thanh tra, sự phối hợp giữa các phương pháp.
- Môi trường chính trị, môi trường kinh tế xã hội, địa hình, địa lý của tỉnh. - Hệ thống thông tin, báo cáo, sự trung thực trong các báo cáo của đơn vị được thanh tra.
- Ảnh hưởng của nạn tiêu cực, tham nhũng trong xã hội. - Sự quan tâm của Thống đốc…
Sự ảnh hưởng của những nhân tố này tới công tác thanh tra ít hay nhiều còn phụ thuộc vào từng thời điểm, hoàn cảnh cụ thể.