Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khoẻ mới thành công. Mỗi một nguời dân yếu ớt tức là cả nước yếu đi một phần; mỗi một người dân khỏe mạnh tức là góp phần làm cho cả nước mạnh khoẻ. Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khoẻ là bổn phận của mỗi người dân yêu nước…” (Báo Cứu Quốc số 119, ngày 27/3/1946). Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Người đã có tác động sâu sắc tới mọi giới, mọi nhà, mọi người dân.
Đảng bộ Bình Lục chủ trương phát động phong trào “Khoẻ vì nước” đã được các tổ chức xã hội, đoàn thể, nhân dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia.
Tháng 3/2000, Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại đã được phát động rộng rãi trong cả nước nhằm hình thành thói quen tập luyện TDTT, nâng cao sức khoẻ của nhân dân. Hưởng ứng phong trào của toàn Đảng, toàn dân, Đảng bộ huyện Bình Lục chính thức phát động tinh thần tập thể dục trong nhân dân qua phong trào “Toàn dân rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Phong trào toàn dân rèn luyện thân thể được thực hiện sâu rộng dưới sự chỉ đạo và thực hiện của Đảng bộ huyện và Đảng bộ địa phương, đã thu hút trên 16% số dân và 15% số hộ tham gia thường xuyên. Thể thao mũi nhọn, thể thao thành tích cao được chú trọng đầu tư về mọi mặt.Tổ chức thành công Đại hội thể dục thể thao cấp cơ sở và cấp huyện. Trong các kỳ thể thao tỉnh và quốc gia, huyện đều đạt huy chương, năm 2001 đạt nhiều huy chương nhất, được Ủy ban Thể dục thể thao Nhà nước tặng Cờ thi đua xuất sắc. Năm 2005, ngành văn hóa thông tin thể thao được tặng Huận chương Lao động hạng III [3, 470].
Nhiều năm qua, khi đời sống của người dân ngày càng ổn định thì các hoạt động thể dục - thể thao, nâng cao sức khoẻ ngày càng phát triển hơn. Phong trào thể dục buổi sáng, đi bộ buổi chiều và tối, luyện tập đánh cầu long, bóng bàn, bóng đá, chơi tennis, tập dưỡng sinh,…đã trở thành thói quen, nếp sống hàng ngày của nhiều người dân. Nhân dân đua nhau tập thể dục tạo thành một làn sóng tập thể dục. Điều đó đã góp phần nâng cao sức khoẻ, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, hạn chế được phần nào các tệ nạn xã hội.
Để phong trào TDTT ngày càng phát triển, Đảng bộ huyện Bình Lục rất chú trọng đến việc xây dựng cơ sở vật chất cho các hoạt động TDTT, đầu tư cho việc mua sắm dụng cụ thể dục. Đến năm 2010, mỗi xã, thị trấn trong huyện đều có từ 03 – 05 sân vận động nhỏ ở các thôn, đồng thời là điểm chơi cho thanh thiếu nhi. Hầu hết các thôn đều có đội bóng đá thiếu nhi. Một số xã đã xây dựng được sân bóng chuyền, cầu long, nhà bóng bàn như La Sơn, An Mỹ,…[90, 9].
Phong trào TDTT trong các khu dân cư và làng văn hóa phát triển mạnh, chất lượng và số lượng ngày một nâng cao. Hoạt động CLB, NVH phát triển rộng khắp với nhiều loại hình phong phú. Đến nay toàn huyện có gần 200 CLB VHVN-TDTT thường xuyên duy trì hoạt động và thu hút đông đảo các hạt nhân tham gia là nòng cốt
cho phong trào TDTT của quần chúng nhân dân toàn huyện. Đặc biệt năm 2012, phòng văn hóa và Thông tin huyện đã thành lập và ra mặt được 03 CLB, trong đó có câu lạc bộ cầu lông doanh nghiệp huyện Bình Lục thu hút được đông đảo thành viên tham gia.
Từ những kết quả đó ngành VHTT huyện nhà đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3, Cờ thi đua xuất sắc của Uỷ ban TDTTVN, Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh Hà Nam và nhiều năm liền là đơn vị thi đua xuất sắc huyện Bình Lục. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, phong trào TDTT huyện Bình Lục vẫn còn một số hạn chế như: chưa đồng đều ở các xã, thị trấn. Các địa phương hoạt động sôi nổi như Thị trấn Bình Mỹ, Mỹ Thọ, An Ninh,… Ngược lại, ở xã La Sơn, Tiêu Động, An Nội phong trào chưa được chú trọng.