Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) năm 1998, khẳng định: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội". Đến Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) mới đây, vai trò quan trọng của văn hóa đã được trình bày toàn diện hơn, sâu sắc hơn: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội". Xây dựng ĐSVH mới là nhiệm vụ của toàn xã hội. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết TW5 (khóa VIII), Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 23 (1999), Đảng bộ và nhân dân Bình Lục đã đoàn kết, năng động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu và đạt được những thành tựu quan trọng, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra. Tuy nhiên thời buổi kinh tế thị trường đặt ra còn nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi sự phấn đấu vượt bậc của Đảng bộ và nhân dân toàn huyện.
Từ ngày 11 đến ngày 13/10/2000, đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Bình Lục lần thứ 24. Đại hội đã thảo luận và nhất trí thông qua các báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ về đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 23, rút ra 4 bài học kinh nghiệm trong quá trình Đảng bộ lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; nghe báo cáo tổng hợp những ý kiến đóng góp của các Đảng bộ cơ sở cho văn kiện Đại hội IX của Đảng, báo cáo sửa đổi Điều lệ Đảng và báo cáo chính trị của Tỉnh ủy để trình Đại hội 16 Đảng bộ tỉnh Hà Nam.
Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ chung của Đảng bộ trong những năm từ 2000 đến năm 2010 về lĩnh vực đời sống văn hóa là: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền, phát huy cao độ truyền thống cách mạng của quê hương, quyền làm chủ của nhân dân, hiệu quả của các tổ chức đoàn thể, xây dựng đời sống văn hóa văn nghệ, văn học nghệ thuật phong phú, phù hợp và đáp ứng với nhu cầu thị hiếu của nhân dân [3, 450].
Ngày 10/7/2004, Đảng bộ Bình Lục ra Nghị quyết số 14/NQ - HU về tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sau khi đánh giá tình hình sự nghiệp văn hóa, nghệ
thuật, chỉ ra những mặt hạn chế cần khắc phục, Đảng bộ huyện chỉ rõ nhiệm vụ và giải pháp nhằm đẩy mạnh phong trào xã hội hóa và nâng cao chất lượng sự nghiệp văn hóa, văn nghệ đến năm 2005 và những năm tiếp theo là: Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác tuyên truyền Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về văn hóa nghệ thuật và các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa. Xác định rõ văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là động lực, vừa là mục tiêu để phát triển kinh tế. Đẩy mạnh công tác phát triển sự nghiệp văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, phát động mạnh mẽ các phong trào văn hóa. Chăm lo bảo tồn, tôn tạo và phát huy những giá trị nhân văn tốt đẹp trong truyền thống cách mạng và văn hiến của quê hương, dân tộc, xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh trong Đảng và trong xã hội.
Đảng bộ huyện Bình Lục luôn đề cao sự chủ động, sáng tạo trong việc tổ chức thực hiện phong trào, cần đảm bảo thực hiện theo yêu cầu chung nhưng có sự lồng ghép phù hợp với các phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành theo từng giai đoạn cách mạng cụ thể, hướng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Như vậy có thể nói Đảng bộ huyện Bình Lục luôn quan tâm đến công tác xây dựng ĐSVH trên các lĩnh vực văn hoá, văn nghệ. Lĩnh vực nào cũng trở thành một môi trường văn hoá để người dân có thể học tập và rèn luyện cho bản thân trở thành những người công dân văn hoá.
Văn học nghệ thuật là bộ phận trọng yếu của nền văn hóa dân tộc, thể hiện khát vọng của nhân dân về chân - thiện - mỹ. Sự nghiệp văn hóa văn nghệ là bộ phận khăng khít của sự nghiệp đổi mới.
Phát triển đường lối văn hóa, văn nghệ đúng đắn của Đảng qua các thời kỳ trước, Nghị quyết Đại hội VI, Đại hội VII và Nghị quyết TW5 của Bộ Chính trị khóa VIII đã tạo điều kiện cho văn hóa - văn nghệ đạt nhiều thành tựu, đáp ứng một phần nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới.
Thấm nhuần và thực hiện quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Đồng
thời Người cũng đã xem văn nghệ là một hoạt động tinh thần phổ biến góp phần cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc cũng như sự phát triển của xã hội, của nền văn hoá dân tộc.
Dưới ánh sáng của các Nghị quyết của Đảng TW, Đảng bộ huyện Bình Lục vẫn luôn cố gắng nỗ lực xây dựng một đời sống văn hóa - văn nghệ đạt nhiều thành tựu tích cực góp phần vào sự nghiệp phát triển văn hóa của toàn huyện. Khi lãnh đạo phong trào văn hóa văn nghệ, Đảng bộ huyện Bình Lục đã xác định nhiệm vụ trung tâm của văn hóa văn nghệ, đó là: góp phần xây dựng con người về trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, có nhân cách tốt đẹp, có bản lĩnh vững vàng.
Thực hiện chủ trương của Đảng với nhiệm vụ đã đề ra, sau 5 năm phấn đấu của Đảng bộ, của các cấp, các ngành và cố gắng nỗ lực của toàn dân trên địa bàn huyện, phong trào văn hóa văn nghệ đã có những khởi sắc nhất định.
Phong trào văn hoá văn nghệ (VHVN) và thể dục thể thao (TDTT) trong những năm qua được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, của ngành cấp trên, và đặc biệt là đã thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, tạo nên phong trào phát triển toàn diện, sôi nổi ở địa phương và đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ hội thi, hội diễn, thi đấu tại tỉnh.
Nội dung, hình thức hoạt động được đổi mới, chất lượng được nâng cao, các hoạt động VHTT, tuyên truyền cổ động, liên hoan, hội thi, hội diễn giao lưu phát triển từ cơ sở, thôn làng, các xã, thị trấn, cơ quan đến huyện. Các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là phát thanh truyền hình ngày càng phát triển, làm phong phú những hình thức và phương tiện, đưa văn hóa văn nghệ đến với đông đảo quần chúng nhân dân hơn. Đội ngũ văn nghệ sĩ và cán bộ văn hóa gồm nhiều lớp kế tiếp nhau, trải qua thử thách, ngày càng phát triển và trưởng thành.