1.2. Cơ sở lý luận về động lực và tạo động lực cho người lao động trong
1.2.3. Các phương hướng, biện pháp tạo động lực lao động
Có hai loại hình tạo động lực chính là đãi ngộ tài chính và đãi ngộ phi tài chính. Mỗi hình thức đãi ngộ có cách thức thể hiện khác nhau.
1.2.3.1. Tạo động lực làm việc bằng yếu tố thù lao * Tiền lương
Tiền lương là số tiền mà người lao động nhận được một cách cố định và thường xuyên theo một đơn vị thời gian như tuần, tháng, quý, năm. Sử dụng tiền lương để khuyến khích người lao động là hình thức kích thích lao động cơ bản giúp người lao động làm việc tốt hơn không vì mục tiêu cá nhân mà còn vì mục tiêu chung của tổ chức. Sử dụng tiền lương là hình thức cơ bản để khuyến khích vật chất đối với người lao động.
Trong các doanh nghiệp, tiền lương có ý nghĩa rất quan trọng. Công tác tiền lương để trở thành yếu tố tạo động lực phải chú ý đến chính sách tiền lương đúng đắn và căn cứ trả lương hợp lý.
Chính sách tiền lương phải góp phần thu hút lao động có trình độ, duy trì được đội ngũ nhân viên giỏi, kích thích, động viên để nâng cao năng suất lao động
Tiền lương tạo ra động lực làm việc khi việc trả lương hợp lý, công bằng, thỏa đáng, hệ thống trả lương nhất quán, minh bạch. Tổ chức phải có cách trả lương phù hợp để tạo động lực cho người lao động. Một số cách trả lương có tác dụng khuyến khích người lao động như trả lương tùy vào mức sản xuất, trả lương theo mức độ quan trọng của công việc, trả lương theo trình độ người lao động.Việc trả lương hợp lý sẽ đảm bảo tính công bằng, khoa học trong công tác trả lương, kích thích người lao động tự giác làm việc, không
ngừng nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, thực hành tiết kiệm triệt để.
* Tiền thưởng
Tiền thưởng cũng là một trong những kích thích đối với người lao động. Tiền thưởng là khoản tiền mà người lao động xứng đáng được hưởng do đạt thành tích xuất sắc trong công việc, vượt mức quy định thông thường. Để tiền thưởng có tác dụng tạo động lực thì công tác thưởng phải đảm bảo những nguyên tắc sau: Tiền thưởng phải dựa trên những căn cứ nhất định, yêu cầu này đòi hỏi phải có những tiêu chuẩn nhất định, thường phải công bằng, hợp lý. Các tiêu chí thưởng phải vừa phải để người lao động chỉ cần cố gắng một chút là đạt được. Tiền thưởng phải tạo nên một cảm giác có ý nghĩa về mặt tài chính. Việc khen thưởng cần tiến hành kịp thời và đúng lúc, khoảng cách các lần thưởng không nên quá xa.
* Phúc lợi
Phúc lợi là phần thù lao gián tiếp dược trả dưới dạng hỗ trợ cuộc sống cho người lao động. Các loại phúc lợi chỉ có tác dụng kích thích tâm lý khi nó thỏa mãn được các yêu cầu sau: chương trình phúc lợi ổn định lâu dài, chương trình phúc lợi phải gắn với những điều kiện ràng buộc nhất định giữa người lao động và tổ chức, tuyên truyền cho mọi người lao động thấy mục tiêu của chương trình này để họ tham gia ủng hộ, xây dựng chương trình một cách rõ ràng công bằng với tất cả người lao động.
Phúc lợi có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp người lao động đảm bảo đời sống ở mức tối thiểu, yên tâm làm việc, nâng cao khả năng lao động. Đồng thời phúc lợi là một công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp giữ dược lao động giỏi của mình và thu hút được lao động có trình độ cao từ bên ngoài mà không phải trả lương người lao động ở mức lương thịnh hành ngoài thị trường.
1.2.3.2. Tạo động lực làm việc bằng công tác thi đua
Công tác thi đua ngày càng trở thành một trong những công cụ hỗ trợ đắc lực trong công tác quản lý. Làm tốt công tác thi đua không những góp phần tạo ra động lực trong phong trào của người lao động mà qua đó sẽ tác động rất lớn đến việc động viên tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình, sự say mê sáng tạo của họ, giúp cho việc hoàn thành nhiệm vụ công tác đạt chất lượng, hiệu quả cao, góp phần gia tăng của cải vật chất cho xã hội.
Một doanh nghiệp nếu biết quan tâm, chú trọng đến công tác thi đua một cách đúng mức sẽ có rất nhiều lợi thế trong việc thúc đẩy nhân viên hăng say làm việc, cống hiến hết mình cho sự phát triền của doanh nghiệp.
1.2.3.3. Tạo động lực làm việc bằng môi trường và điều kiện làm việc
Môi trường và điều kiện làm việc là nơi mà người lao động phải tiếp xúc hàng ngày, nó có ảnh hưởng lớn đến khả năng làm việc, sức khỏe, thái độ lao động và hiệu quả công việc của người lao động. Cải thiện môi trường và điều kiện làm việc là cải thiện môi trường xung quanh người lao động nhằm bảo vệ sức khỏe, hạn chế bệnh nghề nghiệp xảy ra đối với người lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cụ thể doanh nghiệp phải cải thiện môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa,…..
Muốn nâng cao động lực thúc đẩy người lao động, các doanh nghiệp cần cải thiện bằng các hình thức sau:
Cung cấp cho họ một môi trường làm việc với đầy đủ các trang thiết bị máy móc, thiết bị bảo hộ lao động phục vụ cho công việc. Thiết lập các mối quan hệ con người trong doanh nghiệp một cách lành mạnh. Xây dựng một bầu không khí lao động tập thể thân thiện, hợp tác, chia sẻ.
1.2.3.4. Tạo động lực làm việc bằng công cụ đào tạo, nâng cao trình độ và tâm lý
Đào tạo là tiến trình nỗ lực cung cấp cho nhân viên những thông tin, kỹ năng và sự thấu hiểu về tổ chức cũng như mục tiêu. Thêm vào đó đào tạo được thiết kế để giúp đỡ, hỗ trợ nhân viên tiếp tục có những đóng góp tích cực cho tổ chức, giúp đỡ nhân viên hoàn thành công việc hiện tại tốt hơn.
Để có một chương trình đào tạo có hiệu quả cao thì cần phải đúng tiến trình. Đánh giá nhu cầu đào tạo, xác định mục tiêu đào tạo cụ thể, lựa chọn các phương pháp thích hợp, lựa chọn các phương tiện thích hợp, thực hiện chương trình đào tạo, đánh giá chương trình đào tạo.
* Công cụ tâm lý
Nhu cầu tinh thần của con người rất phong phú và đa dạng, nó tác động trực tiếp đến đời sống tinh thần của người lao động, người lao động làm việc trong trạng thái tinh thần thoải mái hay ức chế phụ thuộc một phần vào mức độ thỏa mãn những nhu cầu về mặt tinh thần.
1.2.3.5. Tạo động lực bằng việc đánh giá thành tích
Đánh giá thành tích là tiến trình đánh giá những đóng góp của nhân viên cho tổ chức trong một giai đoạn. Khi thực hiện công tác đánh giá thành tích, doanh nghiệp có nhiều mục đích khác nhau như: để nâng cao hiệu quả công việc trong tương lai xác định nhu cầu đào tạo và phát triển nhân viên, xác định mức lương, khen thưởng, kỷ thuật....
Tùy thuộc vào mục đích đánh giá, có thể lựa chọn các phương pháp thích hợp như: phương pháp thang đo, phương pháp việt bản nhận xét, phương pháp danh mục kiểm tra, phương pháp so sánh, phương pháp quản trị theo mục tiêu MBO (Management By Objects).
1.2.3.6. Tạo động lực làm việc bằng cơ hội thăng tiến và phát triển nghề nghiệp
Thăng tiến là quá trình một người lao động được chuyển lên một vị trí cao hơn trong doanh nghiệp, việc này thường được đi kèm với việc lợi ích vật
chất của người lao động sẽ được tăng lên đồng thời cái tôi của họ cũng được thăng hoa.
Hầu hết mọi người đi làm không chỉ vì nhu cầu thu nhập mà còn vì những nhu cầu khác như giao tiếp hay được công nhận. Một trong những nhu cầu đó là nhu cầu địa vị xã hội. Khi công ty tạo cơ hội cho họ thăng tiến, họ sẽ làm việc hết mình để đạt được vị trí đó. Vì vậy, tạo cơ hội thăng tiến là một trong những hình thức tạo động lực cho nhân viên.