1.3.1. Nhóm nhân tố chủ quan
a) Quy mô, cơ cấu và tăng trưởng tài sản
Quy mô tài sản là nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới HQSXKD của doanh nghiệp. Nhiều nghiên cứu đưa ra rằng, quy mô tài sản tỷ lệ thuận với khả năng sinh lời. Các doanh nghiệp có quy mô tài sản lớn sẽ đạt được hiệu quả kinh tế về quy mô so với các doanh nghiệp có quy mô tài sản thấp hơn. Tuy nhiên, trong những trường hợp DN có quy mô tài sản quá lớn, hiệu quả quản lý tài sản chưa tốt thì duy trì quy mô tài sản càng lớn càng gia tăng lãng phí nguồn lực, điều này ảnh hưởng tiêu cực tới HQSXKD của doanh nghiệp.
HDSXKD của một doanh nghiệp cũng chịu nhiều ảnh hưởng của cơ cấu tài sản. Với mỗi ngành nghề khác nhau, cơ cấu tài sản của mỗi doanh nghiệp sẽ khác nhau để phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của mình.
Tăng trưởng tài sản cũng là một nhân tố tác động tới HQSXKD của doanh nghiệp. Việc các doanh nghiệp thu hẹp hay mở rộng quy mô tài sản sẽ ảnh hưởng tới chính sách huy động và sử dụng nguồn lực tài chính. Khi gia tăng tốc độ tăng trưởng tài sản thì yêu cầu mở rộng huy động vốn cho sản xuất kinh doanh. Việc
tăng trưởng quy mô tài sản sẽ có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực tới HQSXKD của doanh nghiệp phụ thuộc vào tốc độ gia tăng các yếu tố đầu ra (doanh thu, lợi nhuận…) so với tốc độ tăng trưởng tài sản (lớn hơn hay nhỏ hơn).
b) Cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp
Cơ cấu nguồn vốn phản ảnh tỷ lệ giữa nguồn vốn vay trên tổng nguồn vốn của một doanh nghiệp. Xét theo nguồn gốc hình thành, cơ cấu nguồn vốn bao gồm: vốn nợ và vốn chủ sở hữu; xét theo thời gian sử dụng vốn thì nguồn vốn bao gồm: vốn ngắn hạn và vốn dài hạn. Mỗi nguồn vốn tùy các phân loại có ưu điểm, hạn chế khác nhau và có tác động nhất định đến hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Vốn CSH vốn dĩ là nguồn vốn có chi phí sử dụng vốn cao hơn và có thể có nguy cơ bị thôn tính, tuy nhiên vấn được đánh giá là nguồn vốn an toàn, được nhiều nhà quản lý ưa thích. Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp sản xuất thì nhu cầu về vốn cho đầu tư công nghệ sản xuất rất lớn, nguồn vốn CSH không thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu đầu tư. Trong trường hợp này, các doanh nghiệp buộc phải sử dụng vốn vay nợ. Nguồn vốn vay nợ sẽ tạo nên khoản tiết kiệm về thuế và không làm thay đổi cơ cấu cổ đông. Song việc sử dụng vốn nợ có thể gây áp lực về tài chính khi phải đảm bảo chi phí trả lãi vay cũng như sẽ có ảnh hưởng tới mức độ rủi ro tài chính hay khả năng gia tăng lợi nhuận sau thuế. Đó chính là ảnh hưởng đến HQSXKD của mỗi doanh nghiệp.
Về cơ cấu nguồn vốn theo thời gian, nếu tỷ trọng nguồn vốn ngắn hạn lớn hơn thì chi phí sử dụng sẽ ít và ngược lại. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp có cơ cấu tài sản khác nhau thì cơ cấu nguồn vốn cũng phải phù hợp. Việc mỗi doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn ngắn hạn hoặc dài hạn để đầu tư cho tài sản ngắn hạn và dài hạn như thế nào sẽ ảnh hưởng đến chi phí vốn và mức độ rủi ro tài chính của doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng đến HQSXKD.
c) Khả năng thanh toán
Đây là thước đo phản ánh sức mạnh tài chính của một doanh nghiệp và có ý nghĩa quan trọng đối với HQSXKD. Doanh nghiệp có khả năng thanh toán tốt cho thấy khả năng chuyển đổi tài sản tốt, có uy tín đối với đối tác, khách hàng. Và
ngược lại, khi khả năng thanh toán thấp sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực, giảm uy tín dẫn tới giảm khả năng mua chịu hay ứng trước tiền vốn bán hàng, tác động tới HQSXKD.
d) Trình độ kỹ thuật – thiết bị - công nghệ
Hiện nay, trong môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp rất gay gắt, trình độ kỹ thuật, trang thiết bị và công nghệ là chìa khóa để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và gia tăng HQSXKD của doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất. Trình độ kỹ thuật công nghệ sản xuất quyết định đến giá trị gia tăng của sản phẩm. Nếu trình độ kỹ thuật sản xuất cùng với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp tiên tiến và hiện đại sẽ đảm bảo cho công tác chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động đồng thời sử dụng tiết kiệm nguyên vật liệu. Nhờ đó, khả năng tiêu thụ sản phẩm tăng lên, chi phí sản xuất giảm, góp phần tăng vòng quay vốn lưu động, tăng lợi nhuận, đảm bảo cho mở rộng quá trình tái sản xuất của mỗi doanh nghiệp. Song, nếu doanh nghiệp có trình độ kỹ thuật thấp kém, thiết bị, công nghệ lỗi thời, thiếu đồng bộ dẫn tới khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, giảm lợi nhuận, kìm hãm sự phát triển…
e) Bộ máy quản lý doanh nghiệp
Trong công tác quản lý sản xuất, kinh doanh ở các doanh nghiệp, yếu tố con người, chính sách, tổ chức luôn có vị trí đặc biệt quan trọng. Và các yếu tố này quy tụ lại ở năng lực của bộ máy quản lý doanh nghiệp. Bộ máy quản lý có trình độ, được cơ cấu phù hợp với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh tạo điều kiện nâng cao HQSXKD, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, ổn định. Nếu doanh nghiệp có bộ máy tổ chức không hợp lý, năng lực lãnh đạo yếu, các chính sách, chiến lược kinh doanh sẽ không phù hợp với thực tế, dẫn tới kinh doanh không hiệu quả. Ngược lại, người lãnh đạo có năng lực tốt, tổ chức bộ máy quản lý phù hợp, các sách lược, chính sách tài chính đầu tư đề ra hợp lý sẽ giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, giảm chi phí, nâng cao HQSXKD.
Nguồn lao động và trình độ tay nghề của người lao động là nhân tố có ảnh hưởng tới quá trình hoạt động và phát triển của doanh nghiệp. Lao động tham gia vào mọi giao đoạn, quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Lực lượng lao động có thể sáng tạo ra kỹ thuật công nghệ mới và đưa chúng ứng dụng vào công việc; đồng thời, chính lực lượng lao động sáng tạo ra sản phẩm mới phù hợp đòi hỏi của thị trường, của người tiêu dùng. Trình độ, năng lực và cùng với đó là tinh thần trách nhiệm của người lao động có ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tốc độ tiêu thụ sản phẩm, trình độ sử dụng các nguồn lực, dẫn tới những ảnh hưởng đến HQSXKD của mỗi doanh nghiệp.
1.3.2. Nhóm nhân tố khách quan
a) Môi trường kinh tế
Môi trường kinh tế là một nhân tố ở bên ngoài doanh nghiệp có tác động lớn đến HQSXKD. Môi trường kinh tế bao gồm các yếu tố như: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP), thu nhập bình quân trên đầu người, lạm phát, thất nghiệp, các chính sách tài khóa, thị trường tài chính tiền tệ, khoa học công nghệ, xu hướng đầu tư… Tất cả các yếu tố này tạo nên môi trường cho doanh nghiệp hoạt động, môi trường đó đầy tiềm năng hay ẩn chứa các rủi ro... Khi chính sách kinh tế của Nhà nước có sự điều chỉnh sẽ làm thay đổi chiến lược, mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp, và tác động tới HQSXKD của doanh nghiệp đó. Môi trường kinh tế ổn định là cơ sở để các doanh nghiệp tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi và ngược lại. Sự tác động của môi trường kinh tế tới HQSXKD của các doanh nghiệp biểu hiện qua:
- Tăng trưởng kinh tế: Tăng trưởng kinh tế của một quốc gia quyết định hiệu quả
kinh tế mà quốc gia đó đạt được. Khi tăng trưởng kinh tế càng cao thì nguồn vốn đầu tư càng tăng, rồi khi nguồn vốn đầu tư tăng cao thì tăng trưởng kinh tế càng cao. Do đó có thể thấy, tăng trưởng kinh tế là một dấu hiệu để các doanh nghiệp mỏ rộng sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng kinh tế cũng là điều kiện để người dân cải thiện thu nhập. Khi thu nhập của người dân tăng lên, nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ trên thị trường của họ cũng tăng, thúc đẩy các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ thu được nhiều ngân sách hơn từ các nguồn thuế phí theo quy mô…
- Sự ảnh hưởng của giá cả thị trường, thuế, lãi suất và tỷ giá: Giá cả có ảnh hưởng lớn đến chi phí và doanh thu và ảnh hưởng tới khả năng tìm kiếm lợi nhuận của mỗi doanh nghiệp. Lạm phát, lãi suất và xu hướng thay đổi của lãi suất có ảnh hưởng tới xu hướng tiêu dùng, tiết kiệm và đầu tư, ảnh hưởng đến cung – cầu trong nên kinh tế và ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Môi trường pháp luật, thể chế chính trị
Hoạt động sản xuất kinh doanh của mọi doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng bởi môi trường chính trị, pháp lý của quốc gia đó. Môi trường này bao gồm các luật định, quy định, chính sách, tiêu chuẩn, tạo ra một hành lang cho các doanh nghiệp hoạt động. Môi trường pháp lý, chính trị bao gồm các quy định của Nhà nước về các thủ tục liên quan đến phạm vi hoạt động của doanh nghiệp, cũng như các chính sách khuyến khích hoặc hạn chế kinh doanh sản xuất… Một môi trường pháp luật đầy đủ, đồng bộ vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước hoạt động cũng như hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
c) Môi trường hội nhập quốc tế
Hiện nay, xu hướng toàn cầu hóa nền kinh tế ngày càng có nhiều ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hay việc lựa chọn, sử dụng yếu tố đầu vào cũng chịu ảnh hưởng từ các chính sách, xu hướng kinh tế, sự ổn định hay biến động chính trị, những cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ và từ các nhu cầu về sản phẩm trên thị trường toàn cầu. Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào môi trường quốc tế trong những năm gần đây. Quá trình hội nhập kinh tế mạng lại cho các doanh nghiệp Việt nhiều cơ hội những cũng không ít thách thức. Sau khi gia nhập WTO, mở cửa thị trường trong nước từng bước cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực biểu hiện tích cực, HQSXKD được nâng cao. Những năm gần đây, Việt Nam cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng từ môi trường kinh tế, chính trị trong khu vực, hay trên toàn thế giới như tình hình bất ổn định của các nước Đông Âu, Đông Nam Á. Xu hướng tự do hóa mậu
dịch khu vực các nước ASEAN, hay các khu vực khác trên thế giới cũng ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất của nhiều doanh nghiệp…
d) Đặc điểm ngành kinh doanh
Mỗi ngành kinh doanh có đặc điểm về mặt kinh tế kỹ thuật khác nhau. Đặc điểm kinh tế kỹ thuật của ngành kinh doanh có ảnh hưởng không nhỏ tới HQSXKD của doanh nghiệp. Tính chất ngành thể hiện qua cơ cấu vốn kinh doanh; tính thời vụ và chu kỳ sản xuất có ảnh hưởng tới tốc độ luân chuyển vốn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành hay tiềm năng của các doanh nghiệp gia nhập mới vào ngành đều có ảnh hưởng tới lượng cung cầu trên thị trường, do đó có ảnh hưởng tới HQSXKD chung của doanh nghiệp. Doanh nghiệp còn chịu sự ảnh hưởng của sản phẩm thay thế lên hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn chịu sự chi phối của nhà cung cấp nguyên vật liệu, dịch vụ đầu vào và sức tiêu thụ, nhu cầu của người mua hàng.