Nhân tố chủ quan

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) huy động vốn tại ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh sở giao dịch 3 (Trang 41 - 44)

1.4. Các nhân tố ảnh hưởng đến công tác huy động vốn của ngân hàng thương mại

1.4.1 Nhân tố chủ quan

1.4.1.1. Quy mô, uy tín của ngân hàng

Trong nền kinh tế hiện nay, ngoài chất lượng sản phẩm dịch vụ, uy tín giúp NH đứng vững, phát triển trên thị trường. Khách hàng thường đánh giá uy tín của ngân hàng thông qua các tiêu chí như: quá trình hình thành và phát triển, thương hiệu lâu năm, quy mô ngân hàng, trình độ quản lý của cán bộ ngân hàng, thái độ phục vụ, công nghệ, tài sản của ngân hàng… Các NHTM cần nâng cao uy tín thông qua việc đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của khách hàng. Khi uy tín mà ngân hàng tạo dựng được càng cao, lòng tin của khách hàng đặt vào Ngân hàng càng lớn, khách hàng sẽ yên tâm hơn khi gửi tiền, giao dịch với ngân hàng.

1.4.1.2. Năng lực, trình độ cán bộ, nhân viên ngân hàng

Trong lĩnh vực NH vai trò của nguồn nhân lực là rất quan trọng. Do hoạt động NH là kinh doanh dịch vụ, vì vậy, hoạt động tư vấn có tính chất tiên quyết. Đội ngũ cán bộ, nhân viên ngân hàng, ngoài trình độ chuyên môn nghiệp vụ, còn đòi hỏi phải có hiểu biết về kiến thức về kinh tế - xã hội nói chung để có thể tư vấn các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng tốt nhất cho khách hàng và phù hợp với ngân hàng. Bên cạnh đó, tác phong làm việc chuyên nghiệp, nhiệt tình, năng động sẽ tạo được lòng tin khi tiếp xúc với khách hàng. Đối với cán bộ, nhân viên thường xuyên tiếp xúc với khách hàng, thì những tố chất trên sẽ khiến khách hàng yên tâm hơn về NH mà mình lựa chọn, người gửi tiền sẽ am hiểu hơn sản phẩm, dịch vụ mà cán bộ

ngân hàng tư vấn. Từ đó, thu hút được lượng tiền gửi nhiều hơn, với thời gian ổn định, giúp NH có thể quản lý tốt nguồn vốn huy động. Đối với cán bộ quản lý, khả năng phân tích sâu sắc, đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần trách nhiệm, sẽ là cơ sở cho việc phát triển ngân hàng ở tầm cao mới. Có thể khẳng định, đội ngũ cán bộ ngân hàng quyết định đến rất lớn sức cạnh tranh, uy tín, thương hiệu, khả năng thu hút khách hàng cũng như quyết định sự thành công của NH.

1.4.1.3. Chính sách tín dụng và nhu cầu sử dụng vốn của ngân hàng

Chính sách tín dụng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động huy động vốn của các ngân hàng thương mại. Nếu ngân hàng cho vay ngắn hạn nhiều thì thông thường họ chú trọng đến hoạt động huy động vốn ngắn hạn và ngược lại, hoạt động huy động vốn dài hạn thường chỉ để bổ sung và ổn định hoạt động kinh doanh của Ngân hàng khi cần thiết. Ngân hàng luôn quan tâm chú trọng đến chính sách huy động vốn và cho vay vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới cơ cấu vốn và nguồn vốn của Ngân hàng.

Nhu cầu về sử dụng vốn là nhân tố chính ảnh hưởng đến cơ cấu huy động vốn. Trong từng thời kỳ, các ngân hàng xây dựng nhu cầu về sử dụng vốn từ đó đưa ra các chính sách huy động vốn phù hợp (huy động vốn dài hạn nhiều hơn, hay huy động vốn ngắn hạn..), nhờ đó mà các ngân hàng tăng tính chủ động trong hoạt động huy động và sử dụng nguồn vốn. Nhu cầu của sử dụng vốn quyết định đến quy mô huy động, cụ thể: nếu ngân hàng thực hiện chính sách thắt chặt cho vay thì tương ứng hoạt động huy động vốn cũng bị hạn chế vì việc mở rộng huy động vốn sẽ làm gia tăng chi phí huy động trong khi nguồn vốn huy động được lại dư thừa và ngược lại nếu ngân hàng đang thiếu hụt nguồn vốn để cho vay thì hoạt động tăng cường huy động vốn lại được khuyến khích và chú trọng.

1.4.1.4. Chính sách lãi suất huy động

Lãi suất là khoản lợi tức mà người gửi tiền nhận được, chính vì vậy ngoài các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn ngân hàng để gửi tiền như đã đề cập, các khách hàng đặc biệt quan tâm đến lãi suất của các khoản tiền gửi. Lãi suất huy động vốn tác động trực tiếp đến quy mô, cơ cấu và chi phí của huy động vốn. Do đó, ngân hàng luôn cân đối đưa ra các mức lãi suất huy động phù hợp với từng kỳ hạn, số dư, đối tượng khách hàng cũng như chính sách lãi suất của đối thủ cạnh tranh để

có thể huy động vốn đáp ứng cho nhu cầu sử dụng vốn của mình. Chính sách lãi suất phù hợp là vừa phải đảm bảo được lợi nhuận cho ngân hàng và thu hút được lượng tiền gửi từ khách hàng, góp phần duy trì và thu hút khách hàng.

1.4.1.5. Hoạt động tiếp thị, quảng cáo ngân hàng

Khi gia nhập vào thị trường, công tác tiếp thị, quảng cáo của ngân hàng giúp đạt được mục tiêu tốt nhất về vốn cũng như các dịch vụ khác của NHTM với từng đối tượng khách hàng riêng biệt. Công tác tiếp thị, quảng cáo của ngân hàng tạo nên sự khác biệt cho ngân hàng, khi mà các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đồng nhất, khách hàng khó phân biệt sản phẩm của ngân hàng này với ngân hàng khác, thì hoạt động tiếp thị, quảng cáo giúp khách hàng biết đến ngân hàng, các sản phẩm của ngân hàng và thu hút khách hàng. Các hoạt động tiếp thị, quảng cáo đều nhằm mục đích giúp cho sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đến gần hơn với khách hàng, giúp họ hiểu hơn về ngân hàng và các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng. Từ đó hoạt động tiếp thị, quảng cáo giúp nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng nói chung và huy động vốn nói riêng.

1.4.1.6. Sự đa dạng của sản phẩm, dịch vụ

Trong môi trường cạnh tranh cao như hiện nay, ngân hàng càng có sản phẩm, dịch vụ đa dạng đáp ứng được nhiều nhu cầu của các khách hàng khác nhau, càng thu hút được nhiều khách hàng. Điều này, xuất phát từ nhu cầu thực tế ngày càng cao của khách hàng. Các ngân hàng hiện nay thường đưa ra các gói sản phẩm đi kèm với những tiện ích khác như tặng quà, thưởng tiền mặt, chi phí ưu đãi hoặc phát triển thành một dạng sản phẩm mới như tiền gửi kỳ hạn rút gốc linh hoạt, tiết kiệm lãi suất thả nổi, tiền gửi thanh toán lãi suất bậc thang... Sự đa dạng trong sản phẩm, dịch vụ ngân hàng sẽ giúp NHTM thu hút được nhiều khách hàng hơn, qua đó có thể tăng cường nguồn vốn huy động.

1.4.1.7. Công nghệ ngân hàng

Sự phát triển của công nghệ tin học đã giúp cho hoạt động ngân hàng ngày càng phát triển. Máy rút tiền tự động ATM, home banking, mobile banking,... đã giúp cho ngân hàng cung cấp đến khách hàng dịch vụ tiện ích như kiểm tra tài khoản, chuyển tiền, rút tiền tự động một cách nhanh chóng, chuẩn xác. Công nghệ

ngân hàng càng cao càng kích thích được khách hàng sử dụng dịch vụ của ngân hàng nhiều hơn, từ đó có thể huy động được nguồn vốn giá rẻ. bên cạnh đó, việc tăng cường công nghệ thông tin giúp ngân hàng tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch với khách hàng, cũng như việc tra cứu, quản lý thông tin khách hàng được thuận tiện nhanh chóng, giảm thiểu được rủi ro. Ngoài ra, khi khách hàng hiểu rõ về các loại sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cung cấp sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại, cũng như chi phí quảng cáo. Khi các sản phẩm của các ngân hàng là tương tự nhau, yếu tố công nghệ là yếu tố tạo nên sự khác biệt và sức cạnh tranh cho ngân hàng. Công nghệ ngân hàng càng hiện đại càng có điều kiện để đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ phục vụ được tối đa nhu cầu của khách hàng.

1.4.1.8. Mạng lưới hoạt động của ngân hàng

Giữa số lượng chi nhánh và hoạt động huy động vốn của NHTM có một mối quan hệ mật thiết, một trong những lý do các ngân hàng mở rộng chi nhánh là vì tiềm năng tiền gửi (Khoa Kinh tế, Đại học Wolaita Sodo (Ethiopia), 2017, Trang 58).

Mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm, máy ATM là kênh phân phối sản phẩm của ngân hàng đến với khách hàng. Kênh phân phối rộng sẽ tăng cường khả năng giao dịch, tiếp xúc với các khách hàng, nhờ đó các sản phẩm dịch vụ Ngân hàng được phân phối, quảng bá rộng rãi. Khách hàng cũng thuận lợi hơn khi tiếp cận kênh sản phẩm, dịch vụ, chương trình huy động... của ngân hàng. Nhờ đó, ngân hàng sẽ có cơ hội tiếp cận với khách hàng, nghiên cứu sâu hơn về tâm lý của họ để đáp ứng một cách tốt nhất các nhu cầu của họ. Ngân hàng sẽ dễ dàng tập trung những nguồn vốn nhỏ lẻ, phân tán từ tầng lớp dân cư đến các tổ chức kinh tế - xã hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) huy động vốn tại ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh sở giao dịch 3 (Trang 41 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)