Tổng quan về TP.HCM

Một phần của tài liệu đề tài phát triển du lịch mice ở tp hồ chí minh (Trang 27 - 30)

CHƯƠNG 2- THỰC TRẠNG DU LỊCH MICE TẠI TP .HCM

2.2. Tổng quan về TP.HCM

Được mệnh danh là “đất lành chim đậu”, thành phố Hồ Chí Minh với hơn 300 năm hình thành và phát triển, đã trở thành đô thị năng động nhất Việt Nam, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục của cả nước. Song vùng đất đầy tiềm năng này được kỳ vọng sẽ sánh ngang với các thành phố lớn trong khu vực trên nhiều lĩnh vực, nâng cao vị thế của TP.HCM trên bản đồ thế giới.

2.2.1. Lịch sử hình thành.

Năm 1698, Chúa Nguyễn cử Thống soái Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất Phương Nam, khai sinh ra thành phố Sài Gòn. Vào ngày 5 tháng 6 năm 1911, từ Bến Nhà Rồng, người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Khi đất nước thống nhất, Quốc Hội khoá VI họp ngày 02/7/1976 đã chính thức đổi tên Sài Gòn thành thành phố Hồ Chí Minh. Với hơn 300 năm hình thành và phát triển, thành phố có rất nhiều công trình kiến trúc cổ, nhiều di tích và hệ thống bảo tàng phong phú.

2.2.2. Vị trí địa lý – khí hậu

Nằm trong toạ độ địa lý khoảng 10°10' – 10°38' vĩ độ Bắc và 106°22' – 106°54' kinh độ Đông, thành phố Hồ Chí Minh thuộc vùng nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, có

hai mùa rõ rệt đó là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa diễn ra từ tháng 5 đến tháng 11 với lượng mưa bình quân hàng năm là 1.979 mm và mùa khô diễn ra từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau với nhiệt độ trung bình hàng năm là 27,55°C.

Phía Bắc giáp tỉnh Bình Dương, Tây Bắc giáp tỉnh Tây Ninh , Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, Đông Nam giáp tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, Tây và Tây Nam giáp tỉnh Long An và Tiền Giang. Cách thủ đô Hà Nội gần 1.730km đường bộ, nằm ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Ðông sang Tây, là tâm điểm của khu vực Đông Nam Á. Trung tâm thành phố cách bờ biển Đông 50 km đường chim bay. Đây là đầu mối giao thông nối liền các tỉnh trong vùng và là cửa ngõ quốc tế.

2.2.3. Văn hóa – xã hội

Với diện tích 2.095,239 km2, dân số 8.993.082 người (2019) đây được xem là nơi tập trung đông đúc dân cư nhất cả nước, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của Việt Nam. Đất Sài Gòn – Gia Định là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa, là cơ cấu kiến trúc Việt – Hoa – Châu Âu. Vì trên 300 năm trước, Bến Nghé – Sài Gòn xưa là nơi tiếp nhận các nguồn lưu dân từ Trung, Bắc đến lập nghiệp, rồi các di dân người Hoa vào định cư ở Biên Hòa, Mỹ Tho cùng hội tụ với dân cư bản địa. Sau đó, Sài Gòn trở thành một trong những trung tâm của cả nước đón nhận những ảnh hưởng của văn hóa Pháp, Mỹ qua các giai đoạn thăng trầm của đất nước. Tính giao thoa hội tụ của những người cần cù vượt khó, hội tụ tài năng và sức lực cả nước đã biến Sài Gòn thành một phức thể văn hóa thông qua phong tục tập quán, cách thức ăn uống, trang phục, sinh hoạt ma chay, cưới hỏi, tôn giáo tín ngưỡng; tinh thần đoàn kết dân tộc, năng động sáng tạo; kiên cường bất khuất, lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường; tinh thần tương thân tương ái; tính chất hòa đồng, nhạy cảm, dễ tiếp cận và hòa nhập; cá tính bộc trực, thẳng thắn, trọng nghĩa khinh tài... vốn là truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của dân tộc và con người Thành phố.

2.2.4. Kinh tế

Thành phố chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số 9,2 triệu người nhưng có đóng góp lớn nhất cho sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Kinh tế thành phố tăng trưởng khá và ổn định qua các năm, GRDP tăng bình quân đạt 8,3%/năm, quy mô GRDP của Thành phố năm 2020 ước chiếm 22,8% GDP cả nước và khoảng 48,4%

GRDP của Vùng. GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 ước đạt 6.799 USD (cả nước ước trên 3.000 USD/người). Cơ cấu kinh tế luôn duy trì tỷ trọng hợp lý, khu vực dịch vụ thường xuyên giữ tỷ trọng lớn nhất trong GRDP, năm 2020 ước đạt 62,13%, vượt chỉ tiêu đề ra là 56% - 58%, khu vực công nghiệp - xây dựng ước đạt 24,61%. Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước từ khu vực kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 là 12,17%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng GRDP. Ước thực hiện tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 là 1.857.204 tỷ đồng, trong đó dự toán thu ngân sách năm 2020 là 405.828 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất cả nước (khoảng 27%). Về đầu tư, trong năm 2019, TP có 44.004 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 643.244 tỷ đồng (tăng 2,01% số lượng doanh nghiệp và tăng 10,35% về vốn đăng ký so cùng kỳ). Đối với đầu tư nước ngoài, trong năm 2019, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, TP thu hút được 8,3 tỷ đô-la Mỹ (tăng bằng 139,45% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2018).

Từ đó thấy được trong quá trình phát triển và hội nhập, thành phố Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò là một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ của cả nước; là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, một trong ba vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất nước và cũng là vùng động lực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn Nam Bộ và cả nước theo chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

2.2.5. Tiềm năng du lịch

Sau hơn 300 năm hình thành và phát triển, thành phố còn lưu giữ được nhiều dấu tích kiến trúc xưa và cổ vật tại các hệ thống bảo tàng. Sở hữu không gian đô thị đặc trưng, năng động và hiện đại, thành phố Hồ Chí Minh mang trong mình những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, dung hòa giữa đương đại và truyền thống, tạo nên sức hấp dẫn riêng biệt. Nhiều công trình hiện đại nổi bật đã và đang được thành phố xây dựng cũng thu hút nhiều sự quan tâm của du khách. Là nơi hội tụ cư dân từ mọi miền đất nước, góp phần tạo nên một thành phố đa dạng văn hóa và đặc sắc về ẩm thực. Đặc biệt với tính cách phóng khoáng, hào sảng, thân thiện và mến khách của con người nơi đây đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khách bốn hương. Hiện nay thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch lớn nhất nước, thu hút hàng năm 70%

lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Sở dĩ như vậy vì ngoài cơ sở hạ tầng khá tốt, giao thông tương đối thuận tiện, thành phố là một nơi có tài nguyên du lịch phong phú. Nơi đây là một vùng đất gắn liền với lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc kể từ khi thực dân Pháp đặt chân lên Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại ra đi tìm đường cứu nước (1911). Gắn liền với sự kiện đó, cảng Nhà Rồng và Bảo tàng Hồ Chí Minh là một di tích quan trọng, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Các di tích cách mạng khác như địa đạo Củ Chi, hệ thống các bảo tàng, nhà hát, nhà văn hoá, các công trình kiến trúc thời Pháp là những điểm du lịch hấp dẫn. Gần đây thành phố đã đầu tư nhiều khu du lịch như Thanh Đa, Bình Qưới, nhiều khu vui chơi giải trí như Đầm Sen, Kỳ Hoà, công viên Nước, Suối Tiên,... đã thu hút và hấp dẫn du khách.

Trong tương lai, thành phố sẽ phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, có cơ cấu công nông nghiệp hiện đại, có văn hoá khoa học tiên tiến, một thành phố văn minh hiện đại có tầm cỡ ở khu vực Đông Nam Á.

Một phần của tài liệu đề tài phát triển du lịch mice ở tp hồ chí minh (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(75 trang)
w