Những nhân tố ảnh hưởng đến phát triển nguồn nguyên liệu bông thiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nguồn nguyên liệu bông thiên nhiên cho ngành dệt may việt nam (Trang 25 - 30)

1.2. Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển nguồn nguyên liệu bông

1.2.3. Những nhân tố ảnh hưởng đến phát triển nguồn nguyên liệu bông thiên

thiên nhiên trong nước cho ngành Dệt may

Có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến việc phát triển nguồn nguyên liệu bông trong nước. Ngành trồng bông là một ngành sản xuất cây công nghiệp chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố khác nhau, bao gồm: nhân tố khách quan, chủ quan; nhân tố tự nhiên, con người,.. nhưng trong điều kiện nước ta hiện nay có thể chia làm 2 loại nhân tố chính:

a. Nhân tố khách quan

- Điều kiện tự nhiên

Cây bông là một trong những cây trồng rất nhạy cảm với điều kiện sinh thái để sinh trưởng và phát triển, chính vì vậy điều kiện tự nhiên có ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng và phát triển của cây. Các điều kiện tự nhiên như: vị trí địa lý, đặc điểm địa hình, tài nguyên đất đai, thời tiết khí hậu,... ảnh hưởng tới chi phí sử dụng nguyên liệu, tới mặt hàng kinh doanh, năng suất chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng tới cung cầu sản phẩm do tính chất mùa vụ... do đó ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong vùng.

Đối với các Công ty sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, điều kiện tự nhiên tại vùng nguyên liệu là một trong những nhân tố quan trọng nhất. Nó quyết định việc lựa chọn trồng cây gì, trồng lúc nào, cách thức, tập quán canh tác, chi phí vận chuyển nguyên liệu,. .. Điều kiện tự nhiên thuận lợi, đất đai phong phú sẽ cho năng suất cao. Ngược lại, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất đai khô cằn sẽ gây khó khăn cho việc tăng trưởng cây trồng, gây năng suất thấp.

- Kinh tế - xã hội

Triển vọng của nền kinh tế có ảnh hưởng mạnh mẽ lên hoạt động, mức sinh lời của ngành và doanh nghiệp. Các chỉ số cần theo dõi là: tỷ lệ tăng trưởng, chủ trương phát triển nông nghiệp (trong đó có chủ trương phát triển bông),…

Triển vọng kinh tế xấu có thể khiến tiêu dùng giảm sút và ảnh hưởng tiêu cực lên doanh số của ngành. Lạm phát tăng sẽ ảnh hưởng đến giá cả nguyên vật liệu, giống, phân bón, từ đó tác động đến giá thành sản phẩm. Doanh nghiệp vì vậy cần theo dõi kinh tế vĩ mô để dự báo và có các kế hoạch kinh doanh phù hợp: mở rộng hay thu hẹp, phòng thủ hay tấn công giành thị phần từ đối thủ…

Bên cạnh đó dân số đóng vai trò quan trọng và chất lượng lao động là yếu tố cần thiết để thúc đẩy sản xuất, dân số có trình độ cao sẽ tiếp thu được sự chuyển giao khoa học kỹ thuật tốt hơn

- Văn hóa xã hội - Nhân khẩu

Tình trạng thất nghiệp, trình độ giáo dục, phong cách, lối sống, phong tục, tập quán, tâm lý xã hội... đều tác động một cách trực tiếp hoặc gián tiếp tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp, có thể theo hai chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực. Yếu tố dân tộc, dân số tại địa phương, trình độ văn hoá ảnh hưởng tới khả năng đào tạo cũng như chất lượng chuyên môn và khả năng tiếp thu các kiến thức cần thiết của đội ngũ lao động trồng bông, phong tục, tập quán,… ảnh hưởng đến xu hướng lựa chọn cây trồng, kĩ thuật canh tác, từ đó tác động đến năng suất, sản lượng nguyên liệu. Vùng trồng bông hiện nay là nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, có trình độ văn hóa thấp, tâm lý dễ bị tác động, tập quán canh tác lạc hậu, do đó diện tích trồng bông không được duy trì ổn định, năng suất thu hoạch bông thấp.

- Kỹ thuật, khoa học công nghệ

Tình hình phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ, tình hình ứng dụng của khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất trên thế giới cũng như trong nước ảnh hưởng tới trình độ kỹ thuật công nghệ và khả năng đổi mới kỹ thuật công nghệ của doanh nghiệp và tại địa phương. Đối với ngành bông, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến có ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu sản xuất và các giống cho năng suất, chất lượng cao; cũng như cho công tác chăm sóc, thu hoạch bông

+ Về công tác nghiên cứu giống: Giống bông có tác động trực tiếp đến năng suất và sản lượng bông. Cần kết hợp các phương pháp cho tạo giống truyền thống với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại để tạo giống và sản xuất hạt giống, đặc biệt là chuyển gen kháng sâu bệnh và điều

kiện ngoại cảnh bất lợi. Viện nghiên cứu và phát triển cây bông cần tăng cường hơn nữa các nghiên cứu tạo giống lai và phương pháp sản xuất hạt lai sử dụng tính bất dục đực nhằm hạ giá thành hạt giống, tạo điều kiện giảm chi phí cho nông dân. Việc sử dụng giống bông kháng sâu, kháng cỏ VN15, VN01-2, đã làm cho năng suất cây bông tăng từ 10-11 tạ/ha lên 18-20 tạ/ha, chỉ sau 2-3 năm áp dụng, tạo ra thế tương quan mới cho cây bông về lợi thế so sánh.

+ Công tác nghiên cứu quản lý dịch hại: Hiện nay, với sự áp dụng thành công quy trình phòng trừ tổng hợp (IPM), số lần phun thuốc sâu chỉ còn từ 1-2 lần/vụ nhưng vẫn đạt nhưng vẫn đạt năng suất cao. Tuy nhiên phát triển hàng trăm ngàn ha bông thì vấn đề phòng trừ sâu bệnh phải được đặt ra và có biện pháp cụ thể. Nguyên lí chung là duy trì sự cân bằng tự nhiên, phát huy khả năng chống chịu sâu bệnh bằng các giống bông và sự hỗ trợ có hiệu quả của các giống bông thiên địch…Nhưng áp dụng cho từng vùng, từng vụ phải linh hoạt. Thành công của IPM là nhờ một phần quan trọng vào sự hiểu biết và kỹ năng thực hành của nông dân cũng như cán bộ khuyến nông

+ Công tác ứng dụng KHCN trong sản xuất: Việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt nhập khẩu đem lại hiệu quả cao. Công nghệ tưới nhỏ giọt được lập trình tưới đồng loạt trên diện rộng toàn thể mọi địa hình, địa dốc 15% trở xuống không phải san ủi mặt bằng, áp lực nước lớn tưới đều tới từng cây bông. Hệ thống trộn bón phân bón tự động cũng thực hiện qua hệ thống tưới do đó không bị lãng phí và đảm bảo môi trường. Hệ thống tưới nước và bón phân tự động sẽ điều độ chế độ tưới và bón phân thích hợp cho cây bông sinh trưởng, phát triển tốt cho năng suất chất lượng cao.

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong thời gian qua đã tạo ra những giống mới, cho năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, góp phần cải tiến kĩ thuật thâm canh, do đó ảnh hưởng tới năng suất chất lượng sản phẩm tức là ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh

nghiệp. Các doanh nghiệp nếu biết tận dụng cơ hội đó có thể gia tăng lợi thế cạnh tranh, tạo ra được những sản phẩm tốt hơn, rẻ hơn.

b. Nhân tố chủ quan

Đó chủ yếu là các nhân tố thuộc về bộ máy quản lý, các chủ trương chính sách cũng như tình hình ngân sách quốc gia

Bộ Công thương đã giao cho các vụ, cục chuyên ngành trực tiếp quản lý bao gồm:

- Vụ Công nghiệp nhẹ (cùng với Vụ Công nghiệp nặng nay là Cục công nghiệp): Với vai trò là đầu mối trực tiếp quản lý các doanh nghiệp dệt may, trong đó có các doanh nghiệp trồng bông. Bằng các chương hỗ trợ như chương trình phát triển nguyên liệu cây bông hàng năm, thông qua các doanh nghiệp sản xuất hỗ trợ giống, vật tư cho các hộ trồng bông từ đó nhằm phát triển mở rộng diện tích

- Vụ Khoa học công nghệ: Bằng việc hỗ trợ ngân sách cho các đề tài dự án nghiên cứu ứng dụng, dự án sản xuất thử nghiệm, các viện nghiên cứu cũng như các doanh nghiệp sản xuất đã và đang nghiên cứu tìm ra những giống bông mới cho năng suất hiệu quả cao, cũng như tìm ra được những mô hình, những vùng trồng bông chuyên canh thích hợp.

- Cục xúc tiến thương mại: Có nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá hình ảnh, ngành hàng dệt may, thúc đẩy phát triển hàng hóa trong nước cũng như xuất nhập khẩu ngành hàng dệt may.

- Tình hình ngân sách quốc gia: Ngân sách có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cho khả năng đầu tư để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, để mở rộng, duy trì vùng nguyên liệu ổn định, đồng thời còn có khả năng đầu tư đổi mới công nghệ và áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào việc gieo trồng, thu hoạch và chế biến nguyên liệu nhằm làm giảm chi phí, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nguồn nguyên liệu bông thiên nhiên cho ngành dệt may việt nam (Trang 25 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)