Văn hóa doanh nghiệp theo tinh thần triết lý đạo phật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vận dụng triết lý đạo phật trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp của tập đoàn hoa sen (Trang 27 - 31)

Những vấn đề cơ bản của triết lý đạo Phật theo tác giả Phạm Hữu Dung (2011 ) về thế giới quan, tư tưởng của phật giáo tập trung ở những mặt cơ bản sau:

1.5.1 Quan niệm của Phật giáo về thế giới quan

Vô tạo giả: Đạo phật cho rằng thế giới do các loại vật chất tạo thành. Mọi sự vật trong vũ trụ không do bất kì thần linh nào tạo ra bằng những phép màu mà là do phần tử vật chất nhỏ nhất tạo ra. Những vật chất nhỏ bé đó được gọi là “bản thể” hay „thực tướng”. Đây được xem như là nội dung cơ bản nhất và khác tất cả các tôn giáo khác.

Thuyết Vô thường, Nhân – Duyên: Phật giáo cho rằng: tất cả mọi sự vật, hiện tượng của thế giới này không có điểm khởi đầu và kết thúc; tất cả đều chuyển động không ngừng, biến đổi không ngừng và chịu sự chi phối bởi quy luật nhân quả hay là nhân duyên. Trong đó, nhân là cái khởi đầu tạo ra kết quả còn duyên là phương tiện/điều kiện tạo ra tạo ra quả đó. Khi nhân duyên hoà hợp thì sự vật sinh. Khi nhân duyên tan rã thì sự vật diệt. Các nhân duyên trong sự vật hiện tượng tác động chi phối và chuyển hóa lẫn nhau.

Đạo Phật cho rằng: thời gian là vô cùng và không gian là vô tận. Khi xem xét từng sự vật hiện tượng, đạo Phật chủ trương phải đặt những sự vật hiện tượng đó trong một khoảng không gian và thời gian nhất định. Nghĩa là phải tìm hiểu một sự vật, hiện tượng cụ thể từ điểm khởi đầu và kết thúc của nó.

Nói tóm lại với những quan niệm về thế giới quan ở trên, tư tưởng triết lý đạo Phật đã mang nhiều yếu tố duy vật biện chứng tiến bộ.

1.5.2 Quan niệm của Phật giáo về nhân sinh quan

Nội dung tư tưởng, triết lý cơ bản của Phật giáo thể hiện rõ nhất ở “tứ diệu đế” - tức là 4 chân lý huyền diệu cao siêu để giải thoát nỗi khổ của chúng sinh gồm: Khổ Đế – Tập Đế – Diệt Đế - Đạo đế. Thích Nhất Hạnh (2005): “trước kia và ngày nay ta chỉ nêu ra và lý giải các chân lý về các nỗi đau khổ và giải thoát các nỗi đau khổ. Cũng như nước của đại dương chỉ có một vị mặn. Học thuyết của ta chỉ có một vị, đó là sự cứu vớt”- còn gọi là sự giải thoát.

Khổ đế

Là chân lý bàn về các nỗi khổ của con người. Đạo phật cho rằng cuộc sống con người là khổ ải. Khổ đau là tuyệt đối, là bản chất của sự tồn tại của cuộc sống. Cuộc sống của chúng sinh là bể khổ. Trong các nỗi khổ mà từng chúng sinh phải chịu đựng có bốn nỗi khổ lớn mà ai cũng phải trải qua gọi là “tứ khổ”: sinh – lão – bệnh – tử khổ.

Tập đế

Là sự tập hợp chứa đựng những chân tướng những sự khổ não, là nguyên nhân về các nỗi khổ đau. Đạo Phật cho rằng nguyên nhân của khổ đau là do dục vọng – tham muốn của con người gây nên và đến khi chết vẫn phải chịu khổ đau. Tất cả những nỗi khổ đau mà chúng sinh phải gánh chịu là do “nhị thập nhân duyên” tạo ra mà khởi đầu là “vô minh”, tức là do nhận thức không đúng đắn và sáng suốt.

Diệt đế

Là chân lý về cách giải thoát con người khỏi nỗi khổ đau. Đạo Phật cho rằng chúng sinh muốn thoát khỏi mọi sự khổ đau thì phải từ bỏ mọi ham muốn, dục vọng, sự giận dữ và mê muội – là những nguyên nhân cơ bản gây nên nỗi khổ đau trong cuộc đời người.

Ham muốn hay dục vọng của con người là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nỗi khổ đau còn nguồn gốc sâu xa là từ “nhị thập nhân duyên” mà bắt đầu từ “vô minh”. Cho nên theo đạo Phật, chúng sinh muốn diệt trừ nỗi khổ thì đầu tiên phải diệt trừ “vô minh‟. Vì “vô minh” bị diệt thì trí tuệ mới sáng và hiểu rõ được bản chất sự tồn tại không còn dục vọng, không còn hành động sai quấy để tạo ra “nghiệp”. Và chỉ có như vậy, chúng sinh mới thoát khỏi nỗi khổ vòng luân hồi sinh – lão – bệnh – tử.

Đạo đế

Là chân lý về các con đường đúng đắn để giải thoát con người, bao gồm “bát chính đạo”- 8 con đường đúng đắn, sáng suốt. Đây chính là xuất phát từ sự đúc kết quá trình tu hành đắc đạo của đức Phật. Đạo Phật cho rằng đây là thử thách khó nhất của con người có đạo, là phải thực hành chính đạo vào trong đời sống và công việc của mình. Trí tuệ dân gian Việt Nam đã tổng kết: Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì là tu tại chợ, thứ ba tu tại chùa.

Đạo Phật đƣa ra lý luận về “tam học” là: giới - định – tuệ. Đây chính là quá trình tu hành để đạt đến giác ngộ.

-Giới: là những điều cấm quy định với những người tu hành để không phạm sai lầm do thân và ý tạo ra.

-Định: là phương pháp làm cho người tu hành không tán loạn phân tâm, loại trừ ý nghĩ sai lầm tạo điều kiện cho trí tuệ bừng sáng.

-Tuệ: là yêu cầu đòi hỏi phải có trí tuệ sáng suốt để diệt trừ vô minh, tham dục. Chỉ có như vậy mới diệt trừ được nỗi khổ.

Trong ba yếu tố trên, Giới được nhà Phật coi là quan trọng nhất, ngăn cản con người không phạm vào “ngũ giới” (còn gọi là năm điều cấm) là: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không bịa đặt, không uống rượu để định và tuệ phát sáng.

Theo đạo Phật, gồm có tám con đƣờng – cách để giải thoát nỗi khổ gọi là “bát chính đạo”.

-Chính kiến: nhận biết đúng đắn.

-Chính tư duy: suy nghĩ đúng đắn.

-Chính ngữ: nói năng đúng đắn.

-Chính nghiệp: hành động đúng đắn.

-Chính mệnh: kiếm sống đúng đắn.

-Chính tịnh tiến: nỗ lực đúng đắn, phải từ bỏ điều ác làm điều thiện.

-Chính niệm: thương nhớ – tưởng nhớ đúng đắn, phải tập chung tâm và thần vào suy nghĩ, lời nói, hành động đúng.

-Chính định: tập chung tinh thần vào một đạo đúng đắn.

Mặt tích cực.

Chủ trương giải thoát con người khỏi những nỗi khổ đau; thực hiện bình đẳng giữa các chúng sinh chống lại quan điểm phân biệt đẳng cấp, khuyên con người phải thương yêu lẫn nhau.

Đạo Phật đã đề ra được lý thuyết về con đường giải thoát về mặt ý thức. Điều này làm cho quần chúng nhân dân tin tưởng vì tìm thấy ở đạo này một sự an ủi, một niềm tin vào tương lai.

Nghi lễ đạo phật rất đơn giản, điều này phù hợp với hoàn cảnh của người dân lao động nghèo khổ thuộc các đẳng cấp dưới cho nên nó được hưởng ứng nhiệt tình. Đạo phật phản ánh tình yêu thương đồng loại.

Giáo lý của đạo Phật về nguồn gốc các nỗi khổ đau không phù hợp với thực tế, vì chỉ chú ý đến các nguyên nhân về chủ quan, nội tâm cá nhân, không chú ý đến các nguyên nhân khách quan, thuộc về xã hội. Nhưng xét cho cùng, sự ra đời của đạo Phật với những tư tưởng triết lý cơ bản trên cũng đã có thể coi là một cuộc cách mạng vĩ đại trong xã hội Ấn Độ cổ đại chống lại những luật lệ hà khắc do chế độ đẳng cấp Varna, luật Manu và đạo Bàlamôn tạo nên. Chính vì lẽ đó, đạo Phật ra đời nhanh chóng phát triển mạnh mẽ về số lượng tín đồ và trở thành tôn giáo thế giới. Và đương nhiên, những nhà sư chân đất với màu vàng thánh thiện của Phật đã tiếp tục sự nghiệp giải thoát nỗi khổ đau của con người.

Các tư tưởng, triết lý của đạo Phật có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều doanh nhân trên thế giới và thường có tác động tích cực tới hành vi, kết quả hoạt động, đạo đức và lối sống của họ. Ví dụ, đạo Phật khuyên bảo làm kinh doanh mặc dù có nhiều cám dỗ của lòng tham nhưng vẫn phải giữ chính kiến, chính niệm, chính nghiệp; khuyến khích doanh nhân lãnh đạo đối xử nhân từ với người làm và chúng sinh, cố gắng làm việc thiện, tránh sự gian trá, xấu xa và cố gắng làm việc thiện, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội…Do đó, các doanh nhân này có ý thức, tâm thái quyết tâm “tu tại chợ”, thực chất là làm kinh doanh có đạo đức và văn hóa theo triết lý của đạo Phật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vận dụng triết lý đạo phật trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp của tập đoàn hoa sen (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)