1.3 Sự cần thiết của vốn đầu tư mạo hiểm đối với doanh nghiệp công nghệ cao…
1.3.4 Ảnh hưởng của vốn đầu tư mạo hiểm đối với sự phát triển của doanh
nghiệp công nghệ cao
Một nhà sáng lập trong lĩnh vực công nghệ cao với một ý tưởng mới hay một phát hiện mới trước hết sẽ huy động toàn bộ số vốn anh ta có để thực thi ý tưởng. Khi nhu cầu về vốn đầu tư tăng lên, anh ta sẽ tìm đến gia đình và bạn bè để tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt tài chính. Tuy nhiên, khi công ty phát triển, đặc biệt khi ý tưởng của nhà sáng lập cần tìm kiếm thêm sự đầu tư mới, nguồn vốn cần đầu tư sẽ nhanh chóng vượt qua khả năng tài chính của các nhà sáng lập và các khoản họ có thể huy động được. Đây là trạng thái cần hỗ trợ tài chính từ các nguồn vốn mạo hiểm để phát triển ý tưởng.
Hỗ trợ tài chính từ các quỹ đầu tư mạo hiểm có thể lên đến vài trăm ngàn đô la Mỹ để phát triển các sản phẩm công nghệ có thể mang lại tính đột phá. Những nhà sáng lập sẽ sử dụng khoản vốn đầu tư mạo hiểm để phát triển và chứng minh ý tưởng của họ, nghiên cứu tiềm năng thị trường và chuẩn bị kế hoạch kinh doanh. Cùng với việc thu hút được nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, các doanh nghiệp công nghệ cũng đồng thời nhận được sự hỗ trợ về mặt quản lý từ các tổ chức cấp vốn, đây là điều quan trọng bởi người khởi nghiệp (có thể là một nhà khoa học hoặc một kĩ sư) thông thường không có các kĩ năng về tiếp thị, tài chính hoặc quản lý cần thiết để đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển doanh nghiệp.
Các công ty công nghệ cao mới thành lập thường cần nhiều vốn hơn để chuẩn bị cho hoạt động nghiên cứu và thương mại. Ở giai đoạn này, công ty cần phải tập trung nghiên cứu thị trường, xây dựng bộ máy quản lý, phát triển kế hoạch kinh doanh và chuẩn bị cho việc kinh doanh. Nguồn vốn cho các hoạt động này đến từ các quỹ đầu tư mạo hiểm dựa trên kế hoạch tài chính của chính các doanh nghiệp công nghệ.
Tài chính của công ty mới thành lập và hoạt động ở giai đoạn đầu có thể thay đổi và lên tới vài triệu đô la. Tuy nhiên, do không có thông tin về lịch sử tình hình tài chính của công ty nên các quỹ đầu tư mạo hiểm quyết định có đầu tư hay không dựa vào nhận thức của họ về sự thành công cuối cùng của công ty. Do vậy, vốn đầu tư mạo hiểm sẽ được quyết định bằng kế hoạch kinh doanh, kinh nghiệm và kiến thức của đội ngũ quản lý. Cùng với đó, quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ tìm cách để bảo vệ khoản đầu tư của họ, thường được dùng dưới dạng cổ phần của công ty và một số điều khoản nhất định như thay đổi người quản lý cấp cao hoặc cử đại diện nằm trong ban quản lý của công ty.
Khi công ty phát triển mạnh hơn, nhu cầu về vốn của công ty sẽ tăng lên một cách tương ứng. Nguồn vốn lớn sẽ là cần thiết để tăng quy mô sản xuất, phát triển và tiếp thị sản phẩm hoặc cung cấp thêm các nguồn vốn hoạt động khác. Ở giai đoạn này, công ty sẽ có doanh thu và có thể có lợi nhuận, tuy nhiên lợi nhuận này sẽ là ko đủ để mở rộng sản xuất. Giai đoạn này, công ty sẽ cần các nhà cung cấp vốn đầu tư mạo hiểm tiếp tục rót vốn (giai đoạn hai và giai đoạn ba).
Phụ thuộc vào hoạt động của công ty và giai đoạn phát triển, giai đoạn góp vốn lần hai hoặc lần ba có thể lên đến hàng chục triệu USD. Ở thời điểm này, dữ liệu về hoạt động của công ty đã tồn tại, do vậy các quỹ đầu tư mạo hiểm có thể dựa vào đó để quyết định xem có tiếp tục rót vốn hay không. Tuy nhiên, một số trường hợp cũng có thể áp dụng những tiêu chí và điều kiện giống như khi cung cấp vốn ở giai đoạn đầu. Các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng thường xuyên giấu khoản đầu tư của họ vào một công ty thông qua các quỹ mạo hiểm khác.
Cuối cùng, một công ty thành công sẽ đi đến giai đoạn phát triển thực sự khi nó sẵn sàng cho việc IPO (initial public offering) trên thị trường chứng khoán và trở thành một công ty đại chúng. Tùy thuộc vào từng ngành nghề,
đợt IPO có thể được diễn ra trước hoặc sau khi công ty có lợi nhuận. Nó cũng có thể thay đổi vị trí của các cổ đông chính, như các nhà đầu tư ban đầu muốn giảm hoặc rút khỏi vị trí của mình, hoặc là các nhà quản lý mới sẽ muốn mua lại các nhà quản lý hiện hành. Ở giai đoạn cuối này, để hoàn thành các thay đổi, công ty cần có tổ chức tài chính trung gian (bridge finance).
Giống như giai đoạn hai và giai đoạn ba, tài chính trung gian có thể liên quan đến một lượng vốn lớn. Tuy nhiên, việc chuyển giao ở giai đoạn phát triển này của công ty đã vượt qua ngoài giới hạn thông thường của hoạt động đầu tư mạo hiểm và được phân loại vào việc đầu tư cổ phần.
Tóm lại, vốn đầu tư mạo hiểm có vai trò to lớn và quyết định trong quá trình phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao mới thành lập hoặc đang trong quá trình mở rộng sản xuất. Vốn đầu tư mạo hiểm cung cấp nguồn tài chính cần thiết cho quản lý, nghiên cứu và kinh doanh xuyên suốt quá trình phát triển của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp công nghệ có thể tạo ra những đột phá và thành công để bước sang giai đoạn phát triển bền vững.