Vai trò của phát triển sản xuất chè bền vững

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển sản xuất chè bền vững trên địa bàn huyện thanh sơn, tỉnh phú thọ (Trang 25 - 28)

Chương 1 CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA ĐỀ TÀI

1.1. Cơ sở lý luận về phát triển

1.1.2. Vai trò của phát triển sản xuất chè bền vững

1.1.2.1. Cung cấp nguyên liệu ổn định cho ngành công nghiệp chế biến chè

Lịch sử tồn tại của cây chè ở Việt Nam đã được phát hiện từ lâu nhưng cây chè mới chỉ trồng và phát triển với quy mô lớn từ khoảng 100 năm nay và nó cũng đã nhanh chóng trở thành cây công nghiệp mũi nhọn có giá trị kinh tế cao. Hiện nay Việt Nam là một trong 5 nước có diện tích trồng và sản lượng chè cao nhất thế giới. Sản phẩm chè Việt Nam có mặt trên thế giới với các thị trường xuất khẩu chính là Pakistan, Đài Loan, Liên Bang Nga, Trung Quốc… và gần đây đã bước đầu đưa vào thị trường khó tính như Tây Âu, Nhật Bản, Bắc Mỹ. Do đó sẽ đem lại nguồn kim ngạch xuất khẩu đáng kể cho đất nước (Việt Oanh, 2018).

Đối với nước ta, sản phẩm chè không chỉ thoả mãn nhu cầu trong nước, mà còn là một mặt hàng xuất khẩu quan trọng tạo ra nguồn thu ngoại tệ lớn, giúp nước ta có thêm một nguồn ngân sách để đầu tư vào phát triển kinh tế của đất nước, cải thiện nâng cao mức sống của người dân. Xét ở tầm vĩ mô thì xuất khẩu chè cũng như xuất khẩu các mặt hàng khác nó là cơ sở để đẩy mạnh lưu thông buôn bán giữa các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần tạo sự cân bằng giữa xuất khẩu và nhập khẩu trong tổng thể nền kinh tế, đồng thời nó tạo nên mối quan hệ bình đẳng, thân thiện, cùng có lợi giữa các nước xuất khẩu, nhập khẩu trên thế giới (Việt Oanh, 2018).

Đối với các hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm chè thì cây chè mang lại thu nhập ổn định, cao hơn nhiều so với nhiều loại cây trồng khác, bởi cây chè có tuổi thọ cao có thể sinh trưởng, phát triển và cho sản phẩm có giá trị cao và đều đặn trong khoảng 50 - 60 năm, do vậy nó sẽ tạo ra một nguồn thu đều đặn lâu dài và có giá trị kinh tế cao, giúp các hộ cải thiện đời sống, nâng cao mức sống của người dân.

Đồng thời nó còn tạo ra một lượng của cải vật chất lớn cho xã hội, tăng thu nhập cho người dân, cải thiện mức sống của khu vực nông thôn, tạo sự thay đổi lớn cho bộ mặt các vùng nông thôn, nhất là trong giai đoạn đổi mới hiện nay, việc phát triển sản xuất chè góp phần đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông thôn, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của khu vực nông thôn, nâng cao mức sống của các vùng nông thôn, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn (Lê Hữu Nghĩa, 2009).

Do vậy phát triển chè nguyên liệu ngoài ý nghĩa kinh tế, còn ổn định đời sống và định cư cho người dân do sử dụng nhiều lao động tại chỗ để chăm sóc, thu hái, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ chè. Ưu điểm tương đối của chè là hệ số chi phí nội nguồn thấp do nguồn lực tự nhiên dồi dào và chi phí lao động thấp. Cây chè thực sự được coi là người bạn “chung thủy” của nông dân (Hoàng Anh, 2019). Cây chè tỉnh Phú Thọ đã từng là “cây xoá đói giảm nghèo” và hiện đang là “cây làm giàu” của của nhiều hộ nông dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ, 2019).

1.1.2.2. Góp phần bảo vệ môi trường

Cây chè là loại cây trồng thích hợp với các vùng đất miền núi và trung du, những vùng đất cao, khô thoáng. Hơn thế nữa nó còn gắn bó keo sơn ngay cả với những vùng đất đồi dốc khô cằn sỏi đá. Chính vì vậy trồng chè không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, mà nó còn góp phần bảo vệ môi trường, phủ xanh đất trống đồi trọc, tạo ra cảnh quan đẹp. Kết hợp trồng chè với trồng rừng sẽ tạo nên những vành đai chống xói mòn, rửa trôi, giữ lại lớp màu mỡ cho đất, cải tạo đất tăng độ phì cho đất bạc màu, góp phần bảo vệ môi trường phát triển một nền nông nghiệp bền vững (Trần Văn Chử, 2004).

Do cây chè núi cao gắn liền với vùng núi cao và vùng đồng bào dân tộc từ lâu đời, đã hình thành tập quán canh tác chè rất phù hợp với đặc điểm sinh trưởng tự nhiên của cây chè. Trồng chè núi cao giống như trồng rừng, bảo vệ chè là bảo vệ rừng. Vì vậy, phát triển cây chè có ý nghĩa lớn về sinh thái, môi trường và đóng góp tích cực vào chương trình trồng rừng, bảo vệ môi trường vùng cao bền vững. Với đặc điểm thân cây lớn, tán rộng sống chung với cây rừng, tuổi thọ

cao, chè vừa là cây trồng nông nghiệp vừa là cây rừng, nó có tác dụng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cải tạo đất, tạo cân bằng sinh thái cho vùng núi cao, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp bền vững (Phạm Ngọc Hồ và cs., 2001). Đặc biệt nghề trồng và chế biến chè còn đem lại hiệu quả lớn về xã hội, tạo công ăn, việc làm và đảm bảo thu nhập cho hàng triệu người. Đặc biệt nghề trồng chè đã giúp cho đồng bào dân tộc vùng cao định canh, định cư, ổn định cuộc sống, giảm bớt nạn chặt phá rừng, đốt nương rẫy, bảo vệ sinh thái góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cải thiện môi trường (Nguyễn Huế, 2014).

Bên cạnh đó nó còn có tác dụng giảm thiểu xói mòn, rửa trôi của đất, cân bằng sinh thái, góp phần bảo vệ môi trường, phủ xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ đất, bảo vệ môi trường sinh thái. Nước ta có điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây chè, nhân dân ta lại có kinh nghiệm và tập quán trồng chè lâu đời, khéo léo trong các khâu thu hoạch, chế biến chè, có các cơ sở nghiên cứu lâu năm về chè. Do đó tiềm năng khai thác và phát triển sản xuất chè trong những năm tiếp theo là rất lớn và khả thi (Đỗ Ngọc Qúy và cs., 1997).

1.1.2.3. Giúp cho sản xuất chè nguyên liệu tăng tiến, ổn định

Đối với hộ nông dân sản xuất chè thì giá trị tạo ra từ cây chè sẽ là nguồn thu nhập chính của các hộ sản xuất chè, chè là nguồn thu rất quan trọng đối với các địa phương có diện tích trồng chè lớn. Do đó, phát triển chè nguyên liệu sẽ có vai trò tạo nguồn thu nhập ổn định cho các hộ sản xuất chè. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nền kinh tế của các địa phương nếu phụ thuộc quá nhiều vào ngành sản xuất này và sự phát triển sản xuất chè nguyên liệu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững nền kinh tế - xã hội của toàn vùng. Phát triển chè nguyên liệu góp phần định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, tạo và giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xoá đói giảm nghèo, nhưng cần phải giữ ổn định và bền vững phát triển chè nguyên liệu trên địa bàn tỉnh. Sản xuất chè nguyên liệu có phát triển bền vững thì mới đem lại thu nhập ngày càng tăng, hiệu quả kinh tế ngày càng cao cho các tác nhân tham gia, để từ đó ổn định và phát triển sản xuất, đóng góp vào phát triển kinh tế chung của địa phương và đất nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển sản xuất chè bền vững trên địa bàn huyện thanh sơn, tỉnh phú thọ (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)