Quá trình phát triển chè ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển sản xuất chè bền vững trên địa bàn huyện thanh sơn, tỉnh phú thọ (Trang 36 - 39)

Chương 1 CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA ĐỀ TÀI

1.2. Cơ sở thực tiễn

1.2.1. Quá trình phát triển chè ở Việt Nam

- Vài nét về lịch sử phát triển sản xuất chè ở Việt Nam

Ngành sản xuất chè của Việt Nam có lịch sử, truyền thống lâu đời, trong quá trình phát triển được chia thành nhiều giai đoạn khác nhau: Vào khoảng trước thế kỷ thứ 17, sản xuất chè hình thành 2 vùng chính: Vùng Trung du (chè vườn) sản xuất chè tươi, chè nụ và chè băm, chế biến đơn giản (Vân Trai ở Thanh Hoá, Truồi ở Huế); Vùng chè rừng ở miền núi, sản xuất chè Chi, chè Mạn, chè lên men bán phần (đồng bào dân tộc Dao, H' Mông...) .

+ Đến thế kỷ 19, người Pháp bắt đầu khảo sát, sản xuất và buôn bán chè ở Hà Nội. Năm 1890, Paul Chaffanjon cho xây dựng đồn điền chè đầu tiên ở Tình Cương (Phú Thọ) với diện tích khoảng 60ha. Đến năm 1918, thành lập Trung tâm Nghiên cứu Nông lâm nghiệp Phú Thọ tại Phú Hộ. Năm 1925, cây chè bắt đầu phát triển mạnh, cả nước hình thành 3 vùng chè chính: vùng chè Tây Nguyên, vùng chè Trung bộ, vùng chè Bắc bộ và Bắc Trung bộ.

+ Đến năm 1939, tổng diện tích chè cả nước khoảng 13.000 ha, sản lượng đạt khoảng 6.000 tấn chè khô, năng suất bình quân đạt khoảng 461kg chè khô/ha/năm. Trong thời kỳ này cũng đã bắt đầu có các công trình nghiên

cứu về cây chè do các Trung tâm nghiên cứu Nông lâm nghiệp ở Phú Hộ (1918), Pleiku (1927), Bảo Lộc (1931) thực hiện.

+ Giai đoạn 1945-1975, do đất nước trải qua 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, chiến tranh tàn phá nên việc phát triển sản xuất chè bị đình trệ. Sản xuất chè chỉ được chú ý phát triển trở lại sau năm 1975 khi đất nước hoàn toàn được giải phóng.

+ Năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, thị trường chè Việt Nam rơi vào khó khăn. Để tồn tại, ngành chè đã từng bước chuyển dần từ sản xuất theo kế hoạch hóa sang cơ chế kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế; một số liên doanh sản xuất chè giữa Việt Nam với các công ty chè đến từ Đài Loan, Ấn Độ, Irắc được hình thành. Đó là khởi đầu thời kỳ sản xuất, hội nhập của nền sản xuất chè Việt Nam.

+ Đến những năm cuối của thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, ngành sản xuất chè của nước ta có bước phát triển khá nhanh. Tính đến năm 2010, cả nước có 34 tỉnh trồng chè với tổng diện tích 130 nghìn ha (tăng gấp 10 lần so với năm 1939), năng suất bình quân đạt 7,15 tấn búp tươi/ha (tăng 3,5 lần so với năm 1939). Các loại hình kinh doanh chè đa dạng, phong phú; nhiều nhà máy chế biến chè đen công nghệ CTC và OTD của các công ty nước ngoài đầu tư tại Việt Nam được thành lập (Phú Bền, Phú Đa - Phú Thọ...); xuất hiện nhiều công ty: công ty chế biến chè Ôlong của Đài Loan (Lâm Đồng), các công ty chế biến chè xanh của Trung Quốc, Nhật Bản (Lâm Đồng, Thái Nguyên, Sơn La) và nhiều hộ chế biến chè xanh thủ công (đặc biệt là ở vùng chè Thái Nguyên).

- Vị trí, vai trò của cây chè trong đời sống, nền kinh tế quốc dân

Cây chè được phát hiện cách đây 4.000 năm. Sản phẩm chè được sử dụng làm nước uống đầu tiên ở Trung Quốc. Ngày nay, cùng với nền sản xuất nông nghiệp phát triển, chè là thứ nước uống lý tưởng và có giá trị kinh tế

cao, trở thành thứ nước uống thông dụng và phổ biến ở 115 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Chè là cây công nghiệp lâu năm, trồng một lần có thể cho thu hoạch từ 30-50 năm và có thể lâu hơn. Cây chè sớm cho thu hoạch, chỉ 3 năm sau trồng đã cho thu hoạch 2,5-3,0 tấn búp tươi/ha. Thời kỳ đầu sản xuất kinh doanh, năng suất đạt 5-10 tấn búp tươi/ha. Giai đoạn kinh doanh ổn định, năng suất đạt 12-15 tấn búp tươi/ha, một số nương chè có thể cho năng suất 20-30 tấn búp tươi/ha. Giá trị thu nhập có thể đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm. Trong điều kiện được đầu tư thâm canh cao, chè là cây làm giàu. Với những người ít vốn, chè là cây trồng giúp xóa đói, giảm nghèo. Đối với cây chè, khi có thị trường tiêu thụ, đầu tư lớn sẽ thu được lợi nhuận cao; khi thị trường khó khăn có thể áp dụng biện pháp giãn đầu tư, thu lợi ít cũng không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của cây chè.

Theo nhận định của Viện sĩ Vavilov và Dzemukhaze (Liên Xô), Harler (Ấn Độ): Việt Nam đã trồng và chế biến chè từ lâu đời, có những sản phẩm chè nổi tiếng trên thế giới không thua kém chất lượng chè vùng Maldora (Ấn Độ) và vùng cao nguyên Srilanca. Trong nguyên liệu chè Shan Việt Nam, hàm lượng hợp chất catechin đơn giản cao hơn so với nguyên liệu chè ở các nước khác, điều đó chứng tỏ Việt Nam cũng là một trong những vùng nguyên liệu sản xuất chè của thế giới (J.Werkhoven-1974). Vì vậy, cây chè là một cây thế mạnh của Việt Nam. Gần đây, một số nhà doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng: nguyên liệu chè Việt Nam, nếu được chế biến bằng thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, sẽ tạo ra sản phẩm chè có chất lượng tốt, khả năng giá bán cao gấp 1,3-2,0 lần so với hiện nay.

Sản xuất chè được coi là một trong những ngành có thế mạnh ở vùng Trung du và Miền núi. Cây chè ít tranh chấp đất với cây lương thực, thích hợp trên đất dốc. Trồng chè có tác dụng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, hạn chế xói mòn, rửa trôi. Chè là cây trồng sử dụng có hiệu quả đất đai, khí hậu

vùng đồi núi. Phát triển chè sẽ thu hút được lượng lao động đáng kể, không những chỉ trong khâu sản xuất nguyên liệu mà cả khâu chế biến và tiêu thụ. Do vậy phát triển chè ngoài ý nghĩa kinh tế, còn ổn định đời sống và định cư cho người dân do sử dụng nhiều lao động tại chỗ để chăm sóc, thu hái, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ chè. Ưu điểm tương đối của chè là hệ số chi phí nội nguồn thấp (DRC - Domestic Resource Cost) do nguồn lực tự nhiên dồi dào và chi phí lao động thấp. Cây chè thực sự được coi là người bạn “chung thủy” của nông dân và có triển vọng làm giàu ở các tỉnh Trung du và Miền núi.

Chè là sản phẩm xuất khẩu có vị trí quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Thị trường chè tương đối rộng và có triển vọng. Phát triển sản xuất chè (nhất là sản xuất sản phẩm chè chất lượng cao) sẽ hứa hẹn một nguồn thu ngoại tệ đáng kể. Trên thị trường thế giới, giá chè đen thường dao động từ 1.200-1.990 USD/tấn, giá chè xanh từ 2.000 - 3.000 USD/tấn. Thị trường Tây Âu và Bắc Mỹ có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu chè đen chất lượng cao. Tuy nhiên, do hầu hết công nghệ và thiết bị chế biến chè của nước ta còn lạc hậu, nên sản phẩm tạo ra chưa đáp ứng được nhu cầu chất lượng của thị trường.

Khi sản xuất chè phát triển, vùng sản xuất sẽ có hệ thống giao thông, điện, hệ thống dịch vụ phát triển, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển; tư duy con người thay đổi, kéo theo xã hội phát triển; phát triển sản xuất chè góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới và phát triển bền vững.

Chè được đánh giá là cây trồng có nguồn gốc bản địa, có nhiều lợi thế trong sản xuất ở vùng Trung du và Miền núi; thị trường tiêu thụ chè rộng mở; đầu tư sản xuất chè có hiệu quả cao cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Cây chè là cây có tính chiến lược trên những vùng đất Trung du - Miền núi.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển sản xuất chè bền vững trên địa bàn huyện thanh sơn, tỉnh phú thọ (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)